Khái quát quá trình hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam

27/02/2023
Mỗi hệ thống pháp luật đều có lịch sử riêng của mình, gắn liền với đặc điểm của đất nước về lịch sử, dân cư, địa lí, tính cách con người, truyền thống... và ở một mức độ nhất định còn chịu sự tác động của định hướng chính trị mà quốc gia đó lựa chọn. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay cũng vậy, nó ra đời, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

I- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIÊT NAM

Hệ thống pháp luật Việt Nam luôn chịu sự chi phối của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, truyền thống dân tộc... của đất nước trong mỗi thời kì phát triển. Đồng thời hệ thống pháp luật Việt Nam luôn chịu sự chi phối, tác động của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Sự chi phối của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa (hệ thống lớn) đối với hệ thống pháp luật Việt Nam (hệ thống nhỏ) thông qua các nguyên tắc chung của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật Việt Nam chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, song nó cũng có ảnh hưởng rất lớn trở lại đối với hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới và đang có xu hướng giao thoa, hài hoà hoá với hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia khác trong xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế và toàn cầu hoá. Hệ thống pháp luật Việt Nam luôn không ngừng phát triển và hoàn thiện cùng đất nước với những nguyên tắc chống áp bức, bóc lột, thực hiện dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội, vì giá trị cao nhất là hạnh phúc của con người.

Sự thống nhất nội tại là nguyên tắc quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, điều này biểu hiện ở sự gắn bó hữu cơ khăng khít với nhau giữa các quy định pháp luật, ở những nguyên tắc của pháp luật, ở xu hướng loại trừ dần những mâu thuẫn giữa các bộ phận thành tố của hệ thống pháp luật. Cơ sở trực tiếp của sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam là sự thống nhất về bản chất, về nội dung, về chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận thành tố cũng như của cả hệ thống pháp luật Việt Nam.

II- HỆ THỐNG CÁC QUAN HỆ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

(i) Sự thống nhất và phát triển của hệ thống kinh tế Việt Nam dựa trên cơ sở các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa;

(ii) Sự thống nhất giữa các lực lượng trong xã hội Việt Nam, sự hài hoà về lợi ích của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và những người lao động khác ở Việt Nam;

(iii) Sự thống nhất của hệ thống chính trị Việt Nam biểu hiện ở mục đích cuối cùng, ở nhiệm vụ và nội dung hoạt động cơ bản của từng tổ chức bộ phận trong hệ thống chính trị Việt Nam;

(iv) Sự liên kết chặt chẽ và tác động qua lại của tất cả các hình thái ý thức xã hội như chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mĩ... mà cơ sở của chúng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

(v) Ý thức chủ quan của những nhà làm luật Việt Nam, họ mong muốn có được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ.

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo, tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế. Thời gian gần đây, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng hơn với thế giới trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có pháp luật. Sự thay đồi tư duy, nhất là tư duy pháp lí đã làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn thiện hơn, kịp thời điều chỉnh, giải quyết tốt hơn các quan hệ xã hội, đặc biệt là các quan hệ mới phát sinh, trong điều kiện mới.

Hệ thống pháp luật Việt Nam kể từ khi tiến hành đổi mới đến nay có bước phát triển nhảy vọt cả về lượng và chất, trong hệ thống pháp luật được bổ sung thêm các quy phạm pháp luật mới và loại bỏ dần những quy phạm pháp luật lạc hậu, không còn giá trị; nguồn pháp luật được củng cố, mở rộng, được sử dụng đa dạng hơn, Nhà nước Việt Nam đã chú ý nhiều hơn tới án lệ, tập quán pháp, điều ước quốc tế... đáp ứng nhu cầu phát triển phức tạp, đa dạng, năng động của các quan hệ xã hội hiện nay, nhất là những quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài như quan hệ dân sự, lao động, thương mại, hôn nhân và gia đình... Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam thì ý thức pháp luật trong xã hội cũng được nâng cao, việc tổ chức thực hiện pháp luật ngày một tốt hơn, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật được chú trọng... Có thể nói hệ thống pháp luật Việt Nam đang ngày một hoàn thiện, từng bước đáp ứng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kì mới.

Xem thêm: Hệ thống pháp luật quốc tế.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

 

0 bình luận, đánh giá về Khái quát quá trình hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.90066 sec| 950.648 kb