Khái lược về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

28/02/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Trong cấu trúc hệ thống thuế ở mỗi quốc gia, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có vai trò, ý nghĩa thiết thực trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước hàng năm, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong tay Nhà nước để kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Chính phủ trong từng thời kỳ, đối với từng quốc gia hoặc từng nhóm quốc gia cụ thể.

1- Khái niệm về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Theo quan niệm chung, thuế là khoản tiền do các tổ chức, cá nhân nộp cho Nhà nước để góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu với Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù xuất hiện muộn hơn so với một số sắc thuế nội địa nhưng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã nhanh chóng khẳng định được vai trò, tác dụng to lớn của mình đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với bên ngoài và bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Ngày nay, cho dù xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang từng bước ảnh hưởng đến số phận của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng hạn chế vai trò của loại thuế này ở mỗi quốc gia song về cơ bản, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vẫn sẽ là giải pháp quản lý vĩ mô có hiệu quả đối với nền kinh tế trong nước, nhất là đối với những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường như Việt Nam.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tuỳ thuộc vào từng góc độ tiếp cận.

Xét về phương diện kinh tế, thuế xuất khấu, thuế nhập khẩu được quan niệm là khoản đóng góp bằng tiền của tổ chức, cá nhân vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, khi họ có hành vi xuất khấu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới của một nước.

Với cách tiếp cận này, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quan niệm như là một quan hệ phân phối các nguồn lực tài chính, phát sinh giữa các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp thuế với người thu thuế là Nhà nước. Mặt khác, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn có thể được hiểu như là đòn bẩy kinh tế hay biện pháp kinh tế để Nhà nước điều tiết trực tiếp đối với quá trình sản xuất, tiêu dùng trong phạm vi mỗi quốc gia và chi phối một cách gián tiếp đối với hoạt động kinh tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Xét về phương diện pháp lý, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể hình dung như là quan hệ pháp luật phát sinh giữa Nhà nước (người thu thuế) với tổ chức, cá nhân (người nộp thuế), theo đó các bên phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý đốivới nhau trong quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quan hệ pháp luật này phát sinh từ cơ sở pháp lý là đạo luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Quốc hội ban hành mà hậu quả pháp lý chủ yếu của việc áp dụng đạo luật đó trong thực tiễn là làm phát sinh quyền thu thuế cho Nhà nước và nghĩa vụ đóng thuế cho các tổ chức, cá nhân là người nộp thuế.

Việc tiếp cận khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ góc độ pháp lý có nhiều ý nghĩa thiết thực, trước hết là giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về bản chất của thuế nói chung và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nói riêng, thực chất là một quyết định hành chính đơn phương của quốc gia đối với người đóng thuế, hay là một “thoả thuận” song phương giữa người thu thuế với người nộp thuế? Trên cơ sở lý thuyết đó, giúp cho Nhà nước hoạch định và thực thi chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp hơn với quyền lợi của quốc gia và của người đóng thuế, xét trong mối quan hệ lợi ích với các quốc gia khác trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới được điều tiết và kiểm soát bởi hai công cụ chủ yếu là “hàng rào thuế quan” và “hàng rào phi thuế quan”. Hàng rào thuế quan ở những nước nàv được hiểu thực chất là thuế nhập khẩu đánh vào hàng hoá nhập khẩu, chứ không bao gồm cả thuế xuất khẩu đánh vào hàng hoá xuất khẩu như Việt Nam hay Trung Quốc.

Do có quan niệm khác nhau như trên giữa các nước về nội hàm của khái niệm “thuế quan” nên chính sách thuế quan của các nước cũng có sự khác nhau. Sở dĩ có sự khác nhau này trong chính sách thuế quan của các nước là bởi vì, mỗi quốc gia đều có phong tục, tập quán riêng cần được duy trì, tôn trọng, bảo vệ và quan trọng hơn, mỗi quốc gia đều có quyền đánh thuế đối với các công dân hay tổ chức mang quốc tịch nước mình hoặc đối với các công dân, tổ chức nước ngoài có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá diễn ra trên lãnh thổ nước mình. Quyền đánh thuế của quốc gia chính là cơ sở, là đạo lý cơ bản để Nhà nước - với tư cách là người đại diện hợp pháp cho quốc gia, ban hành và áp dụng các đạo luật về thuế quan trên tinh thần của nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

2- Đặc trưng cơ bản của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

So với các loại thuế nội địa thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có nhiều điểm khác biệt. Những khác biệt này bắt nguồn từ bản chất và chức năng của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Các đặc trưng này bao gồm:

Thứ nhất, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có đối tượng chịu thuế là các hàng hoá được phép vận chuyển qua biên giới. Khái niệm “hàng hoá” là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể hiểu theo nghĩa thông thường, bao gồm các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng do con người sản xuất ra và được lưu thông trên thị trường bằng cách chuyển vào hoặc chuyển ra khỏi biên giới của một nước. Trong xã hội hiện đại ngày nay, xuất hiện ngày càng nhiều loại hàng hoá vô hình được chuyển vào hoặc ra khỏi biên giới một nước nhưng không phải bằng phương thức thông thường mà cơ quan Hải quan có thể kiểm soát được.

