Bốn bước xây dựng và phát triển nhân tài cho doanh nghiệp
1- Lên kế hoạch nguồn nhân lực
Tùy vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp nhượng quyền mà việc tổ chức nhân sự có thể khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh.
Tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh chức năng và số lượng phòng ban phù hợp. Ví dụ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ có thể không cần phòng cung ứng. Chức năng thu mua có thể chuyển cho phòng hành chính hoặc kế toán đảm nhận. Tuy nhiên, dù là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề gì hay với quy mô thế nào, doanh nghiệp nhất thiết phải thể hiện tình hình và cấu trúc nhân sự bằng sơ đồ tổ chức. Sơ đồ này cần phải được phổ biến trong nội bộ cũng như đến từng đối tác nhận quyền, đảm bảo tính xuyên suốt và minh bạch trong quan hệ đối tác, đồng thời cũng hỗ trợ quá trình thông tin giao tiếp được liên tục và hiệu quả.
Ngoài việc chuẩn bị kế hoạch nguồn nhân lực cho nội bộ doanh nghiệp, đối với một số ngành nghề B2C (business-to-customer) có nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực nhiều và thường xuyên cho chi nhánh như ngành bán lẻ, nhà hàng khách sạn, dịch vụ tiêu dùng..., doanh nghiệp nhượng quyền cũng cần lập kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cần thiết cho toàn hệ thống, về mặt lý thuyết, đối tác nhận quyền là người chịu trách nhiệm tuyển dụng và lựa chọn đội ngũ nhân viên chi nhánh. Tuy nhiên, trên thực tế, đối tác có thể thiếu kinh nghiệm về tuyển dụng và quản lý nhân sự, hoặc không tuyển dụng đủ nhân sự do ảnh hưởng trực tiếp từ việc thiếu nguồn nhân lực chung tại thị trường Việt Nam trong một số ngành nghề nhất định. Đây là một trong những dịch vụ cộng thêm giá trị cho đối tác nhận quyền, và cũng là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển nhượng quyền bền vững.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest
2-Thu hút nhân tài
Việc tuyển dụng và lựa chọn ứng viên thích hợp đối với nội bộ doanh nghiệp nhượng quyền thật ra không khác gì so với các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cũng phải có quy trình tuyển dụng và các biểu mẫu hỗ trợ để có thể thực hiện tốt công việc này. Tùy vào quy mô doanh nghiệp, đặc điểm ngành nghề, và nhu cầu công việc mà các giai đoạn tuyển dụng hoặc công cụ tuyển dụng của mỗi doanh nghiệp khác nhau.
[a] Xác định yêu cầu vị trí cần tuyển dụng
Dù có sử dụng mô hình nhượng quyền hay không, một tổ chức doanh nghiệp lúc nào cũng cần phải có bản mô tả công việc cho tất cả các vị trí nhân sự. Đối với mô hình nhượng quyền, việc này càng trở nên quan trọng, đặc biệt là đối với các vị trí cần thiết để vận hành chi nhánh.
[b] Thông báo tìm ứng viên
Việc thông báo tìm ứng viên có thể sử dụng hai nguồn chính, nội bộ và bên ngoài. Việc thông báo tuyển dụng trong nội bộ là một hình thức tạo cơ hội cho các nhân sự hiện hữu thăng tiến hoặc thuyên chuyển công việc, qua đó doanh nghiệp giữ chân được các nhân sự có tiềm năng và mong muốn phát triển cùng doanh nghiệp. Đối với các nguồn tuyển dụng bên ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể xem xét sử dụng các website tuyển dụng, các công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng, các trung tâm lao động việc làm, hoặc có thể trực tiếp đăng tuyển trên báo chí.
[c] Lựa chọn ứng viên
Tùy theo yêu cầu công việc của từng vị trí mà việc phỏng vấn và kiểm tra kiến thức, kỹ năng được thực hiện khác nhau. Nhiều doanh nghiệp sử dụng các bài kiểm tra năng lực, kỹ năng, và ngay cả tính cách trong quá trình lựa chọn. Đây là những công cụ được xây dựng nhằm hỗ trợ quá trình đánh giá và lựa chọn ứng viên. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phân tích yêu cầu cần thiết cho vị trí trước khi lựa chọn các bài kiểm tra phù hợp.
Quan trọng hơn hết đối với mô hình nhượng quyền là tất cả các quy trình, tài liệu, biểu mẫu trên cần được doanh nghiệp nhượng quyền chuẩn hóa, biên soạn thành tài liệu hướng dẫn cho đối tác nhận quyền.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
3- Phát triển ứng viên có năng lực
[a] Đào tạo và phát triển
Đào tạo là quá trình hướng dẫn nhân viên mới các kỹ năng, kiến thức, và thái độ cơ bản để có thể thực hiện thành công công việc yêu cầu. Đào tạo đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại.
