Khái niệm và nội dung quan hệ giữa nhà nước và cá nhân
I- Khái niệm và nội dung quan hệ giữa nhà nước và cá nhân
1- Khái niệm quan hệ giữa nhà nước và cá nhân
Cá nhân là khái niệm chỉ con người cụ thể sống trong một xã hội nhất định với tư cách một cá thể, một thành viên của xã hội và được phân biệt với những thành viên khác của xã hội thông qua tính phổ biến và tính đơn nhất của cá nhân ấy. Tính phổ biến của cá nhân thể hiện ở chỗ cá nhân là con người, mang hai tính chất chung của con người là tính chất tự nhiên và tính chất xã hội. Cá nhân còn có tính đơn nhất bởi vì mỗi cá nhân có những phẩm chất riêng biệt thể hiện cái “tôi” của cá nhân. Nói tới cái “tôi” của cá nhân tức là nói đến nhân cách riêng của mỗi cá nhân - đó là sự tổng hợp các yếu tố sinh học, tâm lí, xã hội, tạo nên đặc trưng riêng có của cá nhân, làm cho cá nhân tự ý thức, tự đánh giá, tự khẳng định và tự điều chỉnh được mọi hoạt động của mình trong đời sống xã hội.
Bất cứ xã hội nào cũng được cấu thành bởi những con người cụ thể, tức là bởi các cá nhân cụ thể sống trong xã hội đó. Các cá nhân này sống và hoạt động trong những nhóm xã hội, tập đoàn xã hội, cộng đồng xã hội khác nhau (ví dụ: gia đình, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng...) và có quan hệ chặt chẽ với các tập thể xã hội đó. Mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội là quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng xã hội, mà giữa hai lợi ích này vừa có sự thống nhất vừa có mâu thuẫn. Có mâu thuẫn giữa hai lợi ích đó bởi vì mỗi cá nhân, bên cạnh có các lợi ích chung của cả cộng đồng, còn có những lợi ích riêng xuất phát từ nhiều nhu cầu khác nhau và các lợi ích riêng đó có thể chính đáng, phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc và đạo đức xã hội, cũng có thể không chính đáng, đối lập với lợi ích chung và đạo đức xã hội. Là một hiện tượng lịch sử, quan hệ giữa cá nhân với xã hội luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển và sự thay đổi về chất chỉ diễn ra khi có sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác.
Một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước so với thị tộc trong xã hội cộng sản nguyên thủy mà Ph. Ăngghen nêu ra trong tác phấm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” (năm 1884), là nhà nước phân chia và quản lí dân cư theo lãnh thổ, không phân biệt huyết thống, tín ngưỡng, tôn giáo, chủng tộc, dân tộc, địa vị xã hội, giới tính... Điều đó chứng tỏ rằng, kể từ khi nhà nước ra đời thì quan hệ giữa nhà nước với dân cư thuộc quyền quản lí của nhà nước đã hình thành. Điều đó cũng có nghĩa là, kể từ khi nhà nước ra đời thì quan hệ giữa nhà nước với cá nhân cũng được hình thành.
Xét về nguồn gốc và bản chất của nhà nước thì nhà nước nảy sinh từ xã hội có giai cấp, cho nên nó vừa mang tính chât giai câp (hay tính chất chính trị) vừa mang tính chất xã hội sâu sắc. Tính chất xã hội của nhà nước thể hiện rõ rệt trong mối quan hệ lệ thuộc vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau giữa nhà nước với xã hội. Nhà nước tồn tại và phát triển trong lòng xã hội, chịu sự chi phối của xã hội; ngược lại, xã hội cũng chịu tác động và sự ảnh hưởng trực tiếp từ nhà nước với tư cách là tổ chức quyền lực điều hành xã hội, quản lí xã hội bằng pháp luật. Xã hội là một cộng đồng những cá nhân, do vậy, thực chất của quan hệ giữa nhà nước với xã hội là quan hệ giữa tổ chức quyền lực chính trị với các cá nhân chịu sự tác động của tổ chức quyền lực chính trị ấy.
