Khái quát về chính sách môi trường
Ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều coi trọng chính sách bảo vệ môi trường bởi phát triển bền vững đòi hỏi phải đảm bảo ba yếu tố: phát triển kinh tế bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội bền vững và bảo vệ môi trường bền vững.
Nhà nước ta đã ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 2005, qua tổng kết đánh giá 8 năm thi hành Luật bảo vệ môi trường cho thấy còn có những hạn chế, bất cập sau đây trong pháp luật và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường:
- Một số quy định trong Luật bảo vệ môi trường chưa phù hợp với thực tế nên chưa đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế;
- Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm được đối mới, chưa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại phí và lệ phí về môi trường theo nguyên tắc: “Người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lí, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường”, “Người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền” mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Chưa tạo được hành lang pháp lí và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường;
- Phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lí môi trường còn phân tán, chồng chéo, chưa hợp lí, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm. Việc giao cho nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lí môi trường là đúng, tuy nhiên còn thiếu sự phối hợp đồng bộ và có hiệu quả;
- Các quy định của pháp luật mới chỉ chú trọng về phía nhà nước trong khi đó chưa chú trọng đến cơ chế phối hợp của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và từng người dân trong bảo vệ môi trường;
- Bộ máy quản lí nhà nước về môi trường chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa giải quyết được vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia;
- Ý thức về bảo vệ môi trường chưa thành thói quen trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Trong bối cảnh trên đây, chúng ta phải coi vấn đề bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Môi trường là vấn đề quốc gia và toàn cầu, vừa là mục tiêu vừa là nội dung của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải trên quan điểm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Kiên quyết loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Phải quán triệt quan điểm đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho tương lai, cho phát triển bền vững. Khắc phục tư tưởng chạy theo lợi ích trước mắt về kinh tế mà hi sinh những lợi ích lâu dài. Nâng cao hiệu quả của hoạt động lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Các chỉ tiêu về môi trường phải được sử dụng để đánh giá chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương.
So với các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 đã dành một điều trong Hiến pháp cho chính sách bảo vệ môi trường. Lần đầu tiên tại Điều 63 Hiến pháp đã quy định: “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lí, sử dụng hỉệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thỉên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo" (khoản 1 và khoản 2 Điều 63). Lần đầu tiên trong đạo luật cơ bản của nhà nước đã hiến định chế tài trừng phạt các hành vi làm ô nhiễm hoặc làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiêm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lí nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại” (khoản 3 Điều 63).
Việc hiến định về chính sách bảo vệ môi trường trong Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến bộ lớn của Nhà nước ta trên con đường xây dựng đất nước phát triển bền vững.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm