Kỹ năng của Luật sư sau khi hồ sơ được chuyển đến Tòa án phần năm

11/06/2021

 

Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Luật sư cần có kỹ năng thực hiện một số thủ tục để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của bị cáo

 

 

kháng nghị theo thủ tục Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Chuẩn bị tâm thế của Luật sư và trau dồi kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tiếp theo)

 

 

Thứ ba, kỹ năng xét hỏi, xem xét vật chứng và một số hoạt động khác của Luật sư tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

 

 

Như trên đã nêu, Luật sư sau khi xây dựng kế hoạch xét hỏi và thống nhất trước với bị cáo, cần bám sát kế hoạch để bảo đảm việc xét hỏi phù hợp. Cần lưu ý cách thức công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố, nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố và chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:

 

 

 (a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

 

 

(b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;

 

 

(c) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố,

 

 

(d) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

 

 

 Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

 

 

Thực tiễn xét xử những năm gần đây, không có quy định nào chế ước, nhưng chủ tọa phiên tòa thường đưa ra nguyên tắc khi đến phần xét hỏi của Luật sư là không được lặp lại các câu hỏi mà Hội đồng xét xử hoặc đại diện Viện kiểm sát đã hỏi. Thậm chí buộc bị cáo chỉ trả lời “có” hoặc “không”, còn muốn trình bày thì để đến phần tranh luận. Điều này là không đúng, bởi lẽ câu hỏi và cách thức của những người tiến hành tố tụng hoàn toàn khác với câu hỏi của Luật sư, do sự khác biệt về địa vị pháp lý và chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự. Do đó, khi hỏi bị cáo hay các đương sự khác tại phiên tòa, Luật sư cần khéo léo tránh đụng chạm đến các câu hỏi mà Hội đồng xét xử hoặc đại diện Viện kiểm sát đã hỏi, nếu muốn cần làm rõ thêm nội dung thì tìm cách đặt câu hỏi ở góc độ khác .

 

 

Trong trường hợp chủ tọa vẫn cố ý ngắt lời, Luật sư nên chủ động chuyển ngay sang câu hỏi khác. Luật sư cũng nên có kỹ năng áp dụng phương pháp hỏi theo dạng mở (khác với hỏi cung, nhắc trước nội dung) để tạo cơ hội cho bị cáo trình bày.

 

 

Trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thông thường trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp có phân vai trách nhiệm của từng người, nên để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, Luật sư phải hỏi các bị cáo khác trong cùng vụ án, hỏi nhân chứng, đương sự hoặc người đại diện của họ. Kinh nghiệm được rút ra là, để các bị cáo, đương sự khác tiếp nhận và hợp tác trả lời các câu hỏi của mình, Luật sư nên nói trước với họ là nếu câu hỏi gây bất lợi thì họ có quyền từ chối trả lời. Chính tinh thần “mở” như vậy sẽ tạo được sự hợp tác của họ và đạt được mục đích câu hỏi của Luật sự muốn hướng đến.

 

 

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 311 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong trường hợp cần thiết, Tòa án quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng thông. Đây là quy định mới, còn phụ thuộc vào khả năng trang bị hệ thống máy tính  mạng viễn thông của Tòa án, nhưng Luật sư cũng cần nắm bắt để trong trường hợp người làm chứng không có mặt ở Tòa thì có thể đề nghị chủ tọa hỏi người làm chứng theo cách thức mới này.

 

 

Điều 312 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về xem xét vật chứng ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng tại phiên tòa. Khi cần thiết Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được. Việc xem xét vật chứng tại chỗ được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về vật chứng. Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có liên quan đến vật chứng. Điều 313 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến bị cáo hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe , xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa.

 

 

Do Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều quy định mới nên Luật sư cần có kỹ năng cập nhật đó có trường hợp khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án theo Điều 314 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến nơi đó.

