Phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin trong hình sự

20/04/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Lỗi có một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là lỗi cố ý, với bản chất là dấu hiệu của tội phạm, ở một phương diện nào đó, yếu tố lỗi cho phép các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhận diện được đâu là hành vi phạm tội, và quyết định người thực hiện hành vi đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Việc nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện về chế định lỗi, đặc biệt là hình thức lỗi cố ý gián tiếp trong luật hình sự hiện hành là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng những đòi hỏi về lý luận và thực tiễn mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý và xã hội. 

1- Khái niệm về lỗi trong hình sự

Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

2- Khái niệm lỗi vô ý

Lỗi vô ý được hiểu là lỗi của một người trong đó chủ thể không lựa chọn hành vi phạm tội nhưng trên thực tế đã gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, lỗi vô ý do quá tự tin được hiểu là những hành động của người phạm tội khi thực hiện hành vi đã thấy được việc làm của mình có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng họ cứ hành động vì tin vào khả năng, sức lực, trình độ, kinh nghiệm của mình, cũng như nhận định chủ quan về hoàn cảnh thực tế và  theo đó họ vô ý do quá tự tin khi cho rằng có thể ngăn chặn được hậu quả nguy hiểm cho xã hội nếu nó xảy ra.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Khái niệm về lỗi cố ý gián tiếp 

Cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Như vậy, lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Điều 10 Bộ luật Hình sự).

Giống như phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp, phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp không chỉ bao gồm trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình có thể xảy ra, mà còn bao gồm trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quá đó tất yếu sẽ xảy ra.

Nhưng khác với trường hợp phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp, trường hợp phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra, nghĩa là hậu quả phạm tội xảy ra không nằm trong mục đích hành động của người phạm tội, cũng không phải là phương tiện cần thiết mà người phạm tội mong muốn thực hiện để đạt đến mục đích phạm tội nào đó khi người đó thấy trước hậu quả tất yếu sẽ xảy ra mà thái độ tâm lý của người phạm tội trong trường hợp phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là không quan tâm đến hậu quả xảy ra. Đối với người phạm tội hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không xảy ra đều không có ý nghĩa gì.

Nói cách khác, thái độ tâm lý của người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là thờ ơ, bàng quan, chấp nhận đối với hậu quả xảy ra, mặc dù đã thấy trước hậu quả đó có thể xảy ra hoặc tất yếu xảy ra. Điều 10 Bộ luật Hình sự quy định chủ thể “tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc...”. Khi đã để mặc hay chỉ là chấp nhận hành vi thì bao giờ cũng có hai khả năng, hành vi sẽ xảy ra hoặc không xảy ra - tức là hành vi sẽ được thực hiện hoặc không được thực hiện. 

Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả đó mà họ có thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra (hậu quả xảy ra cũng được, không xảy ra cũng được). Tuy nhiên, họ đã mong muốn hành vi nguy hiểm được thực hiện để đạt được mục đích khác của họ. Và cũng vì lẽ đó họ chấp nhận hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Ở trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, sự thấy trước hậu quả chi là thấy trước hậu quả có thể xảy ra, không thể có trường hợp người phạm tội đã thấy trước hậu quả tất nhiên xảy ra mà họ có thái độ để mặc, không mong muốn hậu quả đó khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, hậu quả nguy hiểm đã xảy ra không phù hợp với mục đích của người phạm tội mà chỉ phần nào đáp ứng mục đích của người phạm tội.

Khác với cố ý trực tiếp, đối với cố ý gián tiếp hậu quả không phải là kết quả tất yếu của hành vi phạm tội, không phải là mục đích cuối cùng, cũng không phải là điều kiện, biện pháp để đạt được mục đích cuối cùng. Đối với người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả nguy hại là kết quả phụ, đi theo của hành vi nhằm đạt được mục đích khác (mang tính chất tội phạm hoặc không).

Định nghĩa cố ý gián tiếp tại Điều 10 Bộ luật Hình sự giới hạn đặc điểm được chủ thể chấp nhận là hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, định nghĩa cố ý trực tiếp cùng gắn với hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều này chỉ làm cho định nghĩa tại Điều 10 Bộ luật Hình sự chỉ đúng với các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Trong thực tế, chủ thể của tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức có thể mong muốn (có ý trực tiếp) hoặc chấp nhận (cố ý gián tiếp) hành vi phạm tội trên cơ sở mong muốn hoặc chấp nhận đặc điểm nhất định mà không phải là đặc điểm hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Thấy trước tính chất hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó, đó là trường hợp người phạm tội đã có suy nghĩ, đã hiểu bản chất của hành vi phạm tội là trái pháp luật, trái đạo đức, bị xã hội lên án, bị xử lý theo pháp luật, hành vi ấy sẽ gây ra hậu quả tác hại.

