Chế độ đãi ngộ - Tuyệt chiêu thu hút nhân sự!
1. “Đãi ngộ” và “Chế độ đãi ngộ”
Đãi ngộ và chế độ đãi ngộ chắc hẳn cũng không còn xa lạ đối với những người đã và đang tham gia vào thị trường lao động.
Đãi ngộ là một động từ mang nghĩa là cho hưởng các quyền lợi theo chế độ tương xứng với sự đóng góp. Trong doanh nghiệp, “đãi ngộ” là những quyền lợi mà người lao động được hưởng tương xứng với sự đóng góp của mình trong quá trình làm việc.
Những đãi ngộ mà nhân viên được hưởng theo chế độ đó gọi là Chế độ đãi ngộ hay còn gọi là “chế độ đãi ngộ nhân viên” hay “chế độ đãi ngộ doanh nghiệp”. Các chế độ đãi ngộ này là những thứ mà doanh nghiệp chăm lo cho người lao động về đời sống vật chất lẫn tinh thần, đảm bảo cho người lao động có tinh thần làm việc tốt để giúp họ hoàn thành được công việc và mục tiêu chung mà doanh nghiệp đã đề ra. Đây cũng là một trong các yếu tố quan trọng mà người lao động xem xét, cân nhắc tiếp tục làm việc đóng góp tại doanh nghiệp hay nhảy việc sang những doanh nghiệp có các chế độ đãi ngộ tốt hơn.
2. Tại sao người lao động thường lựa chọn công việc có đãi ngộ tốt?
Một công ty có chế độ đãi ngộ tốt là một công ty biết thấu hiểu nhân viên bởi họ thấu hiểu những thứ nhân viên mong muốn và cung cấp những lợi ích mà bạn thực sự cần đến. Người lao động tin rằng ở đó, những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của họ được lắng nghe. Những doanh nghiệp này đề cao văn hóa giao tiếp cởi mở giữa nhân viên và chủ doanh nghiệp, bạn có thể thoải mái đề xuất ý kiến trong công việc, sẵn sàng tạo cơ hội để bạn có thể chứng minh năng lực của bản thân với cấp trên.
Tiếp đó, làm việc ở những công ty có chế độ đãi ngộ tốt, người lao động sẽ có động lực phấn đấu và phát triển bởi bạn sẽ được hưởng mức thưởng xứng đáng với tài năng và công sức mà họ đã bỏ ra. Thêm nữa, những công ty có chế độ đãi ngộ tốt luôn sẵn sàng đầu tư cho nhân viên của mình học hỏi, nâng cao, hoàn thiện và phát triển bản thân thông qua các khóa đào tạo chuyên môn mà công ty tổ chức. Đây sẽ là một môi trường hoàn hảo cho sự phát triển sau này.
Ngoài ra, làm việc tại công ty có chế độ đãi ngộ tốt là vì lợi ích sức khỏe của chính bản thân người lao động bởi họ sẽ không cần lo lắng về tình trạng họp hành liên miên và những ngày tháng làm việc triền miên, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, các khoản phúc lợi mà bạn được hưởng ở công ty được mua từ các nhà cung cấp có giá tốt hơn nhiều so với việc tự chi trả bằng tiền lương. Vì vậy mà người lao động có thể tiết kiệm được nhiều khoản chi phí hơn.
3. Tại sao doanh nghiệp cần có “Chế độ đãi ngộ”?
Chế độ đãi ngộ nhân viên trong doanh nghiệp đóng góp một phần rất quan trọng trong doanh nghiệp, nhất là đối với người lao động. Bạn có thể thấy trong các tin tuyển dụng, ở bất kỳ vị trí nào, ngoài các yêu cầu về công việc và lương, nhà tuyển dụng luôn ghi rõ các chế độ đãi ngộ ở phần cuối của tin tuyển dụng bởi chế độ đãi ngộ là một trong những tuyệt chiêu mà nhà tuyển dụng thu hút nhân sự. Một doanh nghiệp với nhiều chế độ đãi ngộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên được doanh nghiệp chăm sóc trở thành nguồn động lực để các ứng viên ứng tuyển vào làm tại doanh nghiệp. Mặc dù mỗi vị trí công việc, mỗi tính chất công việc có những chế độ đãi ngộ khác nhau, tuy nhiên các chế độ đãi ngộ nhân viên đều mang những vai trò quan trọng sau đây:
[i] Đối với người lao động
Khi có chế độ đãi ngộ nhân viên phù hợp tạo điều kiện cho người lao động cải thiện đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của người lao động bởi nhờ có chế độ đãi ngộ nhân viên, người lao động được đảm bảo họ được nhận những gì xứng đáng với công sức và tâm huyết mà họ đã đóng góp cho công việc, cho doanh nghiệp. Đây cũng là nguồn động lực, nguồn cảm hứng cho người lao động cống hiến hết mình cho công việc, từ đó hiệu quả, năng suất công việc được nâng cao. Không chỉ vậy, chế độ đãi ngộ nhân viên trong doanh nghiệp còn khẳng định được vị trí của người lao động bởi mỗi vị trí công việc có một chế độ đãi ngộ nhân viên khác nhau, vị trí càng cao, đãi ngộ càng lớn, từ đó nó tác động mạnh mẽ tới tinh thần làm việc năng động, sáng tạo, hăng hái của nhân viên, gia tăng hiệu quả công việc.
