Đặc điểm tâm lý giai đoạn nghị án và tuyên án
1- Đặc điểm tâm lý giai đoạn nghị án
Giai đoạn nghị án có đặc điểm là giao tiếp tâm lý chỉ diễn ra giữa các thành viên của hội đồng xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định các thành viên của hội đồng xét xử không được giao tiếp với bất kì ai khi bước vào giai đoạn này.
Giới hạn rõ ràng phạm vi giao tiếp như vậy chính là để tạo điều kiện cần thiết cho hội đồng xét xử thực hiện tốt chức năng của mình. Với sự cân nhắc trách nhiệm đặc biệt ở giai đoạn này, nghị án luôn được thực hiện trong tập thể, đó chính là tập thể các thành viên của hội đồng xét xử, họ thảo luận nhằm tổng hợp các tình tiết của vụ án thông qua giao tiếp hình thức và phi hình thức. Tính chất hình thức được đặt ra để đảm bảo giải quyết đầy đủ các vấn đề cần thiết, đảm bảo tính tích cực hoạt động của mỗi thành viên trong việc hình thành quan điểm xét xử. Tính chất phi hình thức đảm bảo quyền tự do trình bày ý kiến về bất kì vấn đề nào của mỗi thành viên hội đồng xét xử. Giới hạn tập thể chặt chẽ như vậy nhằm tạo điều kiện nâng cao ý thức trách nhiệm của hội đồng xét xử trong quá trình hoạt động và kết quả hoạt động của họ khi nghị án, nâng cao tính tích cực tâm lý của họ, đảm bảo cho họ không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của các thành viên khác.
Kết quả hoạt động của hội đồng xét xử phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động của mỗi thành viên. Mỗi thành viên của hội đồng xét xử phải có quan điểm rõ ràng về mục đích hoạt động của mình, phải có ý thức trách nhiệm cao. Ngược lại, kết quả hoạt động của hội đồng xét xử lại đảm bảo tính tích cực tâm lý cao hơn của mỗi thành viên. Thái độ thụ động đối với hoạt động này sẽ không đảm bảo cho Toà án thực hiện hoạt động nhận thức và thiết kế trong giai đoạn nghị án.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Khi nghị án hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà” để làm căn cứ khi ra bản án. Bản án phải thể hiện đầy đủ tất cả những ý kiến tranh luận hay phản bác của kiểm sát viên, luật sư, bị cáo... đã diễn ra tại phiên toà. Kết luận kết tội của kiểm sát viên cũng phải được hội đồng xét xử đánh giá có căn cứ pháp luật hay không? Có căn cứ ở điểm nào, không có căn cứ ở điểm nào của pháp luật. Yêu cầu của nhận định trong bản án là thể hiện quan điểm của hội đồng xét xử trong tất cả những ý kiến của kiểm sát viên, luật sư, bị cáo... Hội đồng xét xử phải thể hiện được kết quả tranh luận trong bản án. Song trong thực tế khi nghị án nói chung các hội đồng xét xử còn chưa chú ý thể hiện đầy đủ những nội dung này vào bản án. Do đó, gây ra dư luận cho rằng nghị án chỉ là hình thức, những ý kiến tranh luận giữa luật sư vời kiểm sát viên không được hội đồng xét xử thảo luận và ghi vào biên bản nghị án cũng như trong phần nhận định của bản án; luật sư cứ bào chữa, còn Toà tuyên cứ tuyên vì án đã được duyệt rồi... Vì lẽ đó hội đồng xét xử phải chú trọng cả công tác soạn thảo bản án.
Trong giai đoạn này, các chức năng tâm lý khác nhau được thể hiện liên tục, rõ ràng.
(i) Đặc điểm của hoạt động nhận thức
Trước hết, hội đồng xét xử phải hoàn thành hoạt động nhận thức của mình và trên cơ sở đó diễn đạt quan điểm chung rõ ràng về thực chất của vụ án đã xảy ra và mối quan hệ giữa bị cáo với vụ án. Sau khi tổng kết những kết quả nhận thức về các chứng cứ, kết quả hoạt động của mỗi thành viên, hội đồng xét xử tiến hành thảo luận tập thể. Thảo luận tập thể sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng xúc cảm của thông tin mà các thành viên đã nhận thức được trong quá trình thẩm vấn, nhờ đó sắc thái xúc cảm của thông tin nhận được không cản trở quá trình tư duy lôgic. Hoạt động nhận thức trong giai đoạn nghị án có đặc điểm đặc biệt là mô hình tư duy về vụ án của mỗi thành viên sẽ được kiểm tra lại, được bổ sung thêm bằng những tình tiết từ mô hình tư duy về vụ án của các thành viên khác để cuối cùng đưa ra được quan điểm chung của hội đồng xét xử về hành vi phạm tội và nhân cách của bị cáo. Thảo luận tập thể trong giai đoạn nghị án đảm bảo kích thích tính tích cực lẫn nhau giữa các thành viên khi giải quyết các nhiệm vụ tư duy, giúp họ kiểm tra lại và bổ sung vào mô hình vụ án họ đã lĩnh hội được, giúp họ nhớ lại đầy đủ các tình tiết không khóp nhau trong các mô hình vụ án của mỗi thành viên đã được xét hỏi và tranh luận kĩ và cuối cùng bảo đảm hoàn thành đúng hoạt động nhận thức. Thảo luận tập thể đảm bảo tốt nhất cho việc tiếp nhận đầy đủ tất cả các chứng cứ.
