Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

27/02/2023
Pháp luật được chứa đựng trong nhiều loại nguồn khác nhau; nên việc xác định hiệu lực của từng loại nguồn là vấn đề khá phức tạp. Trên thực tế, hoạt động của nhà nước trong việc thừa nhận các loại nguồn của pháp luật nhìn chung đều được thể hiện dưới hình thức văn bản.

Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là tác động (ảnh hưởng) của văn bản đối với các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Trong điều kiện ngày nay, nhà nước thường không ban hành những bộ luật tổng hợp để điều chỉnh tất cả các lĩnh vực mà thường ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh từng lĩnh vực riêng rẽ của đời sống, khi đó văn bản có thể chỉ tác động đến một nhóm đối tượng nhất định. Mặt khác, đời sống xã hội luôn vận động biến đổi, đến một thời điểm nào đó các quy định pháp luật sẽ trở nên lỗi thời, không thể tiếp tục tác động đến các quan hệ xã hội. Trên thực tế, các địa phương khác nhau có thể có điều kiện kinh tế xã hội không giống nhau, vì vậy văn bản quy phạm pháp luật có thể phù hợp với địa phương này nhưng không phù hợp với địa phương khác. Những điều đó làm cho văn bản quy phạm pháp luật bị giới hạn phạm vi tác động về đối tượng, thời gian, không gian. Nói cách khác, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được xác định theo thời gian, không gian và đối tượng tác động. Việc xác định rõ hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật về thời gian, về không gian cũng như về đối tượng tác động không chỉ đảm bảo tính minh bạch của pháp luật mà quan trọng là đảm bảo thực hiện pháp luật đúng đắn, thống nhất, qua đó nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

1- Hiệu lực theo thời gian

Hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật là sự tác động (ảnh hưởng) của văn bản lên các quan hệ xã hội trong một khoảng thời gian nhất định được xác định bởi thời điểm phát sinh và thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bản. Trong thời đại hiện nay, hiệu lực theo thời gian là vấn đề cốt yếu nhất trong quá trình thực hiện pháp luật.

Thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là thời điểm mà từ đó văn bản được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Thông thường, văn bản được ban hành để điều chỉnh quan hệ xã hội xảy ra sau khi nó đã phát sinh hiệu lực. Như vậy, xác định thời điểm này có hai ý nghĩa, một là, biết được văn bản đó khi nào thì được áp dụng; hai là (trong đại đa số các trường họp), biết được quan hệ xã hội xảy ra ở thời điểm nào thì chịu tác động của nó.

Trước đây, thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật có thể được quy định trong chính văn bản đó hoặc được quy định trong văn bản khác, thậm chí có trường hợp không quy định dẫn đến phải suy đoán dựa trên những quy định chung trong pháp luật, truyền thống và thực tiễn xây dựng pháp luật của quốc gia... Điều này gây khó khăn, cản trở không nhỏ trong quá trình thực hiện pháp luật. Để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, tránh những vấn đề phức tạp, tranh cãi không cần thiết, pháp luật Việt Nam thường xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản trong chính mỗi văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhà làm luật có thể quy định văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần từ khi thông qua văn bản, kí văn bản, công bố văn bản... Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật đã ấn định một khoảng thời gian tối thiểu kể từ khi nó được ban hành đến khi phát sinh hiệu lực. Khoảng thời gian này có thể dài ngắn khác nhau tùy thuộc văn bản, chẳng hạn, đối với văn bản do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành là không sớm hơn 45 ngày, văn bản của chính quyền cấp tỉnh không sớm hơn 10 ngày, văn bản của chính quyền cấp huyện và cấp xã không sớm hơn 7 ngày kể từ ngày văn bản được thông qua hoặc kí ban hành. Sự quy định như vậy là hợp lí, đó là một khoảng thời gian cần thiết để có thể phổ biến nội dung văn bản tới các đối tượng phải thực hiện, chuẩn bị các điều kiện vật chất cũng như tinh thần cho việc thực hiện văn bản... Pháp luật cũng quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các trường hợp cần thiết, cấp bách. Trường hợp này, văn bản quy phạm pháp luật có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc kí ban hành, tất nhiên có kèm theo những thủ tục nhất định.

Như trên đã đề cập, thông thường một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để điều chỉnh quan hệ xã hội xảy ra sau khi nó đã phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, văn bản có thể hiệu lực trở về trước (hồi tố). Hồi tố là trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã phát sinh hiệu lực được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội xảy ra trước thời điểm phát sinh hiệu lực của nó. Pháp luật Việt Nam hiện nay rất hạn chế quy định hồi tố, pháp luật chỉ cho phép văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành mới được quy định hồi tố và chỉ trong những trường hợp thật cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong văn bản luật. Pháp luật cấm quy định hồi tố trong trường hợp quy định trách nhiệm pháp lí mới mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó, pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lí; quy định trách nhiệm pháp lí nặng hơn. Pháp luật cũng không cho phép văn bản của chính quyền địa phương được quy định hồi tố. Thực tế cho thấy, trong một văn bản quy phạm pháp luật, có thể chỉ một số quy định mới có thể có hiệu lực hồi tố. Cũng có trường hợp tất cả các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đều có hiệu lực hồi tố.