Từ những trình bày ở trên có thể định nghĩa, quan hệ giữa nhà nước và cá nhân là sự liên hệ, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa tố chức quyền lực chính trị với những con người cụ thế chịu sự tác động của quyền lực ấy.
2- Nội dung của quan hệ giữa nhà nước và cá nhân
Nội dung của mối quan hệ giữa nhà nước với cá nhân thể hiện ở sự tác động của nhà nước tới cá nhân và sự tác động của cá nhân tới nhà nước.
(i) Sự tác động của nhà nước tới cá nhân
Thực chất của sự tác động của nhà nước tới cá nhân là sự tác động của quyền lực nhà nước tới đối tượng của mình. Một trong những đặc trưng chủ yếu của nhà nước là nhà nước thiết lập và thực thi quyền lực công khai bao trùm lên toàn xã hội. Quyền lực nhà nước tác động tới mọi cá nhân trong xã hội thông qua bộ máy nhà nước và bằng các hoạt động của nhà nước trong xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật.
Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, nhà nước chuyển ý chí, lợi ích, nguyện vọng của mình thành những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung đối với mọi cá nhân trong xã hội khi các cá nhân đó ở vào điều kiện, hoàn cảnh, tình huống mà nhà nước đã dự liệu từ trước. Nội dung của pháp luật luôn xác định những hành vi mà cá nhân được thực hiện, không được thực hiện và phải thực hiện nhằm đáp ứng lợi ích và yêu cầu của nhà nước, của xã hội...; quy định những biện pháp tác động của nhà nước đối với những cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các yêu cầu của pháp luật.
Để pháp luật của nhà nước được tôn trọng và thực hiện đầy đủ trong xã hội thì nhà nước còn phải tiến hành tổ chức cho mọi cá nhân thực hiện pháp luật thông qua việc huy động sức người, sức của để đưa pháp luật vào cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi cá nhân để họ hiểu được pháp luật mà làm theo pháp luật.
Sự tác động của quyền lực nhà nước tới cá nhân còn được thể hiện thông qua hoạt động của nhà nước trong việc bảo vệ pháp luật trước những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân. Thông qua việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với cá nhân vi phạm pháp luật, nhà nước vừa bắt buộc cá nhân vi phạm phải gánh chịu những tổn thất nhất định về vật chất, tinh thần, vừa giáo dục, răn đe, phòng ngừa chính cá nhân đã vi phạm và các cá nhân khác chưa vi phạm pháp luật, đồng thời khôi phục lại pháp luật như trước đây.
(ii) Sự tác động của cá nhân tới nhà nước
Với tư cách là đối tượng tác động của quyền lực nhà nước, cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện pháp luật. Tuy vậy, cá nhân không chịu sự tác động của quyền lực nhà nước một cách thụ động mà cũng tác động trở lại tới quyền lực nhà nước. Sự tác động đó có thể diễn ra một cách tích cực hoặc tiêu cực.
Sự tác động tích cực của cá nhân tới nhà nước diễn ra khi chính sách, pháp luật của nhà nước phản ánh được ý chí, lợi ích, nguyện vọng của tất cả các cá nhân hoặc chí ít là đa số các cá nhân trong xã hội. Trong trường hợp này, cá nhân luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ nhà nước trong việc thực thi quyền lực nhà nước một cách chủ động, tự giác và sáng tạo dưới các hình thức như: kiến nghị về cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước; thảo luận, phản biện chính sách, pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật và bảo vệ chính sách, pháp luật; tham gia quản lí nhà nước và xã hội...
Một khi chính sách, pháp luật của nhà nước không phù hợp với ý chí, lợi ích, nguyện vọng của tất cả các cá nhân hoặc số đông cá nhân trong xã hội thì cá nhân sẽ tác động tiêu cực tới nhà nước và chính sách, pháp luật của nhà nước, tìm mọi cách chống đối nhà nước và chính sách, pháp luật của nhà nước.