Ví dụ điển hình cho những loại hàng hoá này chính là những sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin được giao dịch hàng ngày qua mạng máy tính toàn cầu (Internet). Ngoài ra, điểm rất đáng được lưu ý là những “dịch vụ” tuy cũng được xuất khẩu và nhập khẩu trên thực tế giữa các quốc gia nhưng hầu như pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các nước đều không quy định là một phần trong “đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”. Có lẽ điều này xuất phát từ sự khó khăn của các cơ quan công quyền trong việc kiểm soát hành vi xuất, nhập khẩu đối với đối tượng là “dịch vụ”.

Thứ hai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không hoàn toàn là thuế trực thu hoặc thuế gián thu. Điều này thể hiện ở chỗ, khi một nhà nhập khẩu nộp thuế nhập khẩu và tự tiêu dùng số hàng hoá nhập khẩu đó chứ không bán ra bên ngoài thì khi đó khoản thuế nhập khẩu đã nộp có tính chất là thuế trực thu, vì chính người nhập khẩu vừa là người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Ngược lại, khi nhà nhập khẩu đã nộp xong thuế nhập khẩu và bán lại số hàng hoá đó cho người khác thì số tiền thuế nhập khẩu đã nộp có xu hướng chuyển sang cho người mua hàng chịu và do đó, khoản thuế nhập khẩu này lại có tính chất là thuế gián thu, bởi lẽ người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một.

Thứ ba, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có chức năng đặc trưng là bảo hộ sản xuất trong nước và điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu. Chức năng này thể hiện sự khác biệt căn bản giữa thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với các loại thuế nội địa khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp... Tuy nhiên, trải qua thời gian, dưới sức ép của trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại, chức năng bảo hộ nền sản xuất trong nước của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có xu hướng ngày càng giảm sút, để nhường chỗ cho chức năng tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngày nay, do chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các nước có xu hướng cắt giảm dần các mức thuế suất nhằm đáp ứng yêu cầu tự do hoá thương mại quốc tế nên có thể trong tương lai, ranh giới để phân biệt giữa thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế nội địa sẽ trở nên rất mong manh và thậm chí có thể bị “xoá nhoà” hoàn toàn, khi mà tự do hoá thương mại đã trở thành xu hướng tất yếu và mang tính hiện thực trên toàn thế giới.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

3- Vai trò của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Giống như bất kỳ loại thuế nào, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng thể hiện ba vai trò cơ bản: Một là, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; hai là, điều tiết hoạt động kinh tế; ba là, hướng dẫn tiêu dùng trong xã hội. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc trưng cơ bản của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là đánh vào các hàng hoá xuất, nhập khẩu và sau đó được cấu thành trong giá cả của hàng hoá xuất, nhập khẩu nên loại thuế này còn có một vai trò khá đặc thù, đó là bảo hộ nền sản xuất trong nước và chống lại xu hướng cạnh tranh không cân sức giữa hàng hoá trong nước với hàng hoá ngoại nhập. Xét trên bình diện lý thuyết, vai trò này của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thể hiện trên hai khía cạnh chủ yểu:

Một là, đối với hàng hoá nhập khẩu, do bị đánh thuế nhập khẩu nên về lý thuyết, giá cả của loại hàng hoá này trên thị trường nước nhập khẩu sẽ tăng lên, trong khi đó các hàng hoáđược sản xuất trong nước, do không phải chịu thuế nhập khẩu (hoặc chỉ phải chịu thuế nhập khẩu cho phần nguyên liệu hay máy móc nhập khẩu) nên giá thành sản phẩm của loại hàng hoá này có xu hướng rẻ hơn và do đó có sức cạnh tranh lớn hơn đối với hàng ngoại nhập. Điều này cho thấy việc đánh thuế nhập khẩu thực chất là một biện pháp để bảo hộ nền sản xuất trong nước, khi Chính phủ nhận thấy những bất lợi nghiêng về phía các hàng hoá được sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước.

Hai là, đối với hàng xuất khẩu, do bị đánh thuế xuất khẩu nên việc tiêu thụ các hàng hoá này ở thị trường nước ngoài trở nên khó khăn hơn so với thị trường nội địa và khi đó, các hàng hoá này có xu hướng sẽ được tiêu thụ trong nước. Bằng cách này, Nhà nước đã bảo hộ một cách hữu hiệu cho thị trường tiêu thụ trong nước.

Mặt khác, khi Nhà nước muốn khuyến khích xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá do nước mình sản xuất khi chúng được tiêu thụ trên thị trường nước ngoài thì thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ được quy định giảm đi, thậm chí là bằng không. Việc Nhà nước giảm thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn cho loại hàng hoá này trên thị trường quốc tế, so với hàng hoá cùng loại của những nước khác đang lưu thông trên thị trường.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái niệm, đặc trưng và vai trò của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái niệm, đặc trưng và vai trò của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Khái lược về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17443 sec| 987.188 kb