Sức mạnh của sự tử tế (The Power of Nice)

“Để một tiếng cười trở nên vui sướng chỉ khi nó xuất phát từ một trái tim vui sướng, bởi không có sự tử tế thì sẽ không có niềm vui thật sự”.

- Thomas Carlyle, 1795-1881, nhà triết học, nhà văn người Scotland

Sức mạnh của sự tử tế (The Power of Nice)

Sức mạnh của sự tử tế (The Power of Nice) của tác giả Linda Kaplan Thaler Robin Koval, nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu. Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện kể, những bài học, những quy tắc then chốt để giúp người đọc tạo lập một thói quen có ích: thói quen tử tế với mọi người.

Thoạt nghe, Sức mạnh của sự tử tế có vẻ rất lạ, câu dẫn: “Cách chinh phục giới kinh doanh bằng sự tử tế” (How to conquer the business world with kindness) còn lạ hơn. "Tại sao không phải là sức mạnh, là kiến thức, là sự hiểu biết mà lại là sự tử tế, điều đó có “ngược” với suy nghĩ và quan điểm thường thấy ở hầu hết chúng ta hay không". Câu trả lời là không.

Tập đoàn Kaplan Thaler đã vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành quảng cáo, thành công nhờ socolate và hoa. Thông qua kinh nghiệm bản thân, câu chuyện của người khác, Sức mạnh của sự tử tế đã chứng minh: Vì sao, trái với sự hiểu biết thông thường, những người tử tế sẽ về đích đầu tiên.

Liên hệ

I- SỨC MẠNH CỦA SỰ TỬ TẾ

Sức mạnh của sự tử tế bắt đầu bằng câu chuyện về một người bảo vệ tại The Kaplan Thaler Group, tên là Frank:

Frank là một người đàn ông to con, vui tính, ngoài 50 tuổi, làm ấm lòng hết thảy những ai bước vào tòa nhà này bằng câu chào hồn hậu của mình. “Chào Linda”, “Chào Robin”, “Một ngày thứ sáu vui vẻ nha”. Một câu đùa ý nhị của Frank làm thay đổi cả cách chúng tôi bắt đầu một ngày làm việc. Thay vì đi nhanh qua cửa và xếp hàng chờ thang máy, chúng tôi lại đưa mắt tìm Frank để chào hỏi một câu. Anh luôn giữ giọng nói phấn chấn suốt cả ngày. Thế nhưng, chúng tôi chưa bao giờ nhận thức được làm sao Frank lại có thể giúp gì cho việc làm ăn của chúng tôi ngoài việc ngăn chặn người lạ đột nhập vào văn phòng. 

Mãi đến hôm Richard Davis, Chủ tịch và COO của U.S. Bank, Ngân hàng lớn thứ sáu của Mỹ, đến gặp chúng tôi. Đã mấy tháng nay, The Kaplan Thaler Group đã làm việc cật lực để tạo nên một tuyệt tác có thể làm thuyết phục Davis.

Thời điểm có chuyến thăm của Davis chính là thời điểm có tính chất quyết định. The Kaplan Thaler Group là một trong hai hãng vẫn tiếp tục chạy đua để có được hợp đồng này. Davis cùng với người của mình đang bay từ văn phòng điều hành ở Minneapolis. Davis cùng bầu đoàn của ông quả thực đã hơi “khớp” trước cái kiểu tiếp đón mà họ nhận được ở New York. Nhịp độ tất bật và cái thói xô bồ như chốn không người của Quả Táo Lớn (New York) đã trở thành một phần huyền thoại của thành phố này. Và họ sợ rằng, chúng tôi cũng lạnh lùng và vô cảm như thế. 

Thế nhưng, khi Richard Davis và người của ông bước vào trụ sở The Kaplan Thaler Group, họ đã được Frank đón tiếp một cách nồng nhiệt. Vài phút sau lên đến văn phòng chúng tôi, Davis cứ luôn miệng nhắc tới người bảo vệ hồn hậu ấy. “Anh ấy đón tôi nhiệt tình quá”, ông nói. “Thế rồi tôi chợt nghĩ, sao mình lại không muốn làm việc với một công ty có những người như Frank chứ. Tôi còn có thể nghĩ được gì khác ngoài việc thuê một công ty như thế này không?”. Và The Kaplan Thaler Group đã thắng hợp đồng đó. 

Dĩ nhiên, Davis chắc chắn sẽ không giao việc đó cho chúng tôi nếu ông chẳng có ấn tượng gì về cách làm ăn của chúng tôi. Tuy nhiên, ở đây còn có công của Frank nữa. Chính lời chào nồng hậu của Frank đã giúp The Kaplan Thaler Group thắng được một vụ làm ăn với hàng triệu USD trong tài khoản. Đó chính là Sức mạnh của sự tử tế.

Tác giả Linda Kaplan Thaler và Robin Koval hoàn toàn không đồng tình với cái khôn ngoan phổ biến cho rằng, “Hiền lành thì thua thiệt” và “Không có cái gì tốt mà không bị trừng phạt”. Nền văn hóa của chúng ta đang giúp truyền bá thứ huyền thoại về Thuyết Darwin xã hội - ai thích nghi tốt nhất ắt sẽ sống sót - rằng thứ triết lý sát phạt “một mất một còn” đang thắng thế.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với cách Linda Kaplan Thaler và Robin Koval điều hành công việc và cuộc sống. Trong chưa đầy một thập kỷ, họ đã xây dựng The Kaplan Thaler Group thành một tên tuổi lớn trong ngành quảng cáo với gần 01 tỷ USD doanh thu, làm cho nó trở thành một trong những hãng quảng cáo phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Thành công mà The Kaplan Thaler Group giành được chính bằng nụ cười và lời khen.

Người hiền lành cũng có một rắc rối tưởng tượng.Bị mang tiếng hiền lành thường có nghĩa là người khác ít khi nói về mình một cách trọng vọng. Hiền lành dễ bị coi là ba phải, thụ động, nhút nhát, nhu nhược. Xin nói rõ: Hiền lành không phải là ngây ngô. Hiền lành không có nghĩa là cứ ở đó cười ngớ ngẩn khi bị người ta đạp lên đầu mình. Hiền lành không có nghĩa là cái thảm chùi chân. Thực ra, hiền lành là một từ cứng rắn nhất trên đời. Nó có nghĩa là, bước tới phía trước với sự tự tin trong sáng đến từ nhận thức, rằng ta phải hết sức nhân hậu và đặt nhu cầu của người khác ngang hàng với nhu cầu của chính mình, nhờ đó mà có được những gì ta muốn.

Hãy ngẫm về những điều dưới đây: 

Nhân hậu sẽ được hạnh phúc hơn trong tình yêu. Những người không quá sôi nổi và dễ cảm thông với người khác thường có tỉ lệ ly hôn chỉ bằng một nửa so với trung bình, theo nghiên cứu của đại học Toronto.

