Kỹ năng của luật sư trao đổi với khách hàng khi nhận bào chữa, bảo vệ

"Một trong những cách giao tiếp khiến ta được tin tưởng là nhờ cách ta quan tâm tới người khác".

Zig Ziglar, 1926 - 2012, tác giả, diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ

Kỹ năng của luật sư trao đổi với khách hàng khi nhận bào chữa, bảo vệ

Luật sư hình sự nên trao đổi với khách hàng qua hình thức tiếp xúc trực tiếp để có thể thu thập thông tin từ khách hàng nhiều nhất và xử lý các tình huống phát sinh có thể xảy ra trong quá trình trao đổi. Luật sư hình sự cần ghi chép lại những nội dung quan trọng, đánh dấu các vấn đề cần tìm hiểu làm rõ, sau đó nên đưa ra một bản chào dịch vụ để khách hàng xem xét.

Luật sư hình sự thống nhất phương thức liên lạc thuận tiện nhất cho cả hai bên khi đã đặt lịch một buổi làm việc tiếp theo để hai bên thống nhất về mức phí tư vấn, ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và vấn đề tư vấn pháp luật lần tới.

Liên hệ

I- LUẬT SƯ HÌNH SỰ TRAO ĐỔI VỚI KHÁCH HÀNG LÀ PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI PHẠM TỘI

Về mặt hình thức, việc tiếp xúc và trình tự các bước trao đổi tương đối giống với trường hợp khách hàng là cá nhân, chỉ khác ở nội dung trao đổi. Khi trao đổi với khách hàng là pháp nhân thương mại phạm tội, luật sư cần hiểu về một số vấn đề sau:

1- Việc truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn đầy đủ các căn cứ sau:

Về chủ thể: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Đặc điểm này là mấu chốt để phân biệt pháp nhân thương mại với pháp nhân phi thương mại. Những pháp nhân có thực hiện hoạt động thương mại (như cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội...) nhưng không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận nếu có cũng không được phân chia cho các thành viên, thì không phải là chủ thể của trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sựnăm 2015. Các tổ chức này nếu có hành vi trái pháp luật có thể bị áp dụng các chế tài phi hình sự được quy định trong các ngành luật cụ thể tương ứng (ví dụ luật dân sự, luật hành chính, luật môi trường...).

Về hành vi do pháp nhân thương mại thực hiện: gây nguy hiểm cho xã hội, gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các mối quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Những hành vi đó phải thỏa mãn các yếu tố sau:

- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, tức là hành vi của chủ thể hướng tới mục đích nhất định của pháp nhân, bao gồm lợi ích về tài chính, vật chất, kinh tế... Trường hợp tội phạm được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân nhưng không nhằm mang lại lợi ích cho pháp nhân thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự;

- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

- Về lỗi của pháp nhân thương mại trong việc thực hiện tội phạm: lỗi cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, dựa trên nhận thức và ý chí của chủ thể thực hiện hành vi đó.

Trong quá trình trao đổi với khách hàng là pháp nhân thương mại phạm tội, luật sư cần lưu ý rằng, Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định 33 tội danh có chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội. Trong đó: 22 tội phạm thuộc Chương XVII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 09 tội thuộc Chương XIV - Các tội phạm về môi trường; 02 tội thuộc Chương XIV - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Các tội phạm này được quy định trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của tội phạm cũng như những kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC), Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971.

Khi trao đổi với khách hàng là pháp nhân thương mại, luật sư cần giải thích cho khách hàng hiểu về trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại đó. Pháp nhân thương mại phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền... (Điều 434 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Khi tham gia tố tụng, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo (tương tự các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo là cá nhân phạm tội - Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ không có trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, mà pháp nhân thương mại chỉ có thể thuộc diện là bị can, bị cáo. Theo đó, để trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì phải có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định đưa vụ án ra xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng đối với pháp nhân thương mại. Như vậy, luật sư chỉ được tham gia bào chữa cho pháp nhân thương mại khi pháp nhân đó bị khởi tố bị can.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

2- Luật sư hình sự trao đổi với khách hàng là pháp nhân thương mại phạm tội về hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng

Hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội có điểm khác biệt so với cá nhân phạm tội. Do đó, trong quá trình trao đổi với khách hàng, luật sư cũng cần giải thích cho khách hàng về hình phạt và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

03 hình phạt chính:

(i) Phạt tiền (tối thiểu 50 triệu đồng, tối đa 20 tỷ đồng);

(il) Đình chỉ hoạt động có thời hạn: là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

(iii) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

03 hình phạt bổ sung:

(i) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định: Thời hạn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

(ii) Cấm huy động vốn: Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

(iii) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Các hình phạt nhìn chung chủ yếu tác động vào lợi ích kinh tế, tài chính của pháp nhân.

Bên cạnh hình phạt, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng các biện pháp tư pháp:

(i) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, như:

- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

(ii) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi.

(iii) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

(iv) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra, như: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện nếu có hành vi vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập khẩu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

Việc quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Đối với hình phạt tiền, Tòa án cần căn cứ theo tình hình tài chính, khả năng thi hành án của chủ thể phạm tội.

Bên cạnh việc trao đổi với khách hàng là pháp nhân thương mại về hình phạt và các biện pháp tư pháp thì luật sư cũng cần trao đổi với khách hàng về một số biện pháp cưỡng chế áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội như: Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Mục đích của việc quy định này là nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 436 đến Điều 439 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Ngoài ra, trong quá trình trao đổi với khách hàng là pháp nhân thương mại phạm tội, luật sư cần giải thích về các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội, bởi đây là những căn cứ quan trọng có thể ảnh hưởng đến việc xác định hình phạt của pháp nhân thương mại phạm tội, cụ thể:

05 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm:

(i) Để ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

(ii) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

(iii) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

(iv) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự;

(v) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội;

06 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại bao gồm:

(i) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;

(ii) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;

(iii) Phạm tội 02 lần trở lên;

(iv) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

(v) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

(vi) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

Như vậy, trong kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, luật sư cần lưu ý những vấn đề sau:

(vii) Quy trình trao đổi và giới hạn về mặt thời gian: Giúp định hướng buổi làm việc không đi vào các vấn đề ngoài lề và không kéo dài quá lâu.

- Nội dung chủ yếu của vụ việc và phạm vi yêu cầu của khách hàng: Là cơ sở cho luật sư tính phí dịch vụ và dự kiến các bước làm việc tiếp theo.

- Cung cấp cho khách hàng biết về nghĩa vụ bảo mật thông tin của luật sư: Đây là nghĩa vụ của mỗi văn phòng luật sư đối với khách hàng của mình, thể hiện thái độ chuyên nghiệp và tôn trọng khách hàng.

- Cung cấp cho khách hàng các danh mục văn bản pháp lý điều chỉnh vụ việc mà khách hàng có thể tham khảo.

- Đưa cho khách hàng biểu phí dịch vụ và có thể là hợp đồng dịch vụ pháp lý để khách hàng tham khảo.

- Cung cấp cho khách hàng sơ bộ các phương án giải quyết vụ việc để khách hàng xác định phạm vi yêu cầu nếu vụ việc có nhiều phương án giải quyết.

- Thống nhất cách thức làm việc và phương thức liên lạc cho các lần tiếp theo và hẹn thời gian làm việc lần sau.

Đảm bảo về địa điểm gặp gỡ, tác phong trang phục của luật sư. Khách hàng có thể đề nghị nhiều địa điểm gặp gỡ khác nhau, nhưng tốt nhất luật sư nên tiến hành gặp tại văn phòng của mình. Điều này giúp luật sư giới thiệu được cơ sở làm việc của mình, thể hiện sự nghiêm túc, trao đổi công việc thuận lợi, đảm bảo sự yên tĩnh và bí mật. Ngoài ra, luật sư có thể cung cấp ngay cho khách hàng các văn bản hoặc danh mục văn bản liên quan đến vụ việc. Trang phục của luật sư phải trang nhã, gọn gàng, lịch sự, không quá lòe loẹt phô trương hoặc rườm rà. Ngôn ngữ cử chỉ của luật sư phải đúng mực, thể hiện được tính chất nhà nghề, không quá cợt nhả nhưng cũng không được nghiêm túc quá gây căng thẳng không cần thiết cho khách hàng.

- Không được cam kết chắc chắn kết quả cuối cùng của vụ việc để từ đó khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với mình.

Đối tượng khách hàng của luật sư rất phong phú và đa dạng, vì vậy khi trao đổi với khách hàng, luật sư cần có kỹ năng trao đổi phù hợp với từng đối tượng khách hàng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình làm việc với khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ HÌNH SỰ TRAO ĐỔI VỚI KHÁCH HÀNG CHƯA BỊ KHỞI TỐ NẰM TRONG NHÓM BỊ TÌNH NGHI

Đối với những khách hàng này, họ thường trực tiếp tìm luật sư để được tư vấn. Đặc điểm chung của nhóm đối tượng này là họ bất ổn về tâm lý và do hạn chế nhận thức về mặt pháp luật dẫn đến hiểu sai sự việc nên đôi khi họ tự áp đặt cho rằng mình không có tội, không vi phạm pháp luật. Trong giai đoạn này, khi tiếp xúc với khách hàng là các đối tượng nêu trên, luật sư cấn khuyên khách hàng phải thật bình tĩnh, kể lại tỉ mỉ từng chi tiết vụ việc có liên quan mà Cơ quan điều tra triệu tập và hỏi.

Sau khi nghe thật chi tiết (đề nghị khách hàng không được che giấu, thêm hoặc bớt chi tiết), phải cho họ thấy luật sư chính là bạn, là người sẽ chia sẻ cùng họ trong cả một quá trình gian nan sắp tới. Luật sư chính là người sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ một cách tốt nhất nên đề nghị họ phải trình bày một cách trung thực, chi tiết để luật sư có thể nắm bắt được đầy đủ, chính xác và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, từ đó có thể tư vấn cho họ một cách chính xác, chuẩn mực và đúng đắn nhất.

Nếu nhận thấy hành vi mà khách hàng thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, không có vi phạm thì luật sư đồng tình với khách hàng và tư vấn rõ để khách hàng hiểu hành vi của mình có vi phạm pháp luật hay không, từ đó ổn định tâm lý cùng giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự nhanh chóng. Trong trường hợp khách hàng nhận thức mình không vi phạm pháp luật nhưng luật sư đánh giá hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cũng cần phải cẩn trọng tư vấn để khách hàng nhận thức rõ hành vi của mình, bình tĩnh xử lý cũng như thành khẩn khai nhận để giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự. Đối với vấn đề này, luật sư phải thận trọng, tư vấn thật kỹ về thủ tục tố tụng trong một vụ án sẽ được giải quyết từng bước như thế nào để khách hàng hiểu.

Bên cạnh đó cũng có những khách hàng biết rằng hành vi của mình vi phạm pháp luật nhưng lại cố tình bao biện và cũng muốn luật sư bao biện cho mình, đi theo hướng mà khách hàng muốn. Trong trường hợp này luật sư cần thật sáng suốt, thận trọng tư vấn thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp của mình, không được vì hám lợi mà tư vấn cho khách hàng những hành vi trái luật. Luật sư phải thể hiện cho họ thấy cũng như giải thích tỉ mỉ để khách hàng nhận thức được rằng việc trốn tránh không chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng như đã biết vi phạm mà vẫn cố tình phạm luật sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như thế nào. Luật sư phải giải thích cho khách hàng hiểu việc nhận thức sâu sắc hành vi vi phạm của mình sẽ nhận được sự khoan hồng như thế nào.

Đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị nghi thực hiện tội phạm: nhưng người này bị Cơ quan điều tra triệu tập để hỏi, làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ việc phạm tội xảy ra, cũng có thể Cơ quan điều tra yêu cầu những người này phải giao nộp tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án hình sự, Luật sư cần hỏi rõ khách hàng sau khi bị gọi lên làm việc với Cơ quan điều tra thì anh, chị đã thực hiện những gì theo yêu cầu của Cơ quan điều tra như: đã khai báo như thế nào; có viết bản tường trình không, bản tường trình viết những nội dung gì; đã giao nộp những giấy tờ gì, những giấy tờ đó có được là từ đâu và nội dung của những tài liệu giao nộp là gì; có giao nộp đồ vật hay tiền bạc liên quan đến vụ án hình sự không, tại sao phải giao nộp...

Để có thể tư vấn tốt nhất cho thân chủ, luật sư yêu cầu thân chủ cần trình bày chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể, không được giấu diếm hoặc bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào, dù là nhỏ nhất. Luật sư khuyên thân chủ muốn được bảo vệ tốt nhất thì cần phải nói rõ sự thật, từ đó hướng cho họ những việc cần phải thực hiện tiếp theo, như: hướng khai báo, xuất trình những tài liệu, đồ vật chứng minh và có những đề xuất với Cơ quan điều tra, các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoàn cảnh của họ.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

 

IV- LUẬT SƯ HÌNH SỰ TRAO ĐỔI VỚI KHÁCH HÀNG LÀ NGƯỜI BỊ HẠI

Phạm vi của đối tượng được hưởng quyền của bị hại không chỉ giới hạn là những bị hại trực tiếp của tội phạm mà còn được mở rộng ra cả đối tượng khác như: Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị hại theo quy định. Trường hợp cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định (khoản 5 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Kỹ năng giao tiếp của luật sư cũng không dừng lại ở tư duy chỉ vấn đề bồi thường hay hình phạt mà còn đòi hỏi luật sư phải nhìn nhận vấn đề thật rõ ràng để có thể tư vấn, trao đổi với thân chủ của mình tốt hơn, giúp thân chủ nhận thức đúng vai trò của mình trong vụ án hình sự. Thực tế đối với nhiều vụ án hình sự, vì bị hại không am hiểu pháp luật nên gặp khó khăn khi bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ: Nhiều vụ án có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích, bị hại sau khi bị đánh không biết đi giám định thương tích để làm căn cứ đề xuất xử lý đối với đối tượng gây ra hậu quả cho mình. Đôi khi các cơ quan tiến hành tố tụng không giải thích hoặc không nhận được đơn, hoặc nhận được đơn nhưng không có cơ sở để giải quyết, lúc đó luật sư với vai trò và kỹ năng của mình phải tư vấn cho khách hàng của mình chi tiết như đi giám định thương tích để làm cơ sở giải quyết vụ việc... Tùy vào từng vụ việc cụ thể, luật sư tư vấn cho để khách hàng làm đơn gửi đến các cấp của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc giao tiếp đối với nhóm khách hàng này đơn giản hơn nhóm khách hàng bị bắt tạm giam vì thời gian, điều kiện luật sư gặp để tư vấn nhiều hơn, thoải mái và thuận lợi hơn.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

V- LUẬT SƯ HÌNH SỰ TRAO ĐỔI VỚI KHÁCH HÀNG LÀ NGƯỜI BỊ BẮT, NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ

Cần xác định rõ người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; đầu thú, tự thú hoặc bị bắt do truy nã. Theo đó, luật sư khi nhận tư vấn cho những đối tượng này cần xác định rõ một số chi tiết như sau:

Một là, khách hàng bị bắt vì lý do gì, cơ quan nào bắt, hành vi mà khách hàng đã thực hiện là gì, những ai biết sự việc.

Hai là, hỏi rõ người nhà của người bị tạm giữ xem có chứng cứ, tài liệu gì liên quan đến việc thực hiện hành vi dẫn đến đối tượng bị bắt và tạm giữ không?

Sau khi nghe người thân của người bị tạm giữ trình bày, luật sư cần phác thảo sơ bộ một số phương án liên quan đến khách hàng đang bị tạm giữ và có những định hướng cơ bản ban đầu: (1) Nếu qua lời khai của người thân người bị tạm giữ mà nhận thấy hành vi đó của người bị tạm giữ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, luật sư cần định hướng cho người nhà họ về việc cần làm đơn gửi đến cơ quan đang giữ người và tới Viện kiểm sát kiểm sát vụ việc đó. (2) Luật sư cần trao đổi với gia đình người đang bị tạm giữ về việc xuất trình tài liệu, chứng cứ có lợi cho họ với Cơ quan điều tra. (3) Luật sư sẽ trao đổi với các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát về việc đề nghị không xử lý hình sự (nếu thấy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm), đồng thời đề nghị hủy bỏ ngay biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người đang bị tạm giữ.

Các đối tượng bị tạm giữ rất cần luật sư tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Luật sư, sau khi nghe gia đình các đối tượng trình bày về sự việc, cần phác thảo kế hoạch cho công việc như: nếu cho vay lãi nặng, thì phải chứng minh mức lãi suất là bao nhiêu, mức lãi suất này có được các đối tượng ghi cụ thể không, hay chỉ dựa vào lời khai của các đối tượng vay? Luật sư sẽ có định hướng cho các đối tượng khai báo, định hướng cho gia đình các đối tượng cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc cho luật sư nghiên cứu. Trước mắt khi những dấu hiệu của hành vi phạm tội chưa rõ ràng, luật sư kiến nghị với các cơ quan chức năng cần hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với các đối tượng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho họ.

Đối với người bị tạm giữ, luật sư cần hỏi kỹ người bị tạm giữ về lý do bị tạm giữ, hành vi phạm tội trong trường hợp bị tạm giữ, bên cạnh đó giải thích các quy định của pháp luật nói chung, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tạm giữ, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ cũng như trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc bảo đảm quyền cho người bị tạm giữ. Luật sư hướng dẫn người bị tạm giữ về: định hướng khai báo với các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ sự không liên quan đến tội phạm, xuất trình các chứng cứ, tài liệu có lợi cho họ, làm đơn trình bày về sự việc, trong đó phải nói rõ lý do, nguyên nhân, điều kiện đã dẫn đến hành vi của người bị tạm giữ.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư trao đổi với khách hàng khi nhận bào chữa, bảo vệ

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.95348 sec| 1190.172 kb