Khái quát về pháp luật thuế thu nhập cá nhân

06/03/2023
Thuế thu nhập cá nhân là hình thức thuế thu vào các khoản thu nhập của các cá nhân kinh doanh và không kinh doanh. Đồng thời, quan hệ pháp luật thuế thu nhập cá nhân là quan hệ thu, nộp thuế phát sinh giữa Nhà nước với cấc cá nhân có thu nhập chịu thuế được các quy phạm pháp luật thuế thu nhập cá nhân điều chỉnh.

I- KHÁI QUÁT VỀ PHÁP LUẬT THUÊ THU NHẬP CÁ NHÂN 

Ở nước ta trước đây, trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, do nguồn thu nhập của dân cư trong xã hội mang tính chất thuần nhất nên Nhà nước ta không thu thuế đối với thu nhập của cá nhân không kinh doanh. Sau khi thực hiện đường lối mới cơ chế quản lí từ cơ chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, chế độ phân phối thu nhập theo cơ chế thị trường hình thành phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự phân hóa thu nhập và phân cực giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội diễn ra rất nhanh. Để động viên một phần thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập cao hơn so với mức thu nhập chung của cộng đồng vào ngân sách nhà nước và thực hiện điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, ngày 27/12/1990, Hội dồng nhà nước ban hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Pháp lệnh này được áp dụng trên thữc tế kể từ ngày 01/4/1991. Qua quá trình tổ chức thực hiện, pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao được ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1992, 1993, 1994, 1997, 2001, 2004. Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày từ ngày 01/01/2009.

Qua 3 năm thực hiện, Luật thuế thu nhập cá nhân về cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra khi ban hành Luật:

Thứ nhất, đã bao quát và mở rộng được đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, theo đó, số người nộp thuế đã tăng lên qua các năm, các loại thu nhập mới phả sinh trong nền kinh tế đã dần bao quát được.

Thứ hai, đảm bảo động viên hợp lí thu nhập của dân cư, góp phần đảm bảo công bằng xã hội: Thống nhất các quy định về thuế âp dụng đối với các nhân có thu nhập, không phân biệt các nhân người nước ngoài với người Việt Nam.

Thứ ba, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, số thu thuế thu nhập các nhân có sự tăng trưởng nhanh số thu năm 2009 đạt 3,4% tổng số thu ngân sách nhà nước, năm 2010 đạt 4,7% tổng thu ngân sách nhà nước, năm 2011 số thu bằng đạt 5,5% tổng thu ngân sách nhà nước.

Thứ tư, từng bước góp phần thực hiện kiểm soát thu nhập của dân cư. Tính đến hết năm 2011, ngành thuế đã hoàn thành việc cấp mã số thuế cho 15.894.719 cá nhân. Thông qua cá nhân, cơ quan chi trả được cấp mã số thuế, ngành thuế nắm được số nguywời nộp thuế, số người chưa phải nộp thuế đối với thu nhập từ tiền lương tiền công và từ thu nhập khác, số thuế thu được từ các loại thu nhập của cá nhân theo phương thức khấu trừ tại nguồn và theo phương thức kê khái, nộp thuế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nên kinh tế nên một số quy đihnh trong Luật thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

(i) Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp;

(ii) Về phạm vi, đối tượng tính thuế chưa bao quát hết hoặc đã lạc hậu do phát sinh những nội dung mới theo quy định của pháp luật liên quan;

(iii) Một số quy định về kì tính thuế, thủ tục kê khai, quyết toán thuế chưa phù hợp với thực tiễn, còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, công tác quản lí thuế cũng như hiện đại hóa quản lí thuế.

Vì vậy, để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá công tác quản lí thuế thì việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm:

Một là, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên một cách hợp lí thu nhập dân cư, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Hai là, sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; việc sửa đổi đảo bảo không làm ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước.

Ba là, bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lí thuế.

Bốn là, góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, thu vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội về thu nhập và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Xem thêm: Khái niệm và ý nghĩa hệ thống pháp luật.

II- DẤU HIỆU ĐẶC TRƯNG ĐỂ PHÂN BIỆT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VỚI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Thứ nhất, đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân kinh doanh và không kinh doanh có thu nhập chịu thuế phát sinh. Còn đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải là tổ chức kinh doanh có thu nhập chịu thuế phát sinh.

Thứ hai, thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập cá nhân là các khoản thu nhập phát sinh từ kinh doanh, từ lao động và các khoản thu nhập khác không từ kinh doanh của các cá nhân còn thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập doanh nghiệp là các khoản thu nhập từ kinh doanh và thu nhập khác của tổ chức kinh doanh.

Về bản chất, thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu. Do đó, việc áp dụng chế độ thuế thu nhập cá nhân tạo khả năng để Nhà nước thực hiện điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thuế Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
 


 

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về pháp luật thuế thu nhập cá nhân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.19731 sec| 954.695 kb