Nhân hậu sẽ làm ra nhiều tiền hơn. Theo giáo sư Daniel Goleman - người đã tiến hành nghiên cứu về những tác động của cảm xúc ở chỗ làm trong cuốn sách Lãnh đạo đại cương - thần thái của nhân viên tỉ lệ thuận với kết quả trên. Một nghiên cứu cho thấy: cứ tăng 02% trạng thái phấn khởi và tương trợ nhau của nhân viên trong không khí làm việc thì tổng thu nhập sẽ tăng được 01%. 

Nhân hậu sẽ khỏe người hơn. Một nghiên cứu của đại học Michigan cho thấy, những người già ở Mỹ nếu chịu khó giúp đỡ người khác - thông qua các công việc tình nguyện, hay chỉ đơn thuần là bạn bè hàng xóm láng giềng tốt - thì tỉ lệ chết sớm sẽ thấp hơn 60% so với những người đồng niên chẳng bao giờ chịu giúp đỡ ai. 

Nhân hậu sẽ ít phải ra tòa. Một nghiên cứu khác cho thấy, các bác sĩ chưa bao giờ bị kiện cáo thường nói chuyện với bệnh nhân lâu hơn trung bình 03 phút so với những thầy thuốc đã phải ra tòa 02 lần trở lên.

Những việc tử tế nho nhỏ như nụ cười, cử chỉ, lời khen, thiện cảm, sẽ tạo nên một ngày của ta và thậm chí còn thay đổi cả cuộc sống của ta. Dù bạn đang lãnh đạo công ty của mình, hay đang vận động vào chức chủ tịch hội phụ huynh, hay chỉ là việc cố tâm sự với đứa con gái mới lớn của mình, thì Sức mạnh của sự tử tế cũng sẽ giúp bạn vượt qua những nhầm lẫn đã ngăn trở bạn đạt đến mục đích của mình. Sức mạnh của sự tử tế sẽ giúp bạn mở ra những cánh cửa, cải thiện quan hệ của bạn ở chỗ làm cũng như ở nhà, và giúp bạn ngủ ngon hơn trông thấy. 

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- 06 NGUYÊN LÝ SỨC MẠNH CỦA SỰ TỬ TẾ

1- Ấn tượng tích cực tựa như hạt giống

Mỗi lần bạn mỉm cười với một người đưa tin, bật cười khi nghe chuyện tếu của một đồng sự, cảm ơn một trợ lý, hoặc đối xử với người lạ một cách lịch thiệp và trọng thị là một lần bạn phóng ra năng lượng tích cực. Năng lượng này tạo cho người ta một ấn tượng và ấn tượng này lại được chuyển tiếp qua vô số người mà anh ấy hoặc cô ấy sẽ gặp sau đó. Dấu ấn này có hiệu ứng khuyếch đại lên. Cuối cùng những ấn tượng tốt đẹp ấy lại quay trở về với bạn. Như thế không có nghĩa là, người phục vụ bàn từng được bạn bo sộp một ngày kia sẽ kiếm được một công ty Fortune 100 và mời bạn mua cổ phần ưu đãi.

Bạn có thể chẳng nhận thấy có bất cứ tác động nào lên cuộc đời mình trong nhiều năm, ngoài cảm giác ấm áp trong lòng do sự tử tế đem lại cho bạn. Tuy nhiên, Sức mạnh của sự tử tế có hiệu ứng domino. Có thể bạn chẳng bao giờ lần ra được vận may của mình cụ thể là bắt nguồn từ đâu, nhưng chắc chắn Sức mạnh của sự tử tế đã rải nhiều cơ hội để lót đường cho bạn. Những ấn tượng tích cực đó cũng giống như hạt giống. Bạn gieo chúng xuống rồi quên bẵng đi mất, thế nhưng bên dưới chúng cứ nảy mầm và vươn xa, thông thường sẽ theo cấp số nhân.

2- Bạn không biết được đâu

Khi gặp người lạ ngoài đường, ta thường coi họ chẳng có gì quan trọng với mình. Chúng ta thường tránh dây dưa với người ngồi cạnh mình trên tàu, thậm chí ta còn chạy vội ra tranh taxi với họ lúc vừa đến ga. Ta thường nghĩ: “Chỉ là một cô gái chẳng có liên quan gì đến mình hết. Mình phải bắt được taxi đã, còn tỏ ra tốt bụng với cô ta thì quan trọng gì”. Nhưng làm sao bạn biết trước được: biết đâu cô ta là em gái của sếp thì sao, hoặc đó là người môi giới bất động sản đang biết một ngôi nhà nằm trong một khu mà bạn hằng tơ tưởng đến, hoặc đó là người đứng đầu một quỹ có thể đem lại một sự đỡ đần cho công việc bảo trợ trẻ em của bạn trong lúc khó khăn thì sao.

Bạn cần đối xử với những người bạn gặp như thể họ là nhân vật quan trọng nhất trên đời. Nếu họ không phải là quan trọng với bạn, thì chắc chắn sẽ quan trọng với ai đó; và nếu không phải hôm nay, thì có lẽ là ngày mai. 

3- Người ta thay đổi

Một sai lầm chung của người đời là luôn quan niệm rằng, chỉ nên tử tế với người trên hoặc ngang cơ với mình thôi. Chẳng việc gì phải thân thiện với người cấp dưới như: phụ tá hay nhân viên tiếp tân, bảo vệ hay người quét dọn. Suy cho cùng họ cũng chẳng làm được gì cho bạn cả, bởi vì họ không có thực lực. Vào thời điểm này chuyện đó có thể đúng hoặc không. Thế nhưng, bạn chẳng thể nào biết được ai trong số họ sẽ trở thành người hết sức quan trọng với bạn trong 10, 20 hoặc 30 năm nữa.

4- Lòng tốt phải tự nhiên

Một câu chuyện về 03 công ty nọ tranh nhau một hợp đồng rất lớn. Một trong ba công ty đó rốt cuộc cũng rớt đài, mặc dù đã có màn ra mắt rất “choáng”. Lý do là, khi khách hàng tiềm năng đến sân bay, lãnh đạo của một công ty cạnh tranh đã không để ý tới việc giúp bà khách mang xách hành lý. Anh này mất hợp đồng ngay tắp lự. Bà khách hàng khó chịu với sự lỗ mãng và thiếu tế nhị của anh ta, nên quyết định không muốn làm ăn với người như vậy. Nhóm của anh ta đã phải ngày đêm vất vả để có được một buổi ra mắt ấn tượng với khách hàng, thế mà mọi thứ đều hóa thành công cốc chỉ vì cái vali.