II- Những bảo đảm cho quan hệ giữa nhà nước và cá nhân
1- Những bảo đảm chung
(i) Bảo đảm về kinh tế: nền kinh tế phát triển ổn định trong mỗi quốc gia sẽ tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của người dân; là điều kiện vật chất quan trọng vừa để tăng cường sức mạnh của nhà nước, vừa nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cá nhân, góp phần to lớn vào việc củng cố và thắt chặt mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân.
(ii) Bảo đảm về chính trị: sự ổn định chính trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị sẽ tạo ra niềm tin tưởng của các cá nhân đối với nhà nước, hình thành ở họ ý thức chính trị, ý thức pháp luật, từ đó biến thành hành động thực tế một cách tự giác và sáng tạo, góp phần quyết định tới sự thành công của sự nghiệp phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế và sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố hiện nay thi sự ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để các nhà nước, các dân tộc phát triển xã hội bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và thắt chặt mối quan hệ giữa nhà nước với cá nhân, bảo đảm phát huy sức mạnh của nhà nước và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
(iii) Bảo đảm về tư tưởng: thế giới ngày nay là một thế giới thống nhất trong đa cực, vì vậy mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết định vận mệnh và con đường phát triển của riêng mình; các đảng chính trị cầm quyền ở mỗi quốc gia đều có thể tự mình xây dựng và lãnh đạo thực hiện một hệ tư tưởng khoa học nhất định để dẫn dắt dân tộc mình đi theo con đường phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Hệ tư tưởng khoa học ấy cũng chính là cơ sở lí luận để xây dựng, củng cố, phát huy, phát triển mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong mỗi quốc gia.
(iv) Bảo đảm về văn hoá: mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có nền văn hoá riêng, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn, hài hoà tính tiên tiến với tính dân tộc. Nền văn hoá ấy tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú, đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ và luôn hướng tới xây dựng con người mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, bao dung, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển nền tảng tinh thần vững mạnh cho mối quan hệ giữa nhà nước với cá nhân trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
(v) Bảo đảm về tổ chức: việc tổ chức hợp lí và sự hoạt động có hiệu quả của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy nhà nước nói riêng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà nước và cá nhân thực hiện đúng đắn và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, ngăn ngừa và chống lại được tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước và những thói hư tật xấu, các vi phạm pháp luật trong nội bộ cộng đồng cá nhân, góp phần to lớn vào việc củng cố, phát triển mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân.
(vi) Bảo đảm về xã hội: quan hệ thân thiện, bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân trong xã hội ở mỗi quốc gia sẽ tạo ra cơ sở xã hội vững chắc để nhà nước và cá nhân vì mục tiêu chung của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, bình đẳng và tién bộ xã hội cũng tạo ra niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội mà họ đang sống, góp phần củng cố và giữ vững sự ổn định xã hội, làm cho quan hệ giữa nhà nước với cá nhân ngày thêm bền chặt.
2- Bảo đảm pháp lí
Trong mỗi quốc gia, hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện là cơ sở pháp lí để nhà nước và cá nhân thực hiện đúng đắn, đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình. Trước hết phải kể đến những văn bản quy phạm pháp luật quy định tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền, nghĩa vụ của nhà nước, cá nhân và trình tự, thủ tục, hình thức pháp lí của việc thực hiện chúng; các chế tài pháp luật và trình tự, thủ tục, hình thức áp dụng các chế tài đó đối với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tồ chức kinh tế và cá nhân khi họ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn có những điều ước quốc tế liên quan tới quyền con người mà nhà nước kí kết, tham gia. Việc thường xuyên cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục pháp luật đang góp phần to lớn vào việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước và cá nhân thực hiện ngày càng đúng đắn, đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình. Hoạt động kiểm tra, giám sát của nhà nước và nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật là biện pháp quan trọng để phòng, chống vi phạm pháp luật trong bộ máy nhà nước và ngoài xã hội. Việc xử lí kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội đã vi phạm pháp luật ngày càng củng cố lòng tin của công dân vào nhà nước và pháp luật, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa nhà nước với cá nhân.
Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm