Kỹ năng của luật sư: chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ trong phiên tòa hình sự sơ thẩm

"Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực".

- Mahadma Gandhi, 1869 -  1948, anh hùng dân tộc Ấn Độ

Kỹ năng của luật sư: chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ trong phiên tòa hình sự sơ thẩm

Luận cứ bào chữa, bảo vệ là tài liệu thể hiện kết quả quá trình luật sư nghiên cứu, tìm hiểu sự thật vụ án, các chứng cứ và tình tiết vụ án để bào chữa cho bị cáo, bảo vệ cho bị hại và đương sự. Kết quả bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị luận cứ bào chữa.

Việc chuẩn bị chu đáo luận cứ bào chữa, bảo vệ giúp luật sư hình sự chủ động, tự tin trong quá trình tranh tụng; nội dung bào chữa, bảo vệ được trình bày một cách có hệ thống, mạch lạc, không bỏ sót các tình tiết có lợi cho bị cáo hoặc bị hại, đương sự.

Liên hệ

I- YÊU CẦU CỦA LUẬN CỨ BÀO CHỮA, BẢO VỆ CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ

Bản luận cứ bào chữa, bản luận cứ bảo vệ phải đáp ứng một số yêu cầu như sau:

-  Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải có định hướng phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Định hướng bào chữa bảo vệ phải phù hợp với quy định pháp luật và liệu chứng cứ liên quan. Định hướng chung trong hoạt động bào chữa, bảo vệ là bảo đảm tính “có lợi” cho thân chủ. Tuy nhiên, phương án “có lợi” trong một vụ án cụ thể cần phù hợp với quy định pháp luật, tài liệu, chứng cứ trong vụ án. Trong trường hợp bảo vệ cho bị hại, dương sự cũng cần được lưu ý để xác minh định hướng phù hợp.

- Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải đảm đảm tính thống nhất; tránh việc bào chữa “nước đôi” hoặc mâu thuẫn giữa nội dung đánh giá, phân tích, nhận định và kết luận, đề xuất với Hội đồng xét xử. Thực tế, tại một số phiên tòa luật sư vẫn bào chữa “nước đôi”, vừa đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội nhưng vừa đề nghị “nếu bị cáo có tội thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Có luật sư bào chữa cho rằng sở dĩ luật sư bào chữa như vậy bởi muốn làm tròn trách nhiệm theo hợp đồng đã ký với thân chủ, muốn đảm bảo tối đa quyền lợi của thân chủ vì nếu luật sư bào chữa nêu quan điểm bị cáo không có tội nhưng sau đó tòa không đồng tình mà vẫn tuyên bị cáo có tội và quyết định hình phạt thì vô tình bị cáo đã mất đi quyền đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và yêu cầu tòa xem xét.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, luận cứ bào chữa phải bảo đảm tính thống nhất giữa phân tích nhận định và đề xuất của luật sư, việc bào chữa “nước đôi” thể hiện sự mâu thuẫn trong quan điểm bào chữa (vừa khẳng định bị cáo không có tội vừa xác định bị cáo có tội và xin giảm nhẹ hình phạt), thể hiện luật sư chưa tin tưởng vào lập luận, chứng cứ mà mình đưa ra để bào chữa cho bị cáo theo hướng không có tội.

Ví dụ về bào chữa nước đôi:

Luật sư: Vừa nói vô tội, vừa xin giảm nhẹ

Luật sư của bị cáo hùng hồn khẳng định quan điểm rằng thân chủ mình không phạm tội. Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận, luật sư lại vớt vát: “Nếu trong trường hợp tòa cho rằng thân chủ của tôi có tội thì tôi xin nêu các tình tiết giảm nhẹ sau đây để tòa xem xét”. Tiếp đó, luật sư... nêu hàng loạt ý kiến tranh luận theo hướng thân chủ phạm tội nhưng phạm tội ít nghiêm trọng có nhiều tình tiết giảm nhẹ...

