Chính thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

13/03/2023
Lê Thị Linh Chi
Lê Thị Linh Chi
Chính thể là một trong những vấn đề trọng yếu của một quốc gia. Với ý nghĩa đó, chính thể là nội dung luôn được ghi nhận trong hiến pháp của mỗi nước một cách trang trọng trong một hoặc một số điều khoản, sau đó được cụ thể hoá trong hệ thống các quy định về Cơ Cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và các mối quan hệ giữa chúng.

1 - Chính thể là gì?

Chính thể là mô hình tổ chức tổng thể của bộ máy quyền lực nhà nước, thể hiện cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, xác lập các mối quan hệ cơ bản giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương; giữa trung ương với địa phương và giữa nhà nước với xã hội và nhân dân. 

Xét về hình thức, chính thể còn cho thấy những vấn đề như nguồn gốc của quyền lực nhà nước, vị trí, vai trò của các chủ thể quyền lực nhà nước, mức độ dân chủ trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.

2 - Các hình thức chính thể trên thế giới 

Thời điểm hiện nay, trên thế giới tồn tại hai loại hình thức chính thể cơ bản, đó là chính thể quân chủ và chính thể cộng hoà. 

2.1- Chính thể quân chủ

Chính thể quân chủ là hình thức chính thể mà ở đó nguyên thủ quốc gia nắm toàn bộ hoặc một phần quyền lực tối cao của nhà nước và cá nhân đó (vua, quốc vương,...) nhận được quyền lực chủ yếu theo phương thức cha truyền con nối (thế tập). Hiện tại trên thế giới có 44 quốc gia còn tồn tại hình thức này với 25 vị vua và nữ hoàng.

Các dạng: Chính thể quân chủ có hai hình thức cơ bản là quân chủ chuyên chế (tuyệt đối) và quân chủ hạn chế (tương đối), riêng chính thể quân chủ hạn chế lại có ba biến dạng là quân chủ đại diện đẳng cấp, quân chủ nhị hợp (nhị nguyên) và quân chủ đại nghị (nghị viện).

2.2- Chính thể cộng hòa

Chính thể cộng hòa là hình thức chính thể mà nguyên thủ của quốc gia do bầu cử lập nên và quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân. Nói cách khác, chính thể cộng hòa của một quốc gia được lãnh đạo bởi những người không dựa vào sức mạnh chính trị của họ hay vào bất kỳ một quy luật nào vượt khỏi tầm kiểm soát mà dựa vào sự trao quyền từ chính những người dân.

Đặc trưng của chính thể cộng hòa là quyền lực cao nhất của nhà nước được trao cho một hoặc một số cơ quan chủ yếu bằng con đường bầu cử. Các trình tự, thủ tục để thành lập cũng như xác lập quyền lực của những cơ quan đó được quy định cụ thể trong Hiến pháp của quốc gia.

Tùy theo đối tượng được hưởng quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước mà chính thể cộng hòa có các dạng cơ bản là cộng hòa quý tộc và cộng hòa dân chủ. Riêng đối với cộng hòa dân chủ, chính thể này có nhiều dạng tùy theo từng kiểu nhà nước ở mỗi quốc gia như cộng hòa chủ nô, cộng hòa phong kiến, cộng hòa tư sản, cộng hòa tổng thống và cộng hòa xã hội chủ nghĩa,...

3- Chính thể nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua từng thời kỳ

3.1- Giai đoạn trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945:

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam như nhiều quốc gia khác là một đất nước với hình thức chính thể phong kiến và sau đó trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự đô hộ của các quốc gia khác. Hình thức chính thể của Việt Nam trong giai đoạn này là chính thể quân chủ chuyên chế, bộ máy cai trị được thiết lập theo mô hình triều đình phong kiến, quyền lực tập trung trong tay nhà vua (chúa) và gia đình hoàng tộc, cùng với hệ thống quan lại phân chia theo đẳng cấp rất phức tạp. Nhân dân không được hưởng các quyền tự do, dân chủ, không được tham gia vào quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.

3.2- Giai đoạn sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và Hiến pháp 1946:

Cách mạng Tháng 8 thành công đã mở ra một thời kỳ mới. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 02 tháng 9 năm 1945, từ đây, hình thức chính thể của Nhà nước Việt Nam đã có sự thay đổi hoàn toàn so với các chính thể trước đó. Với chính thể này, quyền lực nhân dân đã được đề cao, các quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân được tôn trọng và phát huy, việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước được tiến hành theo các phương pháp dân chủ, nhân dân có điều kiện tham gia ngày càng đông đảo vào các công việc của nhà nước.

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã được ra đời và thông qua. Chương I của Hiến pháp năm 1946 có tiêu đề là Chỉnh thể, gồm 3 điều. đặc biệt tại Điều 1 đã ghi nhận một cách trang trọng: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thế nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp năm 1946 và thực tiễn tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước trong thời kì này, có thể thấy chính thể của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính thể “cộng hòa dân chủ nhân dân”, thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:

- Nghị viện nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp và có quyền quyết định những vấn đề chung của toàn quốc, biểu quyết ngân sách...;

- Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là người đứng đầu Chính phủ;

- Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất toàn quốc, bao gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và nội các;

- Hệ thống cơ quan tư pháp gồm có: Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp;

- Chính quyền địa phương, theo quy định của Hiến pháp năm 1946, Hội đồng nhân dân chỉ có hai cấp là tỉnh (thành phố) và xã (thị xã), còn uỷ ban hành chính thì có 3 cấp là tỉnh (thành phố), huyện và xã (thị xã).

3.3- Giai đoạn sau Hiến pháp 1959:

Kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định tính chất của chính thể của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời đã có những bổ sung và phát triển mới. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1959 đã có một số sửa đổi, bổ sung mới như: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Chủ tịch nước là người thay mặt cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về mặt đối nội và đối ngoại và tuy rằng không còn là người đứng đầu cơ quan hành pháp và quyền hạn có hạn chế hơn so với thời kỳ trước đó nhưng khi xét thấy cần thiết Chủ tịch nước vẫn có quyền tham dự và làm chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

3.4- Giai đoạn sau Hiến pháp 1980:

Đến Hiến pháp năm 1980, nội hàm của khái niệm chính thể nước ta đã có sự thay đổi về chất và được bổ sung những nội dung mới. về tính chất, đó là chính thể “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa”, một chính thể đề cao quyền lực nhân dân, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước xã hội chủ nghĩa. 

3.5- Giai đoạn sau Hiến pháp 1992:

Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và những sửa đổi, bổ sung năm 2001, chính thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục được củng cố và có những phát triển mới. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hội đồng Nhà nước không còn tồn tại, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nó được trao cho hai cơ quan là Chủ tịch nước và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. 

3.6- Giai đoạn sau Hiến pháp 2013 - nay:

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001 về chế độ chính trị, đồng thời đã có sự phát triển và bổ sung nhiều quy định

Hiến pháp Việt Nam nay đã quy định rõ “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp ” (Điều 6), đây là lần đầu tiên vấn đề dân chủ trực tiếp được quy định như một nguyên tắc hiến định, khẳng định tư tưởng đề cao quyền lực nhân dân trong chính thể của nước ta. Hình thức chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam thể hiện rõ những đặc điểm cơ bản như:

- Việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

- Quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc áp dụng các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp;

- Bộ máy Nhà nước được tổ chức với tiêu chí là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

4-  Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

(i) Bài viết trong lĩnh vực Hiến pháp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Chính thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.16139 sec| 979.313 kb