Câu hỏi: "Thế sao anh ta không xách hộ bà cái vali cho khách hàng VIP". Đơn giản: "Chỉ vì anh ta không thạo nghệ thuật nhã nhặn, lịch sự. Nếu nghệ thuật đó vốn là một phần trong cách anh ta xử thế với mọi người thì chẳng lý nào lại sơ sảy như thế được". Xách hộ túi cho khách hàng phải là bản tính tự nhiên thứ hai của anh ta, thay vì chỉ là một cử chỉ lâu lâu mới dùng riêng cho khách hàng, cho sếp và các yếu nhân.

5- Ấn tượng tiêu cực cũng giống như vi trùng

Mỗi khi cư xử vô cảm với những người mà ta cho rằng “chẳng có gì ghê gớm” thì ta sẽ có ngay một phản ứng vô thức. Bạn có thể có được cái bàn tốt nếu quát với cô phục vụ, nhưng tốt nhất là, bạn nên nhẹ nhàng bảo “Làm ơn xem lại dùm”. Nếu bạn coi những hành động tích cực là hạt giống thì các cử chỉ và lời ăn tiếng nói thô lỗ lại giống như vi trùng. Có thể bạn nhất thời không nhận thấy tác hại của đám vi trùng đó, nhưng chúng vẫn hiện diện và âm thầm lây lan trong bạn và những người chung quanh. 

6- Bạn sẽ biết

Ngay cả khi bạn chẳng bao giờ gặp lại người mà bạn đã đối xử không tốt, thậm chí là chẳng ai thấy hoặc biết về sự thô lỗ đó, về cách cư xử không tốt của bạn thì bạn vẫn cứ biết nó đấy. Nó sẽ đọng lại trong tâm trí, trong trái tim mình mỗi khi bạn gặp gỡ và cố thuyết phục người ta đặt niềm tin nơi bạn. Bởi lẽ ngay chính mình bạn cũng chẳng tin cho nên bạn có thể hủy hoại kết quả của cuộc gặp hoặc của mối quan hệ. 

Sức mạnh của sự tử tế không nói về chuyện chạy lăng xăng cười toe toét và để người ta sai vặt, còn trong bụng thì tính thầm xem đáp lại mình sẽ kiếm được gì. Cũng chẳng phài nói về chuyện vặn vẹo đóng kịch hay làm con rối. Sức mạnh của sự tử tế là nói đến chuyện quý trọng lòng tốt - ở trong bạn và ở người khác - giống như đề cao trí thông minh, sắc đẹp hay tài năng vậy. Lòng tốt là một sức mạnh ghê gớm. Trên thực tế, nó còn cứu được cả mạng sống của ta nữa.

7- Bài học giúp chúng ta rèn luyện sự tử tế

Mỗi ngày hãy làm 05 việc tốt: đó là những việc không được đền đáp ngay tức thì. Hãy cảm ơn ai đó. Hãy hỏi thăm những người mà bạn gặp trong cuộc sống. Bà già giúp bạn quét dọn có con cháu gì không? Hãy góp tiền cho việc từ thiện. Và hãy khen một người chẳng quen biết gì. Điểm mấu chốt ở đây là đừng có nghĩ rằng người tài xế taxi hôm nay được mình bo đậm thì mai mốt sẽ điều hành một công ty lớn. Thật dễ dàng để có được thói quen nhân hậu - và phát hiện lại xem nó giúp bạn thấy thanh thản nhường nào.

Hãy là diễn viên phụ giỏi nhất: Hầu hết chúng ta đều không muốn bị người khác coi nhẹ. Ta quá bận rộn đóng vai chính trong bộ phim cuộc đời của mình nên quên mất người khác cũng đang thủ vai chính trong bộ phim của họ. Chính vì vậy mới nói cực kì cần thiết phải nhìn chính ta bằng con mắt của người khác - như một diễn viên phụ trong bộ phim của họ. Hãy điểm lại tất cả những người đã xuất hiện trong cuộc đời mình và tự hỏi xem mình đang đóng vai gì trong bộ phim của họ. Liệu bạn có phải là đứa con gái mới lớn được yêu thương cưng chiều, hay là đang phát điên lên vì chẳng ai để ý đến mình? Một chàng trai ngọt ngào luôn sẵn sàng giúp đỡ, hay một kẻ ích kỉ hèn hạ? Đối với từng mối quan hệ, bạn hãy viết ra năm cách có thể làm cho “vai diễn” của bạn dễ thương nhất. 

Noi gương những người mình ngưỡng mộ: Bạn có ngưỡng mộ những người làm việc tình nguyện không? Hay những người luôn chìa tay mình ra cho các thành viên trong gia đình và tìm cách làm cho mọi thứ xích lại gần nhau hơn? Hay những người biết tôn trọng và bảo ban người khác trong chỗ làm? Những người thường hỏi han và nhớ rõ các chi tiết về cuộc sống của khách hàng, cũng như đồng nghiệp của mình? Bạn hãy viết nốt câu sau đây: Nếu tôi có thể tốt hơn, tôi muốn là... Và hãy cố gắng noi theo cách sống của người mà bạn muốn trở thành.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest

III- SỰ TỬ TẾ: NƯỚNG MỘT CÁI BÁNH TO HƠN

Câu chuyện của Ảo thuật gia Tony Hassini: một ngày nhận được cú điện thoại của một nhà ảo thuật không tên tuổi vào thời đó là Doug Henning. Hassini lúc đấy đang dàn dựng kịch bản cho mấy màn ảo thuật làm điên đảo cả thế giới. “Henning phải gọi mấy lần chúng tôi mới nói chuyện được với nhau. Khi nghe anh ấy nói, tôi biết ngay đây là nhà ảo thuật có thể cạnh tranh với mình. Phản ứng đầu tiên của tôi là tỏ ra nhã nhặn với anh ấy nhưng không tiết lộ tí gì những bí quyết tối mật của mình. Tôi đã phải bỏ ra 10 năm và cả đống tiền mới gom được mấy bí quyết đó, thành ra tôi không định giao chúng cho ai cả”, Hassini nói. 

Nhưng ông vẫn tiếp tục mối quan hệ thân thiện qua điện thoại với Henning. “Tôi cho anh ấy một vài thông tin (chẳng có gì quan trọng cả) và một vài ý tưởng, cốt chỉ để giữ quan hệ mà thôi. Mãi đến cuộc nói chuyện thứ năm, Henning mới tiết lộ rằng, anh đang chuẩn bị cho một màn ảo thuật kiểu khác hẳn, một màn âm nhạc kể một câu chuyện hết sức gay cấn xung quanh ma thuật và - quan trọng hơn cả - phải bỏ hẳn hình ảnh “cao sang” xưa nay đi. Thay vào đó, Henning sẽ để tóc dài và mặc đồ màu sáng. Càng nghe tôi càng nhận thấy anh ấy sẽ có cơ hội thành công”, Hassini nói. 

Thế là, Hassini gửi cho Henning 14 bí quyết của mình. “Tôi có thể đòi anh ấy khối tiền cho mấy bí quyết đó cộng với công tôi tư vấn. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, mình sẽ được lợi nhiều hơn từ mối quan hệ này nếu buổi diễn thành công”, Hassini nói. 

Tất nhiên là canh bạc của Hassini đã thành công lớn. Màn diễn của Henning ra mắt tại Toronto và đã phá kỷ lục bán vé tại thành phố này. Sau đó đến lượt Broadway - nơi nó được trình diễn trong suốt bốn năm rưỡi liền - và cuối cùng nó trở thành cái lõi cho một series chuyên mục truyền hình cực kỳ thành công. 

Henning sung sướng chia cái bánh cho Hassini, đề nghị với ông một hợp đồng tư vấn có lợi và giúp ông quảng bá tổ chức của mình là Hiệp hội ảo thuật gia quốc tế. 

Sự hợp tác không chỉ làm giàu cho Henning và Hassini, mà còn nâng cao danh tiếng của giới ảo thuật nói chung. Trước Henning, hình tượng của ảo thuật gia chỉ là một người đàn ông mặc tuxedo và mang găng tay trắng, lôi một con thỏ từ trong mũ ra. Giờ đây, ảo thuật đã là thời thượng - có nghĩa là các ảo thuật gia ở khắp mọi nơi đều có nhiều việc làm hơn. 

Hãy tưởng tượng bạn là Hassini lúc Henning gọi đến: "Liệu bạn có giao cho Henning bí quyết nghề nghiệp quý giá của mình không?". Chúng ta được dạy dỗ rằng, cách tốt nhất để thành công là vơ vào cho mình càng nhiều càng tốt. Nói cho cùng, bài học vỡ lòng của một xã hội tư bản là: Thắng cạnh tranh, vồ lấy miếng bánh trước khi bị người khác chớp mất. Bởi lẽ nếu ta không nhanh tay thì chỉ có nước nhặt vụn bánh mà thôi. - Sai. Cuộc sống không phải là một trò chơi có tổng bằng không: nếu người khác được thì ta thua, hoặc ngược lại. Không cần phải đôi co xem ai sẽ vớ được miếng bánh lớn nhất, ta chỉ việc nướng một cái bánh khác lớn hơn thôi.

- Giúp người khác có được miếng bánh:

Câu chuyện về Ernest Hamwi tại Hội chợ Thế giới năm 1904: Hamwi nhận thấy rằng, người bán kem bên cạnh mình khách đông nườm nượp, bán không kịp. Nếu là hầu hết người khác thì hẳn đã khịt mũi, “Việc gì đến mình”, thậm chí còn mong ông bán kem kia gặp chuyện xui xẻo để mình còn có khách. Đằng này, Hamwi lại cuộn bánh của mình lại để đổ kem vào, tạo ra cây kem ốc quế đầu tiên trên thế giới. Ông đã giúp đỡ người bên cạnh - và nhờ vậy mà chính mình cũng gặp may. 

Đó là cái đẹp trong việc giúp người khác có phần - thường thì đổi lại bạn sẽ tạo ra được một cái bánh to hơn. Bằng cách bảo ban một người trẻ tuổi, bạn có thể phát hiện ra những ý tưởng gì đó,  giúp bạn làm sáng tỏ mục tiêu và giá trị của chính mình.

- Góp nguồn lực của bạn:

Đôi khi ta quá chú tâm giữ rịt lấy những gì mình có: khách hàng, đầu mối, ý tưởng, đến nỗi quên mất rằng: góp nguồn lực của mình cùng với người khác, nhóm khác hoặc doanh nghiệp khác thì có thể được lợi nhiều hơn cho mỗi người. 

Những người điều hành Quỹ Nghiên cứu Ung thư Vú (BCRF) đã nhận ra điều đó sau một kỳ gây quỹ rất đáng thất vọng. BCRF là đối tác gây quỹ từ thiện cho một chương trình gây quỹ thông qua khách mua hàng thường xuyên, tên là “The Cure Card”. Chỉ cần bỏ ra 25 USD để mua thì khách hàng sẽ được giảm giá khi mua hàng của một số cơ sở. Phân nửa số tiền bán thẻ sẽ được đưa vào Quỹ. Chương trình đã rất thành công, thế nhưng đến năm tiếp theo thì chẳng có thêm cơ sở bán hàng nào tham gia cả. 

Họ lập tức thực hiện một bước đi khác thường - hợp nhất với Quỹ Ung thư Vú Susan G. Komen. Việc đó có nghĩa là, họ phải nuốt khá nhiều niềm kiêu hãnh của mình vào trong, mặc dù vẫn làm việc vì cùng một mục đích cao cả đó nhưng họ còn phải ganh đua để có được một phần tiền. Họ đã tạo ra một loại thẻ mới có tên là “Love Cures” lôi kéo được rất nhiều đối tác bán hàng, loại thẻ này bán rất chạy. Cái hay ở chỗ, họ đã thu được nhiều tiền hơn cho bệnh nhân ung thư vú. Ngay cả khi đã chia sẻ túi tiền với Quỹ Komen rồi thì Quỹ Nghiên cứu Ung thư Vú vẫn kiếm được nhiều tiền hơn lúc họ làm một mình. Khi đã vứt bỏ đi nếp nghĩ “tôi chọi với anh”, bạn sẽ mở ra những cơ hội cho mọi người.

Bằng cách chia sẻ thông tin và các nhận định, bạn có thể cộng tác thường xuyên theo những cách mà trong đó cái tổng cuối cùng sẽ lớn hơn rất nhiều so với các phần riêng rẽ.

- Trải rộng sự giàu có:

Ta hay nghĩ rằng, thế giới hoang dã là khắc nghiệt, khốc liệt và tàn nhẫn. Thế nhưng cách hành xử trong thế giới kinh doanh thì cũng phải theo “luật rừng” đấy thôi. Tuy nhiên, sự hợp tác - chứ không phải hạ gục con mồi - mới là chiến lược thành công hơn cho phòng đàm phán.

Hãy bàn đến loài dơi hút máu. Trong cuốn Nguồn gốc của đức hạnh, tác giả Matt Ridley đã mô tả bầy dơi hút máu tìm kiếm những con thú lớn có vết thương hở - chính nguồn thức ăn hàng ngày của lũ dơi. Dơi hút máu chẳng phải là con vật dễ thương gì, nhưng chúng cũng biết cách chia sẻ. Khi tìm thấy một nguồn máu, một con dơi không thể lấy quá lượng máu mà nó cần, thế nên nó chấp nhận chia sẻ nguồn máu ấy với những con dơi khác. Sự hào phóng của nó rồi sẽ được tưởng thưởng khi nó không tìm được con mồi nào. Con dơi nào không chịu chia sẻ rốt cuộc cũng nhanh chóng hiểu ra rằng, sẽ chẳng có ai nhường máu cho nó lúc nó cần. Dơi hút máu sẽ không thể tồn tại được nếu chúng không chịu chia sẻ.

Nhường cơm sẻ áo là nét văn hóa chủ đạo trong xã hội loài người. Thực ra, điều đó cũng có cái lý của nó: người tiền sử ăn lông ở lỗ, mỗi khi săn được một con voi cổ đại (mammoth), anh ta không thể nào ăn hết một mình được; tốt hơn cả, anh ta chia sẻ nó với người khác và yên tâm rằng khi có ai săn được con khác thì anh ta cũng có phần.

- Chia sẻ công lao:

Khi thành lập hãng, Linda Kaplan Thaler Robin Koval, muốn chứng tỏ cho những người phản đối và toàn thế giới thấy rằng, họ có thể tạo ra một công ty hết sức thành công mà vẫn có thể đều đặn về nhà ăn tối với gia đình. Bằng cách nào chúng tôi làm được điều đó? Ấy là nhờ họ biết thư giãn. Họ cố gắng không quan tâm đến chuyện công lao sẽ thuộc về ai - miễn sao công việc vẫn tiến triển, làm cho cái bánh ngày càng phình to ra là được. Cũng chẳng có gì lạ khi thái độ đó đã giúp họ làm việc tốt hơn. Như Harry Truman từng nói: “Nếu đừng quan tâm đến chuyện công lao sẽ thuộc về ai, ta sẽ làm được những điều thật kì diệu”.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest

IV- SỰ TỬ TẾ: LÀM DỊU TÌNH THẾ

Câu chuyện của Rachel Pine: trong chuyến công tác từ Los Angeles đến New York, nhận thấy phi hành đoàn có vẻ tất bật quá mức. Thế là, khi một tiếp viên đi ngang để kiểm tra thắt lưng an toàn, Rachel đã lấy một viên trong túi kẹo Fig Newton to đùng của mình mời cô ấy. “Cô ấy cầm lấy, có vẻ biết ơn đến nỗi suýt phát khóc”, Rachel kể. Lát sau, cô tiếp viên quay lại và mời Rachel theo mình lên khoang hạng nhất. Cô tiếp viên bảo, “Chị không biết bọn em vất vả thế nào trong chuyến bay vừa rồi đâu. Giá như hành khách nào cũng được như chị thì đỡ cho bọn em quá”. 

Có mỗi một viên kẹo mà được cái ghế hạng nhất - chỉ là một cử chỉ hay lời nói ngọt ngào mà có tác động lớn thế đấy. Để cảm nhận được thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống hơn, bạn hãy rắc một ít đường ở chỗ này chỗ kia. Bằng cách làm cho tinh thần những người xung quanh phấn chấn hơn, ta sẽ thu được những phần thưởng lớn đầy bất ngờ.

Nghiên cứu của 02 nhà tâm lý học là David G. Myers và Ruut Veenhoven đã cho thấy rằng, những người đang có tâm trạng tốt thường hay giúp đỡ người khác hơn; các nhân viên đang trong tâm trạng vui vẻ sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá người đến xin việc so với người đang cáu kỉnh. Thực tế là, tất cả chúng ta đều nhiệt thành đáp lại khi lòng tốt lan tỏa đến mình. Nghiên cứu còn cho thấy, nhân viên càng vui vẻ hạnh phúc thì sẽ càng sáng tạo hơn và năng suất làm việc cũng cao hơn.

“Cảm giác thoải mái sẽ nâng cao hiệu suất tinh thần, làm người ta nắm bắt thông tin tốt hơn và biết sử dụng các quy tắc quyết đoán trong những nhận định tổng hợp”, nhà tâm lí học Daniel Goleman đã viết như vậy trong cuốn sách Lãnh đạo cơ bản (Primal Leadership) của mình. Golleman nhận thấy, các cảm giác tích cực ở nơi làm việc sẽ khiến nhân viên hành xử đúng mực hơn, và tác nghiệp hòa hợp hơn với nhóm của họ. Và bởi vì họ vui vẻ hơn nên ít muốn chuyển sang làm ở công ty khác.

Lần tới nếu gặp gỡ một khách hàng mới hoặc một người bạn cũ, sao bạn không tự bắt đầu bằng một câu khen ngợi về vẻ bề ngoài, hay y phục của cô ấy nhỉ? Đôi khi chúng ta quên xã giao một chút với người khác trước khi bắt tay vào việc, hoặc bắt đầu chủ đề chính mà ta đang muốn bàn. 

Mỗi lần gặp gỡ ai đó, trong giao tiếp chỉ có 7% là bằng lời nói; còn lại 93% là thông qua những tín hiệu không lời như cử chỉ và giọng nói. Người ta ít khi nhớ đến người đã có bài nói súc tích trong buổi giao dịch - nhưng lại nhớ rất rõ người nào cười nhiều, người nào tỏ ra quan tâm tới họ. 

- Hãy cho người ta ăn bánh:

Trước khi phỏng vấn Warren Buffett cho một đoạn phát thanh quảng cáo thị trường chứng khoán New York, Linda đọc thấy trong tiểu sử của Warren là ông rất thích uống Cherry Coke, bất kể ngày đêm. Thậm chí ông còn đặt cược vào cổ phiếu của Coca-Cola, cũng là cách người ta thường làm khi có cảm giác ấm áp và say mê về một nhãn hiệu nào đó. Vậy là ngay trước khi phỏng vấn, Linda đã mời Warren thứ thức uống mà ông yêu thích. Warren nhìn lon nước và cười: “Linda, tôi sẽ nói cho cô nghe tất cả mọi thứ cô muốn biết, chỉ vì cô đã mang cho tôi một lon Cherry Coke này đấy”

Lần tới nếu có một người thân thiết nào đó của bạn cảm thấy bực bội hay bất bình, bạn hãy thử đưa cho họ mấy thanh chocolate hay chìa ra hũ kẹo xem sao. Mặc dù vẫn chưa giải mã được những bí ẩn của chocolate, song các nhà khoa học cũng biết rằng, nó chứa một số hợp chất hữu cơ tạo ra cảm giác thoải mái trong não người. Chẳng hạn như chất tryptophan tìm thấy trong chocolate giúp não tiết ra một hợp chất hữu cơ tạo nên cảm giác hưng phấn, lâng lâng. Rồi phenylethylamine trong chocolate kích thích trung tâm khoái cảm của não, tạo ra cảm giác ngất ngây như váng vất, đê mê và háo hức.

- Cù cho cười: 

Sáng nào nhân viên của Công ty Electrical Products of India cũng tụ tập với nhau để cười một trận. Các nhà quản lý ở công ty này bảo với nhân viên tư vấn nhân sự Michael Kerr rằng: chầu cười hàng ngày sẽ giúp nâng cao năng suất làm việc, cải thiện mối quan hệ giữa các nhân viên và giảm thiểu các bệnh liên quan đến stress như đau đầu, cảm lạnh. 

Daniel Goleman từng nói: những nghiên cứu về tính hài hước cho thấy những chuyện vui đùa ở nơi làm việc giúp kích thích tính sáng tạo của nhân viên, cải thiện mối giao tiếp và lòng tin. Trong khi thương thuyết, lâu lâu lại chêm vào một câu vui đùa sẽ làm tăng khả năng nhân nhượng.

Nghiên cứu của Goleman cho thấy, những vị lãnh đạo được coi là xuất sắc thường có những nhận xét hóm hỉnh nhiều gấp 03 lần so với những vị lãnh đạo thường thường bậc trung. Thế nhưng, như vậy không có nghĩa là bạn cứ phải kể đi kể lại những chuyện đã nhàm, hay đóng bộ hề đi làm vào một ngày thứ Sáu nào đó. Với sự hài hước tập thể, hiệu quả không đến từ những chuyện cười nhàm cũ mà đến từ những câu đùa bè bạn và cái khôi hài bất chợt.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest 

V- SỰ TỬ TẾ: GIÚP KẺ THÙ

Câu chuyện: Trong ngành truyền hình, Marla gặp một ông sếp rất hắc ám. “Ông ta cứ một mực thúc nhân viên phải làm việc đến hết chịu nổi mới thôi. Người ta phải bỏ việc vì kiệt sức thì ông ta mướn người khác”, Marla kể. Chỉ riêng việc ông ta cắt đặt một y tá mang theo các ống B12 để chích cho người bị đuối sức là đủ biết đó đúng thật một lão chủ nô. 

Trong mấy năm kế tiếp, Marla chuyển từ bộ phận phát triển sang bộ phận sản xuất. Giờ đây chị đã trở thành chức sắc cao cấp của một trong những studio chính ở Hollywood. Marla đã ngạc nhiên, khi vài năm sau chị được biết ông sếp cũ đang phải săn đón chị. Mọi chuyện đã đảo ngược hoàn toàn, bây giờ chị mới là người có quyền chấp nhận hay bác bỏ ý kiến của ông sếp cũ. “Thế là có cơ hội được đáp trả những gì ông ta đã làm với tôi và với những người dưới quyền hồi đó. Nhưng rồi tôi nghe tiếng mẹ văng vẳng đâu đây: Hãy hạ gục họ bằng lòng tốt của con”. Đó chính xác là những gì Marla đã làm.

“Bạn có thể thấy vẻ nghi ngại trong ánh mắt ông ta khi tôi đích thân rót cà phê mời thay vì sai trợ lý của mình. Ông ta thực sự hoang mang khi tôi hỏi han về con cái ông ta. Thế rồi, khi trò chuyện đã có đà, tôi để ông ta dốc hết tâm can, còn tôi chỉ chăm chú lắng nghe”. May cho Marla là ý tưởng của ông sếp cũ chả ra sao nên chị có thể bác bỏ một cách công tâm. Nhưng chị vẫn viết cho ông ta một lời nhắn lịch sự, cảm ơn vì đã mất thời gian và cho ông ta biết rằng ông có thể đến chỗ chị bất kỳ lúc nào. 

Mấy năm sau, Marla chuẩn bị cho một thương vụ truyền hình rất lớn. “Tôi hoàn toàn đắm đuối với dự án này. Tôi biết, nếu mình được phép thực hiện thì dự án này có thể đưa sự nghiệp của tôi lên một nấc mới”, Marla nói. Thế nên chị mới tá hỏa khi biết mình phải trình bày với ai - chính là ông sếp cũ. “Lần này thì quyền sinh quyền sát nằm trong tay ông ta, nhưng nhờ lần trước đã vượt qua ông ta bằng lòng tốt của mình nên tôi đảo ngược được tình thế trong mối quan hệ này. Trong khi tôi biết chắc chắn ông ta chả hiền lành gì, thế nhưng ông ta lại tỏ ra rất tôn trọng tôi và - quan trọng hơn cả - ông ta đã nhất trí với thương vụ mà tôi đang cần. Chưa bao giờ tôi cảm thấy vui mừng vì đã nghe lời mẹ mà cưỡng lại mong muốn trả thù đến thế”. Marla đã nắm được cái nguyên lí vốn đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc, cũng như trong cuộc sống: giúp đối thủ của mình có thể là một trong những điều quan trọng nhất mà ta làm được cho chính mình.

- Hợp tác lại thắng cạnh tranh: 

Bất kì ai đã từng mua hay bán thứ gì đó trên eBay thì đều hiểu nguyên tắc này. Giả dụ như bạn muốn bán cái độc bình cũ của bà ngoại, rất đẹp, nhưng bị sứt mất một miếng lớn phía sau. Nếu chẳng đả động gì đến vết sứt thì bạn sẽ bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn làm vậy thì đừng có mong bán được thứ gì trên mạng nữa, vì eBay đã tạo ra một cách trừng phạt kẻ lừa đảo mà tưởng thưởng cho những ai chịu hợp tác - thể thức phản hồi. Kẻ bán người mua hàng ngày đều thông báo giá cả các giao dịch của mình, cho biết họ nghĩ đối tác có trung thực và chơi đẹp hay không. Người nhận được cái bình bị sứt kia chắc chắn sẽ thông báo rằng bạn chào hàng không trung thực, và sẽ còn rất ít người muốn làm ăn với bạn. 

Cả trên eBay lẫn trong cuộc sống, chơi xấu thì không được bền. Vì gần như trong cả cuộc đời mình, bạn làm ăn với người ta đâu chỉ một lần rồi thôi. Vậy chứ ta nên làm gì trước khi gặp một đối tác làm ăn tiềm năng, hay trước một cuộc hẹn với người lạ? Trong thời đại thông tin tức thời ngày nay, bạn mà chơi xấu người khác thì chẳng thể nào thoát được đâu. Cũng vậy, hệ thống liên lạc tức thời của chúng ta cũng có thể giúp người có uy tín đàng hoàng tác động đến cả bạn lẫn thù.

- Khen ngợi đối thủ: 

Trong cuộc tọa đàm National Press Club năm 2005, Newt Gingrich đã ca ngợi Thượng nghị sĩ Hillary Clinton: “Thượng nghị sĩ Clinton hoàn toàn đúng” hay “Hillary quá đúng trong đường lối mà bà vạch ra”. Có chuyện gì vậy? Vào giữa những năm 1990, Gringrich - bấy giờ là lãnh tụ phe đa số trong nghị viện - đã bác bỏ dự luật chăm sóc sức khỏe và kêu gọi luận tội chồng bà Clinton. Sao giờ tự nhiên lại thân nhau thế? Té ra là hai cựu thù đã nhất trí với nhau trong nhiều vấn đề về chính sách chăm sóc sức khỏe, cũng như tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Còn cách nào tốt hơn để phát đi thông điệp của mình ngoài cách quay ra khen nhau?