[ii] Đối với doanh nghiệp
Các chế độ đãi ngộ nhân viên cũng đóng góp một vai trò to lớn cho doanh nghiệp. Các chế độ đãi ngộ nhân viên trong doanh nghiệp chính là một trong những điều kiện để có thể giúp cho doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng cũng như tính hiệu quả của hoạt động doanh nghiệp.
Thêm nữa, chế độ đãi ngộ góp phần giúp doanh nghiệp có thể duy trì sự ổn định về nguồn nhân lực bởi chế độ đãi ngộ là một trong những phương thức để doanh nghiệp thu hút nhân sự, giữ chân những lao động tài năng ở lại làm việc, từ đó nâng cao tính hiệu quả của những chức năng quản trị của doanh nghiệp
Pháp luật Việt Nam cũng ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách đãi ngộ cho công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp. Điểm d khoản 2 điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động: “Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Bởi vậy các chính sách đãi ngộ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và giáo dục việc làm đối với người lao động là bắt buộc. Một doanh nghiệp muốn phát triển được mà không thu hút được nguồn nhân lực, không giữ chân được các ứng viên tài năng thì khó mà đi lên được.
[iii] Đối với xã hội
Chế độ đãi ngộ nhân viên có những tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của xã hội. Chế độ đãi ngộ đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tệ nạn xã hội, duy trì được tính ổn định của xã hội. Đồng thời hiệu quả công việc mà người lao động tạo ra cho doanh nghiệp cũng đóng góp một phần nào đó vào nền kinh tế quốc gia, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Các hình thức đãi ngộ nhân viên
Trên thực tế, các chế độ đãi ngộ được chia làm 2 hình thức cụ thể đó là: chế độ đãi ngộ bằng hiện vật và đãi ngộ bằng tình thần.
- Chế độ đãi ngộ nhân viên bằng hiện vật: Đó là những lợi ích mà các doanh nghiệp trao cho nhân viên của mình một cách thiết thực, có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống của người lao động. Các chế độ đãi ngộ nhân viên bằng hiện vật như: Tiền mặt, vàng, tiền lương cơ bản, các khoản tiền thưởng, các loại phụ cấp: phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại, quà tặng sinh nhật, hiếu hỷ, khoản tiền doanh nghiệp chi cho nhân viên đi ăn uống, liên hoan, du lịch, teambuilding,…
- Chế độ đãi ngộ nhân viên bằng tinh thần: Các chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp trao cho nhân viên có thể kể đến như: tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, thời gian làm việc linh hoạt, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên,…
5. Các chính sách đãi ngộ nhân viên phổ biến tại doanh nghiệp
Tùy từng doanh nghiệp sẽ có những chính sách đãi ngộ nhân viên khác nhau để thu hút nguồn nhân lực. Top 9 những doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ nhân viên tốt nhất hiện nay có thể kể đến như: Unilever, Honda, Viettel, Vinamilk, Samsung, TPBank, Nestle, Sun Group,… Tuy nhiên, các chính sách đãi ngộ nhân viên phổ biến thường được doanh nghiệp thường sử dụng bao gồm:
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: Các chế độ của bảo hiểm xã hội như “giá đỡ cho người lao động khi gặp các rủi ro trong cuộc sống hoặc tai nạn lao động, vì lậy mà pháp luật lao động quy định khi phát sinh quan hệ lao động thì người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm cho người thân,.. chính là một điểm cộng quan trọng để đáp ứng mong muốn của nhân viên
- Các loại lợi ích phụ trợ: Ngoài lương, các doanh nghiệp còn chi trả thêm các khoản phụ cấp cho nhân viên như: thưởng, hoa hồng, phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại, tổ chức, tặng quà sinh nhật, tiền hiếu hỷ, các chuyến du lịch, liên quan. Chi phí bỏ ra cho những hoạt động này thường không lớn, tuy nhiên rất được người sử dụng lao động vào người lao động đánh giá cao bởi nó thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên, gia tăng sự hài lòng của nhân viên với doanh nghiệp đồng thời gắn kết sự đoàn kết giữa các nhân viên với nhau và với doanh nghiệp.
- Thời gian linh hoạt và các chế độ nghỉ, phép: Một số doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa, thời gian linh hoạt, có thể xoay ca theo lịch, tăng số lượng ngày phép ca hưởng nguyên lương hay tăng ngày phép theo thâm niên làm việc. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có thời gian và các chế độ ngày nghỉ, ngày phép linh hoạt sẽ được nhân viên đánh giá cao.
- Tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn cho nhân viên: Thông thường, một số doanh nghiệp tổ chức các buổi hội thảo, các buổi đào tạo, các khóa học bồi dưỡng kỹ năng dành cho nhân viên. Thực tế cho thấy nhân viên nào cũng mong muốn được nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn của mình để được đóng góp và thăng tiến trong công việc của mình. Bởi vậy mà không có gì tuyệt vời hơn khi họ có thể được tham gia các lớp đào tạo đó tại chính công ty của mình. Chính sách đãi ngộ này không những tạo được sự hài lòng cho nhân viên đối với các chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng nhân viên của mình.
Ngoài ra còn một số chính sách khác mà doanh nghiệp có thể áp dụng như: khen thưởng cuối năm, được đầu tư trang thiết bị làm việc, các lợi ích đi kèm cho người thân của người lao động như: tổ chức trung thu cho con của nhân viên, khen thưởng nhân viên và con của nhân viên có thành tích học tập tốt,...
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm