Quản lí thuế giá trị gia tăng

01/03/2023
Toàn bộ quá trình hoạt động cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo tập trung đầy đủ, đúng hạn nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng vào ngân sách nhà nước hình thành nội dung quản lí thuế giá trị gia tăng. Với cách hiểu như vậy, nội dung quản lí thuế giá trị gia tăng bao gồm các nội dung chủ yếu: quản lí việc đăng kí thuế; kê khai thuế; tổ chức thu nộp thuế; thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng; kiểm toán, quyết toán tình hình thực hiện thuế giá trị gia tăng.

I- TỔ CHỨC ĐĂNG KÍ THUẾ

Để xác định được đối tượng phải quản lí thuế giá trị gia tăng, pháp luật quy định tất cả các chủ thể có hành vi kinh doanh, đều phải đăng kí thuế với cơ quan quản lí thuế có thẩm quyền. Hành vi đăng kí thuế thể hiện một loại quan hệ pháp luật thuế, đồng thời là căn cứ để tiến hành các quan hệ pháp luật tiếp theo.

Các chủ thể có trách nhiệm đăng kí thuế:

(i) Các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, hình thức tổ chức, sau khi được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, phải đăng kí thuế tại cơ quan thuế sở tại. Quy định này được áp dụng đối với cả các chi nhánh, đơn vị trực thuộc (các đối tượng này đăng kí nộp thuế trên cơ sở đăng kí thuế của đơn vị chính).

(ii) Các đơn vị sự nghiệp có thu. Những đối tượng này có hoạt động chính nhằm phục vụ yêu cầu của Nhà nước đối với đời sống xã hội (các trường học, bệnh viện công, cơ sở nghiên cứu khoa học...) nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát sinh một số hoạt động có thu nhập. Trường hợp này, các đối tượng nêu trên mặc dù không đăng kí kinh doanh nhưng phải đăng kí thuế.

(iii) Các tổ chức kinh tế khác.

(iv) Cá nhân kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh, kể cả trường hợp kinh doanh buôn chuyến

Cơ quan tiếp nhận đăng kí thuế: Áp dụng chung đối với trường hợp hoạt động kinh doanh thông thường và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thường xuyên. Việc tổ chức một đầu mối đăng kí thuế tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể nộp thuế đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống tổ chức, nội dung, cách thức quản lí, thu thuế.

Nội dung đăng kí: Việc đăng kí thuế liên quan đến nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể nộp thuế. Vì vậy, pháp luật quy định khá chi tiết các nội dung cần khai báo với cơ quan thuế: địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, số lao động, tiền vốn, nơi nộp thuế, các đơn vị trực thuộc và địa điểm kinh doanh của các đơn vị trực thuộc...

Thời hạn đăng kí thuế: Để chống thất thu thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng, chậm nhất 10 ngày kể từ thời điểm có chứng nhận đăng kí kinh doanh, chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ đăng kí thuế. Đối với trường hợp chưa có (không có) đăng kí kinh doanh, các chủ thể này phải đăng kí thuế trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh thực tế.

Hình thức chấp nhận đăng kí thuế: Cơ quan thuế có trách nhiệm xác nhận việc đăng kí thuế của chủ thể nộp thuế, đảm bảo cho chủ thể kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường. Cụ thể, cơ quan thuế có trách nhiệm cap “Giấy chứng nhận đăng kí thuế” và thông báo mã số thuế cho chủ thể nộp thuế.

Mã số thuế được cấp duy nhất cho một chủ thể nộp thuế và sử dụng suốt quá trình tồn tại của chủ thể nộp thuế. Sử dụng một mã số thuế duy nhất giúp cho việc nhận diện chủ thể nộp thuế. Mã số thuế giúp cho cơ quan quản lí thực hiện hoạt động quản lí thuế trên phạm vi toàn lãnh thổ, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường và quản lí thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Việc quản lí thuế theo mã số thuế giúp cơ quan có thẩm quyền giám sát về thuế của chủ thể nộp thuế, theo dõi các vấn đề phát sinh liên quan đến sử dụng chứng từ hoá đơn, đặc biệt hoá đơn do cơ quan thuế phát hành. Trường hợp cần thiết, các thông tin về chủ thể nộp thuế giúp cho cơ quan nhà nước giám sát hoạt động hoàn thuế hoặc áp dụng các biện pháp phi thuế đối với trường hợp vi phạm.

Đối với chủ thể nộp thuế có các đơn vị trực thuộc, việc cấp mã số thuế được tiến hành đồng thời cho doanh nghiệp đó và cho các đơn vị trực thuộc.

II- QUẢN LÍ, GIÁM SÁT QUÁ TRÌNH KÊ KHAI, NỘP THUẾ

(I) Quản lí kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thông thường:

Các chủ thể kinh doanh hàng tháng phải kê khai đầy đủ, chính xác thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế, không phân biệt có phát sinh nghĩa vụ thuế thực tế trong tháng hay không. Đối tượng kê khai phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai.
Nội dung kê khai được quy định cụ thể cho chủ thể nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, phương pháp tính trựctiếp trên phần giá trị tăng thêm. Đối với chủ thể nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, có hoạt động nhập khẩu hàng hoá, pháp luật cũng định rõ điều kiện để xác định phần thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu được tính là thuế giá trị gia tăng đầu vào khi tính số thuế phải nộp trong tháng.

Đối với chủ thể nộp thuế có hoạt động kinh doanh đa dạng, sản phẩm tạo ra có thể chịu các mức thuế suất khác nhau, phải kê khai cụ thể kết quả kinh doanh với mỗi nhóm hàng hoá, dịch vụ.

Chậm nhất là ngày 25 tháng tiếp theo, tuỳ thuộc vào trường hợp cụ thể, chủ thể kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng vào ngân sách nhà nước theo kết quả kê khai (tự kê khai và tự nộp thuế) hoặc theo thông báo thuế của cơ quan thuế. Riêng đối với các tổ chức kinh doanh có quy mô lớn, thực hiện nộp thuế theo định kì 5 ngày hoặc 10 ngày.

Cơ quan thuế, cán bộ thuế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc đảm bảo hoạt động kê khai, nộp thuế được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Với những đối tượng không áp dụng chế độ tự kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm ra thông báo thuế theo đúng quyền hạn, đúng pháp luật.

(II) Quản lí kê khai, nộp thuế đối với hoạt động nhập khẩu hàng hoá:

Hoạt động nhập khẩu hàng hoá hoặc mua dịch vụ của bên nước ngoài thường gắn với hoạt động quản lí của cơ quan hải quan, xuất hiện cho từng lần thực hiện hoạt động chuyển dịch hàng hoá qua biên giới, nhận dịch vụ. Vì vậy, cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu có trách nhiệm kê khai thuế giá trị gia tăng cho từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai các thông tin khác liên quan đến hoạt động nhập khẩu (kê khai hải quan, kê khai thuế nhập khẩu và các khoản phụ thu từ hoạt động nhập khẩu; kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt...).

Thông báo thuế giá trị gia tăng của cơ quan hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu thường gắn với nghĩa vụ thuế khác liên quan đến khâu nhập khẩu.

Khác với hoạt động kinh doanh thông thường, thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu được nộp từng lần, cùng với các loại thuế khác theo thông báo thuế của cơ quan hải quan. Thời điểm nộp thuế cụ thể tuỳ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu, dịch vụ mua của bên nước ngoài.

(III) Chứng từ, hoá đơn trong quá trình quản lí, thu nộp thuế giá trị gia tăng:

Thuế giá trị gia tăng gắn vói nghiệp vụ kinh doanh của chủ thể nộp thuế. Nhà nước thực hiện thu thuế theo kết quả kinh doanh của đối tượng nộp thuế. Điều này có nghĩa, chứng từ hoá đơn là chứng cứ xác định nghĩa vụ thực tế mà chủ thể nộp thuế phải thực hiện đối vói Nhà nước.

Với tư cách “là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh và đã hoàn thành”. Luật thuế giá trị gia tăng quy định chi tiết về các loại chứng từ hoá đơn, áp dụng cho các đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, phương pháp tính trực tiếp theo phần giá trị tăng thêm, đối tượng sử dụng hoá đơn theo mẫu do cơ quan tài chính phát hành và hoá đơn theo mẫu của đơn vị nộp thuế.

Nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, thực hiện nguyên tắc công bằng, pháp luật quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi in, phát hành, sử dụng hoá đơn không đúng quy định để gian lận, trốn thuế.

III- HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Hoàn thuế giá trị gia tăng là việc cơ quan thuế ra quyết định trả lại số tiền thuế giá trị gia tăng đã nộp vượt quá của chủ thể nộp thuế.

Hoàn thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau:

(I) Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kì tiếp theo.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng kí nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp: 

(i) Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng kí; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;

(ii) Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hoá mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.

(II) Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý, trừ trường hợp hàng hoá nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hoá xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hoá xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lí thuế.

(III) Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyến đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.

(IV) Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Căn cứ để được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu:

(i) Có tờ khai hàng hoá xuất khẩu và xác nhận của cơ quan hải quan;

(ii) Hợp đồng mua bán hàng hoá, gia công hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

(iii) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng hoặc các trường hợp coi như thanh toán qua ngân hàng;

(iv) Hoá đơn chứng từ hợp lệ. Việc xác định chứng từ hợp lệ được quy định cụ thể khác nhau đối với các hình thức xuất khẩu.

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng chỉ có thể thực hiện khi đối tượng nộp thuế là một trong những trường hợp nêu trên và có hồ sơ hoăn thuế hợp lệ.

Cơ quan thuế có trách nhiệm nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ và hoàn thuế cho đối tượng nộp thuế. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc hoàn thuế, pháp luật quy định cơ quan tài chính phải lập quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng(1) và phải hoàn trả thuế thực tế cho đối tượng nộp thuế.

(V) Người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp được hoàn thuế đối với hàng hoá mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh. Quy định này hoàn toàn phù hợp với bản chất của thuế giá trị gia tăng “chỉ đánh thuế đối với hành vi tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam” và phù hợp với thông lệ quốc tế.

(VI) Các trường hợp hoàn thuế đối với dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được quy định chi tiết ngay trong văn bản luật đối từng trường hợp.

(VII) Trường hợp được hưởng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, thực hiện chế độ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định pháp luật về miễn trừ ngoại giao.

Với quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, Nhà nước thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm giải quyết mục đích khác nhau trong từng giai đoạn.

IV- QUYẾT TOÁN, KIỂM TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Quyết toán thuế giá trị gia tăng là việc báo cáo tình hình thực hiện thu nộp thuế giá trị gia tăng của đối tượng nộp thuế trong năm với cơ quan thuế. Pháp luật quy định năm quyết toán thuế được xác định theo năm dương lịch. Để thực hiện quyết toán thuế, cơ quan thuế xác định trên cơ sở báo cáo quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế.

Nội dung báo cáo quyết toán thuế bao gồm phần bảng biểu và phần thuyết minh bằng văn bản. Báo cáo quyết toán phải phản ánh: số thuế phải nộp, số thuế đã nộp; số thuế nộp thừa, số thuế còn thiếu theo những chỉ tiêu thống nhất do cơ quan quản lí thuế ban hành.

Thời hạn báo cáo quyết toán thuế là 60 ngày, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Trường hợp thay đổi địa vị pháp lí của chủ thể nộp thuế, thời hạn nộp báo cáo quyết toán thuế là 45 ngày, kể từ thời điểm có sự thay đổi chính thức.

Sau khi báo cáo quyết toán, chủ thể nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế còn thiếu hoặc sẽ được trừ vào vào số tiền thuế phải nộp của kì tiếp theo nếu nộp thừa.

Kiểm toán thuế giá trị gia tăng là việc kiểm toán tình hình thu thuế và nộp thuế của chủ thể nộp thuế. Kiểm toán thuế giá trị gia tăng nhằm kiểm ưa quá trình tuân thủ pháp luật, đảm bảo chống thất thoát ngân sách từ quá trình thu, nộp thuế giá trị gia tăng.

Nội dung kiểm toán thuế giá trị gia tăng bao gồm:

(i) Thẩm tra tính chính xác của các chứng từ hoá đơn được sử dụng khi tính giá trị hàng hoá, dịch vụ chịu thuế, kể cả hàng hoá dịch vụ tạo ra trong nước và hàng hoá, dịch vụ mua ở nước ngoài. Nội dung này bao hàm cả việc kiểm tra giá tính thuế cho hàng hoá, dịch vụ chịu thuế.

(ii) Thẩm tra tính chính xác của việc áp dụng mức thuế suất đối với đối tượng chịu thuế.

(iii) Thẩm tra việc áp dụng phương pháp tính thuế cho các đối tượng nộp thuế khác nhau.

(iv) Thẩm tra các hàng hoá, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế, có phù hợp quy định pháp luật hay không.

(v) Thẩm tra quá trình thu, nộp thuế để tránh báo sót, thu sót hoặc báo ít thu ít...

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thuế Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).


 

0 bình luận, đánh giá về Quản lí thuế giá trị gia tăng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.72464 sec| 1002.813 kb