Phát triển là tạo ra các cơ hội bồi dưỡng kiến thức, giúp nhân viên phát triển trong nghề nghiệp của mình. Phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp tương lai.
Như vậy, có thể nói phòng đào tạo và phát triển là phòng ban đáp ứng cả hai nhu cầu tổ chức của doanh nghiệp là nhu cầu ngắn hạn, giúp nhân sự vận hành hiệu quả trong thời điểm hiện tại, và nhu cầu dài hạn, giúp doanh nghiệp chuẩn bị đội ngũ nhân sự phục vụ nhu cầu phát triển của hệ thống trong tương lai. Cả hai nhu cầu này đều quan trọng như nhau và đều góp phần giúp doanh nghiệp nhượng quyền đảm bảo việc triển khai tiêu chuẩn chất lượng hệ thống và phát triển nhượng quyền bền vững.
(i) Xác định nhu cầu đào tạo và phát triển
Đây là một dự án mang tầm vóc tổ chức doanh nghiệp vì dự án không chỉ liên quan đến nhân sự của doanh nghiệp nhượng quyền mà còn ảnh hưởng đến việc đào tạo và phát triển toàn hệ thống, trong đó bao gồm các đối tác nhận quyền và độí ngũ của đối tác nhận quyền. Do đó, nhu cầu đào tạo và phát triển cần phải được xác định cho tất cả các vị trí hiện đang tồn tại và sẽ phát sinh trong toàn hệ thống.
(ii) Thiết lập mục tiêu cụ thể
Bất kỳ chương trình Đào tạo và phát triển nào cũng đòi hỏi phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, và đo lường được
(iii) Lựa chọn phương pháp Đào tạo và phát triển
Tùy vào mục tiêu và nội dung, doanh nghiệp có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp đào tạo khác nhau.
(iv) Biên soạn tài liệu và chương trình Đào tạo và phát triển
Mỗi doanh nghiệp nhượng quyền và mỗi ngành nghề cần triển khai các chương trình Đào tạo và phát triển khác nhau. Tuy nhiên, như đã nhắc đến ở trên, doanh nghiệp nhượng quyền có thể tập trung vào hai mảng chính là Đào tạo và phát triển nội bộ và Đào tạo và phát triển đối tác.
(v) Phát triển năng lực đội ngũ
Nhằm thu hút và gìn giữ nhân tài, nhất là đối với mô hình nhượng quyền với hệ thống ngày càng phát triển, doanh nghiệp nhượng quyền cần có chính sách định hướng và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên. Khi nhìn thấy cơ hội phát triển và chính sách hỗ trợ phát triển nghề nghiệp của doanh nghiệp, nhân viên sẽ trung thành hơn, gắn bó và phát triển hơn cùng doanh nghiệp.
[b] Triển khai thực hiện chương trình
Phòng Đào tạo và phát triển chịu trách nhiệm tổ chức và chuẩn bị tất cả các công việc hành chính liên quan đến chương trình đào tạo. Trong thời gian triển khai thực hiện chương trình, các yếu tố quan trọng cần lưu ý bao gồm:
(i) Phối hợp nhân sự đào tạo với các phòng ban khác
(ii) Chuẩn bị và kiểm tra công cụ dụng cụ đào tạo theo yêu cầu
(iii) Xây dựng môi trường học hỏi thoải mái và tích cực
(iv) Thông báo người chịu trách nhiệm chính của chương trình và cũng là người giải quyết các nhu cầu cá nhân của người học trong suốt thời gian huấn luyện.
(v) Hỗ trợ nhân sự giảng dạy
Để việc triển khai chương trình Đào tạo và phát triển đạt hiệu quả, các nhân sự huấn luyện dù là trong nội bộ hay thuê ngoài doanh nghiệp đều cần phải:
(i) Là những chuyên viên về đào tạo, hoặc đã được huấn luyện về phương pháp đào tạo
(ii) Được chuẩn bị kiến thức cơ bản về mục tiêu đào tạo, đối tượng đào tạo, các vấn đề khác biệt về phương pháp học hoặc văn hóa nếu có. Doanh nghiệp lưu ý đây là vấn đề quan trọng khi phát triển nhượng quyền ra nhiều khu vực địa lý khác nhau tại thị trường Việt Nam hoặc ra thị trường quốc tế.
(iii)Hiểu và cam kết mang lại những thay đổi về hiểu biết, hành vi hoặc phương pháp có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả công việc.
[c] Đánh giá kết quả Đào tạo và phát triển
Nếu đã đề ra mục tiêu, doanh nghiệp nhất thiết phải đo lường kết quả.
