Khái quát về chính sách giáo dục

05/03/2023
Chính sách giáo dục là những định hướng, những nguyên tắc cơ bản trong việc xác định mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, nội dung, phương pháp giáo dục và tổ chức hệ thống giáo dục, đào tạo.

1- Khái niệm giáo dục, chính sách giáo dục và truyền thống giáo dục Việt Nam

Giáo dục là quá trình hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người nhằm tạo ra những phẩm chất và năng lực cần thiết của con người phù hợp với yêu cầu của xã hội. Giáo dục là quá trình dạy, rèn luyện và học tập nhằm nâng cao tri thức khoa học và kĩ năng nghề nghiệp.

Chính sách giáo dục là những định hướng, những nguyên tắc cơ bản trong việc xác định mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, nội dung, phương pháp giáo dục và tổ chức hệ thống giáo dục, đào tạo.

Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học và là một trong những quốc gia có trường đại học sớm nhất trên thế giới. Nếu ở châu Âu, trường đại học đầu tiên xuất hiện là Đại học Bologne của Italia ra đời vào năm 1080 thì ở Việt Nam trước đó 5 năm, vào năm 1075 (năm Ất Mão), vua Lý Nhân Tông đã xuống chiếu tuyển minh kinh bác học và thi Nho học tam trường tuyển nhân tài cho đất nước. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho mở Quốc Tử Giám ở ngay phía sau Văn Miếu, tuyển chọn con em hoàng tộc và quan lại triều đình cho vào học. Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên ở nước ta. Nhà vua chọn các danh nho, những vị khoa bảng nổi tiếng làm thầy giáo giảng dạy. Dưới thời vua Lý Nhân Tông, năm 1077, đã có “kì thi lại viên bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật”? Ba triều đại Lý, Trần, Hồ trong 398 năm đã đào tạo được khoảng 1000 tiến sĩ. Trong số các tiến sĩ đó có những người nối tiếng, có nhiều đóng góp cho đất nước, góp phần làm rạng danh nước Việt như: Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Đình Thâm, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên... Đến triều Hậu Lê, năm 1442, vua Lê Thái Tông đã cho khắc tên các tiến sĩ vào bia đá dựng ở Quốc Tử Giám. Đáng lưu ý là tư tưởng trọng người hiền tài như là nguyên khí của nước nhà thể hiện bằng lời ghi trong bia: Hiền tài là nguyên khí của nước nhà. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước hèn và càng xuống thấp, cho nên các bậc thánh đế mình vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí. Thời vua Lê Thánh Tông, triều đình đã định rõ thể lệ thi cử: thi Hương ở các đạo, thi Hội, thi Đình ở kinh đô, cứ 3 năm tố chức một kì thi. Thi Hương để chọn các cử nhân, tú tài, thi Hội để chọn các tiến sĩ, phó bảng. Thi Đình để phân hạng các tiến sĩ. Theo quy định của vua Lê Thánh Tông, người đỗ cả bốn kì thi Hương mới được vào thi Hội, người đỗ cả bốn kì thi Hội mới được vào thi Đình. Những người đỗ thi Đình được chia làm ba hạng gọi là ba giáp. Hạng nhất gồm ba danh gọi là tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ); hạng nhì gọi chung là hoàng giáp (Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân), hạng ba gọi chung là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Chỉ riêng trong triều đại vua Lê Thánh Tông đã đào tạo được 501 vị tiến sĩ trong đó có cả vị trạng nguyên, nhà toán học nổi tiếng Lương Thế Vinh. Nhà Hậu Lê với 354 năm tồn tại (từ 1428 đến 1788) gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng có công lao với đất nước như Nguyễn Trãi - tác giả của Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trực - Lưỡng quốc trạng nguyên, Ngô Sĩ Liên - tác giả của Đại Việt sử kí toàn thư, Lê Quý Đôn - tác giả của nhiều công trình nổi tiếng như Đại Việt thông sử, Quần thư khảo biện, Vân đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục, Toàn Việt thi lục... Lịch sử khoa bảng Việt Nam kể từ năm 1075 khi nhà Lý cho tổ chức khoa thi đầu tiên đến năm 1919 (khoa thi cuối cùng) đã có cả thảy 2.896 người đỗ tiến sĩ. Đây thực sự là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng nên nền văn hiến nước nhà.

Trong thời kì thực dân Pháp đô hộ, nước nhà không còn độc lập nên nền giáo dục quốc gia theo đúng nghĩa của nó cũng không còn. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Franqaise) xuất bản tại Pháp năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Làm cho dân ngu để dễ trị, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất”) Minh chứng điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Lúc ấy, cứ một nghìn làng thì có đến một nghìn năm trăm đại lí bán lẻ rượu và thuốc phỉện. Nhưng cũng trong số một nghìn làng đó lại chỉ có vẻn vẹn mười trường học”) Hậu quả của chính sách đô hộ do thực dân Pháp để lại là 95% dân số nước ta mù chữ.

2- Chính sách giáo dục của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước thời kì đổi mới

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chống nạn mù chữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy người đã đề nghị với Chính phủ mở chiến dịch chống nạn mù chữ với phương châm: những người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, ngày 08/9/1945 Chính phủ đã ra sắc lệnh số 20 quy định những người chưa biết chữ quốc ngữ phải học chữ quốc ngữ. sắc lệnh nêu rõ trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi ai chưa biết chữ phải học để biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó những người trên 8 tuổi mà không biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ thì bị phạt tiền. Chính phủ ra sắc lệnh số 19 quyết định sẽ lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Hạn trong 6 tháng, làng nào, khu phố nào cũng phải có ít nhất một lớp học dạy ít nhất là 30 người. Để thực hiện nhiệm vụ chống nạn mù chữ, ngày 08/9/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã kí Sắc lệnh số 17 thành lập Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam do ông Nguyễn Công Mỹ làm giám đốc. Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 44 thành lập Hội đồng cố vấn học chính gồm khoảng 30 thành viên lựa chọn trong giáo giới và các đoàn thể chính trị, văn hóa do Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục làm chủ tịch. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, Chính phủ đã chú trọng phát triển giáo dục phố thông thành một nền giáo dục đại chúng, vì thế tháng 9/1945 các trường phổ thông từ tiểu học đến trung học được nhanh chóng thành lập. Trong thư gửi cho các em học sinh nhân ngày khai trường trong năm học đầu tiên khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em ”.

Từ năm 1945 trở đi, học sinh các trường phổ thông được tiếp tục học theo chương trình cải cách của ông Hoàng Xuân Hãn đã vạch ra trong thời kì Chính phủ Trần Trọng Kim với một số điều chỉnh cần thiết cho thích hợp với tình hình và yêu cầu mới. Nhà nước kiểm soát việc học tập theo đúng chương trình của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đề ra. Để thực hiện tốt công tác quản lí giáo dục, Chính phủ ban hành sắc lệnh số 16 ngày 08/9/1945 thành lập ngạch Thanh tra học vụ. về giáo dục đại học và cao đẳng, Chính phủ đã quyết định trên cơ sở kế thừa và cải tổ các trường đại học và cao đẳng cũ, phát triển thêm một số trường đại học mới nhằm tạo dựng một nền giáo dục cao đẳng và đại học dân tộc, dân chủ của một nước Việt Nam độc lập, tự do. Được sự uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hoè đã kí Quyết định công bố bắt đầu từ ngày 15/11/1945 sẽ khai giảng tại Hà Nội các trường đại học: Y khoa, Dược khoa, Nha khoa và các trường cao đẳng khoa học, Cao đẳng mỹ thuật, Cao đẳng canh nông, Cao đẳng thú y để đón sinh viên trở lại trường học tập. Chính phủ đã thành lập Đại học vụ do ông Nguyễn Văn Huyên làm giám đốc để trực tiếp quản lí ngành đại học và cao đẳng. Các trường đại học được lập quỹ tự trị theo sắc lệnh số 43. Tiếng Việt được dùng để giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng. Chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 45 thành lập Trường Đại học văn khoa ở Hà Nội và cử ông Đặng Thai Mai làm giám đốc. Đại học văn khoa Hà Nội có các chuyên khoa: Triết học, Việt học, Hán học, Sử học, Địa lí học. Sau khi tốt nghiệp sinh viên được cấp bằng Văn khoa đại học sĩ (Cử nhân). Ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên ở nước ta. Chính sách giáo dục được thể chế hóa trong Điều thứ 15 Hiến pháp: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiếu sổ có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phảỉ dạy theo chương trình nhà nước ”. Sau khi Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội thông qua, cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, tuy vậy, cuộc chiến đấu chống giặc dốt vẫn tiến hành song song với cuộc chiến chống giặc đói và giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra phương châm: “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Tháng 7/1951, Đại hội giáo dục toàn quốc được triệu tập tại chiến khu Việt Bắc. Đại hội xác định phương châm giáo dục là phục vụ kháng chiến, chủ yếu là tiền tuyến, phục vụ nhân dân, chủ yếu là công, nông, binh. Phong trào bổ túc văn hóa trong điều kiện đất nước có chiến tranh vẫn tiếp tục phát triển rộng rãi. Đến năm 1952 có khoảng 14 triệu người đã thoát nạn mù chữ. Đến tháng 9/1953 có 10.450 lớp bổ túc văn hóa với 335.946 học viên. Những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân ta đã làm cho nhiệm vụ chống nạn mù chữ đã đạt được thành tựu to lớn.

Trong những năm đầu của thập kỉ 50, Chính phủ đã thực hiện chương trình cải cách giáo dục nhằm củng cố và phát triển hệ thống giáo dục quốc dân. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc gia giáo dục ban hành một số văn bản pháp luật sau đây để điều chỉnh hệ thống giáo dục đào tạo:

- Nghị định số 234/NĐ ngày 1/10/1951 của Bộ Quốc gia giáo dục thành lập Khu học xá trung ương gồm 3 trường: Trường Khoa học cơ bản, Trường Sư phạm cao cấp, Trường Sư phạm trung cấp trung ương;

- Nghị định số 276/NĐ ngày 11/10/1951 của Bộ Quốc gia giáo dục về việc bãi bỏ Ban Sư phạm Đại học khoa học và thành lập Trường Sư phạm cao cấp để đào tạo giáo viên cấp III cho các trường phổ thông, gồm 3 ban là toán, lí, hóa;

- Nghị định số 277/NĐ ngày 11/10/1951 về việc mở các lớp dự bị đại học 1 năm vào đầu năm học 1952 tại Liên khu IV;

- Thông tư số 49/TT-TKV ngày 30/10/1951 của Bộ Quốc gia giáo dục quy định tổ chức trường phổ thông 9 năm. Theo đó ở trung ương, cơ quan lãnh đạo ngành phổ thông trung học là Nha giáo dục phổ thông (được thành lập trên cơ sở hợp nhất Nha tiểu học và Nha trung học); ở Liên khu là Khu giáo dục phổ thông, ở tỉnh là Ty giáo dục phổ thông;

- Nghị định số 88/NĐ ngày 05/4/1952 của Bộ Quốc gia giáo dục quy định tổ chức và chế độ các trường tư thục;

- Nghị định số 201/NĐ ngày 19/6/1952 của Bộ Quốc gia giáo dục quy định tổ chức và chế độ các trường chuyên nghiệp;

- Nghị định số 259/NĐ ngày 20/8/1952 của Bộ Quốc gia giáo dục quy định tổ chức trường phổ thông lao động;

- Nghị định số 366/NĐ ngày 09/11/1952 của Bộ Quốc gia giáo dục quy định tổ chức các trường sư phạm trung cấp;

- Nghị định số 367/NĐ ngày 09/11/1952 của Bộ Quốc gia giáo dục quy định tổ chức các trường sư phạm sơ cấp.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ giáo dục được Chính phủ đặt ra một cách sát thực tế:

- Phát triển giáo dục phổ thông;

- Phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp;

- Thanh toán nạn mù chữ và tiếp tục phát triển bổ túc văn hóa;

- Phát triển giáo dục miền núi;

- Ổn định tình hình và phát triển giáo dục đối với học sinh miền Nam tập kết.