Người phạm tội đã hình dung, tiên đoán, dự liệu trước hậu quả sẽ xảy ra một cách tương đối chính xác, tuy nhiên họ đã mong muốn hoặc đề mặc cho thiệt hại xảy ra. Mong muốn thiệt hại xảy ra là trường hợp người phạm tội cỏ ý muốn, quyết tâm gây ra hậu quả tác hại nhằm đạt được mục đích của mình khi phạm tội. Để mặc cho hậu quả xảy ra là trường hợp người phạm tội không mong muốn gây ra hậu quả tác hại, nhưng họ đã coi thường hậu quả cho rằng hậu quả ấy không ảnh hưởng gì đến họ hoặc họ biết hậu quả tác hại sẽ xảy ra nhưng cứ để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

4- Phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý do quá tự tin

[a] Lỗi cố ý gián tiếp

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 quy định, lỗi cố ý gián tiếp là một khái niệm được chỉ với những lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Lỗi cố ý gián tiếp có đặc điểm cụ thể như sau:

Về lý trí: Người phạm tội họ đủ nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và họ cũng thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra trong các trường hợp có hậu quả xảy ra trên thực tế. Nghĩa là hậu quả xảy ra không phù hợp với mục đích phạm tội của họ. Nhưng bên cạnh đó để thực hiện mục đích này, người phạm tội chấp nhận hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra.

Ví dụ: Gia đình ông A trong lúc thi công đổ mái nhà đã làm rơi một ván gỗ xuống dưới đường dẫn tới anh B bị tử vong do vô tình đi ngang qua đó và bị ván gỗ rơi trúng người. Dù biết nhà gần đường và có nhiều người qua lại nhưng ông A không làm biện pháp phòng tránh nào dẫn tới hậu quả anh B tử vong. Hành vi của ông A là hành vi cố ý gián tiếp để mặc hậu quả xảy ra dù đã biết trước.

[b] Lỗi vô ý vì quá tự tin

Lỗi vô ý vì quá tự tin được hiểu là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được và lỗi vô ý vì quá tự tin có đặc điểm cụ thể như sau:

Về lý trí: Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thể hiện ở việc họ thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra.

Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội và Sự không mong muốn này thể hiện ở việc người thực hiện hành vi phạm tội cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc ngăn ngừa được dựa trên sự cân nhắc, phán đoán trước khi thực hiện hành vi. Theo đó, hậu quả nguy hại cho xã hội đã xảy ra và nằm ngoài dự tính của họ.

Ví dụ: Khi phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ Lê sỹ An vì quá tự tin vào khả năng của mình nên cho rằng đây là một ca dễ, ông đã tự làm mà không mời thêm chuyên gia nào để hội chuẩn trước khi phẫu thuật dẫn tới hậu quả bệnh nhân đã tử vong do mất máu quá nhiều. Hành vi của bác sĩ An đã vô ý gây ra cái chết cho bệnh nhân do sự tự tin của mình, tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng cho rằng mình có thể ngăn được nên chủ quan đối với trường hợp này nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đó là làm chết người.

Qua phân tích trên, có thể phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý do qua tự tin: 

Giống nhau: Theo như chúng tôi đã phân tích ở trên thì xét về lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin giống nhau ở chỗ người thực hiện hành vi do lỗi vô ý vì quá tự tin gây nguy hại cho xã hội đều nhận thức được hậu quả nguy hại cho xã hộii mà hành vi của mình có thể gây ra và đều không mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Khác nhau: Bên cạnh những điểm tương đồng thì ở hai lỗi này có những điểm cơ bản đó là lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin có một điểm khác nhau cơ bản, đó là ở lỗi cố ý gián tiếp, người thực hiện hành vi chấp nhận khả năng hậu quả xảy ra khi lựa chọn và thực hiện hành vi và ở lỗi vô ý vì quá tự tin, người thực hiện hành vi loại trừ khả năng hậu quả xảy ra và tin rằng hậu quả không xảy ra.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư bào chữa, luật sư hình sự, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin trong hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.18996 sec| 979.469 kb