Do luật sư vừa nhận định thân chủ của mình vô tội, vừa cho rằng thân chủ có nhiều tình tiết giảm nhẹ để đề nghị tòa xem xét khi lượng hình, chủ tọa phiên tòa buộc phải chất vấn đề làm rõ: “Tóm lại quan điểm của luật sư là bị cáo vô tội hay có tội nhưng xin giảm nhẹ?”. Luật sư đáp: “Tôi nêu các luận cứ chứng minh bị cáo vô tội nhưng nếu khi nghị án, tòa không tuyên bị cáo vô tội thì tòa phải xem xét tới phần giảm án cho bị cáo như những tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã tranh luận trên” (?).

Tòa: Khó ghi vào bản án

Theo nhiều thẩm phán, chuyện luật sư bào chữa theo kiểu nước đôi như trên đã xảy ra trong không ít phiên tòa hình sự gần đây, thường rơi vào các luật sư trẻ. Gặp trường hợp oái oăm này, tòa rất khó để ghi vào bản án về phần luận cứ của luật sư. “Không lẽ lại ghi rằng luật sư có hai luồng quan điểm là bị cáo vừa vô tội lẫn vừa có tội” - một thẩm phán TAND thành phố Đà Nẵng nói.

Vị thẩm phán này kể ở phiên xử nào mà gặp trường hợp luật sư bào chữa nước đôi, ông thường phải hỏi đi hỏi lại rằng quan điểm chủ chốt của luật sư là bị cáo có tội hay không có tội. Nhiều luật sư cứ khăng khăng “không có tội nhưng nếu tòa cho là có tội thì xin giảm án”. Cuối cùng trong bản án vẫn phải nêu rõ quan điểm của luật sư là... hai hướng cụ thể như vậy.

- Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải có cơ cấu hợp lý. Pháp luật không quy định về cơ cấu của bản luận cứ bào chữa, bảo vệ; về nguyên tắc, mỗi luật sư có thể có cách cấu trúc luận cứ bào chữa, bảo vệ riêng của mình. Tuy nhiên, thông thường, luận cứ bào chữa, bảo vệ gồm 03 phần: Phần mở đầu (giới thiệu về luật sư, vai trò của luật sư trong vụ án), phần nội dung (phân tích, chứng minh các vấn đề liên quan) và phần kết luận (đề xuất đối với Hội đồng xét xử). Cũng có luật sư xác định các mục cụ thể cho từng nhóm, nội dung của luận cứ bào chữa. Về cơ bản, cơ cấu hợp lý giúp bài bào chữa đầy đủ, mạch lạc, có hệ thống, thuận lợi cho việc trình bày của luật sư và việc theo dõi phần trình bày luận cứ của Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

- Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải có căn cứ, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục; nội dung bản bào chữa phải nêu bật được các chứng cứ, căn cứ pháp lý có lợi cho thân chủ, đưa ra các đề xuất có lý, có tình, thuyết phục được người nghe. Tính có căn cứ, thuyết phục là một trong những yêu cầu quan trọng đối với luận cứ bào chữa, bảo vệ. Với yêu cầu “nói có sách, mách có chứng”, với mỗi lập luận, đề xuất, luật sư bào chữa phải nêu được căn cứ cho lập luận, đề xuất đó, tránh nói chung chung, vòng vo không có căn cứ cụ thể. Ngôn từ sử dụng trong luận cứ bào chữa, bảo vệ cũng cần chính xác, phù hợp; tránh dùng sai các thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ khoa học hoặc dùng những từ ngữ không phù hợp.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- LUẬT SƯ HÌNH SỰ CHUẨN BỊ CÁC TÀI LIỆU VIẾT BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA, BẢO VỆ

Để viết luận cứ bào chữa, bảo vệ, luật sư cần tổng hợp các tài liệu đã thu thập được bao gồm các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, các tài liệu mới được bổ sung và các tài liệu có liên quan. Cụ thể là:

- Kết quả nghiên cứu hồ sơ đã được ghi chép, trích dẫn khoa học là nguồn tài liệu quan trọng để chuẩn bị cho việc viết luận cứ bào chữa, bảo vệ.

Việc chuẩn bị tài liệu viết luận cứ phụ thuộc rất nhiều vào cách mà luật sư đọc hồ sơ vụ án, cách nhìn nhận cũng như đánh giá chính xác nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội để từ đó đưa ra dự kiến định hướng bảo vệ. Khi chuẩn bị tài liệu để viết luận cứ, trong bản luận cứ nếu muốn trích dẫn các lời khai của người làm chứng, của thân chủ, của các bị can, bị cáo khác, của những người liên quan… hoặc trích dẫn những nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các văn bản… thì luật sư phải trích dẫn đầy đủ tên tài liệu, ngày của tài liệu, số thứ tự trang, bút lục.

Bên cạnh đó, luật sư cũng phải chuẩn bị sẵn các tài liệu đã được trích dẫn giúp luật sư luôn có bằng chứng bằng giấy trong tay, bất kể lúc nào cũng có thể đưa ra tại phiên tòa; khi trích dẫn luật sư có thể đọc đúng từng từ, từng chữ không bị lẫn trong một khối lượng lớn hồ sơ có khi lên đến mấy trăm ngàn bút lục.

- Tài liệu mới được luật sư thu thập, bổ sung. Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 73 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; các chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa mà người bào chữa thu thập được phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án, việc giao nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Như vậy, với tài liệu mới được thu thập, bổ sung dự kiến sử dụng cho luận cứ bào chữa, bảo vệ, luật sư cần giao cho Tòa án trước phiên tòa hoặc đề nghị Hội đồng xét xử đưa ra xem xét tại phiên tòa từ phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.

- Các tài liệu có liên quan. Tài liệu để viết một bản luận cứ không chỉ gói gọn trong hồ sơ vụ án mà còn có tài liệu liên quan từ các nguồn khác. Các tài liệu liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ gồm văn bản pháp luật (Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Hiến pháp, các đạo luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư, công văn hướng dẫn có liên quan đến hoạt động bào chữa trong vụ án cụ thể...); các bình luận khoa học về Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự; các án lệ; các vụ án tương tự/vụ án ở giai đoạn trước đã xét xử; các văn bản, quyết định của cơ quan, tổ chức; các tin, bài liên quan được phát đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu khác… Việc nghiên cứu về vụ án qua nhiều nguồn tài liệu sẽ giúp luật sư có cách nhìn vụ án tổng thể và khái quát hơn giúp luật sư có định hướng và những lập luận tốt nhất để bảo vệ thân chủ của mình.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ HÌNH SỰ XÁC ĐỊNH HƯỚNG BÀO CHỮA, BẢO VỆ

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ, việc thu thập bổ sung chứng cứ và gặp gỡ, trao đổi với thân chủ, luật sư cần xác định hướng bào chữa, bảo vệ cho thân chủ. Định hướng bào chữa, bảo vệ là “hướng đi” được thể hiện xuyên suốt trong luận cứ, từ việc lựa chọn, phân tích các tài liệu, chứng cứ đến việc đưa ra nhận định, đề xuất. Hướng bào chữa, bảo vệ trong mỗi vụ án cụ thể cần được xác định trên cơ sở có lợi cho thân chủ, phù hợp với quy định pháp luật và có căn cứ.

1- Luật sư xác định hướng bào chữa

Việc bào chữa của luật sư có thể theo các hướng sau:

- Bào chữa theo hướng thân chủ không có tội hoặc đình chỉ vụ án khi qua nghiên cứu hồ sơ luật sư thấy có các căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 157 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 hoặc nếu thấy có một trong các căn cứ đình chỉ vụ án theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Bào chữa theo hướng không có tội là hướng có lợi nhất cho thân chủ song cũng là hướng khó khăn đối với luật sư. Luật sư cần nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, xác định các căn cứ như “không có sự việc phạm tội” hoặc “hành vi không cấu thành tội phạm” để định hướng cho việc bào chữa.

