Mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

15/02/2023
Mức cấp dưỡng là một khoản tiền, lương thực hoặc tài sản khác mà bên phải cấp dưỡng đóng góp cho bên được cấp dưỡng để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của bên được cấp dưỡng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bên có nghĩa vụ cấp dưỡng và bên được cấp dưỡng thỏa thuận để lựa chọn phương thức nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của bên phải cấp dưỡng và đảm bảo được quyền và lợi ích của bên được cấp dưỡng. Việc thỏa thuận phương thức cấp dưỡng phải được thực hiện bằng văn bản. Trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

1- Mức cấp dưỡng trong quan hệ cấp dưỡng giữa các thành viên gia đình

Mức cấp dưỡng là một khoản tiền, lương thực hoặc tài sản khác mà bên phải cấp dưỡng đóng góp cho bên được cấp dưỡng để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của bên được cấp dưỡng.

Xác định mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người đại diện theo pháp luật của người được cấp dưỡng thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi xác định mức cấp dưỡng cần căn cứ vào hai yếu tố sau:

Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Xác định khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng là căn cứ vào mức thu nhập thường xuyên hoặc tài sản họ còn sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của họ.

Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Xác định nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình của người dân tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí cần thiết về ăn ở, mặc, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí cần thiết khác nhằm bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng.

Căn cứ vào hai yếu tố trên, khi xác định mức cấp dưỡng sẽ xảy ra hai khả năng. Một là: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phải cấp dưỡng theo khả năng của họ mà với mức cấp dưỡng đó thì không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, tức là mức cấp dưỡng không thể vượt quá khả năng của người phải cấp dưỡng, dù là mức đó thấp hơn so với nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Hai là: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải đóng góp mức cấp dưỡng bằng hoặc cao hơn nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng về kinh tế.

Mức cấp dưỡng có thể thay đổi khi có lí do chính đáng như: Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng tăng lên; khả năng kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng giảm đi; giá sinh hoạt tại địa phương nơi người được cấp dưỡng biến động... Thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, pháp luật không quy định mức cấp dưỡng cụ thể cho các trường hợp mà tuỳ hoàn cảnh, điều kiện của người phải cấp dưỡng và của người được cấp dưỡng mà các bên thoả thuận hoặc Tòa án quyết định cho phù họp, một mặt bảo đảm quyền và lợi ích cho người được cấp dưỡng, mặt khác bảo đảm cho người phải cấp dưỡng có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

2- Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Theo Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có hai phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:

- Cấp dưỡng định kì: Là cấp dưỡng theo hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm;

- Cấp dưỡng một lần: Là cấp dưỡng chỉ thực hiện một lần.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà bên có nghĩa vụ cấp dưỡng và bên được cấp dưỡng thoả thuận để lựa chọn phương thức nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của bên phải cấp dưỡng và đảm bảo được quyền và lợi ích của bên được cấp dưỡng. Việc thoả thuận phương thức cấp dưỡng phải được thực hiện bằng văn bản. Trong trường hợp các bên không tự thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khi lựa chọn phương thức cấp dưỡng nên căn cứ vào hình thức thu nhập của bên phải cấp dưỡng. Nếu bên phải cấp dưỡng được nhận lương hoặc được trả công lao động hàng tháng thì nên chọn phương thức cấp dưỡng định kì hàng tháng. Nếu bên phải cấp dưỡng thu nhập theo thời vụ thì nên quyết định cấp dưỡng định kì theo thời vụ (nửa năm, hàng quý hoặc hàng năm).

Nghĩa vụ cấp dưỡng được ưu tiên thực hiện theo phương thức định kì. Phương thức cấp dưỡng định kì có một số ưu điểm như: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cần phải đóng góp một số tiền hay tài sản lớn; có thể thay đổi mức cấp dưỡng khi hoàn cảnh của mỗi bên thay đổi hoặc giá cả sinh hoạt thay đổi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các bên. Tuy nhiên, phương thức cấp dưỡng định kì cũng có những điểm hạn chế như: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình trì hoãn thực hiện nghĩa vụ, trốn khỏi nơi cư trú nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Qua thực tế thi hành án về cấp dưỡng cho thấy nhiều người cha, người mẹ cấp dưỡng cho con khi li hôn chỉ  thực hiện trong thời gian ngắn ngay sau khi li hôn mà không thực hiện cho đến khi con thành niên và có khả năng lao động.

Phương thức cấp dưỡng một lần thông thường là do các bên tự thoả thuận và được Tòa án cồng nhận. Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng một lần trong những trường hợp:

- Người có nghĩa vụ cấp dưỡng yêu cầu;

- Người được cấp dưỡng hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó yêu cầu trong trường họp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có hành vi phá tán tài sản hoặc cố tình trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện tại họ có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần;

- Người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng li hôn yêu cầu mà có thể trích từ phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Saư khi người phải cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần, về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng đã hoàn thành. Tuy nhiên, trong trường hợp người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng hoặc của người đại diện, người giám hộ của người được cấp dưỡng. Phương thức cấp dưỡng một lần cũng có điểm hạn chế là nếu nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và giá cả thị trường thay đổi theo chiều hướng tăng thì người được cấp dưỡng sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhu cầu thiết yếu.

Phương thức cấp dưỡng có thể được thay đổi trên sự thoả thuận của các bên hoặc do Tòa án quyết định khi có lí do chính đáng. Trường hợp đặc biệt có thể tạm ngừng cấp dưỡng, đó là khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nguồn: Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội, 2021.

0 bình luận, đánh giá về Mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.39277 sec| 957.367 kb