Khái quát chung về công ty đối nhân

07/12/2024
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Công ty đối nhân là những công ty mà việc thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi độ tin cậy về nhân thân của các thành viên, các thành viên có quan hệ gần gũi, tin tưởng nhau mà lập ra “góp danh”, sự hùn vốn là yếu tố thứ yếu. Công ty đối nhân thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản: (i) Công ty hợp danh và (ii) Công ty hợp vốn đơn giản. Vậy thế nào là Công ty hợp danh? Thế là Công ty hợp vốn đơn giản?

1- Công ty đối nhân

Công ty đối nhân là những công ty mà việc thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi độ tin cậy về nhân thân của căc thành viên, các thành viên có quan hệ gần gũi, tin tưởng nhau mà lập ra “góp danh”, sự hùn vốn là yếu tố thứ yếu. Công ty đối nhân có đặc điểm quan trọng là không có sự tách bạch về tài sản cá nhân các thành viên và tài sản của công ty. Các thành viên liên đới chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ty hoặc ít nhất phải có một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Các thành viên có tư cách thương gia độc lập và chịu thuế thu nhập cá nhân, bản thân công ty không bị đánh thuế. Hầu hết pháp luật các quốc gia đều không quy định tư cách pháp nhân cho công ty đối nhân, nó xuất hiện giao dịch với bên ngoài với tính chất cá nhân, song nó khác cá nhân ở chỗ là các thành viên khi giao dịch với bên ngoài đều nhân danh “hãng” chung công ty. Các thành viên công ty cùng nhau điều hành hoạt động của công ty và đều có quyền đại diện theo pháp luật.

Về phương diện kinh tế, các công ty đối nhân do tính liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên nên họ có thể được các ngân hàng dễ dàng cho vay vốn. Mặt khác, do tính liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên các công ty đối nhân thường không đầu tư vào khu vực có nhiều rủi ro, trong thực tế công ty đối nhân thường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi độ tin cậy giữa các thành viên, trình độ chuyên môn cao như: dịch vụ pháp lý, kiểm toán, kiến trúc, giám định...

Về phương diện pháp lý, công ty đối nhân là loại hình công ty trong đó các thành viên có quan hệ gắn bó, hiểu biết và tin tưởng nhau do đó pháp luật rất ít quy định bắt buộc đối với họ.

Công ty đối nhân thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản: (i) Công ty hợp danh và (ii) Công ty hợp vốn đơn giản.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

2- Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình công ty, trong đó các thành viên cùng nhau tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh hay còn gọi là công ty góp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân. Xét về mặt lịch sử thì công ty hợp danh ra đời sớm nhất, bởi lẽ khi con người biết hành nghề thương mại thì có lẽ lúc ban đầu họ kinh doanh đơn lẻ (từng cá nhân). Sau này do nhu cầu kinh doanh cần phải liên kết thì họ phải lựa chọn những người thân, quen và phải thật tin tưởng để cùng nhau kinh doanh.

Trên thực tế, công ty này được thành lập trong dòng họ gia đình. Do tính chất liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên các thành viên phải thật sự hiểu biết nhau, tin tưởng nhau “sống chết có nhau”. Điều đó phản ánh tâm lý của các nhà kinh doanh khi hùn vốn với nhau để kinh doanh. Các nhà kinh doanh ưa thích mô hình hợp danh hơn là kinh doanh đơn độc theo mô hình cá nhân kinh doanh.

Việc thành lập công ty dựa trên cơ sở hợp đồng giữa các thành viên. Hợp đồng thành lập công ty nói chung được lập thành văn bản, tuy nhiên, luật không bắt buộc phải làm như vậy. Các bên có thể thoả thuận miệng, thậm chí không cần tuyên bố rõ, mà chỉ cần có những hoạt động thương mại chung thì công ty cũng được coi là đã thành lập. Về nguyên tắc, hợp đồng thành lập phải được đăng ký vào danh bạ thương mại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hợp đồng tuy không được đăng kí nhưng được thông báo rộng rãi thì vẫn có giá trị pháp lý.

Trong hợp đồng, điều quan trọng là sự thoả thuận về trách nhiệm của các thành viên. Một công ty hợp danh được thành lập nếu ít nhất có hai thành viên thoả thuận với nhau cùng chịu trách nhiệm liên đới vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ty.

