Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

15/02/2023
Để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cần có đủ bốn điều kiện trên, nếu thiếu một trong bốn điều kiện đó thì nghĩa vụ cấp dưỡng không phát sinh. Xác định điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng là vấn đề quan trọng, bởi lẽ đây là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể của quan hệ cấp dưỡng. Đồng thời đó cũng là điểm mấu chốt để phân biệt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa những người có quan hệ gia đình với các hoạt động trợ giúp xã hội của Chính phủ đối với các đối tượng bảo trợ xã hội hoặc các hoạt động trợ giúp của các tổ chức, cá nhân đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.

1- Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ hôn nhân:

- Quan hệ huyết thống. Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con, giữa anh, chị, em ruột với nhau, giữa ông bà (nội, ngoại) và cháu, giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu ruột. Để xác định mối quan hệ huyết thống phải bắt đầu từ việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con phát sinh trên sự kiện sinh đẻ. Từ quan hệ cha, mẹ và con mà suy ra quan hệ giữa ông bà và cháu, giữa anh, chị, em với nhau, giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu.

Quan hệ giữa cha mẹ và con dựa trên cơ sở huyết thống được xác định căn cứ vào hai yếu tố là sự kiện sinh của người phụ nữ và tình trạng hôn nhân của cha mẹ của người con. Người phụ nữ đang tồn tại quan hệ hôn nhân mà có thai hoặc sinh con thì chồng của người phụ nữ đó được xác định là cha của người con. Trong trường hợp người mẹ đơn thân sinh con thì người này là mẹ của con. Neu người cha tự nguyện nhận con thì phải thực hiện thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Người được khai là cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con thì người này là cha, mẹ của con. Giấy khai sinh là căn cứ pháp lí xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con theo quan hệ huyết thống (trừ trường hợp cha, mẹ nuôi được khai vào phần cha, mẹ của con nuôi). Trong trường hợp Tòa án xác định cha, mẹ, con thì bản án của Tòa án là cơ sở pháp lí xác định mối quan hệ giữa cha, mẹ và con theo quan hệ huyết thống.

Việc xác định quan hệ huyết thống giữa ông bà và cháu, giữa anh, chị, em và giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con. Quan hệ giữa ông bà và cháu bao gồm ông bà nội với cháu nội và ông bà ngoại với cháu ngoại. Người là cha, mẹ đẻ của cha đứa trẻ sẽ được xác định là ông, bà nội của đứa trẻ. Người là cha, mẹ đẻ của mẹ đứa trẻ được xác định là ông, bà ngoại của đứa trẻ. Quan hệ giữa anh, chị, em theo quan hệ huyết thống cũng được xác định dựa trên quan hệ giữa cha mẹ và con. Những người có cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha là anh, chị, em ruột với nhau. Tương tự như vậy, quan hệ giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu cũng được xác định dựa trên quan hệ giữa cha mẹ và con. Những người là anh, chị, em ruột của bố hoặc của mẹ được xác định là bác, cô, chú, dì, cậu của con. Ngược lại, con của anh, chị, em ruột của một người là cháu ruột của người đó.

Như vậy, từ quan hệ giữa cha, mẹ và con có thể xác định mối quan hệ huyết thống giữa người con với gia đình của cha mẹ, tức là  quan hệ huyết thống giữa ông bà và cháu, giữa anh, chị, em với nhau, giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu ruột...

- Quan hệ nuôỉ dưỡng (nuôi con nuôi): Việc nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi (cha, mẹ nuôi) và người được nhận làm con nuôi (con nuôi). Đồng thời, pháp luật quy định việc nuôi con nuôi còn làm phát sinh quan hệ giữa người con nuôi với các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi. Người con nuôi với các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ với nhau theo pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật dân sự. Do đó, giữa cha mẹ của người nhận con nuôi và người con nuôi phát sinh quan hệ giữa ông bà và cháu; giữa người con đẻ của cha mẹ nuôi và người con nuôi phát sinh quan hệ giữa anh, chị, em với nhau...

Để những người có quan hệ nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau thì việc nuôi con nuôi phải tuân thủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi và phải được đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyết định công nhận nuôi con nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ sở pháp lí làm phát sinh quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi. Những người có quan hệ nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau khi không sống chung hoặc khi một bên trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

- Quan hệ hôn nhân. Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi li hôn. Đây là nghĩa vụ phát sinh giữa những người đã từng có quan hệ hôn nhân với nhau. Do vậy, chỉ những người tồn tại hôn nhân hợp pháp thì khi li hôn mới có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nam nữ kết hôn trái pháp luật mà Tòa án hủy việc kết hôn đó thì giữa các bên không phát sinh quan hệ cấp dưỡng. Trường họp nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng kí kết hôn hoặc tuy có đăng kí kết hôn nhưng việc đăng kí kết hôn đó không đúng thẩm quyền thì khi Tòa án tuyên bố họ không phải là vợ chồng, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa họ cũng không phát sinh. Vì vậy, pháp luật Việt Nam xác định rõ ràng chỉ những trường hợp nam nữ kết hôn họp pháp thì khi Tòa án giải quyết li hôn, nếu một bên yêu cầu được cấp dưỡng, Tòa án mới xem xét và giải quyết việc cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, chỉ những người có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc những người đã từng có quan hệ hồn nhân mới có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau. Pháp luật hiện hành không quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ vợ với con rể, cha mẹ chồng với con dâu; giữa ông bà nội, ông bà ngoại với các cháu dâu, cháu rể; giữa anh em rể, chị em dâu với những anh, chị, em của vợ hoặc chồng mình.

2- Người được cấp dưỡng và người phải cấp dưỡng không sống chung với nhau hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ:

Một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng là người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng không sống chung với nhau. Để xác định người có nghĩa vụ cấp dưỡng không sống chung với người được cấp dưỡng chỉ dựa trên tiêu chí là họ không ăn chung, không có quỹ tiêu dùng chung mà không căn cứ vào việc họ có ở chung nhà với nhau hay không. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể hiểu rằng khoản cấp dưỡng được trích ra, tách khỏi nhu cầu chung của gia đình người có nghĩa vụ cấp dưỡng và chuyển cho người được cấp dưỡng. Do đó, chỉ khi những người có kinh tế độc lập mà một hoặc nhiều người trong số họ không có khả năng tự đảm bảo cuộc sống do chưa thành niên hoặc đã thành niên nhung không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì nghĩa vụ cấp dưỡng mới phát sinh. Như vậy, được coi là không sống chung khi những người có quan hệ gia đình với nhau nhưng tài sản và những chi dùng cho nhu cầu của cuộc sống của họ lại hoàn toàn riêng biệt. Từ đó có thể dẫn đến trường hợp những người sống cùng một nhà nhưng kinh tế độc lập thì vẫn có thể phải cấp dưỡng cho nhaư khi có các căn cứ theo quy định của pháp luật. Ngược lại, trong quan hệ vợ chồng, khi hôn nhân đang tồn tại thì dù mỗi bên có nơi ở riêng nhưng do họ vẫn có tài sản chung và tài sản đó dùng để đáp ứng nhu cầu cho các thành viên gia đình nên không coi là họ “không sống chung”, do đó bình thường thì vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con không phát sinh. Có thể thấy quan niệm về “ở riêng” của người Việt Nam đồng nghĩa với khái niệm “không sống chung” trong khoa học pháp lí.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ phát sinh giữa những người không cùng sống chung mà còn phát sinh cả trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường họp này được hiểu như là một biện pháp chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng những người thân thích theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định thế nào là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nên việc áp dụng quy định này trong thực tế khống có sự thống nhất. Thiết nghĩ, trường họp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không dùng tài sản của mình để chăm lo các nhu cầu thiết yếu của người được nuôi dưỡng hoặc không nỗ lực lao động để có tài sản thì đó là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng. Trong trường họp có nhiều người cùng sống chung với nhau mà nhu cầu của người được nuôi dưỡng, của người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và của cả những người khác đều được đảm bảo bằng khối tài sản chung thì mỗi người phải đóng góp thu nhập và tài sản phù hợp với khả năng của mình vào khối tài sản chung đó. Nếu người nào cố tình không đóng góp để đáp ứng nhu cầu của gia đình thì được coi là có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.

3-  Người được cấp dưỡng là người chưa thành nỉên, là người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc là người có khó khăn, túng thiếu:

Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định người chưa thành niên, người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có quyền được những người thân nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng.

Đối với người chưa thành niên: Theo pháp luật Việt Nam, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Xuất phát từ đặc điểm về thể chất, người chưa thành niên có qưyền được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng từ cha mẹ và những người thân.

Đối với người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình: Người đã thành niên không có khả năng lao động là người mất năng lực hành vi dân sự, người cao tuổi, người ốm đau, bệnh tật... Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Để bảo đảm cho người tàn tật được duy trì sự sống và thực hiện bình đẳng các quyền của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp họ hòa nhập cộng đồng đòi hỏi phải có sự trợ giúp mà trước hết là những người có quan hệ gia đình phải nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho họ. Đối với người cao tuổi, do tuổi cao, sức yếu không thể tham gia vào quá trình lao động để có thu nhập bảo đảm cuộc sống cho bản thân nên những người có quan hệ gia đình với người cao tuổi, cụ thể là vợ hoặc chồng, con, cháu của người cao tuổi có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. Người bị ốm đau, bệnh tật, người mất năng lực hành vi dân sự là người hạn chế khả năng lao động hoặc mất khả năng lao động nên có thể dẫn đến cuộc sống của bản thân gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm nhu cầu cần thiết cho họ thì những người có quan hệ gia đình phải nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho họ.

Ngoài các trường hợp trên, người đang học trong các trường phổ thông, trung học, đại học hoặc dạy nghề mà phải dành toàn bộ thời gian cho việc học tập và không thể tham gia vào quá trình lao động tạo thu nhập nuôi sống bản thân thì cũng được coi là không có khả năng lao động. Theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người từ 16 tuổi đến 22 tuổi mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như đối với người dưới 16 tuổi nếu thuộc một trong các trường họp được quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này (như bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật...). Như vậy, có thể nhận thấy người dù đã thành niên nhưng đang học tập tập trung tại các trường phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học cũng được coi là đối tượng được thành viên gia đình cấp dưỡng.

Người có khó khăn, túng thiếu: Là người mà thu nhập và tài sản của họ không đủ để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của bản thân. Người có khó khăn, túng thiếu có thể được cấp dưỡng trong trường họp li hôn.

4- Người phải cấp dưỡng có khả năng thực hiện nghĩa vụ:

Người phải cấp dưỡng là người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc hiện vật để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Do đó, người phải cấp dưỡng phải có khả năng kinh tế để thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định của pháp luật, người có khả năng cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó. Nếu một người mà thu nhập vừa đủ hoặc không đủ để đáp ứng nhu cầu của chính mình thì không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người thân thích.

Như vậy, để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cần có đủ bốn điều kiện trên, nếu thiếu một trong bốn điều kiện đó thì nghĩa vụ cấp dưỡng không phát sinh. Xác định điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng là vấn đề quan trọng, bởi lẽ đây là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể của quan hệ cấp dưỡng. Đồng thời đó cũng là điếm mấu chốt để phân biệt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa những người có quan hệ gia đình với các hoạt động trợ giúp xã hội của Chính phủ đối với các đối tượng bảo trợ xã hội hoặc các hoạt động trợ giúp của các tổ chức, cá nhân đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với việc quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên gia đình, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, Nhà nước và xã hội khuyến khích tổ chức, cá nhân trợ giúp bằng tiền hoặc tài sản khác cho gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, túng thiếu. Quy định này còn nhằm động viên sự tham gia của cả cộng đồng trong việc chăm sóc các đối tượng chính sách và tăng cường sự gắn kết, sẻ chia của các thành viên trong cộng đồng.

Nguồn: Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội, 2021.

 

 

 

 

 

 

 

0 bình luận, đánh giá về Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.52538 sec| 992.031 kb