Để giúp cho hội đồng xét xử phát hiện được mọi ưu điểm của hoạt động nghị án thì hội đồng xét xử cần tuân theo những nguyên tắc nhất định. Đó là hoạt động nghị án phải được thực hiện theo kế hoạch đã xác định rõ ràng. Để đạt được mục đích này, trước hết các thành viên của hội đồng xét xử phải chi tiết hóa và cụ thể hóa những nhiệm vụ tư duy. cần giải quyết thảo luận cụ thể từng vấn đề của vụ án sẽ tạo điều kiện tốt để chi tiết hóa và cụ thể hóa hơn những vấn đề cần giải quyết khi nghị án. Ở đây, vai trò điều khiển của chủ toạ phiên toà được thể hiện rõ ràng. Chủ toạ soạn thảo kế hoạch giải quyết các vấn đề khi nghị án. Chủ tọa cần chú ý đến tính liên tục của các vấn đề, tức là việc giải quyết mỗi nhiệm vụ tư duy và tìm hiểu mỗi chứng cứ trong quá trình thảo luận phải giúp cho việc giải quyết nhiệm vụ tư duy tiếp theo và phải giúp tìm hiểu những chứng cứ khác.
Một trong những đặc điểm nhất thiết phải có là các thành viên phải cùng hướng tới những vấn đề cần quan tâm và kích thích tính tích cực trong khi giải quyết các vấn đề. Trách nhiệm của mỗi thành viên là phải nhớ lại những chứng cứ, quan điểm của mình về những chứng cứ này, phải trình bày lý lẽ của mình về mối quan hệ giữa các chứng cứ. Chính trách nhiệm đó sẽ đảm bảo cho họ thảo luận tích cực. Trình bày bằng lời sẽ làm tích cực hóa hoạt động tâm lý của mọi thành viên vì trách nhiệm của họ không chỉ trình bày lý lẽ của mình mà còn nghe lý lẽ và sự phản đối ý kiến của các thành viên khác. Thảo luận tích cực các chứng cứ, các nhiệm vụ tư duy của các thành viên tập thể sẽ đảm bảo xác định được sự thật của vụ án khi nghị án. Các hoạt động phức tạp và khác nhau của hội đồng xét xử chỉ có thể được hoàn thành dưới sự lãnh đạo khéo léo và thận trọng của chủ tọa phiên toà. Chính chủ tọa phiên toà phải kích thích hoạt động của mỗi thành viên, phải kích thích họ tích cực trao đổi ý kiến, phải nêu vấn đề cho họ thảo luận, định hướng quá trình nhận thức chung về các chứng cứ và định hướng quá trình giải quyết các vấn đề, song không ràng buộc ý kiến của mỗi thành viên. Hoạt động tích cực mang tính tập thể của hội đồng xét xử phải là hoạt động bình đẳng. Hoạt động nhận thức nhất thiết phải mang tính tập thể cùng nhau trao đổi, thảo luận. Chính trong quá trình thảo luận này, mô hình về vụ án được khôi phục đầy đủ. Quá trình thảo luận trong nghị án được bắt đầu từ việc xác định sự thống nhất về mặt nhận thức các chứng cứ. Mỗi thành viên xác định và trình bày sơ bộ nhận thức và quan điểm của mình về các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, còn các thành viên khác kiểm tra, bổ sung, sửa lại bằng nhận thức của mình đồng thời phải đối chiếu những kết quả hồi tưởng với biên bản tại phiên toà. Hơn nữa, để giúp cho Toà án tư duy dễ dàng hơn phải bắt đầu nghiên cứu những chứng cứ có mối quan hệ ít phức tạp với những chứng cứ khác rồi sau đó chuyển sang nghiên cứu những chứng cứ có mối quan hệ phức tạp hơn.
Nghị án là bước đánh dấu việc hoàn thành hoạt động nhận thức về vụ án. Trong giai đoạn này đã hình thành quan điểm rõ ràng, đã có cơ sở pháp lý vững chắc về vụ án, đã có đường lối xử lý cụ thể đối với từng bị cáo, đối với các đương sự cũng như đối với các vật chứng, tài sản có liên quan. Trong giai đoạn nghị án, mô hình về vụ án đã được xác định tương đối hoàn chỉnh qua thẩm vấn công khai tại phiên toà, qua lời phát biểu luật sư, kiểm sát viên... Các thành viên thảo luận tỉ mỉ tất cả những tình tiết khác nhau, giống nhau và mâu thuẫn nhau giữa các mô hình này. Chỉ có thảo luận như thế mới có thể đi đến quyết định thống nhất phù hợp với vụ án, có như vậy hoạt động nhận thức của Toà án mới có thể được hoàn thành.
Nghiên cứu những quy luật giao tiếp tâm lý đã chỉ ra rằng nếu trong nhóm có nhà chuyên môn có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cùng quyết định vấn đề thì cả nhóm thường tiếp thu ý kiến của chính nhà chuyên môn này. ở đây xuất hiện sự ám thị nhất định của cán bộ chuyên môn có uy tín. Để tránh bị ám thị, tránh nhận thức thiếu phê phán trước một quyết định khi nghị án, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định thứ tự cho các thành viên hội đồng xét xử khi nghị án, đó là các thành viên trình bày ý kiến trước còn chủ tọa là người có kiến thức chuyên môn nhất (kiến thức pháp luật vững chắc, nghiệp vụ xét xử vững vàng) buộc phải nói ý kiến của mình sau cùng ( Khoản 1 Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự).
Ngoài việc thảo luận các tình tiết của vụ án, khi nghị án các thành viên cần phải giải quyết cả vấn đề nhân cách của bị cáo. Các thành viên cần làm rõ những thiếu sót tâm lý - xã hội của bị cáo. Nó là một trong những nguyên nhân phạm tội của họ. Đồng thời các thành viên phải phân tích và đối chiếu những thông tin về nhân cách của bị cáo đã thu thập được trong giai đoạn điều tra, phân tích và đối chiếu hành vi, cư xử của họ trong những tình huống thẩm vấn khác nhau, trong lời khai và lời giải thích tại phiên toà...
(ii) Đặc điểm của hoạt động thiết kế
Đặc điểm hoạt động thiết kế của Toà án ở giai đoạn nghị án là tất cả các thành viên phải cùng ra quyết định, họ không thảo luận nữa. Nghị án chỉ kết thúc khi quyết định phù hợp được cả hội đồng xét xử thừa nhận, ở đây cũng cần phải đảm bảo tính liên tục trong việc quyết định các vấn đề. Trước hết quyết định sự tương quan giữa kết quả nhận thức về mô hình của vụ án, về hành vi phạm tội với điều luật cụ thể. Đối chiếu mô hình, hành vi phạm tội của bị cáo đã được thừa nhận sau khi thảo luận với điều luật cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự.
Vai trò của chủ tọa phiên toà đặc biệt quan trọng khi thực hiện hoạt động thiết kế trong giai đoạn nghị án. Để thực hiện hoạt động thiết kế, kiến thức pháp luật, việc hiểu biết rõ ràng sự khác nhau giữa các điều luật là yêu cầu bắt buộc đối với chủ tọa phiên toà. Nhiệm vụ của chủ tọa phiên toà trong hoạt động thiết kế ở giai đoạn nghị án trước hết là giúp cho các thành viên khác dễ dàng đối chiếu mô hình vụ án đã xác định trong hoạt động nhận thức chung với các điều luật tương ứng.
Khi nghị án, các thành viên của hội đồng xét xử không chỉ phải kết luận về tội của bị cáo, mà còn phải xác định hình phạt đối với họ. Việc quyết định hình phạt phải trên cơ sở hiểu biết sâu sắc và toàn diện về nhân cách của bị cáo. Đặc biệt là đánh giá những phẩm chất nhân cách của bị cáo, nghiên cứu tỉ mỉ, cặn kẽ mọi thông tin về cảm xúc mạnh mẽ của bị cáo, về hậu quả của hành vi phạm tội đã thực hiện, mọi hành vi của bị cáo trước và sau khi phạm tội.
