Cơ cấu của quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật

27/02/2023
Quy phạm pháp luật là một hiện tượng pháp lí có tính độc lập tương đối không chỉ ở nội dung, hình thức thể hiện mà còn ở cấu trúc của nó nữa. Cấu trúc của quy phạm pháp luật chính là những yếu tố thành phần tạo nên quy phạm pháp luật. Về cấu trúc của quy phạm pháp luật, trong khoa học pháp lí Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới chưa có được sự thống nhất về mặt lí luận. Hiện tại còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này: Một số nhà khoa học cho rằng quy phạm pháp luật có ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài; số khác lại cho rằng quy phạm pháp luật chỉ có hai bộ phận là giả định và quy định hoặc giả định và chế tài; hoặc bộ phận quy tắc và bộ phận bảo đảm; bộ phận giả định và bộ phận chỉ dẫn... Sở dĩ tồn tại nhiều cách xác định về các yếu tố cấu thành quy phạm pháp luật như vậy là vì các nhà làm luật có quá nhiều những cách thức thể hiện chúng, còn các nhà lí luận thì cũng có nhiều cách tiếp cận về các bộ phận của quy phạm pháp luật, cũng như cách đặt tên đối với chúng.

Cũng như các quy phạm xã hội khác quy phạm pháp luật chứa trong nó những câu hỏi: Ai (tổ chức, cá nhân nào), trong tình huống nào (khi nào), thì sẽ phải thực hiện những gì, như thế nào, nếu không làm như vậy thì hậu quả gì họ sẽ phải gánh chịu... Từ cách tiếp cận này cho thấy quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật có thể có các bộ phận cấu thành cơ bản sau: bộ phận giả định, bộ phận quy định, bộ phận chế tài hoặc biện pháp tác động khác...

1- Giả định 

Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong đời sống xã hội mà quy phạm pháp luật sẽ tác động đối với những chủ thể (tổ chức, cá nhân) nhất định, nói cách khác giả định nêu lên phạm vi tác động của quy phạm pháp luật đối với cá nhân hay tổ chức nào, trong những hoàn cảnh, điều kiện nào. Ví dụ pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế nông nghiệp. Bộ phận giả định của quy phạm pháp luật này là: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp.

Giả định là bộ phận không thể thiếu của quy phạm pháp luật, bởi chỉ thông qua bộ phận giả định của quy phạm pháp luật mới biết được tổ chức, cá nhân nào, khi ở vào những hoàn cảnh, điều kiện nào, thì chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó.

Những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) được nêu ra trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật là vô cùng phong phú. về hoàn cảnh có thể là những sự kiện: liên quan đến hành vi của con người (tham gia giao thông, cố ý gây thương tích cho người khác...); liên quan đến sự biến (thiên tai, sự sinh, tử...); liên quan đến thời gian (phạm vi về thời gian như trước hay sau cách mạng...); liên quan đến không gian (phạm vi lãnh thổ như miền núi hay đồng bằng...)... về điều kiện có thể là: điều kiện về thời gian (trước, trong hoặc sau một khoảng thời gian nào đó như trong thời gian bảo hành sản phẩm...); điều kiện về không gian (địa điểm xảy ra sự kiện như nơi tội phạm xảy ra...); điều kiện về chủ thể (độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc những đặc tính cá nhân khác như tàn tật, ốm đau, hạng thái thần kinh...) và rất nhiều những điều kiện khác như không nơi nương tựa, điều kiện cứu giúp người khác khi họ đang bị nguy hiểm đến tính mạng..., tuỳ theo hoàn cảnh mà nhà nước quy định về điều kiện đoi với chủ thể. Những hoàn cảnh, điều kiện được dự liệu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật là những tình huống đã, đang hoặc sẽ xảy ra trong cuộc sống. Chúng có thể được nêu một cách khái quát, những cũng có thể được nêu một cách tương đối chi tiết. Tuy nhiên, tất cả chúng đều cần phải là những tình huống có tính phổ biến, điển hình và cần tới sự tác động, điều chỉnh của pháp luật.