Newt và Hillary nhận ra, trong các vấn đề này, nếu hợp sức với nhau sẽ có lợi hơn là đấu đá. Chúng ta vẫn biết rằng đó không phải là tín hiệu về sự hòa hoãn lâu dài của hai phe Cộng hòa và Dân chủ, nhưng nếu thỉnh thoảng Newt và Hillary lại có thể hợp sức với nhau thì chắc chắn tất cả chúng ta cũng có thể tìm được tiếng nói chung với những người vốn bị coi là kẻ thù của chúng ta.

- Đối xử với đối thủ hôm nay như một đồng minh của ngày mai:

Trong cuộc chiến tranh cách mạng, George Washington đã yêu cầu lính của mình phải đối xử tốt với các tù binh. Đến cả tù binh cũng cảm thấy choáng khi được đối xử nhân đạo như thế. Trong cuốn Washingtons Crossing, nhà sử học David Hackett Fischer đã trích dẫn một mệnh lệnh Washington gửi cho Trung tướng Samuel Blachley Webb: “Ngài chịu trách nhiệm trông nom binh lính quân đội Anh... Hãy đối xử nhân đạo với họ, không được để cho họ có lý do gì trách cứ rằng chúng ta cũng bắt chước tấm gương tàn bạo của quân Anh trong việc đối xử với những đồng đội không may của chúng ta... Chu cấp mọi thứ cần thiết cho họ trên đường đi”.

Washington không đơn thuần là một kẻ thượng võ. Ông biết những tù binh kia nằm trong số những công dân tiềm năng đầu tiên của Hợp Chủng Quốc non trẻ. Ông muốn họ chạy sang hàng ngũ quân thuộc địa. Và rồi sau chiến tranh, nhiều tù binh đã làm như vậy thật. Vị khai quốc của nước Mỹ đã nghĩ xa hơn hầu hết chúng ta. Bởi lẽ trong xã hội cạnh tranh quyết liệt như ngày nay, chúng ta rất dễ quên mất rằng người ta vẫn thường đổi bên liên tục. Cầu thủ bóng chày của thành phố bạn nhảy sang chơi cho đội đối thủ truyền kiếp. Bạn thân nhất của bạn trong công ty vốn làm việc cho công ty đối thủ trực tiếp. 

- Làm bạn trước khi họ có thể trở thành kẻ thù: 

Khi xuống tàu sang Oxford để bắt đầu nhập học theo chương trình học bổng Rhodes, Bill Clinton đã đi bắt tay từng người trên tàu. Khi có người hỏi vì sao lại làm như thế, ông đã trả lời rằng sau này ông muốn trở thành Tổng thống Mỹ nên chắc sẽ cần phải có nhiều bạn bè. Bill Clinton biết rằng “ta cần phải có bạn bè” để tiến lên trong thế giới này. Chúng ta ai cũng vậy. Cho nên cứ làm bạn với đối thủ của mình ngay từ bây giờ đi - trước khi họ có cơ hội trở thành kẻ thù của mình.

- Thực hành:

[1] Hãy nghĩ tới người làm bạn bực mình nhất. Rồi sau đó cố tìm ra một điều thực sự tốt để nói về anh ta. Lần tới gặp anh ta bạn hãy nói điều đó ra. Lặp lại việc này với người làm bạn bực thứ nhì, thứ ba, và cứ thế. 

[2] Điểm ra ba kẻ thù đầu sổ của bạn. Với mỗi người, hãy viết ra những gì bạn có thể làm để giúp họ mà không ảnh hưởng đến công việc, hay chiến dịch của mình. Khi có cơ hội thì hãy đề nghị giúp họ. 

[3] Mỗi tuần bạn hãy dành ra một ngày để “nói thoải mái”. Không đọc tạp chí kinh doanh, các mục làm ăn trên báo hay các website nội bộ mà bạn ưa thích - hay bất kì thứ gì làm cho bạn phải đem mình ra so đo với người khác. Dần dần tăng lên hai ngày một tuần, cứ thế, cứ thế.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

VI- SỰ TỬ TẾ: HÃY TỰA ĐẦU LÊN VAI NGƯỜI KHÁC

Câu chuyện của Nhà báo Ken Auletta, người phụ trách chuyên mục trên tờ The New Yorker, đang thu thập thông tin về vụ xử chống độc quyền của Microsoft cho Tạp chí The New Yorker và cho Cuốn World War 3.0: Microsoft and Its Enemies. Auletta đã lên kế hoạch cho cuộc phỏng vấn đầu tiên - mà về sau thành ra tới 03 lần phỏng vấn dài với Chánh án Thomas Penfield Jackson. Auletta đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa dành cho chánh án Jackson về phiên tòa, về Bill Gates và về nhiều quy định của tòa án. Tuy nhiên, trong lần đầu gặp Chánh án Jackson, Auletta không nhắc gì đến những chuyện này. “Thay vào đó, tôi chỉ hỏi thăm ông về cuộc sống, về bố mẹ ông và về những kinh nghiệm trưởng thành mà ông đã trải qua”, Auletta kể. 

Cách tiếp cận của Auletta có vẻ lạ. Anh đang viết một câu chuyện lớn cho một tạp chí uy tín. Sao lại lãng phí buổi phỏng vấn đầu tiên chỉ để nói chuyện phiếm? Trước hết, anh muốn có được những thông tin cốt yếu về những giá trị của Chánh án Jackson để giúp anh có được chiều sâu và bối cảnh của câu chuyện. Thứ hai, anh muốn biết về Chánh án Jackson hơn và Chánh án Jackson cũng biết về anh hơn.

“Tôi nghĩ rằng mình đã chiếm được lòng tin của ông ấy, vì tôi không tỏ ra là có ý định săn tin giật gân. Hãy cứ lịch sự và kiên nhẫn, rồi bạn sẽ lấy được nhiều thông tin hơn”, Auletta nói. Giới nhà báo, nổi tiếng là những gã khó ưa. Công việc của họ phần nhiều là đưa ra những câu hỏi rất hóc, chẳng hạn: “Tổ chức của ông có lén ghi hình các công dân Mỹ không?”, “Tại sao ông bán cổ phiếu của công ty mình trong khi lại bảo nhân viên mua vào?”, “Cô cảm thấy thế nào khi chồng mình chạy theo Angelina Jolie?”. Những câu trả lời đôi lúc đáp ứng được sự quan tâm của công chúng, nhưng cũng có khi chúng chỉ nhằm tăng số bản in bán ra của nhiều tạp chí lá cải. 