Năm 1956, ba trường đại học lớn ở Hà Nội được Chính phủ thành lập: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông Lâm. Đến năm 1957, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. So sánh niên học 1957-1958 với niên học 1939-1940 tổng số các trường học từ 4.413 tăng lên 5.007; tổng số giáo viên tăng từ 8.365 lên 23.340; tổng số học sinh vỡ lòng tăng từ 82.000 lên đến 857.000; tổng số học sinh phổ thông tăng từ 417.000 lên 1.008.800; tổng số sinh viên đại học tăng từ 582 lên đến 3.664. Bộ Giáo dục đón nhận 12.089 học sinh miền Nam vào học các cấp. về thanh toán nạn mù chữ: năm 1955 được 105.000 người; năm 1956 được 632.000 người.

Cuối năm 1959, do tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, Quốc hội khóa I, kì họp thứ 11, ngày 31/12/1959 đã thông qua Hiến pháp năm 1959 thay thế Hiến pháp năm 1946. Chính sách giáo dục thể hiện trong Hiến pháp năm 1959 là sự tiếp tục chính sách giáo dục của Hiến pháp năm 1946: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hóa, phát triển các hình thức giáo dục bổ túc văn hóa, kĩ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó ” (Điều 33).

Năm 1965, trước tình hình đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, để quản lí tốt hơn công tác giáo dục trong điều kiện đất nước có chiến tranh, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, UBTVQH đã quyết định tách Bộ Giáo dục thành hai bộ là Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh và còn chia cắt làm hai miền nhưng giáo dục ở miền Bắc vẫn không ngừng phát triển, cụ thể: về giáo dục phổ thông năm học 1970-1971 toàn miền Bắc có 10.897 trường, 132.631 giáo viên và 4.359.700 học sinh thì năm học 1971-1972 tăng lên 11.080 trường, 141.550 giáo viên và 4.585.600 học sinh và đặc biệt năm học 1972-1973 là năm học chiến tranh phá hoại rất khốc liệt thì số trường học vẫn tăng lên đến 11.226 trường, số giáo viên là 150.531, số học sinh là 4.680.500. Năm học 1972-1973 ở miền Bắc đã có 36 trường đại học với 7.697 giáo viên, 53.760 sinh viên. Tuy nhiên, ở miền Bắc kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến gần hết thập kỉ 70 của thế kỉ trước vẫn chưa có một cơ sở đào tạo cử nhân luật nào cả, vì vậy sự thiếu hụt cán bộ, chuyên gia pháp luật trong bộ máy nhà nước cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu pháp luật là vấn đề khá trầm trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, ngày 10/11/1979 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 405-CP thành lập Trường Đại học Pháp lí Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội). Đây được coi là một trong các trung tâm giảng dạy, trung tâm nghiên cứu và trung tâm truyền bá khoa học luật lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất, Hiến pháp năm 1980 được ban hành. Chính sách giáo dục quốc gia được thể hiện trong Hiến pháp là: “Nền giáo dục Việt Nam không ngừng được phát triển và cải tiến theo nguyên lí học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội, nhằm đào tạo có chất lượng những người lao động xã hội chủ nghĩa và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" (Điều 40). “Sự nghiệp giáo dục do nhà nước thống nhất quản lí. Nhà nước chăm lo phát triển cân đối hệ thống giáo dục: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học; phát triển các trường dạy nghề, trường vừa học vừa làm, hệ thống học tại chức; hoàn thành thanh toán nạn mù chữ, tăng cường công tác bố túc văn hóa, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và nghề nghỉệp của toàn dân ” (Điều 41). Khác với Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 xác định học tập không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp Liên Xô năm 1977, Hiến pháp năm 1980 quy định Nhà nước thực hiện chế độ học không phải trả tiền và chính sách cấp học bổng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân học tập. Việc quy định thực hiện chế độ học không phải trả học phí đã không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước nên việc áp dụng quy định trên đây của Hiến pháp đã tạo ra những bất cập trong xã hội. Giáo viên dù dạy ở bất cứ cấp nào cũng là bộ phận có thu nhập thấp trong xã hội, hàng loạt các giáo viên bỏ nghề, chất lượng giáo dục xuống cấp, các học sinh học giỏi không chọn nghề sư phạm, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ chối ở lại trường làm giảng viên. (Những hạn chế trên đây đã được khắc phục bằng những quy định về chính sách giáo dục phù hợp hơn trong Hiến pháp năm 1992).

Từ năm học 1981-1982, các trường phổ thông trong cả nước thống nhất chuyển sang hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm. Để Chính phủ có thể thống nhất quản lí hệ thống giáo dục, trước khi Hiến pháp năm 1980 ra đời, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86-CP ngày 05/3/1979 về việc đặt các trường của quân đội nhân dân Việt Nam trong hệ thống các trường chuyên nghiệp của Nhà nước. Ngày 16/02/1982, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ra Quyết định số 24-HĐBT về hệ thống các học viện quân sự, trường đại học và trường cao đẳng quân sự. Ngày 20/6/1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 163-CT về việc đưa công tác đào tạo ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc vào quy chế đại học và trên đại học nhằm chính quy hóa đối với công tác đào tạo ở hệ thống trường Đảng và thống nhất hóa hệ thống giáo dục, đào tạo trong cả nước.

Để tôn vinh nghề giáo là một nghề cao quý có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực để xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và để phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11/1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 153-HĐBT quy định các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú để phong tặng các giáo viên từ cấp mầm non đến đại học có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

 3- Chính sách giáo dục của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kì đổi mới

Hiến pháp năm 1992 ra đời đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Hiến pháp mới đánh dấu mốc quan trọng trong chính sách giáo dục. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) xác định mục tiêu của chính sách giáo dục là: “Nhà nước và xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phân làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ” (Điều 35).

Kế thừa và phát triển chính sách giáo dục đã được quy định trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã xác định những nguyên tắc và nội dung cơ bản của chính sách giáo dục:

- Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu (Điều 35);

- Nhà nước thống nhất quản lí hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng (Điều 36);

- Nhà nước phát triển cân đối hệ thống giáo dục gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học (Điều 36);

- Thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở (trước năm 2001 là phổ cập giáo dục bậc tiểu học) (Điều 36);

- Phát triển các hình thức trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác (Điều 36);

- Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục và khuyến khích các nguồn đầu tư khác (Điều 36);

- Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên bảo đảm phát triển giáo dục ở miền núi, các vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn (Điều 36);

- Các đoàn thể nhân dân trước hết là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (Điều 36).

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) kế thừa những quy định hợp lí của Hiến pháp năm 1980 như: học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân, nhà nước có chính sách học bổng, đồng thời quy định rõ hơn, cụ thể hơn chính sách giáo dục của nhà nước như công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức; học sinh có năng khiếu được nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng; nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã chỉnh sửa những quy định không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Hiến pháp năm 1980 như “chế độ học không phải trả tiền” và “Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục phổ thông bắt buộc” bằng quy định chỉ có “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” còn các cấp bậc học khác đều có chế độ học phí.

Sau khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, Quốc hội khóa IX, kì họp thứ nhất (từ ngày 20/9/1992 đến 08/10/1992) đã phê chuẩn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng làm cho bộ máy nhà nước gọn nhẹ hơn, do đó Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp được nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong giai đoạn 1992-1997, thực hiện Nghị quyết lần thứ tư của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VII về văn hóa, giáo dục, đào tạo, Chính phủ đã quyết định thành lập hai trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn của quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, một số trường đại học dân lập, đại học mở; thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, nâng cấp một số trường trung học thành cao đẳng và xây dựng ba trường phổ thông trung học chất lượng cao ở Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Việc sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng dân lập, bán công, mở đã khẳng định chính sách đổi mới giáo dục, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các hình thức học tập, tạo điều kiện cho mọi người có thể học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chăm lo đời sống của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục, trợ giúp, động viên học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/11/1997 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/12/1997 về học bảng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Quyết định ngày 14/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng quốc gia giáo dục; Nghị quyết của Chính phủ ngày 9/12/2000 về đổi mới chuơng trình giáo dục phổ thông...

