Quan hệ pháp luật đất đai và nguồn của luật Đất đai

22/02/2023
Pháp luật đất đai có vai trò quan trọng trong việc điều tiết mối quan hệ giữa Nhà nước và người sử dụng đất để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế-xã hội của đất đai đối với đời sống con người. Quan hệ đất đai là một trong nhiều mối quan hệ trình phát triển của đất nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần đi trước một bước tạo cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất một cách hợp lý và tiết kiệm đó và quan hệ này thuộc lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra phải nắm bắt cơ bản về nguồn của Luật Đất đai bao gồm những gì, cần xác định được những văn bản pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật đó, tức là cần xác định nguồn của luật.

1- Quan hệ pháp luật đất đai

Quan hệ đất đai là một trong nhiều mối quan hệ trình phát triển của đất nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần đi trước một bước tạo cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất một cách hợp lý và tiết kiệm đó và quan hệ này thuộc lĩnh vực kinh tế. Quan hệ đất đai ở Việt Nam trước hết là quan hệ giữa người và người với nhau trong việc quản lý, khai thác hưởng dụng đất đai, trong đó Nhà nước giữ vị thế người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Tuy nhiên, người đại diện chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất, bởi vậy người sử dụng đất đóng vai trò trung tâm trong việc khai thác nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tác động của pháp luật ảnh hưởng đến các chủ thể, đến nhu cầu sử dụng từng loại đất và đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của họ. Bởi vậy, khi đề cập quan hệ pháp luật đất đai phải nói đến các yếu tố cấu thành của nó thể hiện ờ chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ pháp luật.

1.1- Chủ thể quan hệ pháp luật đất đai

Chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai bao gồm Nhà nước và người sử dụng đất. Nhà nước tham gia quan hệ pháp luật đất đai với tư cách là chủ sở hữu đại diện và thống nhất quản lý toàn bộ đất đai. Sự có mặt của Nhà nước thông qua cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan chuyên môn bằng chính các quyết định mang tính chất quyền lực của mình nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, tư cách chủ thể của Nhà nước là chủ thể thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và chủ thể quản lý đất đai. Trong khi đó, với tư cách chủ thể sử dụng đất, các tổ chức trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo được Nhà nước xác lập quyền sử dụng đất thông qua các hình thức giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hình thức sử dụng đất của người sử dụng không giống nhau, vì vậy cần phân biệt họ dưới các dạng sau đây:

- Chủ thể có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất

Đây là đối tượng sử dụng đất thông qua các hình thức giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất ổn định được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đương nhiên được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật đất đai. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 và theo các mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các cơ quan quản lý đất đai trung ương ở mỗi giai đoạn lịch sử phát hành. Người được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 60/CP ngày 05/7/1994 cũng là người sử dụng đất hợp pháp. Các loại giấy tờ này có giá trị pháp lý như nhau, không có sự phân biệt về mặt quyền lợi.

- Chủ thể có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất.

Tính hợp lệ của các giấy tờ đó thể hiện tư cách chủ thể của người sử dụng đất. Đó là những giấy tờ do Nhà nước cấp cho người sử dụng thể hiện thông qua các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất của cơ quan quản lý đất đai, bản án của tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thông qua nguồn gốc hợp pháp của quyền sử dụng đất được chính quyền cơ sở xác nhận. Các trường hợp này được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và trong thời gian chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn thực hiện các quyền của mình.

- Chủ thể được xem xét công nhận quyền sử dụng đất

Thực tế đối tượng này không đủ giấy tờ theo quy định những việc sử dụng đất được uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận về thời điểm sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không có tranh chấp, khiếu nại về đất đai và làm thủ tục để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, chủ thể sử dụng đất là người thực thể đang chiếm hữu đất đai do Nhà nước giao, cho thuê, cho phép nhận quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

1.2- Khách thể quan hệ pháp luật đất đai

Đất đai trước hết là tư liệu sản xuất không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là mặt bằng để thực hiện quá trình đó. Nhu cầu sử dụng đất luôn tảng lên nhưng phạm vi không gian của nó lại có hạn. Bởi vậy, điều tiết mâu thuẫn này như thể nào chính là vai trò của Nhà nước. Cho nên, bằng chính sách và pháp luật, Nhà nước thực hiện việc phân phối quỹ đất đai quốc gia trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do mình xây dựng và phê duyệt. Từ đó, người sử dụng đất tiếp cận các cơ sở pháp lý để xác lập quyền sử dụng đất đai của mình. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể, mỗi người sử dụng đất có mục đích khác nhau, có thể là nhu cầu ở, nhu cầu sản xuất kinh doanh, là cơ sở để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích xã hội. Mỗi một mục đích cụ thể gắn liền với loại đất khác nhau, do vậy Nhà nước phải phân loại đất và xác lập các chế độ pháp lí đất đai khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng đất. Cho nên, toàn bộ vốn đất quốc gia được xác lập bởi các chế độ pháp lý nhất định khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất đối với người sử dụng tạo thành khách thể của quan hệ pháp luật đất đai.

1.3- Nội dung quan hệ pháp luật đất đai

Nội dung quan hệ pháp luật đất đai chính là các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đất đai. Chủ thể ở đây nhìn nhận một cách khái quát gồm Nhà nước và người sử dụng đất.Đổi với Nhà nước, với tư cách là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước rất đặc trưng. Trước hết là các quyền của người đại diện chủ hữu, đặc biệt là quyền định đoạt đất đai, quyển điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua chính sách tài chính về đất đai và phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất đầu tư. Các nghĩa vụ của Nhà nước gắn với các nội dung quan trọng trong quản lí nhà nước về đất đai được quy định tại Điều 22 Luật đất đai năm 2013.

Đối với người sử dụng đất, pháp luật đất đai thiết kế quyền và nghĩa vụ của họ cũng có nhiều nét khác biệt so với trước đây, đặc biệt là so với Luật đất đai năm 2003. Hiện nay, kết cấu quyền và nghĩa vụ pháp lí của người sử dụng đất gồm 3 phần:

- Phần thứ nhất là những quyền và nghĩa vụ chung nhất của mọi đối tượng sử dụng đất không phân biệt hình  thức sử dụng đất do Nhà nước xác lập.

- Phần thứ hai là quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất và gắn liền đó là những nghĩa vụ phù hợp với hình thức sử dụng đất mà họ lựa chọn.

- Phần thứ ba là những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai.

Trên cơ sở Luật đất đai năm 2013, quyền và nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng đất sẽ phân chia theo từng loại chủ thể, cụ thể đó là tổ chức trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo sử dụng đất.

2- Nguồn của Luật Đất đai

Trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật về đất đai cũng như nghiên cứu khoa học pháp lý, vấn đề quan trọng đặt ra là cần xác định được những văn bản pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật đó, tức là cần xác định nguồn của luật. Dưới góc độ pháp lý, nguồn của Luật đất đai là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê chuẩn theo những trình tự, thủ tục và dưới những hình thức nhất định, có nội dung chứa đựng các quy phạm pháp luật đất đai.Trên thực tế, khi nghiên cứu nguồn của Luật đất đai cũng như nguồn của bất cứ ngành luật nào trong những thời điểm nhất định, chúng ta chỉ xem xét những văn bản có hiệu lực ở thời điểm đó.

Nguồn của Luật đất đai bao gồm một hệ thống những văn bản pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành nhiều thời kỳ khác nhau. Nguồn của Luật đất đai chủ yếu vẫn là các văn bản luật và văn bản dưới luật có chứa đựng các quy phạm pháp Luật đất đai.

2.1- Văn bản luật

Văn bản luật quan trọng nhất và là nền tảng của hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là Hiến pháp. Tại Điều 53 và 54 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định đất đai và các tài nguyên quan trọng khác thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.Việc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai trên cơ sở quy hoạch và pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật đất đai trên nền tảng hiến định này.

Bên cạnh hiến pháp với tư cách là đạo luật gốc có ý nghĩa nền tảng chung, các bộ luật, các luật đơn hành chứa đựng nhiều quy định về đất đai hoặc trực tiếp liên quan tới đất đai. Trong số các văn bản luật chủ yếu có thể đề cập gồm:

- Bộ luật dân sự ngày 14/6/2005 có hiệu lực pháp lý từ ngày 01/01/2006 và hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017.Qua đó, Bộ luật dân sự năm 2005 sẽ được thay thế bởi Bộ Luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá 13 ngày 24/11/2015. Các bộ luật dân sự có nhiều quy định liên quan tới các giao dịch dân sự về đất đai của hộ gia đình và cá nhân. 

2.2- Các văn bản dưới luật

- Luật đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Đây là văn bản luật căn bản nhất trong việc hình thành các quy định của hệ thống pháp luật về đất đai.

- Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010

- Nghị định của Chính phủ số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thi hành Luật đất đai.

- Nghị định của Chính phủ số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất

- Nghị định của Chính phủ số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về về thu tiền sử dụng đất.

- Nghị định của Chính phủ số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về về thu tiền thuê đất.

- Nghị định của Chính phủ số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

- Nghị định của Chính phủ số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

0 bình luận, đánh giá về Quan hệ pháp luật đất đai và nguồn của luật Đất đai

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18363 sec| 983.367 kb