Hoàn thiện hệ thống công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội ở Việt Nam

27/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội ở Việt Nam hiện nay, một mặt cần hết sức coi trọng vai trò của pháp luật nhưng mặt khác phải nhận thức đúng vai trò, giá trị của các thể chế phi quan phương, cần nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm trong lịch sử dân tộc cũng như của các nước trên thế giới trong việc xử lí mối quan hệ giữa pháp luật với từng công cụ.

Trong sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội, bên cạnh những mối quan hệ cần thiết, có ích cho xã hội thì cũng luôn tồn tại cả những mối quan hệ không có ích, thậm chí có hại cho trật tự chung. Để duy trì ổn định, trật tự xã hội đòi hỏi các mối quan hệ trong xã hội phải được điều chỉnh, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho những quan hệ xã hội có lợi cho đời sống cộng đồng được tồn tại và phát triển, ngăn chặn và đi tới loại bỏ những mối quan hệ mà cộng đồng không mong muốn. Điều chỉnh quan hệ xã hội là sử dụng các công cụ tác động lên các quan hệ xã hội, làm cho chúng thay đổi và phát triển theo những mục đích, định hướng nhất định, nhằm duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội ở Việt Nam hiện nay, cần chú trọng một số khía cạnh sau:

Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật phải toàn diện, thống nhất, đồng bộ, với kĩ thuật lập pháp ở trình độ cao. Pháp luật phải phản ánh đúng ý chí, lợi ích của nhân dân, pháp luật phải nhân đạo, nhân văn, vì con người, phục vụ con người. Pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở đạo đức truyền thống tốt đẹp, những thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cần xác định đúng đắn giới hạn tác động của pháp luật, pháp luật không thể và không cần thiết điều chỉnh tất cả các mối quan hệ trong xã hội. Các biện pháp xử lí của pháp luật phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều chỉnh quan hệ xã hội bằng pháp luật phải đảm bảo hiệu quả về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại... cộng lại.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức. Đạo đức là nền tảng tinh thần của mọi xã hội. Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để giữ gìn và phát huy các quan niệm, chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ những quan niệm đạo đức lạc hậu, ngăn chặn sự thoái hoá, xuống cấp của đạo đức, tiếp thu các chuẩn mực đạo đức tiến bộ của nhân loại. Pháp luật cần quy định trách nhiệm của mỗi cá nhân và thiết chế xã hội trong việc xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội nhất là tổ chức tôn giáo, gia đình, nhà trường, các loại hình văn hoá, nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn và thực hiện tốt. Khuyến khích xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, khuyến khích nông dân, thợ thủ công tập hợp thành các phường, hội, làng nghề, hợp tác xã..., trong đó mỗi thiết chế đều có những chuẩn mực đạo đức riêng.

Ba là, giữ gìn bảo lưu các thuần phong mỹ tục, đồng thời loại bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, phản tiến bộ. Cần sưu tầm, tập hợp hoá các phong tục, tập quán trên khắp cả nước. Thừa nhận và khuyến khích việc ứng xử theo các phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng. Khuyến khích và đưa vào quĩ đạo của pháp luật việc tổ chức các lễ hội truyền thống thể hiện những thuần phong mĩ tục, bản sắc văn hoá của dân tộc. Bên cạnh biện pháp pháp lí, nhà nước cần sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, văn hoá... nhằm nâng cao dân trí, ý thức pháp luật, ý thức chính trị, xoá bỏ triệt để cơ sở của sự tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu, phản tiến bộ.

Bốn là, khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước trong các cộng đồng dân cư. Pháp luật hiện hành của Nhà nước ta đã có các quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư cần tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về vai trò, tác dụng của hương ước. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ có thẩm quyền để hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả các cộng đồng dân cư xây dựng hương ước. Nội dung của hương ước cần cụ thể, thiết thực, bám sát đời sống của thôn, làng, phản ánh đúng nhu cầu thực tế cũng như tính đặc thù về lịch sử, địa lí, dân cư, nghề nghiệp, phong tục tập quán, truyền thống, tín ngưỡng... của từng đặt ở những vị trí thích hợp nơi công cộng để mọi người đều dễ dàng nắm bắt và thực hiện tốt. Khuyến khích xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, khuyến khích nông dân, thợ thủ công tập hợp thành các phường, hội, làng nghề, hợp tác xã..., trong đó mỗi thiết chế đều có những chuẩn mực đạo đức riêng.

Năm là, nghiên cứu vận dụng luật tục. Hiện nay, luật tục vẫn tồn tại và giữ một vai trò không nhỏ trong việc điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống người dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên. Trên thực tế, không ít trường hợp luật tục được người dân tuân thủ nghiêm chỉnh, triệt để hơn so với pháp luật. “Có những vụ việc mặc dù toà án nhân dân các cấp đã xét xử, nhưng người dân vẫn yêu cầu buôn làng xử lại và bản án xét xử theo luật tục được buôn làng chấp nhận hơn bất kì một bản án nào khác”. Vì vậy, cần tổ chức nghiên cứu sâu sắc để khai thác và vận dụng những giá trị của luật tục. Khuyến khích các cộng đồng dân tộc thiểu số xây dựng quy ước làng văn hoá dựa trên cơ sở của luật tục. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ những quy định trong luật tục đã lỗi thời, lạc hậu không phù hợp với pháp luật, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiến bộ xã hội. Trên cơ sở luật tục của các dân tộc thiếu số, nhà nước có thể vận dụng để xây dựng các văn bản pháp luật để áp dụng cho chính cộng đồng dân tộc đó. Các văn bản này có phạm vi điều chỉnh tương đương luật tục nhưng được diễn đạt bằng ngôn ngữ hiện đại, ngắn gọn. Về nội dung, các văn bản này cơ bản tuân thủ luật tục, tất nhiên phải sửa đổi cho phù hợp với tiến bộ xã hội.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhà nước đối với kỉ luật của tổ chức xã hội. Việc thành lập các tổ chức xã hội phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhà nước phải thực hiên tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với kỉ luật của các tổ chức xã hội thông qua thủ tục đăng kí, phê duyệt hiến chương, điều lệ, nội quy... của các tổ chức đó. 

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

0 bình luận, đánh giá về Hoàn thiện hệ thống công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội ở Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.23974 sec| 956.844 kb