Kỹ năng tư vấn của người làm pháp chế doanh nghiệp

23/10/2022
Lê Thị Linh Chi
Lê Thị Linh Chi
Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp là công việc thường xuyên nhất của một người làm pháp chế doanh nghiệp. Để thực hiện việc tư vấn một cách thành thạo, hiệu quả, đòi hỏi người làm pháp chế bên cạnh việc nắm vững các quy định của pháp luật xoay quanh các vấn đề doanh nghiệp, ngoài ra còn phải rèn luyện thành thạo các kỹ năng tư vấn pháp luật.

1- Pháp chế doanh nghiệp và công việc của người làm pháp chế doanh nghiệp

Pháp chế doanh nghiệp là công việc của một nhân sự khi được doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí để thực hiện công việc tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý, hỗ trợ thực hiện các công việc pháp lý nội bộ và thực hiện các công việc chuyên môn khác. Với yêu cầu đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật, các tài liệu quản trị nội bộ do doanh nghiệp ban hành, giúp cho doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, phòng ngừa các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ cách hiểu về pháp chế doanh nghiệp ở trên, có thể liệt kê một vài công việc mà người pháp chế phải thực hiện là:

Một là, công việc liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động quản lý, điều hành nội bộ. Chẳng hạn:

- Hỗ trợ việc lựa chọn, xây dựng mới mô hình quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc tư vấn cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình quản lý, điều hành doanh nghiệp;

- Tư vấn việc phân bổ quyền quản lý, điều hành, phân quyền, phân cấp, ủy quyền thực hiện công việc quản lý, điều hành doanh nghiệp;

- Hỗ trợ thực hiện thủ tục bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, điều hành công ty, thủ tục ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân sự quản lý, điêu hành công ty;…

Hai là, công việc liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành, như:

- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục giúp doanh nghiệp trong hoạt động quản lý, điều hành lao động;

- Hỗ trợ xây dựng mới, hiệu chỉnh các quy định, quy trình, quy chế về nghiệp vụ trong quản lý lao động…

Ba là, công việc liên quan đến hợp đồng trong doanh nghiệp, gồm:

- Tham gia vào các buổi họp, buổi trao đổi của đại diện doanh nghiệp về việc hợp tác, kinh doanh, giao dịch thương mại,... với đối tác, khách hàng... nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng các dự thảo ban đầu, hỗ trợ cho việc đàm phán, thương lượng;

- Hỗ trợ xây dựng nội dung chính của giao dịch, soạn thảo biên bản đàm phán, soạn thảo dự thảo hợp đồng, bao gồm hợp đồng phục vụ cho việc ký kết chi tiết cho từng giao dịch, chuẩn bị họp đồng theo dạng mẫu để sử dụng cho các hoạt động kinh doanh, giao dịch thường xuyên của doanh nghiệp;

- Rà soát, hiệu chỉnh các bản dự thảo hợp đồng do các đối tác, khách hàng gửi sau các cuộc họp, trao đổi, các dự thảo mà các bộ phận chuyên môn khác trong doanh nghiệp soạn thảo;…

Bốn là, công việc liên quan đến tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, người quản trị, điều hành doanh nghiệp, các phòng ban và nhân sự của doanh nghiệp.

Năm là, công việc liên quan đến hoạt động tranh tụng đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Sáu là, công việc liên quan đến việc đại diện thực hiện các công việc ngoài tố tụng, ví dụ như: thực hiện thủ tục đề nghị cấp các loại giấy tờ pháp lý để doanh nghiệp có đủ tư cách, điều kiện hoạt động, kinh doanh; đăng ký nhãn hiệu, khiếu nại hành chính, tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với việc phát triển dự án bất động sản, giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

2- Về kỹ năng tư vấn pháp luật của người làm pháp chế doanh nghiệp

Như chúng tôi đã đề cập, công việc pháp chế là một công việc khó, đòi hỏi người làm công việc tư vấn phải có sự hiểu biết tường tận các quy định pháp luật liên quan đến nội dung tư vấn. Thành thạo các kỹ năng thực hiện công việc tư vấn pháp luật, kết quả tư vấn sẽ hoàn thiện hơn, sát với thực tế nếu người làm pháp chế có nhiều kinh nghiệm làm việc, kiến thức thực tế hơn.

Để sở hữu được kiến thức thực tế, bạn đọc có thể tìm hiểu thực tiễn giải quyết công việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kết quả giải quyết vụ việc của Tòa án, Trọng tài thương mại, thông qua các bản án của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại và nghiên cứu các sách chuyên khảo.