Sau chương trình đào tạo, bảng thăm dò phản hồi của học viên giúp phòng Đào tạo và phát triển hiểu và phát huy được cái tốt, nhận thức và cải tiến những điều chưa làm tốt để có thể thực hiện các chương trình tiếp theo hiệu quả hơn. Kết quả các bài và câu hỏi kiểm tra trong suốt chương trình cũng giúp phòng Đào tạo và phát triển đánh giá được mức độ tiếp thu của học viên trong suốt thời gian huấn luyện. Tuy nhiên, đây chỉ là hai yếu tố đầu tiên trong quá trình đánh giá. Một chương trình Đào tạo và phát triển dài hạn cần phải gắn liền với chương trình theo dõi và đánh giá nhân viên định kỳ, qua đó xác định sự tiến bộ và mức độ hoàn thành công việc của nhân viên sau thời gian đào tạo, cũng nhờ đó xác định được các nhu cầu đào tạo tiếp theo. Đây là quy trình khép kín và liên tục trong suốt thời gian làm việc của nhân viên trong hệ thong. Đây cũng là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nhượng quyền xây dựng được kế hoạch thăng tiến, thay đổi nhân sự theo chiến lược phát triển của toàn hệ thống.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
4- Gìn giữ người tài thông qua chính sách nhân sự
Việc xây dựng chính sách và quy trình nhân sự là việc không thể thiếu đối với một tổ chức, nhằm kết hợp các quy định chính phủ, luật, và thực tế chính sách của doanh nghiệp. Các quy trình và chính sách này không những là nền tảng hướng dẫn việc thực hiện của doanh nghiệp, mà còn là chính sách và quy trình chuẩn hướng dẫn đối tác nhận quyền thực hiện, tiến tới tính thống nhất trong chính sách và quy trình nhân sự của toàn hệ thống.
Ngoài luật và các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề sử dụng lao động cần thực hiện, doanh nghiệp nhượng quyền cũng nên xây dựng, duy trì và phát triển thêm các quy trình và chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nhân sự cho hệ thống ví dụ như:
(i) Chính sách khuyến khích và khen thưởng
(ii) Chính sách phát triển đề bạt
(iii) Vệ sinh và an toàn nghề nghiệp
(iv)Chính sách chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần nhân viên
(v) Chính sách phát triển nghề nghiệp
(vi) Chương trình xây dựng đội ngũ
(vii) Chính sách sở hữu cổ phần doanh nghiệp
(viii) Chính sách hỗ trợ tài chính mua nhượng quyền
Đối với mô hình nhượng quyền, do tính chất quan hệ phân cấp nhiều tầng lớp, do sự phát triển của hệ thống phải dựa trên nền tảng hoạt động ổn định và vững chắc của doanh nghiệp nhượng quyền và các chi nhánh hiện hữu, ổn định nhân sự là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Doanh nghiệp nhượng quyền nên đầu tư vào các chính sách phát triển và gìn giữ nhân tài, làm nền tảng cho sự phát triển vững bền của toàn hệ thống trong tương lai.
Đối với các nhân sự có tinh thần cầu tiến hơn, mong muốn làm chủ sở hữu của một chi nhánh chẳng hạn, doanh nghiệp nhượng quyền nên có các chương trình hỗ trợ về tài chính cho nhân sự trung thành phát triển thành đối tác nhận quyền. Chương trình này thường được các thương hiệu nhượng quyền sử dụng hiệu quả nhằm thu hút và gìn giữ nhân tài trong hệ thống. Ngoài ra, các quản lý giỏi chính là các đối tác nhận quyển nhiều đam mê và tiềm năng nhất, do đã qua đào tạo bài bản, trải nghiệm công việc trong hệ thống, và gắn bó cùng thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc đào thải những nhân sự không phù hợp la điều nên được thực hiện triệt để và nhanh chóng. Mỗi doanh nghiệp sở hữu một nền tảng văn hóa khác nhau và chỉ có những ai thích hợp và phát triển được trong văn hóa doanh nghiệp đó mới có thể trở thành những nhân viên hiệu quả, có thể phát triển và gắn bó lâu dài cùng hệ thống. Đối với mô hình nhượng quyền, không có doanh nghiệp gia đình, cũng không có văn hóa người quen hay người nhà tồn tại được trong hệ thống. Khi đôi tac nhận quyền là những người dấn thân đầu tư vào mô hình và thương hiệu, họ không có thời gian và nguồn lực để tỏ ra nhân nhượng với những nhân sự làm việc không hiệu quả.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Bốn bước xây dựng và phát triển nhân tài cho doanh nghiệp được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Bốn bước xây dựng và phát triển nhân tài cho doanh nghiệp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm