Khái quát về văn hóa pháp lý

22/02/2023
Văn hoá nói chung là một phạm trù có nội dung rất rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động của con người trong lao động sản xuất của cải vật chất, sáng tạo các giá trị về mặt tinh thần. Mỗi lĩnh vực hoạt động của con người hình thành nên những giá trị, lợi ích và hàm chứa mức độ đậm, nhạt tính chất văn hoá riêng biệt, đặc thù.Văn hoá gắn liền với sự vận động, tiến hoá nên nó hình thành nên các nền văn minh, các lĩnh vực văn minh của nhân loại từ chính lịch sử của sự phát triển. Kho tàng văn hoá nhân loại có một phần văn hoá pháp lí, đó là mảng văn hoá đặc thù gắn với luật pháp, chế độ chính trị với các thiết chế quyền lực khác của đời sống giai cấp.

I- KHÁI NIỆM VĂN HÓA PHÁP LÍ

Nếu như các loại hình văn hoá khác xuất hiện từ giai đoạn khởi thuỷ xã hội con người thì văn hoá pháp lí hình thành muộn khi pháp luật được coi là công cụ thiết yếu để quản lí xã hội. Nói tới văn hoá pháp lí là nói tới con người, nói tới việc phát huy năng lực bản chất của con người trong các hoạt động thực tiễn. Dưới góc độ này, cơ sở của mọi hoạt động là khát vọng của con người hướng tới các giá trị pháp lí được định chuẩn bởi pháp luật. Các hoạt động đó về bản chất là hướng tới các giá trị tích cực và mang tính sáng tạo, phổ biến nên văn hoá pháp lí về nội dung cần được hiểu với nghĩa là luôn luôn hàm chứa các giá trị hữu ích, tích cực. Mọi hoạt động nếu xuất phát từ nhu cầu không chính đáng của con người đương nhiên sẽ không hàm chứa các giá trị văn hoá và văn hoá pháp lí. Vì lẽ đó, khái niệm văn hoá pháp lí luôn chứa đựng tính chất nhân văn và mang đặc điểm sâu sắc của một dân tộc trong quá trình phát triển. Xét về nguồn gốc, văn hoá pháp lí chỉ có thể hình thành trên nền tảng ý thức pháp luật, sự nhận thức về các giá trị của pháp luật. Văn hoá pháp lí nói chung được nhận diện thông qua hoạt động thực tiễn của các cá nhân, nhóm người, giai cấp, cộng đồng xã hội.

Cũng như mọi loại hình văn hoá khác, văn hoá pháp lí chia thành hai lĩnh vực là văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Sự phân chia này thực chất nhằm có được cách nhìn toàn diện đối với các sản phẩm cụ thể của loại hình văn hoá pháp lí. Tuy nhiên, cách hiểu đó cũng chỉ là tương đối. Cái gọi là văn hoá vật chất thực ra là vật thể hoá các giá trị tinh thần mà thôi. Nhìn chung, các yếu tố thuộc nền tảng cơ sở xã hội và thượng tầng pháp lí luôn tác động hữu cơ tới các yếu tố của văn hoá pháp lí trong quá trình vận động của nó. Do đó, các nhân tố của văn hoá pháp lí phải được gắn kết chặt chẽ, sống động với hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lí... để biến thành nguồn nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển.

Dưới góc độ tổng quan, văn hoá pháp lí là phạm trù thẩm thấu cả chiều rộng, chiều sâu của tri thức pháp lí; trình độ tư duy pháp lí; lối sống theo pháp luật và múc độ hiện thực hoá các giá trị pháp lí thông qua hành vi của con người. Khái niệm văn hoá pháp lí được tiếp cận với nhiều nghĩa và được xem xét một cách đa chiều từ nhiều yếu tố khác nhau như: tri thức pháp luật; trình độ tư duy pháp lí, trình độ nhận thức về thực tiễn pháp luật; mức độ tôn trọng pháp luật; hiệu quả, chất lượng của quá trình xây dựng pháp luật; các phương thức tổ chức thực hiện pháp luật (như kiếm tra, giám sát, phản biện...); kết quả của các hoạt động pháp luật dưới dạng sản phẩm tinh thần và vật chất như: công trình khoa học, hệ thống văn bản pháp luật; so sánh luật; truyền thông pháp lí, thực tiễn pháp lí... Ngoài ra, do các lĩnh vực của văn hoá pháp lí rộng và đa dạng, chính vì vậy có thể xem xét văn hoá pháp lí theo nghề nghiệp hoặc lĩnh vực như trong xây dựng pháp luật, trong tổ chức thực hiện pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; trong nghiên cứu, thực tiễn khoa học pháp lí, trong đào tạo luật... Gắn với từng cá nhân con người, dưới góc độ cụ thể đó là biếu hiện ở sự hiểu biết pháp luật; phương thức ứng xử, kết quả, sự đánh giá về các hoạt động pháp lí thực tiễn.

Tóm lại, Văn hoá pháp lí là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tỉnh thần do con người sáng tạo và tích lũy trên cơ sở tri thức pháp luật, lòng tin, tình cảm đổi với pháp luật và các mặt hoạt động pháp luật thực tiễn.

Nhìn chung, văn hoá pháp lí có những đặc điểm cơ bản sau:

(i) Văn hoá pháp lỉ được hình thành, tồn tại trên nền tảng của quá trình điều chỉnh pháp luật.

Trong đời sống pháp lí, các nhân tố pháp luật, sự thực thi pháp luật và văn hoá pháp lí có quan hệ phụ thuộc với nhau. Mỗi yếu tố đều có tính cách là tiền đề, kết quả, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình tồn tại, phát triển. Có thể khẳng định, không có văn hoá pháp lí mà thiếu đi một nhân tố nào đó trên thực tế. Dĩ nhiên, các nhân tố này luôn ở trong trạng thái động của quá trình điều chỉnh pháp luật. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực thi pháp luật đặc thù, riêng biệt nên văn hoá pháp lí thể hiện những đặc điểm, màu sắc khác nhau.

(ii) Văn hoá pháp lỉ có tỉnh kế thừa, phủ định và đan xen trong quá trình tồn tại, phát triển. 

Văn hoá pháp lí là yếu tố hiện thực của đời sống con người trong điều kiện quản lí xã hội bằng pháp luật. Lịch sử và thực tế phát triển qua các giai đoạn đã hình thành, hun đúc nên những giá trị văn hoá pháp lí với mức độ khác nhau. Văn hoá pháp lí được lưu truyền qua nhiều thế hệ, luôn thể hiện và vươn tới các giá trị đích thực của quá trình điều chỉnh pháp luật. Ngày nay, những nguyên lí về nhà nước pháp quyền, phương thức tổ chức, kiểm soát quyền lực nhà nước, xã hội công dân... đã minh chứng về giá trị, sức sống của sự kế thừa đó. Nó thực sự là quá trình đấu tranh của nhân loại để từng bước hiện thực hoá những tư tưởng vĩ đại có từ nền văn minh pháp lí cổ đại ở Athens, Ai Cập, La Mã... Những giá trị cốt lõi, xuyên suốt chiều dài lịch sử tiếp tục được ghi nhận, định chế, phát triển và bảo vệ ngày càng sâu rộng hơn trong chế độ tư bản chủ nghĩa cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên, bản sắc, sự đan xen trong đời sống pháp lí của mỗi chế độ xã hội được đặt trên nền tảng của việc kế thừa khác nhau. Thông thưòng, các khuynh hướng tiếp nhận hoặc bài trừ có sự chọn lọc từ phía nhà nước hoặc mặc nhiên từ đời sống xã hội đem lại. Đó thực chất cũng là quá trình đấu tranh của hai mặt đối lập giữa tính tích cực, hữu ích, lành mạnh với yếu tố lai căng, phản văn hoá, tiêu cực.

(iii) Văn hoá pháp lí mang tính giai cấp.

Văn hoá pháp lí là một phần đời sống pháp lí của xã hội có giai cấp, được hình thành trên nền tảng pháp luật, sự vận động điều chỉnh của pháp luật. Mặc dù văn hoá pháp lí có tính phổ biến, tương đồng và gắn liền với bản sắc dân tộc, nhưng văn hoá pháp lí không thể không mang tính giai cấp. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hoá tính giai cấp của văn hoá pháp lí  nhất là trong điều kiện đổi mới, hội nhập đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ như hiện nay. Trên thực tế, các yêu cầu và giá trị của xã hội dân sự đã từng bước đem lại tính tương đồng, hài hoà hoá sự tác động của nhà nước tới các quan hệ xã hội. Điều này cho thấy khuynh hướng đề cao, coi trọng tính giai cấp của đời sống văn hoá pháp lí hoàn toàn không phù họp với bản chất nhà nước, pháp luật của nhân dân, phục vụ nhân dân.

(iv) Văn hoá pháp lí có moi quan hệ hữu cơ với các loại hình vần hoá khác.

Văn hoá pháp lí có các đặc điểm của văn hoá nói chung, các đặc điểm riêng của mình và luôn có mối quan hệ mật thiết với các dạng văn hoá khác. Mối tương quan và sự tác động qua lại giữa văn hoá pháp lí với các hình thái văn hoá xã hội khác là điều dễ hiểu bởi các quy phạm pháp luật luôn nằm trong mối liên hệ đa chiều với các loại quy phạm xã hội khác. Theo đó, các quan hệ pháp luật cũng nằm trong sự tương tác với hệ thống các quan hệ xã hội khác.

II- CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH VĂN HÓA PHÁP LÍ

Việc nhận diện, xem xét cấu thành văn hoá pháp lí trên thực tế khá phức tạp cả về xác định các yếu tố nội dung và lượng hoá từng vấn đề cụ thể. Sở dĩ như vậy vì khái niệm văn hoá pháp lí có nội hàm rộng, cấu trúc thực tế có cả vật chất và các yếu tố phi vật chất, trừu tượng. Đã có nhiều ý kiến, quan niệm về văn hoá pháp lí, tuy nhiên nhìn chung dưới góc độ tổng quan, cấu thành văn hoá pháp lí thể hiện ở hai phương diện chủ quan và khách quan. Hai mặt này của văn hoá pháp lí thống nhất hữu cơ và là tiền đề của nhau trong quá trình tồn tại và phát huy vai trò của mỗi phương diện. Sở dĩ cho rằng như vậy bởi xuất phát từ cấu thành của văn hoá nói chung có các bộ phận cơ bản là: yếu tố ý thức, tư duy; yếu tố vật chất (các giá trị vật chất, vật thể hoá do con người sáng tạo) và yếu tố ứng xử của con người. Các yếu tố này tạo nên hệ thống các giá trị truyền thống, lối sống được lưu truyền qua các thế hệ khác. Việc xem xét các bộ phận hợp thành văn hoá nói chung, văn hoá pháp lí nói riêng nếu chỉ nhìn qua bề ngoài ở sự biểu đạt khách quan thì khó kiến giải, đánh giá thấu đáo được đầy đủ các đặc tính và sự thống nhất nội tại của hiện tượng này.

Về mặt chủ quan, đó là những yếu tố thuộc về ý thức, tâm lí của con người như nhận thức pháp luật; sự phản ánh cảm xúc, thái độ tích cực đối với pháp luật; sự tôn trọng các giá trị, nguyên tắc, yêu cầu của pháp luật. Những yếu tố này được coi là nền tảng cho quá trình biểu đạt, phản ánh nội dung văn hoá pháp lí ra bên ngoài thế giới khách quan của đời sống hiện thực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến mặc dù thừa nhận ý thức với tính cách là nền tảng chỉ đạo các hoạt động pháp lí thực tiễn nhưng không nên coi đó là bộ phận của văn hoá pháp lí. Nó là những yếu tố nằm trong chiều sâu tâm lí của chủ thể, nó như là cái riêng của mỗi con người. Theo cách hiểu này, văn hoá nói chung và văn hoá pháp lí nói riêng chỉ được hình thành từ các yếu tố hiện thực khách quan trong đời sống xã hội. Chỉ có thể nhận biết được trạng thái văn hoá pháp lí từ góc độ này.

Mặt khách quan của văn hoá pháp lí đó là những yếu tố có thể cảm quan được bằng trực giác như hệ thống pháp luật (ghi nhận, phổ biến, bảo vệ các giá trị nhân bản); hành vi hợp pháp; quan hệ pháp luật; kết quả, giá trị pháp luật, trật tự pháp luật, trạng thái môi trường pháp chế và các yếu tố vật chất...

Bên cạnh đó, việc tiếp cận, phân tích từng yếu tố của cấu thành văn hoá pháp lí cần được xem xét trong mối tương quan của các yếu tố khác như đạo đức, truyền thống văn hoá của dân tộc để thấy được tính đặc thù của nó trong sự vận động, phát triển chung của cả đời sống chính trị xã hội.

III- MỐI QUAN HỆ GIỮA Ý THỨC PHÁP LUẬT VÀ VĂN HÓA PHÁP LÝ

Ý thức pháp luật và văn hoá pháp lí là hai yếu tố có mối quan hệ tương tác hữu cơ với nhau hết sức chặt chẽ. Theo đó, ý thức pháp luật chính là nền tảng thiết yếu đối với quá trình truyền tải, phản ánh, hiện thực hoá các loại hình, nội dung, giá trị của văn hoá pháp lí. Không thể có đời sống văn hoá pháp lí nếu thiếu đi ý thức pháp luật của các chủ thể pháp luật. Điều này được lí giải bởi ý thức pháp luật là yếu tố bên trong thuộc về chủ quan của chủ thể còn văn hoá pháp lí là yếu tố đòi hỏi được bộc lộ ra bên ngoài thông qua hành vi; các vật thể hoặc phi vật thể. Khi văn hoá là yếu tố thuộc về con người và con người với tư cách là chủ thể của các hoạt động pháp lí thực tiễn thì ý thức pháp luật được coi là bộ phận của văn hoá pháp lí.

Tuy nhiên, văn hoá pháp lí có tính độc lập tương đối với ý thức pháp luật. Theo đó, văn hoá pháp lí vừa là kết quả phản ánh trạng thái ý thức pháp luật đồng thời là thước đo ý thức pháp luật đối với các loại chủ thể trên thực tế. Văn hoá pháp lí với tính đa dạng của nó về hình thức thể hiện, giá trị xã hội lại chính là môi trường tác động trực tiếp đến cấu trúc, nội dung của ý thức pháp luật. Bên cạnh đó, cũng như các yếu tố khác của đời sống xã hội, văn hoá pháp lí cũng hàm chứa tính đan xen, giao thoa, tiếp nhận hoặc phủ định giữa các quan niệm hoặc loại hình văn hoá khác nhau.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý luận chung Nhà Nước và Pháp Luật - Đại học luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về văn hóa pháp lý

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
16.86109 sec| 982.156 kb