Khi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, người làm pháp chế, đặc biệt là người mới bắt đầu công việc cần thực hiện từng bước và triển khai công việc. Theo chúng tôi khi thực hiên công việc tư vấn hay những công việc khác trong pháp chế doanh nghiệp, nên xử lý yêu câu tư vấn theo 08 bước cơ bản, cụ thể như sau:

Bước 1: Xác định yêu cầu tư vấn

Yêu cầu tư vấn được truyền đến người làm pháp chế từ người có nhu cầu cần tư vấn. Người đưa ra yêu cầu tư vấn trong doanh nghiệp rất đa dạng, có thể là người quản lý, người điều hành doanh nghiệp, cấp quản lý trực tiếp, đồng nghiệp hoặc là người đứng đầu các bộ phận chức năng khác trong cùng doanh nghiệp, người đứng đầu các đơn vị phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện,... Tuy vậy cho dù là ai, người làm pháp chế cũng cần phải xác định được rõ yêu cầu tư vấn của họ, họ muốn giải quyết vấn đề gì… Để làm được điều này cần xây dựng kỹ năng xác định yêu cầu.

Bước 2: Thu thập tài liệu, hồ sơ, thông tin để tóm tắt nội dung vụ việc

Sau khi tiếp nhận yêu cầu, với các thông tin sơ bộ được cung cấp như ở bước trên, người làm pháp chế cần đặt câu hỏi để thu thập thêm thông tin, tài liệu, hoặc đề nghị cung cấp thêm, mới thông tin từ đó có đầy đủ dữ kiện, phục vụ cho công việc tóm tắt nội dung vụ việc.

Bước 3: Xác định quan hệ pháp luật của vụ việc

Đến bước này bạn phải nắm được nội dung vụ việc. Tuy nhiên để phục vụ cho việc xác định quan hệ pháp luật của vụ việc, người làm pháp chế phải lọc bỏ những dữ kiện không cần thiết, không liên quan đến yêu cầu tư vấn.

Sau đó, dựa vào nội dung chính của vụ việc và nội dung yêu cầu tư vấn, người làm pháp chế xác định được quan hệ pháp luật của vụ việc đang cần tư vấn.

Bước 4: Xác định các văn bản pháp luật áp dụng để tư vấn

Người làm pháp chế cần phải xác định được các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề pháp lý của vụ việc tư vấn.

Công việc cụ thể trong bước này là người làm pháp chế phải tìm kiếm, xác định được tất cả các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ tư vấn, bao gồm: luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư,...

Một điều cần phải chú ý ở đây là bản pháp luật phải là văn bản điều chỉnh vấn đề tư vấn, có hiệu lực áp dụng đối với sự kiện pháp lý cụ thể trong vụ việc tư vấn.

Bước 5: Xác định các vấn đề pháp lý cần giải quyết trong vụ việc

Tùy sự phức tạp của vụ việc cũng như mức độ đan xen của các quan hệ pháp luật trong vụ việc. Số lượng vấn đề pháp lý phát sinh sẽ khác nhau. Trong mỗi vụ việc tư vấn, có thể có một vấn đề pháp lý, cũng có thể có nhiều vấn đề pháp lý.

Với mỗi vấn đề pháp lý, khi muốn giải quyết nó cần phải đặt nhiều câu hỏi chi tiết. Để trả lời cho từng câu hỏi chi tiết, phụ thuộc vào các quy định pháp luật điều chỉnh, có thể phải tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi nhỏ.

Bước 6: Giải quyết các vấn đề pháp lý được xác định

Để giải quyết cho vấn đề pháp lý được xác định ở bước trên, người làm pháp chế sau khi tìm kiếm được các quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì cần có hiểu biết rõ ràng và chắc chắn về các quy định đó, đặc biệt là quy định pháp luật về nội dung. Từ đó giải quyết từng vấn đề pháp lý được xác định.

Bước 7: Xây dựng phương án pháp lý cho yêu cầu tư vấn

Phương án pháp lý là các giải pháp về mặt pháp lý mà người làm pháp chế cần phải đề xuất cho doanh nghiệp, nhằm giải quyết vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đặt ra. Tùy tính chất của vụ việc, mà một vụ việc cụ thể, có thể có một hoặc nhiều phương án pháp lý.

Bước 8: Viết báo cáo, thư tư vấn

Báo cáo tư vấn hay thư tư vấn là kết quả cuối cùng và coi như là hoàn tất của một lần tư vấn, sau một quá trình người làm pháp chế thực hiện xong hàng loạt các bước công việc nêu trên.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Kỹ năng tư vấn của người làm pháp chế doanh nghiệp được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Kỹ năng tư vấn của người làm pháp chế doanh nghiệp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng tư vấn của người làm pháp chế doanh nghiệp

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.19513 sec| 978.508 kb