 

 

Trong một số vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, các vụ án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả ..., sự có mặt và trình bày của người giám định, người định giá tài sản thường có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Điều 316 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo để nghị của Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa yêu cầu người giám định, người định giá tài sản trình bày kết luận của mình về vấn đề được giám định, định giá tài sản. Khi trình bày, người giám định, người định giá tài sản có quyền giải thích bổ sung về kết luận giám định, định giá tài sản, căn cứ để đưa ra kết luận giám định, định giá tài sản. Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham tụng gia tố khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, định giá tài sản, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án. Trong khi đặt câu hỏi, Luật sư cần có kỹ năng khai thác những căn cứ, phương pháp và sự mâu thuẫn trong kết luận giám định, việc định giá không bảo đảm nguyên tắc phù hợp định nếu họ “thay mặt” cơ quan tố tụng để kết tội bị cáo ... Chỉ trong trường hợp người giám định, người định giá tài sản không có mặt tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định, định giá tài sản. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, định giá lại tài sản.

 

 

Ngoài ra, theo Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Điều cần lưu ý là việc Luật sư đề nghị triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên là nhằm làm rõ các quyết định, hành vi tố tụng, chứ không phải liên đến nội dung vụ án, nên cách đặt câu hỏi của Luật sư cũng phải đúng trọng tâm. Chẳng hạn, trong các vụ đại án liên quan đến một số ngân hàng thương mại cổ phần thời gian qua, do quy mô, tính chất của vụ án rất phức tạp, nên Cơ quan điều tra thường tách vụ án thành nhiều giai đoạn. Khi hỏi đại diện Cơ quan điều tra hay Điều tra viên về vấn đề này, Luật sư cần tập trung làm rõ xem việc tách vụ án này có làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án và gây bất lợi cho bị cáo hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

 

 

Thứ tư, kỹ năng phát biểu ý kiến bào chữa và đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Luật sư.

 

 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại mục V chương XXI về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, coi đây là nội dung cốt lõi thể hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Những điểm mới lên quan thủ tục tranh tụng nhằm khắc phục những vướng mắc, khiếm khuyết trong mô hình tố tụng thẩm vấn, Hội đồng xét xử là người quyết định phạm vi và thứ tự xét hỏi, thậm chí thời lượng xét hỏi của Hội đồng xét xử chiếm phần lớn thời gian diễn biến của phiên tòa. Quá trình tranh luận và đối đáp tại phiên tòa thường không được diễn ra đến tận cùng để xác định sự thật khách quan, thực tế nhiều trường hợp Kiếm sát viên không đối đáp lại ý kiến bào chữa của Luật sư nhưng Tòa án vẫn chấp nhận hoặc không có chế tài nào bắt buộc Kiểm sát viên tiếp tục tranh luận.

 

 

Trên cơ sở nắm vững các quy định nêu trên, trong quá trình tranh tụng, khi phát biểu ý kiến bào chữa cho bị cáo trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bên cạnh bài phát biểu đã được chuẩn bị trước và đã trao đổi thống nhất với bị cáo, Luật sư cần cập nhật diễn biễn và kết quả xét hỏi tại phiên tòa, lắng nghe ý kiến kết luận của đại diện Viện kiểm sát để phát biểu bằng miệng trực tiếp tại phiên tòa. Sức thuyết phục trong ý kiến bào chữa hay không tùy thuộc vào khả năng tổng hợp, nhận biết nhanh nhạy của Luật sư về những vấn đề trọng tâm của vụ án, do đã có bài phát biểu bằng văn bản chuẩn bị trước, Luật sư cần ứng biến để trình bày ngắn gọn vào những vấn đề mà Hội đồng xét xử tâm hoặc quan điểm kết tội của Viện kiểm sát. Sau khi tranh luận tại phiên tòa. đến phần đối đáp giữa đại diện Viện kiểm sát và Luật sư, nên Luật sư cần ghi nhận chính xác các nội dung tranh luận nói trên, trong trường hợp phải đối đáp ngay thì nhấn mạnh vào những điểm còn tranh cãi, chú ý các chứng cứ quan trọng có ý nghĩa pháp lý chứng minh cho quan điểm bào chữa của mình và không lặp lại. Nếu đại diện Viện kiểm sát không tranh luận lại, Luật sư có quyền đề nghị Hội đồng xét xử phải đối đáp đến cùng, trên cơ sở đó đảm bảo phán quyết phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

 

 

Thứ năm, Luật sư cần chú trọng kỹ năng xây dựng văn hóa pháp đình trong thực hiện bào chữa các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

 

 

Không gian văn hóa pháp đình chứa đựng trong đó những giá trị chuẩn mực trong ứng xử của các chủ thể là những người hành nghề luật. Trong một thời gian dài, nhiều người quan niệm trong phòng xét xử của Tòa án không có chỗ cho ứng xử văn hóa, chỉ hiện diện mệnh lệnh và quyền uy, cùng với nó là mối quan hệ một chiều, từ trên xuống một phạm trù văn hóa là do có “thành khẩn", cúi đầu nhận tội là muốn bạn phát cho ai được hưởng ân huệ “sự tôn trọng với tính cách không ... Đôi khi, hình ảnh vị thân công lý bị bịt mắt để tỏ rõ như một trọng tài công minh và khách quan, không bị chi phối bởi bất cứ yêu tố tình cảm hay tác động bên ngoài dễ dẫn đến sự hoài nghi về các gia trị văn hóa trong con người Thẩm phán. Người ta cũng thấy rõ dụng ý của nhà kiến trúc thời Pháp thuộc khi thiết kế trụ sở Tòa án, hướng cảm giác con người khi bước vào phòng xử án với tâm trạng run sợ, bị đè nén khi nhìn thấy sự nặng nề của cấu trúc, màu xám của tường và trần nhà, những hành lang tôi và cao, sâu hun hút ...

 

 

Cấu trúc không gian văn hóa pháp đình, vì thế không chỉ là quan hệ giữa người cầm cán cân công lý với từng số phận đi qua vành móng ngựa. Sự hiện diện của rất nhiều chủ thể khác nhau, với những lợi ích và mục tiêu hành xử khác nhau, tạo ra không gian đa chiều trong các hành vi ứng xử, mà các hành vi ấy tùy thuộc vào tri thức, nhận thức, trình độ văn hóa, kinh nghiệm cuộc sống của mỗi người. Hạt nhân của không gian văn hóa pháp đình tựu trung lại là những giá trị và chuẩn mực ứng xử hướng đến việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp. Trong không gian văn hóa pháp đình còn có vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa tranh tụng. Cội rễ của văn hóa tranh tụng chính là sự bảo đảm cơ hội ngang nhau trong việc trình bày quan điểm buộc tội và gỡ tội, không đánh đồng Luật sư như là người đồng hành của tội phạm và phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Một trong những nguyên tắc đổi mới hệ thống tư pháp chính là nguyên tắc bảo đảm sự công bằng trong xét xử, là hạt nhân quan trọng nhất của hoạt động xét xử. Muốn tạo khả năng công nhân bằng và độc lập trong xét xử của Tòa án thì trước hết Tòa án phải có vị trí là một quan tòa khách quan, là trung tâm của hệ thống tư pháp và là nơi diễn ra công khai hoạt động xét xử.

 

 

Văn hóa nghề nghiệp Luật sư là tổng thể các yếu tố từ nhận thức sâu sắc về bản chất hoạt động của Luật sư, vai trò, vị trí của Luật sư trong hệ thống tư pháp, tác động đến sự phát triển của dân chủ và xã hội, cùng toàn bộ các giá trị có được từ sự tích lũy các thành tựu trong quá trình xây dựng pháp luật về Luật sư, cơ chế thực thi và mô hình nhằm tăng cường quản lý về mặt nhà nước với việc nâng cao năng lực tự quản của tổ chức hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, từ đó hình thành quan niệm đúng đắn và thái độ tuân thủ pháp luật, ứng xử đạo đức nghề nghiệp, là tấm gương phản chiếu các giá trị dân chủ của sự phát triển xã hội và tư tưởng nhân nghĩa vì con người. Muốn vậy, cần quan tâm nâng cao nhận thức sâu sắc về chức năng xã hội của Luật sư và thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới quá trình đào tạo nghề nghiệp Luật sư theo quy trình và phạm vi thích hợp, bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, đạo đức và văn hóa nghề nghiệp cho Luật sư. Mỗi luật sư nhận thức được đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp và đủ bản lĩnh chính trị vận dụng đúng đắn trong hoạt động nghề nghiệp của mình, xây dựng và nâng cao uy tín cá nhân nói riêng và của đội ngũ luật sư nói chung

 

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Bài viết trong lĩnh vực pháp luật thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

 

 

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư sau khi hồ sơ được chuyển đến Tòa án phần năm

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.79107 sec| 982.656 kb