Hội đồng xét xử phải quyết định những điều kiện cần thiết nhằm làm biển đổi bị cáo, cụ thể là nhằm loại bỏ ở họ những thiếu sót tâm lý - xã hội, hình thành và củng cố cho họ những phẩm chất tâm lý tốt,... Trong trường hợp bị phạt tù, nhất là đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Toà án phải luôn cân nhắc đến mức độ phát triển của những thiếu sót tâm lý - xã hội ở người phạm tội, cân nhắc đến thời hạn cần thiết để có thể loại bỏ chúng. Khi quyết định về khả năng lựa chọn các hình phạt, nếu cho bị cáo được hưởng án treo, hội đồng xét xử cũng phải cân nhắc sao cho bị cáo hiểu rõ tội lỗi của mình, từ đó có nguyện vọng trở thành người tốt, phải chú ý đến cả những người sống xung quanh bị cáo sao cho họ phải có khả năng tác động tốt đến bị cáo để có thể loại bỏ được những thiếu sót tâm lý xã hội ở bị cáo. Trong trường hợp bị cáo được hưởng án treo, Toà án khi giao bị cáo cho tập thể bảo lãnh thì cũng phải cân nhắc đến cơ cấu giao tiếp của bị cáo, đến điều kiện cải tạo bị cáo.
(iii) Đặc điểm của hoạt động giáo dục
Trong giai đoạn nghị án, chức năng giáo dục cũng được thực hiện. Mỗi bản án, quyết định đều đòi hỏi phải thực hiện chức năng giáo dục. Khi nghị án và ra bản án, bao giờ cũng phải đáp ứng được tình cảm đạo đức của con người, trong đó có bị cáo. Tác động giáo dục của bản án sẽ đạt được nếu hình phạt đã tuyên không chỉ thoả mãn đối với bị cáo mà còn làm cho những người dự phiên toà đều hiểu được và đồng tình ủng hộ dối với bản án của Toà án.
Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý thuê ngoài của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đặc điểm tâm lý của giai đoạn tuyên án
Tác động giáo dục của Toà án không chỉ thể hiện trong suốt quá trình xét xử tại phiên toà, trong khi nghị án, mà còn phải được thể hiện ngay cả khi tuyên án. Do đó, bản án mà Toà án tuyên phải đúng, hình phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân cách của bị cáo, phải có sức thuyết phục, có tính giáo dục cao, bản án phải rõ ràng, sáng sủa, dễ hiểu... Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Toà án ra bản án nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và theo quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự thì “Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ toạ phiên toà đọc bản án...” Những quy định trên một mặt thể hiện rõ vai trò của chủ toạ phiên toà, mặt khác tạo ra bầu không khí nghiêm túc, trang nghiêm của phiên toà, tính tập thể ngay cả trong những phút cuối cùng trước khi kết thúc hoạt động xét xử của Toà án. Đồng thời hướng sự tập trung chú ý cao độ của tất cả mọi người trong phòng xử án vào việc nghe và theo dõi chủ toạ phiên toà đọc bản án. Do đó, ngoài những yêu cầu về nội dung của bản án, việc tuyên án cũng đòi hỏi ở chủ toạ phiên toà những phẩm chất nhất định mới phát huy được tối đa tác động giáo dục và sức thuyết phục của bản án. Đó là chủ toạ phiên toà phải có thái độ nghiêm túc, giọng nói dứt khoát, đọc dõng dạc, rành mạch, rõ ràng, chính xác, diễn cảm phải phù hợp với nội dung của bản án. Điều này càng thể hiện rõ tính công minh, vô tư của Toà án. Tránh đọc nhanh, phát âm ngọng, giọng nói khó nghe sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và ghi nhớ nội dung bản án của những người dự phiên toà cũng như của tất cả những người quan tâm theo dõi hoạt động xét xử của toà án thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (vì hoạt động xét xử của Toà án không chỉ nhằm giáo dục bị cáo, những người tham gia tố tụng, mà còn giáo dục mọi công dân). Đọc không trồi chảy, ngừng không đúng chỗ, tỏ ra lúng túng... cúng dễ làm giảm đi sức thuyết phục của việc tuyên án, thậm chí còn giảm đi uy tín của người đọc, vì người nghe cũng thường hay có những nhận xét, đánh giá của mình về trình độ của người điều khiển phiên toà. Có thể nói tuyên án là khâu cuối cùng rất quan trọng trong hoạt động xét xử, thể hiện việc tuân theo pháp luật, vì công lý, công bằng xã hội theo thủ tục tố tụng hình sự. Do vậy, chủ toạ phiên toà phải chú ý những đặc điểm trên khi thực hiện chức năng của mình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý giải thể doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Đặc điểm tâm lý giai đoạn nghị án và tuyên án được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Đặc điểm tâm lý giai đoạn nghị án và tuyên án có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm