Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng

15/02/2023
Đặng Thu Trang
Đặng Thu Trang
Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng bao gồm có 2 quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất, đó là: quyền thừa kế tài sản của nhau và nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong đó, quyền thừa kế tài sản của nhau bao gồm: Quyền thừa kế của vợ và chồng; Quyền tạm hoãn chia di sản nhằm bảo đảm cuộc sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình; Quyền quản lý di sản khi vợ hoặc chồng chết trước

1- Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng: nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp vợ chồng ly hôn. Khi ly hôn, nếu một bên có khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu được cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn chỉ xảy ra khi thỏa mãn hai điều kiện:

- Một bên khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu được cấp dưỡng và có lý do chính đáng;

- Bên kia có khả năng để cấp dưỡng.

Nếu thiếu một trong hai điều kiện trên thì nghĩa vụ cấp dưỡng không được đặt ra. Bên có khó khăn, túng thiếu yêu cầu được cấp dưỡng phải là trường hợp họ thực sự khó khăn trong cuộc sống sau khi ly hôn.Những khó khăn đó là do yếu tố khách quan đem lại. Chẳng hạn như ốm đau, già yếu, không đủ sức lao động hoặc không có khả năng lao động để sinh sống... Đối với những người tuy có khó khăn, túng thiếu thực sự nhưng lại do lười biếng không chịu lao động khi còn có khả năng lao động thì dù họ có yêu cầu cũng không được cấp dưỡng. Đối với trường hợp do nghiện ngập, cờ bạc, hoang phí nên lâm vào tình trạng túng thiếu thì cũng không được cấp dưỡng.

Người có khả năng để cấp dưỡng là người có khả năng về kinh tế. Họ là người có sức khỏe, có việc làm ổn định và có thu nhập vừa bảo đảm cuộc sống, vừa thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu người phải cấp dưỡng không có khả năng về kinh tế hoặc nếu phải cấp dưỡng sẽ đe dọa đến cuộc sống của chính họ thì không coi là có khả năng để cấp dưỡng và khi đó thì nghĩa vụ cấp dưỡng không được đặt ra.

Vợ chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau khi ly hôn thì mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng và thời hạn cấp dưỡng do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định. Tòa án căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình của người được cấp dưỡng tại địa phương họ sinh sống và khả năng kinh tế của người phải cấp dưỡng để quyết định mức cấp dưỡng cho phù hợp. Người phải cấp dưỡng có thể cấp dưỡng bằng tiền hoặc bằng lương thực (quy ra gạo), có thể cấp dưỡng định kỳ (hàng tháng, hàng quý, hàng năm...), có thể cấp dưỡng một lần. Phương thức cấp dưỡng một lần thường được lựa chọn trong trường hợp cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn. Tòa án có thể căn cứ vào tình trạng sức khỏe, vào hoàn cảnh của người được cấp dưỡng... mà quyết định thời hạn cấp dưỡng cho phù hợp. Nếu chưa hết thời hạn cấp dưỡng do Tòa án quyết định hay do các bên thỏa thuận mà bên được cấp dưỡng kết hôn với người khác hoặc một trong hai bên chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt.

Về nguyên tắc, trong thời kỳ hôn nhân nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng không được đặt ra. Bởi lẽ, trong thời kỳ hôn nhân, thu nhập của mỗi bên là tài sản chung của vợ chồng. Nếu một bên không có khả năng lao động và không làm ra tài sản thì cuộc sống của họ vẫn được đảm bảo bằng tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, về nguyên tắc không phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau. Nghĩa vụ chăm sóc giữa vợ và chồng có thể được hiểu là chăm sóc cả về vật chất và tinh thần. Vợ chồng có nghĩa vụ chăm lo, hỗ trợ về đời sống vật chất cho nhau. Đa số các trường hợp, vợ chồng dù sống xa nhau nhưng yêu thương nhau, chăm sóc, quan tâm nhau một cách tự nguyện thì không đặt ra vấn đề cấp dưỡng. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp vợ chồng có mâu thuẫn, quan hệ vợ chồng đã có những rạn nứt hoặc do tính ích kỉ... dẫn đến khi một bên ốm đau, bệnh tật hoặc phụ nữ mang thai, sinh đẻ... không có thu nhập, rơi vào tình trạng khó khăn, túng thiếu, nhưng người kia không chăm sóc, không đảm bảo các nhu cầu vật chất theo đúng khả năng và điều kiện của mình. Thiết nghĩ, đối với trường hợp này, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được đặt ra. Điều đó cho thấy, pháp luật cần thiết phải quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân.

2- Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng: thừa kế tài sản của nhau

a. Quyền thừa kế của vợ và chồng

Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ, chồng có quyền được thừa kế tài sản của nhau theo pháp luật hoặc theo di chúc khi một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

Thừa kế theo di chúc: Nếu người vợ hoặc chồng chết trước có để lại di chúc cho chồng hoặc vợ được hưởng di sản thì người chồng hoặc vợ sẽ được hưởng phần di sản theo nội dung di chúc. Trong trường hợp người lập di chúc không cho chồng hoặc vợ hưởng di sản thì người chồng hoặc vợ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật. Trường hợp này được áp dụng cả khi người lập di chúc chỉ cho chồng hoặc vợ được hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật được hưởng.

Thừa kế theo pháp luật: Vợ, chồng được thừa kế tài sản của nhau theo pháp luật khi: Người chết không để lại di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối hưởng di sản. Vợ, chồng cũng được thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản không được định đoạt theo di chúc, phần di sản lyên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật, phần di sản lyên quan đến những người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản hoặc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, phần di sản lyên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhung không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Khi thừa kế theo pháp luật thì vợ chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất, cùng với cha, mẹ và con của người chết. Khi xác định quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng cần chú ý:

- Trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, sau đó một bên chết thì bên kia vẫn được thừa kế tài sản của vợ hoặc chồng mình đã chết.

- Đối với những trường hợp vợ chồng yêu cầu ly hôn nhưng Tòa án chưa xét xử hoặc tuy Tòa án đã mở phiên Tòa xét xử cho họ ly hôn nhưng bản án hoặc quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật (do vẫn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị hoặc có kháng cáo, kháng nghị) mà một bên chết thì người còn sống vẫn được quyền thừa kế tài sản của vợ hoặc chồng đã chết.

- Quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng được pháp luật bảo vệ ngay cả khi người vợ góa hoặc người chồng góa kết hôn với người khác.

- Nam nữ kết hôn trái pháp luật, nam nữ đăng kí kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi một bên chết, bên kia không được thừa kế.

b. Tạm hoãn chia dì sản nhằm bảo đảm cuộc sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình

Về nguyên tắc, thời điểm người có tài sản chết là thời điểm mở thừa kế. Kể từ thời điểm này, những người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định cuộc sống của bên vợ hoặc chồng còn sống, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Trong trường hợp việc chia di sản thừa kế cho những người thừa kế mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và của gia đình thì bên vợ hoặc chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.

Nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống kết hôn với người khác thì những người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người vợ hay người chồng có quyền yêu cầu tạm hoãn chia di sản trong thời hạn tối đa là 03 năm và gia hạn một lần không quá 03 năm (Điều 661). Khi hết thời hạn hoặc tuy chưa hết thời hạn nhưng người vợ hoặc chồng quản lý di sản kết hôn với người khác thì những người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản.

c. Quyền quản lý di sản khi vợ hoặc chồng chết trước

Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà những người thừa kế chưa yêu cầu chia di sản, chưa xác định được người thừa kế hoặc có căn cứ tạm hoãn chia di sản thì người chồng hoặc vợ còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thoả thuận cử người khác quản lý di sản.

Người vợ hoặc chồng quản lý di sản có nghĩa vụ: Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác; thông báo về di sản cho những người thừa kế; bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây ra thiệt hại; giao lại tài sản theo yêu cầu của người thừa kế. Bên cạnh đó, người quản lý di sản có quyền được sử dụng di sản nếu được những người thừa kế đồng ý và được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.

Như vậy, pháp luật quy định quyền thừa kế giữa vợ và chồng, quyền yêu cầu tạm hoãn chia di sản và quyền quản lý tài sản của vợ hoặc chồng khi một bên chết trước một mặt nhằm khẳng định quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ tài sản, mặt khác là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ hoặc chồng khi một bên chết trước.

 

 

 

 

0 bình luận, đánh giá về Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.61970 sec| 967.141 kb