2- Hiệu lực theo không gian

Hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật là sự tác động (ảnh hưởng) của văn bản lên các quan hệ xã hội trong một khoảng không gian nhất định được xác định bởi đường biên giới quốc gia hoặc đường phân định địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính lãnh thổ.

Hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật có thể được quy định trong văn bản đó hoặc văn bản khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về hiệu lực theo không gian thì thông thường, theo thẩm quyền ban hành văn bản, vẫn có thể xác định được khoảng không gian có hiệu lực của nó. Bởi lẽ, quyền lực nhà nước tác động đến đâu, pháp luật có hiệu lực tới đó, văn bản do cấp chính quyền nào ban hành sẽ có hiệu lực trong phạm vi không gian hoạt động của cấp chính quyền đó. Nói cách khác, hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc thẩm quyền ban hành văn bản. Tuy nhiên, do sự đa dạng, phức tạp về điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng, miền, có thể có văn bản quy phạm pháp luật không có hiệu lực trên toàn bộ phạm vi không gian hoạt động của chủ thể ban hành ra nó. Trường hợp này cần phải được quy định rõ trong văn bản để đảm bảo dễ dàng, thuận lợi trong việc áp dụng chúng.

Trong thực tế, có thể có sự điều chỉnh địa giới giữa các đơn vị hành chính lãnh thổ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với trường hợp sáp nhập hoặc chia tách đơn vị hành chính, trong khi bộ máy chính quyền của đơn vị hành chính mới hoạt động chưa ổn định, chưa có điều kiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, để đảm bảo sự ổn định, liên tục của quản lí nhà nước, pháp luật quy định văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị hành chính cũ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản của chính quyền đơn vị hành chính mới. Đối với trường hợp mở rộng đơn vị hành chính, pháp luật quy định văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị hành chính được mở rộng có hiệu lực đối với phần mới được mở rộng.

Việc xác định hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật không chỉ thể hiện thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà nó còn cho thấy sự phù hợp của văn bản đối với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, khu vực.

3- Hiệu lực theo đốI tượng tác động

Đối tượng tác động của văn bản quy phạm pháp luật là những cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ xã hội mà văn bản đó điều chỉnh. Đó là những cá nhân, tổ chức có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật có đối tượng tác động riêng, có thể là tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, cũng có thể là một loại đối tượng nhất định.

Ngày nay, khi kĩ thuật lập pháp ngày càng được nâng cao, hiệu lực theo đối tượng của văn bản quy phạm pháp luật thường được ghi rõ trong điều khoản quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản đó. Tuy nhiên, có thể có trường hợp đối tượng tác động của văn bản không được quy định rõ trong văn bản đó. Trong trường hợp này phải liên hệ với hiệu lực về thời gian, không gian cũng như các quy định trong các văn bản khác có liên quan nhất là văn bản của cơ quan cấp trên để xem xét.

Thông thường, các văn bản quy phạm pháp luật của một nhà nước có thể tác động đến các cá nhân, tổ chức mang quốc tịch của nhà nước đó dù họ ở trong nước hay ở ngoài nước. Trong nhiều trường hợp, văn bản quy phạm pháp luật của một quốc gia cũng có hiệu lực đối với cá nhân, tổ chức không mang quốc tịch của nhà nước đó nhưng đang có mặt trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Điều này có thể dẫn đến trường hợp một cá nhân, tổ chức nào đó cùng lúc chịu sự tác động của hai hệ thống pháp luật. Để giải quyết trường hợp này, các quốc gia có thể phải thương lượng đối với từng trường hợp hoặc kí kết các điều ước quốc tế, nhằm đảm bảo chỉ một hệ thống pháp luật tác động đến họ. Pháp luật hiện hành của nước ta quy định, trong trường hợp có sự khác biệt về đối tượng tác động giữa văn bản quy phạm pháp luật trong nước (trừ hiến pháp) với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng.

Trong một số trường hợp đặc biệt thì hiệu lực theo đối tượng tác động của văn bản có thể bị thay đổi mà chủ yếu theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng do sự hạn chế của văn bản có hiệu lực cao hơn, nhất là các điều ước quốc tế mà quốc gia ban hành văn bản đó là thành viên, trừ hiến pháp.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.14736 sec| 972.563 kb