Những vấn đề chung các tội phạm về ma túy

28/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Mai
Luật sư Nguyễn Thị Mai
Tội phạm về ma túy là tội phạm bao gồm hành vi vì phạm quy định về quản lí, sử dụng các chất ma tuý do Bộ luật hình sự quy định. Tội phạm về ma túy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm chế độ thống nhất quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy và các loại thuốc gây nghiện, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển bình thường của nòi giống dân tộc.

1- Các vấn đề chung về tội phạm ma túy

(I) Khách thể của tội phạm

Khách thể của các tội phạm về ma tuý là chế độ quản lí các chất ma tuý của Nhà nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lí. Các tội phạm này có đối tượng là các chất ma tuý (theo nghĩa rộng) và các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma tuý.

Các chất ma tuý

Các chất ma tuý (theo nghĩa rộng) là đối tượng của các tội phạm về ma tuý, bao gồm chất ma tuý theo nghĩa hẹp là chất gây nghiện và chất hướng thần;(1) tiền chất;(2) thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;(3) cây có chứa chất ma tuý.(1) Như vậy, các chất ma tuý (theo nghĩa rộng) là đối tượng của các tội phạm về ma tuý có thể được chia thành hai nhóm: Thứ nhất là các chất ma tuý (chất gây nghiện, chất hướng thần) và các đối tượng có chứa chất ma tuý (thuốc chữa bệnh và cây có chứa chất ma tuý); thứ hai là các tiền chất (các hoá chất dùng để điều chế, sản xuất chất ma tuý).

Ở Việt Nam, việc xác định các chất ma tuý (theo nghĩa hẹp) và các tiền chất được thực hiện theo quy định hiện hành về danh mục chất ma tuý và tiền chất do Chính phủ ban hành.(2) Việc ban hành quy định này dựa trên cơ sở tham khảo các bảng quy định về các chất ma tuý và các chất hướng thần của 3 công ước của Liên họp quốc về kiểm soát ma tuý.

Chất ma tuý là các chất gây nghiện ở dạng tự nhiên hay tổng hợp. Đặc tính nguy hiểm của chất ma tuý thể hiện ở khả năng gây nghiện cho người sử dụng các chất này. Con người chỉ cần sử dụng một vài lần chất ma tuý sẽ có nhu cầu được cung cấp thường xuyên và với liều lượng ngày càng cao hơn. Khi không đáp ứng được nhu cầu, họ sẽ lên cơn vật vã, đau đớn về thể xác và có thể làm tất cả những gì, kể cả tội ác mà họ cho là cần thiết nhằm giải tỏa cơn nghiện. Sự lệ thuộc ngày càng lớn vào chất ma tuý chính là tác hại gây nghiện của chất ma tuý đối với người dùng chất đó.

(II)  Mặt khách quan của tội phạm

Hành vỉ khách quan của các tội phạm về ma tuỷ

Hành vi khách quan của các tội phạm về ma túy tuy khác nhau về hình thức thể hiện cụ thể, về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội nhưng giống nhau ở chỗ đều là những hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về chế độ quản lí các chất ma tuý. Đó có thể là những hành vi thực hiện những điều mà Nhà nước cấm làm (hành vi khách quan của các tội quy định từ Điều 247 đến Điều 258 BLHS) hoặc có thể là những hành vi của những người có trách nhiệm trong quản lí các chất ma tuý đã không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc làm những việc ngoài phạm vi những quy định về quản lí các chất ma tuý (hành vi khách quan của tội được quy định tại Điều 259 BLHS).

Hậu quả của cảc tội phạm về ma tuý

Hậu quả mà các tội phạm về ma tuý có thể gây ra là rất nghiêm trọng về nhiều mặt. Tuy nhiên, các tội phạm về ma tuý đều được quy định là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức. Hậu quả không được qui định là dấu hiệu trong CTTP của những tội phạm này.

Mặt chủ quan của tội phạm

Đối với đa số tội phạm về ma tuý, lỗi của người thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp (các tội phạm quy định ở các điều từ Điều 247 đến Điều 255, Điều 257 và Điều 258 BLHS). Lỗi của người phạm các tội quy định tại Điều 256 và Điều 259 có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. 

(III) Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của hầu hết tội phạm về ma tuý là chủ thể bình thường; riêng tội được quy định tại Điều 259 BLHS đòi hỏi chủ thể đặc biệt.

2- Hình phạt đối vói các tội phạm về ma tuý

Các tội phạm về ma tuý là nhóm tội có tính nguy hiểm cao. Vì vậy, hình phạt quy định cho các tội phạm này rất nghiêm khắc. Hầu hết tội phạm về ma tuý là tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (trừ tội được quy định tại khoản 1 Điều 247 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng).

Hình phạt chính được quy định cho tất cả tội phạm về ma tuý là hình phạt tù với mức khởi điểm đối với đa số tội phạm là trong khoảng từ 01 đến 02 năm, trừ tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 247 BLHS (khởi điểm là 06 tháng) và tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 259 (khởi điểm có thể là hình phạt tiền).

Hình phạt tử hình được quy định đối với 3 tội danh (tại các điều 248, 250 và 251); hình phạt tù chung thân được quy định đối với 6 tội danh (tại các điều 249, 252, 253, 255, 257, 258). Đối với 4 tội danh khác, mức cao nhất của hình phạt tù được quy định trong khoảng từ 7 đến 15 năm.

Việc quy định hình phạt cho các tội phạm về ma tuý trong BLHS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lí đầy đủ cho việc thực hiện cá thể hoá hình phạt và đường lối xử lí nghiêm khắc đối với các tội phạm về ma tuý trong giai đoạn hiện nay. Các khung hình phạt được quy định không quá rộng (khoảng của một khung hình phạt tù chỉ từ 4 đến 8 năm). Các chất ma tuý được định lượng cụ thể thành các dấu hiệu định khung cho từng khung hình phạt tăng nặng.

Các hình phạt bổ sung được quy định có thể áp dụng đối với các tội phạm về ma tuý bao gồm:

- Hình phạt tiền (mức thấp nhất là 05 triệu đồng và mức cao nhất là 500 triệu đồng);

- Cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (từ 01 đến 05 năm);

- Tịch thu (một phần hoặc toàn bộ) tài sản;

- Quản chế hoặc cấm cư trú (từ 01 đến 05 năm).

 

0 bình luận, đánh giá về Những vấn đề chung các tội phạm về ma túy

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.92332 sec| 954.992 kb