- Bào chữa theo hướng giảm nhẹ: Luật sư có thể bào chữa giảm nhẹ cho thân chủ bao gồm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc/và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự.

Nếu bào chữa giảm nhẹ về trách nhiệm hình sự, căn cứ vào kết quả nghiên cứu hồ sơ, luật sư có thể xác định bào chữa theo hướng đề nghị chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn; đề nghị chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn; đề nghị áp dụng mức nhẹ hơn trong khung hình phạt, đề nghị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo; hình phạt không phải là hình phạt tù v.v..

Nếu bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm dân sự, tùy từng vụ án cụ thể luật sư có thể đề xuất theo hướng thân chủ được giảm nhẹ mức bồi thường, không bị buộc trả lại tài sản, không phải công khai xin lỗi...

- Bào chữa theo hướng yêu cầu trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ. Trong trường hợp đánh giá có các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo Điều 280 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 và xét thấy việc điều tra bổ sung sẽ có lợi cho thân chủ (làm rõ những điểm mâu thuẫn trong chứng cứ buộc tội; làm rõ những tình tiết có lợi cho thân chủ), luật sư có thể xác định bào chữa theo hướng yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, việc lựa chọn bào chữa theo hướng này cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, dự liệu những bất lợi khi điều tra bổ sung như làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, kéo dài thời gian bị can bị tạm giam, có thể làm rõ những chứng cứ bất lợi cho bị can...

2- Luật sư xác định hướng bảo vệ

Đối với luận cứ bảo vệ, các hướng bảo vệ thường là:

- Đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ, các tài liệu liên quan và trao đổi, thống nhất với bị hại, luật sư bảo vệ có thể bảo vệ theo hướng đề nghị tăng nặng Tránh nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Các trường hợp cụ thể là: đề nghị xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn (trường hợp này, luật sư bảo vệ đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung phù hợp với quy định về giới hạn của việc xét xử theo Điều 298 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015); đề nghị xét xử bị cáo theo khung hình phạt nặng hơn; để nghị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tăng hình phạt với bị cáo, không cho bị cáo hưởng án treo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

- Đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại như bổ sung các khoản bồi thường; tăng mức bồi thường; đề nghị trả lại vật chứng cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

Khi bảo vệ cho bị hại và đương sự, bên cạnh quy định pháp luật, các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, luật sư bảo vệ còn cần đặc biệt chú ý tới nguyện vọng của thân chủ. Bởi lẽ, trong nhiều vụ án, vì nhiều lý do như có mối quan hệ thân quen với bị cáo, thương cảm cho hoàn cảnh của bị cáo hoặc bị cáo, gia đình bị cáo đã tới xin lỗi bồi thường nên bị hại đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo, không yêu cầu bồi thường thiệt hại dù theo quy định pháp luật và chứng cứ thì hoàn toàn có thể đề nghị tăng mức hình phạt, tăng mức bồi thường. Trường hợp này luật sư cần phân tích giải thích rõ cho bị hại, người nhà bị hại đương sự về hướng bảo vệ nếu theo đúng quy định pháp luật, chứng cứ trong hồ sơ để họ có cơ sở cân nhắc, lựa chọn phù hợp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

IV- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ SOẠN THẢO LUẬN CỨ BÀO CHỮA, LUẬN CỨ BẢO VỆ

1- Luật sư soạn thảo luận cứ bào chữa

[a] Phần mở đầu:

Phần mở đầu luận cứ bào chữa thường bao gồm các nội dung:

- Luật sư bào chữa giới thiệu tên, văn phòng (công ty) nơi mình đang hoạt động, đoàn luật sư nơi mình tham gia;

- Luật sư bào chữa giới thiệu về vai trò của mình như được mời tham gia, được chỉ định tham gia hoặc tự nguyện bào chữa miễn phí cho thân chủ là bị cáo (tên bị cáo) trong vụ án;

- Tùy từng trường hợp trong phần mở đầu luật sư bào chữa có thể bày tỏ sự cảm ơn tới các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư bào chữa tác nghiệp; bày tỏ sự cảm thông với phía gia đình bị hại (nếu có người chết).

Thực tế, các luật sư bào chữa có cách mở đầu bài bào chữa khá đa dạng, đặc biệt với những vụ án gây sự chú ý lớn của dư luận. Tuy nhiên, nhìn chung phần mở đầu bản luận cứ bào chữa nên ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ các thông tin cần thiết, không nên vòng vo, dài dòng hoặc quá văn hoa.

[b] Phần nội dung:

Trước khi đưa ra các quan điểm bào chữa, luật sư bào chữa nêu tóm tắt ngắn gọn diễn biến, nội dung vụ án theo mô tả của bản cáo trạng, kết luận của cáo trạng. Trường hợp bị cáo không nhận tội, luật sư có thể nêu rõ các lời khai bị cáo không nhận tội, lý do không nhận tội, những tình tiết có mâu thuẫn trong diễn biến vụ án.

Luật sư bào chữa có thể dẫn ra những tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát  sử dụng để buộc tội bị cáo, sau đó nêu rõ không đồng ý với những luận điểm buộc tội nào trong bản cáo trạng. Luật sư lần lượt bào chữa theo từng vấn đề của vụ án sao cho có lợi nhất cho thân chủ. Tùy từng vụ án, nếu thấy có vi phạm thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố làm cho kết quả điều tra không phản ánh đúng sự thật vụ án luật sư cần trình bày trước vấn đề này; nếu chỉ là vi phạm nhỏ, luật sư bào chữa tập trung vào những vấn đề chứng cứ của vụ án, phân tích chỉ rõ điểm bất hợp lý, mâu thuẫn của các chứng cứ buộc tội đối với thân chủ của mình. Căn cứ vào định hướng bào chữa, luật sư kết hợp hài hòa việc đi sâu vào tố tụng hay chứng cứ của vụ án hoặc kết hợp cả hai trong bài bào chữa.

- Bào chữa theo hướng không có sự việc phạm tội. Theo hướng này luật sư bào chữa phân tích các chứng cứ của vụ án làm rõ bị cáo, hoàn toàn không thực hiện hành vi phạm tội (dựa trên những chứng cứ về thời gian, địa điểm phạm tội, dấu vết trên thân thể), các chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ để chứng minh hành vi phạm tội.

- Bào chữa theo hướng hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm. Theo hướng này, luật sư bào chữa phải phân tích các chứng cứ làm rõ hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố, có thể chứng minh thiếu một hoặc nhiều yếu tố cấu thành tội phạm. Tùy vào từng vụ án, luật sư bào chữa phân tích các chứng cứ chỉ rõ không đủ yếu tố thuộc mặt khách quan của tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố; không thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội phạm như không có chức vụ, quyền hạn bị truy tố về tội tham ô tài sản để đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội.

- Bào chữa theo hướng bị cáo thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong các trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi. Luật sư bào chữa phân tích chứng cứ làm rõ sự việc xảy ra thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết hoặc sự kiện bất ngờ và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội.

- Bào chữa khẳng định bị cáo có chứng cứ ngoại phạm: Trong trường hợp này, luật sư bào chữa phải đánh giá chứng cứ làm rõ độ tin cậy của các chứng cứ ngoại phạm của bị cáo từ đó khẳng định bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.

- Bào chữa theo hướng chuyển sang tội danh nhẹ hơn.

Trường hợp này, luật sư bào chữa một mặt phân tích hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm bị truy tố, mặt khác dựa vào cấu thành tội phạm của tội nhẹ hơn để phân tích, lập luận nhằm thuyết phục Hội đồng xét xử. Trong những trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội phạm có cấu thành tội phạm gần giống với tội phạm khác nhẹ hơn trong cùng nhóm tội mà không thể có chứng cứ chứng minh bị cáo vô tội thì luật sư bào chữa theo hướng chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn. Tuỳ từng vụ án cụ thể, luật sư bào chữa phân tích trạng thái tâm lý, ý thức chủ quan của bị cáo hay độ tuổi của người bị hại... nhằm làm rõ bị cáo phạm tội nhẹ hơn so với tội mà bản cáo trạng truy tố.

Chẳng hạn, Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội “Giết người”, có thể dựa vào hành vi khách quan làm sáng tỏ yếu tố lỗi thuộc mặt chủ quan để bào chữa chuyển sang tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, “Cố ý gây thương tích”. Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có thể bào chữa chứng minh bị cáo không có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà việc có được tài sản là dựa vào hợp đồng ngay thẳng sau đó mới không trả lại tài sản để đề nghị chuyển sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội “Hiếp dâm” có thể bào chữa chứng minh bị cáo không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để giao cấu mà chỉ dùng thủ đoạn khiến người bị hại phải miễn cưỡng giao cấu để đề nghị chuyển sang tội “Cưỡng dâm”...

- Bào chữa chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn. Trường hợp Viện kiểm sát nhận định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc các điểm theo khung tăng nặng của điều luật, luật sư bào chữa cần phân tích các chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo không có các tình tiết định khung tăng nặng đó. Đối với những tình tiết định khung tăng nặng mà việc áp dụng hay không áp dụng tùy thuộc nhiều vào việc đánh giá của người tiến hành tố tụng như các tình tiết “phạm tội có tổ chức”, “có tính chất côn đồ”, “vì động cơ đê hèn”... luật sư cần phân tích tổng hợp các chứng cứ của vụ án từ nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, thái độ tâm lý, các xử sự trong cuộc sống của bị cáo và bị hại, những sai trái của bị hại dẫn đến tinh thần bị cáo bị kích động... để làm rõ quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát mang tính miễn cưỡng, không có cơ sở chấp nhận.

- Bào chữa để giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ:

Luật sư bào chữa cần triệt để khai thác các tình tiết trong vụ án có lợi cho thân chủ như chứng minh thân chủ của mình tham gia vụ án không tích cực, không phải là người tổ chức, người xúi giục mà chỉ tham gia với vai trò giúp sức.

Trường hợp Viện kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội, luật sư có thể bào chữa theo hướng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ để đề xuất áp dụng mức hình phạt thấp trong khung hình phạt, hoặc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn hoặc đề nghị chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn (Điểu 54 Bộ Luật hình sự). Theo khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự, luật sư bào chữa thường đề xuất Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết: người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm (điểm a); tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (điểm b), phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra (điểm e); phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn (điểm h); phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm i), người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s).

Nếu đánh giá việc quyết định hình phạt của Tòa án đối với bị cáo không quá 03 năm tù và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, luật sư cần phân tích các đặc điểm về nhân thân của bị cáo để chứng minh bị cáo có nhân thân tốt hoặc tương đối tốt để để xuất cho bị cáo được hưởng án treo. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự, nếu bị cáo ra đầu thú hoặc có những tình tiết khác làm giảm trách nhiệm hình sự luật sư cần phần tích và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ Luật hình sự giảm nhẹ cho bị cáo.

Trong một số trường hợp, việc phân tích nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội cũng có ý nghĩa để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vụ án một cách toàn diện, từ đó cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, bị cáo đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn, bản bào chữa cần phải đưa ra và phân tích các luận cứ chứng minh những cố gắng của bị cáo đã ngăn chặn tội phạm làm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, làm rõ sự dũng cảm tự thú tố giác đồng bọn của bị cáo giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng phát hiện tội phạm và người phạm tội.

Đồng thời, luật sư bào chữa cũng cần làm nổi bật sự chuyển biến về nhận thức, ăn năn hối cải mong muốn hoàn lương của bị cáo để đề xuất Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự thì luật sư bào chữa có thể đề xuất miễn hình phạt đối với bị cáo. Trường hợp bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự trở lên, luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử quyết định một mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác nhẹ hơn.

Đối với những tình tiết bất lợi cho thân chủ, luật sư bào chữa phân tích, đánh giá theo hướng làm giảm nhẹ trách nhiệm cho thân chủ, làm rõ sự mâu thuẫn của các tình tiết đó.

- Bào chữa theo hướng đề nghị trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung

Khi thấy còn thiếu chứng cứ để xác định sự thật của vụ án đang gây bất lợi cho thân chủ hoặc việc khởi tố, điều tra, truy tố có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng làm cho chứng cứ buộc tội thân chủ không có cơ sở tin cậy, luật sư bào chữa cần phân tích rõ những chứng cứ còn thiếu, những vi phạm tố tụng, khẳng định nếu không điều tra bổ sung thì việc buộc tội thân chủ là khiên cưỡng, từ đó đề nghị rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung.

- Bảo vệ cho bị cáo về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Luật sư bảo vệ cần phân tích, đánh giá các chứng cứ để bác bỏ những yêu cầu không hợp lý của bị hại, nguyên đơn dân sự không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, khẳng định mức thiệt hại do tội phạm gây ra thấp hơn so với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bị hại, nguyên đơn dân sự. Đó thường là một số khoản yêu cầu đòi bồi thường ngoài hợp đồng trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe như tiền bồi dưỡng sức khỏe, giảm thu nhập, mất thu nhập, bồi thường tổn thất tinh thẩn, mai táng phí mà bị hại đưa ra không phù hợp. Để giảm bớt mức phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại, luật sư cần làm rõ hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của bị cáo gặp nhiều khó khăn để Hội đồng xét xử xem xét khi quyết định.

[c] Phần kết luận:

Luật sư bảo vệ cần tóm tắt ngắn gọn những điểm chính đã trình bày, đưa ra các đề xuất cụ thể về việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án theo hướng có lợi cho thân chủ. Luật sư bảo vệ cần chú ý các đề xuất đưa ra phải phù hợp với việc phân tích trong phần nội dung của bản bào chữa, tránh trường hợp nội dung phân tích mâu thuẫn với kết luận.

Tùy từng trường hợp, luật sư bảo vệ có thể đề xuất Hội đồng xét xử tuyên thân chủ không có tội hoặc đề nghị giảm nhẹ hình phạt, giảm bồi thường cho thân chủ, đề xuất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc có các kiến nghị cần thiết khác như đề nghị Hội đồng xét xử giao cho tổ chức, cá nhân quản lý tài sản cho thân chủ, vai trò của cơ quan, tổ chức trong việc phòng ngừa tội phạm. Trước khi dừng lời, luật sư bảo vệ cần có sự cảm ơn và thể hiện sự tin tưởng vào phán quyết công minh của Hội đồng xét xử.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

2- Luật sư soạn thảo bản luận cứ bảo vệ

[a] Phần mở đầu:

Tương tự như phần mở đầu bản luận cứ bào chữa, luật sư bảo vệ giới thiệu về bản thân và tư cách tham gia của luật sư trong vụ án.

[b] Phần nội dung:

Trường hợp bảo vệ cho bị hại làm rõ trách nhiệm hình sự của bị cáo

Luật sư bảo vệ nêu tóm tắt thật ngắn gọn diễn biến, nội dung vụ án và những vấn đề liên quan đến thân chủ của mình. Sau đó nêu rõ luật sư đồng ý hay không đồng ý với quan điểm buộc tội của kiểm sát viên. Luật sư lần lượt bảo vệ theo từng vấn đề của vụ án làm rõ trách nhiệm hình sự của bị cáo.

- Làm rõ trách nhiệm hình sự của bị cáo như bản cáo trạng:

Trường hợp này do đồng ý với những cáo buộc của Viện kiểm sát đối với bị cáo nên dựa vào lời khai của bị cáo, luật sư bảo vệ chỉ tập trung phân tích để bác bỏ những điểm bị cáo chối tội, khẳng định việc truy tố của Viện kiểm sát  là có căn cứ. Thông thường luật sư bảo vệ phân tích các tài liệu, chứng cứ buộc tội (dựa vào biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản khám xét, thu giữ vật chứng, kết luận giám định, lời khai của  người làm chứng xác nhận sự việc phạm tội...) để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo như truy tố của bản cáo trạng. Kết hợp với việc khẳng định các chứng cứ buộc tội, luật sư phân tích chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai chối tội của bị cáo giữa các lần khai khác nhau, mâu thuẫn với chứng cứ khác của vụ án, đề nghị bác bỏ các lời khai này.

- Đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:

Trường hợp này luật sư bảo vệ không đồng ý với quyết định của bản cáo trạng về khung hình phạt truy tố bị cáo. Việc cáo buộc bị cáo phạm tội theo khung hình phạt nặng hơn đòi hỏi bản luận cứ phải phân tích tổng hợp các chứng cứ của vụ án từ nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, thái độ tâm lý, công cụ, phương tiện phạm tội, hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo… để chỉ ra được sự không hợp lý trong việc đánh giá các tình tiết định khung hình phạt của Viện kiểm sát không chính xác, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo có các tình tiết định khung tăng nặng như bị cáo phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, bị hại dưới 16 tuổi, là phụ nữ có thai, người già yếu, bị cáo hành hung để tẩu thoát, dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ... cũng như phân tích hành vi phạm tội của bị cáo có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ Luật hình sự để đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng chuyển sang khung hình phạt nặng hơn, xử phạt bị cáo nặng hơn.

- Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung:

Khi thấy còn thiếu chứng cứ quan trọng để xác định đúng tội phạm hoặc có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc tội nặng hơn tội truy tố trong bản cáo trạng; thiếu chứng cứ xác định người thực hiện hành vi phạm tội khác ngoài tội phạm bị truy tố hoặc có đồng phạm khác cùng thực hiện tội phạm nhưng chưa bị truy tố, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra gây bất lợi cho thân chủ thì luật sư bảo vệ phân tích rõ ràng từng vấn đề trên và đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

- Trường hợp bảo vệ cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và bị hại về phần bồi thường thiệt hại trong vụ án.

Tùy từng vụ án cụ thể, luật sư bảo vệ định hướng việc bảo vệ các yêu cầu bồi thường hoặc phản đối lại yêu cầu bồi thường của phía đối tụng với thân chủ của mình. Nếu theo hướng đề nghị chấp nhận yêu cầu của thân chủ, luật sư bảo vệ cần phân tích từng khoản thân chủ yêu cầu bồi thường là có căn cứ và hợp pháp.

Khi hồ sơ chưa đủ tài liệu xác định chính xác những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, luật sư bảo vệ phân tích rõ việc thiếu những chứng cứ quan trọng này và đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ xác định thiệt hại.

[c] Phần kết luận:

Cũng như trong kết luận của luận của bản bào chữa, trong kết luận của luận cứ bảo vệ, luật sư bảo vệ tóm tắt ngắn gọn những điểm chính đã trình bày, đưa ra các đề xuất cụ thể đối với Hội đồng xét xử áp dụng pháp luật để xét xử nghiêm bị cáo đáp ứng các yêu cầu của thân chủ. Luật sư bảo vệ chú ý các đề xuất đưa ra phải phù hợp với việc phân tích trong phần nội dung của bản bảo vệ. Tùy từng trường hợp, luật sư bảo vệ có thể đề xuất Hội đồng xét xử ra bản án xử phạt bị cáo như cáo buộc của Viện kiểm sát hoặc đề nghị chuyển khung hình phạt nặng hơn, áp dụng hình phạt nặng hơn đề nghị của Viện kiểm sát; đề nghị buộc bị cáo, bị đơn dân sự bồi thường theo yêu cầu của thân chủ; đề nghị trả lại tài sản cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; đề nghị trả hồ sơ cho VKX để điều tra bổ sung. Trước khi dừng lời, luật sư bảo vệ cảm ơn và thể hiện sự tin tưởng vào phán quyết công minh của Hội đồng xét xử.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).   

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ trong phiên tòa hình sự sơ thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.93999 sec| 1233.602 kb