Bước sang thế kỉ XXI, Việt Nam đứng trước những vận hội và thách thức mới, từ đầu năm 2007 Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WT0), quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng. Chính sách giáo dục của Việt Nam trong bối cảnh đó phải hướng đến mục tiêu tạo ra được những chuyển biến cơ bản để không tụt hậu so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Để đạt được mục tiêu nói trên, chính sách giáo dục phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006) đã chỉ ra:

- Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tố chức, cơ chế quản lí để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới; khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ;

- Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại của dân, do dân và vì dân, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đối mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên.

- Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàư mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất, lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại;

- Triển khai thực hiện hệ thống kiểm định khách quan, trung thực chất lượng giáo dục, đào tạo;

- Hoàn chỉnh và ổn định lâu dài hệ thống giáo dục quốc dân; chú trọng phân luồng đào tạo sau trung học cơ sở; đảm bảo liên thông giữa các cấp đào tạo. Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo. Xúc tiến xây dựng một số trường đại học của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, đào tạo nhân tài cho đất nước;

- Mở rộng quy mô dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, đảm bảo tốc độ tăng nhanh hơn đào tạo đại học, cao đẳng. Quy mô tuyến sinh dạy nghề dài hạn tăng khoảng 17%/năm và trung học chuyên nghiệp tăng 15%/năm;

- Phát triển rộng khắp và nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục cộng đồng;

- Tích cực triển khai các hình thức giáo dục từ xa;

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, rà soát sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;

- Đổi mới cơ chế quản lí, nâng cao chất lượng các trường công lập; bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển các trường ngoài công lập và các trung tâm giáo dục cộng đồng. Có lộ trình cụ thể cho việc chuyển một số cơ sở giáo dục, đào tạo công lập sang dân lập, tư thục; xóa bỏ hệ bán công. Khuyến khích thành lập mới và phát triển các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ngoài công lập, kể cả trường do nước ngoài đầu tư;

- Sửa đổi chế độ học phí đi đôi với đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo theo hướng xác định đầy đủ chi phí dạy và học, chia sẻ hợp lí trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người học. Thực hiện miễn, giảm học phí và cấp học bổng cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và học sinh giỏi;

- Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất - kĩ thuật các cấp học, mở thêm các trường nội trú, bán trú và có chính sách đảm bảo đủ giáo viên cho các vùng khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo... Phấn đấu đưa các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long lên ngang bằng trình độ bình quân chung của cả nước;

- Đổi mới và nâng cao năng lực quản lí nhà nước về giáo dục, đào tạo. Nhà nước thực hiện đúng chức năng định hướng phát triển, tạo lập khung pháp lí và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo; chống bệnh thành tích; tập trung khắc phục những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, thi cử, tuyển sinh, đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ, văn bằng;

- Đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao và đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường, nhất là các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;

- Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nhằm tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong giáo dục ở nước ngoài như chương trình dạy học theo tín chỉ, phương pháp dạy tình huống, phương pháp lấy người học làm trung tâm, phương pháp đối thoại, phương pháp socratic, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp diễn án, phương pháp làm bài tự luận, phương pháp trắc nghiệm, phương pháp phản biện khoa học...

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định đường lối "phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (khoản 1 Điều 61); "Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiếu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lí” (khoản 2 Điều 61). Chính sách giáo dục thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 cũng là một phần của chính sách xã hội nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, vì vậy Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục xác định: "Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiếu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài, tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề” (khoản 3 Điều 61).

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về chính sách giáo dục

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.37452 sec| 1077.25 kb