Công ty hợp danh có một số đặc trưng sau:

Thứ nhất, cũng như đặc tính chung của các công ty đối nhân, mỗi thành viên trong công ty hợp danh đều có phần của mình trong công ty gọi là phần lợi. Phần của mỗi người tương ứng với phần vốn góp của họ vào công ty. Phần vốn góp của các thành viên có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau và có đặc tính là không được tự do chuyển nhượng.

Thứ hai, Công ty hợp danh phải hoạt động dưới một hãng chung, mặc dù vậy các thành viên đều có tư cách thương nhân. Các thành viên kết hợp cái “danh tính” của mình thành ra hội danh tức là cái danh tính của công ty. Vì vậy, các thành viên phải có năng lực cần thiết, các thành viên phải ghi tên vào danh bạ thương mại. Khi công ty bị phá sản thì các thành viên cũng bị phá sản thương nhân.

Thứ ba, trong công ty hợp danh, các thành viên chịu trách nhiệm bản thân, liên đới vô hạn về mọi khoản nợ của công ty. Điều đó được thể hiện như sau:

- Các thành viên chịu trách nhiệm một cách trực tiếp, cơ bản, vì chủ nợ có quyền đòi bất kì ai với toàn bộ số tiền nợ.

- Trách nhiệm này không thể bị giới hạn đối với bất kỳ thành viên nào. Nếu họ có thoả thuận khác, lập tức công ty sẽ chuyển sang loại hình công ty hợp vốn đơn giản.

- Trong công ty hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân. Sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với khối tài sản chung sang tài sản riêng rất đơn giản và nói chung khó kiểm soát, về nguyên tắc, ngay khi một thành viên chưa được hưởng chút lợi nhuận nào thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, khả năng rủi ro và nguy hiểm đối với từng thành viên là rất lớn.

Tuy nhiên, lợi thế của công ty này là khả năng dễ dàng được ngân hàng cho vay vốn hoặc hoãn nợ, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là sự bảo đảm. Do tính an toàn pháp lý đối với công chúng cao nên công ty hợp danh chịu ít quy định pháp lý ràng buộc, pháp luật dành quyền rộng rãi cho các thành viên thỏa thuận, quy định ràng buộc duy nhất là tính chịu trách nhiệm vô hạn. Về tổ chức, công ty hợp danh rất đơn giản. Các thành viên có quyền thoả thuận trong hợp đồng về việc tổ chức, điều hành, đại diện của công ty. Công ty hợp danh được tổ chức dưới hình thức một hãng chung. Hãng này thường mang tên một thành viên hoặc tất cả thành viên. Hầu hết pháp luật các nước đều quy định công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân (Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân). Dưới hình thức một hãng, công ty hợp danh có tư cách thương gia độc lập, mỗi thành viên hợp danh vẫn có tư cách thương gia riêng, các thành viên kết hợp danh tính của mình mà thành ra “hội danh” tức là cái danh tính của công ty. Các thành viên có thể cùng nhau điều hành và đại diện cho công ty hoặc thoả thuận phân công trách nhiệm về quyền đại diện cho từng người. Vấn đề góp vốn, luật không quy định vốn tối thiểu các bên có quyền thoả thuận các hình thức góp vốn (bằng tiền, hiện vật, các bản quyền...) thậm chí “vốn góp” chỉ là uy tín kinh doanh của cá nhân. Trong công ty hợp danh, việc thay đổi thành viên là rất khó khăn, chỉ cần một thành viên chết, xin ra khỏi công ty là lí do quan trọng để công ty giải thể, điều đó được lý giải bởi bản chất đối nhân của loại công ty này.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luât TNHH Everest

3- Công ty hợp vốn đơn giản

Công ty hợp vốn đơn giản là loại hình công ty có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn), còn những thành viên khác chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (thành viên góp vốn).

Công ty hợp vốn đơn giản về cơ bản giống công ty hợp danh, điểm khác biệt cơ bản so với công ty hợp danh là công ty hợp vốn đơn giản có 2 loại thành viên với những địa vị pháp lý khác nhau.

- Thành viên nhận vốn (hay còn gọi là thành viên quản trị) là người quản lý, sử dụng vốn, người trực tiếp điều hành các hoạt động của công ty. Thành viên này chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty, có quyền quản trị công ty, đại diện cho công ty trong các quan hệ đối ngoại, thành viên nhận vốn chỉ là cá nhân. Họ có quyền lấy tên của mình để đặt tên cho công ty, bởi họ là thương nhân.

- Thành viên góp vốn là người bỏ vốn ra cho công ty kinh doanh với mong muốn được chia lợi nhuận. Thông thường, tên của các thành viên góp vốn cũng không công khai trong danh bạ thương mại của công ty mà chỉ có trong hợp đồng thành lập công ty, họ không có tư cách thương nhân. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình vào công ty. Việc góp vốn của thành viên này chủ yếu là bằng tiền mặt, tuy nhiên họ cũng có thể góp vốn bằng tài sản hiện vật nhưng không thể góp vốn bằng các giá trị tinh thần như uy tín trong kinh doanh, công lao... Loại vốn góp này chỉ dành cho các thành viên chịu trách nhiệm vô hạn mà thôi. Thành viên góp vốn không có quyền đại diện cho công ty trong các quan hệ đối ngoại, nếu họ đứng ra thay mặt công ty thực hiện các giao dịch thì sẽ mất quyền hưởng trách nhiệm hữu hạn. Thành viên góp vốn chỉ có quyền trong quan hệ nội bộ của công ty. Tên hãng của công ty hợp vốn đơn giản cũng chỉ ghi tên của thành viên nhận vốn. Sự ra đời của công ty hợp vốn đơn giản đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, một khi họ không muốn vào công ty hợp danh do tính chịu trách nhiệm vô hạn của tất cả các thành viên.

Theo các nhà nghiên cứu về công ty thì công ty hợp vốn đơn giản có mầm mống từ thời Trung cổ và thịnh hành nhất ở Italia do sự phát triển của thương mại hàng hải. Ở Pháp, từ năm 1673 đã có luật lệ quy định về công ty này. Theo đó, khi thành lập công ty, bắt buộc các đương sự phải làm hợp đồng viết, trong đó phải phân biệt rõ tư cách thành viên “thủ tư” (người nhận vốn) và thành viên “xuất tư” (người góp vốn). Sự phân biệt này là bắt buộc đế các đối tác của công ty không bị nhầm lẫn về trách nhiệm giừa hai loại thành viên.

Sự ra đời của loại hình công ty này cũng rất thú vị, thoạt tiên là để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp giàu có trong xã hội (giới quý tộc) như: Tầng lớp quý tộc, quan toà, thầy tu, những người có địa vị cao trong xã hội muốn bỏ tiền ra kinh doanh kiếm lời nhưng không muốn xuất đầu, lộ diện trước công chúng với tư cách là một thương nhân. Những người này vì địa vị xã hội cao quý, vì quy chế nghề nghiệp không cho phép họ hành nghề thương mại. Bên cạnh đó có một lý do nữa là có những người không muốn vào công ty hợp danh do tính chịu trách nhiệm liên đới vô hạn của các thành viên.

Công ty hợp vốn đơn giản đã từng “một thời vang bóng” cùng với công ty hợp danh, đã góp phần đáp ứng nhu cầu cho nhiều người có tài kinh doanh nhưng lại ít vốn, những người có nhiều tiền nhưng lại không có điều kiện để trực tiếp kinh doanh. Công ty hợp vốn đơn giản ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác có hiệu quả giữa các tầng lớp người trong xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển của thương mại và sự xuất hiện của công ty cổ phần, thì loại công ty này đang dần bị quên lãng. Liệu đó có phải là lý do mà các nhà lập pháp Việt Nam không quy định loại hình công ty này trong Luật Doanh nghiệp, mặc dù có rất nhiều hội thảo, rất nhiều công trình khoa học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ... “tụng ca” về công ty hợp vốn đơn giản. Các nhà khoa học thường có cách tư duy lãng mạn để sáng tạo, còn các nhà lập pháp, họ có cách nhìn thực tế.

Luật Doanh nghiệp của Việt Nam quy định về công ty hợp danh, nhung lại quy định trong công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Như vậy, trên thực tế có thể có công ty hợp danh chỉ có một loại thành viên hợp danh, có công ty hợp danh vừa có thành viên hợp danh vừa có thành viên góp vốn mà khoa học pháp lý gọi là công ty hợp vốn đơn giản.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái quát chung về công ty đối nhân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái quát chung về công ty đối nhân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái quát chung về công ty đối nhân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17360 sec| 988.32 kb