Những chủ thể, hoàn cảnh, điều kiện nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật phải rõ ràng, chính xác, sát với tình hình thực tế, tránh tình trạng nêu mập mờ, khó hiểu dẫn đến khả năng không thể hiểu được hoặc hiểu sai lệch nội dung của quy phạm pháp luật. Bộ phận giả định nêu phạm vi tác động của quy phạm pháp luật, do vậy, khi xây dựng pháp luật cần phải dự kiến được tới mức tối đa những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong đời sống thực tế mà trong đó quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Có làm được như vậy thì những thiếu sót, những ‘lỗ hổng' trong pháp luật mới có thể giảm bớt và mới có thể hạn chế được việc áp dụng tập quán hoặc áp dụng pháp luật theo nguyên tắc tương tự. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện pháp luật, đặc biệt là khi áp dụng pháp luật cần phải nhận thức thật chính xác xem chủ thể nào chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó. Có thể trong cùng một hoàn cảnh nhưng không phải mọi tổ chức hay cá nhân ở vào hoàn cảnh ấy cũng chịu sự tác động của quy phạm đó mà chỉ những chủ thể có liên quan đến chỉ dẫn của quy phạm mới chịu sự tác động của quy phạm (chủ thể được, buộc phải thực hiện quy phạm đó hoặc bị áp dụng quy phạm đó).

Giả định của quy phạm pháp luật có thể giản đơn (chỉ nêu một hoàn cảnh, điều kiện) hoặc có thể phức tạp (nêu lên nhiều hoàn cảnh, điều kiện). Những hoàn cảnh, điều kiện và chủ thể được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật có thể được nêu theo cách liệt kê (kể tên tất cả các tình huống có thể xảy ra), nhưng cũng có thể được nêu theo cách loại trừ (loại trừ những chủ thể hoặc những trường hợp không chịu sự tác động của quy phạm).

2- Quy định 

Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những cách xử sự mà các chủ thể được, không được hoặc buộc phải thực hiện khi gặp phải tình huống đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Nói cách khác, là khi xảy ra những hoàn cảnh, điều kiện đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì nhà nước đưa ra những chỉ dẫn có tính chất mệnh lệnh (các cách xử sự) để các chủ thể thực hiện. Ví dụ pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế nông nghiệp. Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật này là: Thì phải nộp thuế nông nghiệp.

Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật được coi là phần cốt lõi của quy phạm pháp luật, nó thể hiện ý chí của nhà nước đối với các tổ chức hay cá nhân khi xảy ra những tình huống đã được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật thường được nêu ở dạng mệnh lệnh như: cấm, không được, phải, thì, được, có... Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có tác dụng đưa ra những cách xử sự để các chủ thể thực hiện sao cho phù hợp với ý chí của nhà nước, nói cách khác, thông qua bộ phận quy định của quy phạm pháp luật, các chủ thể pháp luật mới biết được là nếu họ ở vào những tình huống đã nêu trong giả định của quy phạm pháp luật thì họ phải làm gì, được hoặc không được làm gì, làm như thế nào. Vì vậy, mức độ chính xác, chặt chẽ, rõ ràng của các mệnh lệnh, chỉ dẫn được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật là một trong những điều kiện để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh.

Những mệnh lệnh, chỉ dẫn của nhà nước được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật đối với các chủ thể có thể là:

+ Những cách xử sự (hành vi) mà chủ thể được phép thực hiện;.

+ Những cách xử sự (hành vi) mà chủ thể không được phép thực hiện;

+ Những cách xử sự (hành vi) mà chủ thể buộc phải thực hiện, thậm chí là phải thực hiện chúng như thế nào.

Như vậy, bộ phận quy định của quy phạm pháp luật thường chỉ ra các quyền mà các chủ thể được hưởng hoặc các nghĩa vụ pháp lí mà họ phải thực hiện, mặc dù không phải khi nào thuật ngữ quyền và nghĩa vụ cũng được trực tiếp thể hiện trong lời văn của quy phạm.

Những mệnh lệnh, chỉ dẫn của nhà nước trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có thể chỉ nêu một cách xử sự và các chủ thể buộc phải thực hiện mà không có sự lựa chọn. Hoặc có thể nêu ra hai hoặc nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể có thể lựa chọn cho mình cách xử sự thích hợp từ những cách đã nêu. Trong một số trường hợp khác nhà nước còn cho phép các chủ thể có thể tự thoả thuận trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của nhau, đồng thời cũng nêu ra cách xử sự buộc các chủ thể phải tuân theo trong trường hợp không thể thoả thuận được với nhau.

3- Chế tàI

Là bộ phận của quy phạm pháp luật quy định các biện pháp cưỡng chế mang tính chất trừng phạt mà nhà nước dự kiến có thể áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những mệnh lệnh đã được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật. Ví dụ pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học, thì bị phạt cảnh cáo và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật này là: Bị phạt cảnh cáo và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Chế tài là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo cho các quy định (những đòi hỏi, yêu cầu) của pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Do vậy, nếu các biện pháp trong chế tài được quy định không phù hợp (chẳng hạn quá nặng hoặc quá nhẹ...) thì tác dụng răn đe, trừng phạt của chúng sẽ có thể kém hiệu quả.

Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật thường trả lời cho câu hỏi: Các chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng những biện pháp cưỡng chế nào đối với các chủ thể đã vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những mệnh lệnh được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật. Còn đối với các chủ thể được nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì được gián tiếp thông báo hoặc cảnh báo cho họ biết là nếu như họ ở vào những tình huống như đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì họ phải chịu những hậu quả bất lợi, bị trừng phạt bằng những biện pháp gì.

Các biện pháp cưỡng chế mà nhà nước nêu ra trong bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật để áp dụng rất đa dạng, đó có thể là các biện pháp như phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt tù... Thông thường, chế tài các quy phạm pháp luật được chia thành các nhóm như: Chế tài hình sự; chế tài hành chính; chế tài kỉ luật; chế tài dân sự...

Bộ phận chế tài của quy phạm có thể cố định hoặc không cố định: Chế tài cố định là chế tài trong đó nêu chính xác, cụ thể biện pháp tác động sẽ áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật; chế tài không cố định là chế tài nêu lên nhiều biện pháp tác động (không nêu biện pháp tác động một cách chính xác, cụ thể, dứt khoát hoặc chỉ quy định mức thấp nhất và mức cao nhất của biện pháp tác động). Việc áp dụng biện pháp nào, mức độ bao nhiêu, là chủ thể có thẩm quyền áp dụng quy phạm lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh , điều kiện cụ thể của từng vụ việc cần áp dụng.          

Cần chú ý là để pháp luật được thực hiện nghiêm minh hoặc khuyến khích các chủ thể tích cực thực hiện những hành vi có ích, nâng cao hiệu quả pháp luật, trong một số quy phạm pháp luật nhà nước còn dự kiến, chỉ dẫn cả các biện pháp khác (không phải là chế tài pháp luật) để các chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng như:

- Các biện pháp pháp lí bất lợi, nhưng không mang tính trừng phạt đối với những hành vi không thực hiện đúng, chính xác các mệnh lệnh, chỉ dẫn của nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm. Chẳng hạn, đình chỉ, bãi bỏ các văn bản pháp luật được ban hành có sai trái, tuyên bố họp đồng vô hiệu...

- Các biện pháp mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện đối vói một số chủ thể rơi vào tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) khó khăn cần giúp đỡ...

- Các biện pháp khuyến khích, khen thưởng về vật chất, tinh thần hoặc các lợi ích khác đối với các chủ thể có hành vi mang lại lợi ích đáng kể cho nhà nước, xã hội, hành vi nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật...

Từ những thông tin được thể hiện trong các bộ phận của quy phạm pháp luật các cơ quan hay những người có chức vụ, quyền hạn biết được họ có thể áp dụng các biện pháp nào đối với các tổ chức, cá nhân đã được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm, còn các tổ chức, cá nhân cũng biết được cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì nên tránh, đồng thời có thể giám sát các chủ thể có thẩm quyền xem họ áp dụng pháp luật có đúng không.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Cơ cấu của quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.97033 sec| 987.742 kb