“Chúng tôi không có quyền đòi hầu tòa, thành ra người ta không bị buộc phải nói với chúng tôi. Và họ sẽ không nói với chúng tôi nếu họ cảm thấy mình như thể đang bị khoan răng trên ghế của nha sĩ. Tuy nhiên, họ sẽ chịu nói chuyện thường xuyên với cánh nhà báo nếu chúng tôi tỏ ra dễ cảm thông và không chỉ biết hỏi mà còn chăm chú lắng nghe những câu trả lời, cố gắng hiểu cái tại sao của họ như thể chính chúng tôi bị đưa lên trang nhất vậy”. Lòng trắc ẩn không chỉ là chiến thuật của một nhà báo biết điều, mà thực ra đó còn là con đường chắc chắn nhất dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. 

Theo Daniel Goleman, những người dễ cảm thông - là người có thể hiểu những gì người khác nhìn thấy, có thể cảm nhận sự việc từ góc độ của người khác - thường là người hạnh phúc hơn, được nhiều người quý trọng hơn và có cuộc sống tình cảm tốt hơn. Họ cũng là những người thành công hơn trong kinh doanh. “Những người biết đồng cảm rất giỏi nhận ra và hiểu được yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng hay nhân viên của mình. Họ có vẻ dễ gần, mong muốn được nghe những điều người ta cần nói. Họ thường lắng nghe một cách chăm chú, lọc ra được cái cốt lõi mà người kia thực sự quan tâm và đáp ứng đúng điểm cần điểm cần đáp ứng”.

Một trong những phương pháp chủ chốt mà các trường dạy về sự đồng cảm là thông qua hoạt động tình nguyện. Trong cuốn The Healing Power of Doing Good, tác giả Allan Luks đã ghi lại một chương trình dành cho các thiếu niên Texas đang có nguy cơ bỏ học. Các thiếu niên này sau khi đi kèm cặp các em bé của trường mẫu giáo về thì tỉ lệ bỏ học đã giảm từ 35% xuống còn 6%. 

Giúp đỡ người khác không những giúp nâng cao lòng tự trọng mà còn cải thiện cả sức khỏe. Năm 2003, đại học Michigan đã tiến hành một nghiên cứu theo dõi 423 cặp vợ chồng lớn tuổi trong vòng 05 năm. Kết quả là những ai thường quan tâm đến người khác - dù bằng công việc tình nguyện hay chỉ đơn thuần là ân cần với hàng xóm, hay bạn đời - thì tỉ lệ chết sớm thấp hơn 60% so với những người chẳng bao giờ chìa tay giúp đỡ ai.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

VII- SỰ TỬ TẾ: TẠO RA MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN

Năm 1960, một doanh nhân thành đạt, người Pháp, tên là Marcel Bleustein. Blanchet đã lập ra một quỹ nhằm giúp các nam nữ thanh niên xứng đáng lập nghiệp. Một năm nọ, quỹ đã tài trợ cho một nhà thiên văn trẻ để anh mua chiếc kính viễn vọng đầu tiên cho riêng mình. Hơn 30 năm sau, nhà thiên văn ấy phát hiện ra một hành tinh mới và đặt tên cho nó là “Hành tinh Bleustein” để vinh danh người đã giúp mình có được sự khởi đầu. 

Chúng tôi biết rằng, lịch sự và tôn trọng rất có ý nghĩa trong công việc cũng như trong quan hệ cá nhân. Thế nhưng, trước khi trò chuyện với mọi người về tác động của lòng tốt đến cuộc đời họ, chúng tôi vẫn chưa nhận thức được rằng một cử chỉ đầy hàm ý hay một lời nhận xét động viên lại có thể mạnh mẽ đến mức nào. Chúng tôi đã sững sờ trước hệ quả vươn xa của những khởi đầu có vẻ rất nhỏ nhặt như giúp người lạ mang hành lý, khuyên bảo một nhân viên trẻ về nghề nghiệp... Thực ra, thường thì chính những người kể chuyện cũng phải ngạc nhiên: trước khi nói ra chuyện của mình, chính họ cũng không thể ngờ rằng thành công hay vận mệnh của họ lại bắt nguồn từ một cử chỉ giản đơn mà đầy lòng trắc ẩn. Số là họ đâu có ý định đem lòng tốt ra để kiếm một hợp đồng béo bở, hay lấy lòng một đồng nghiệp nào đó. Họ chỉ cư xử sao cho “tử tế”, vậy thôi. Cho nên họ mới ngạc nhiên khi nhận thấy một hành động ý nghĩa lại có hiệu ứng domino như vậy.

Khi ta nghĩ mình là người tốt bụng thì hiển nhiên ta cũng có thể vô tâm như người khác. Nhưng khi ta viết những ý nghĩ của mình ra giấy và suy ngẫm về sức mạnh của lòng tốt, khi đó chính ta cũng sẽ hành động khác đi. Ta có ý thức hơn trong hành động hàng ngày. Ta có cách nhìn mới về hàng tỷ những cân nhắc đạo đức mà ta gặp mỗi ngày. Mình bo cho người phục vụ nhà hàng bao nhiêu? Có nên cho người vô gia cư mà mình thấy lúc đi ngang qua ngoài phố 01 USD không? Khi bất đồng với đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy mình biết lui một bước để cố gắng nhìn vào “bộ phim” của họ. Nếu một người bạn quát chúng tôi, trước khi phản ứng lại cơn giận của người bạn đó, chúng tôi sẽ lấy thiện chí làm đầu. Trong mỗi xích mích mình gặp phải, chúng tôi tự hỏi, “Liệu còn cách nào tốt hơn không?”

Kết quả của việc viết cuốn sách này là tác giả ít khi phải cãi cọ với bạn bè hơn, nhận được nhiều cảm thông hơn từ đồng nghiệp, cười nhiều hơn và thậm chí gặt hái được nhiều thành công hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống. Chúng tôi thấy mình nhạy cảm hơn trước tác động của một nhận xét khích bác, và hiểu được rằng một lời nói không hay ho, thiếu tử tế có thể làm nguội mất sức sáng tạo và lòng hăng hái của người khác. Trái lại, chúng tôi cũng nhận thấy việc khen ngợi và đưa ra sự ủng hộ có thể khích lệ cả công ty làm việc nhịp nhàng hơn, tốt hơn. 

Từ ngày thành lập công ty, chúng tôi may mắn thu hút được không chỉ các chuyên gia có cái đầu thông minh tài giỏi, mà còn có được cả những con người tốt bụng nhất trong ngành. Rồi bằng hành động và công việc của mình, họ đã hình thành nên một văn hóa mà trong đó cách xử thế của họ được người mới đến, các khách hàng và những nhà bán lẻ của công ty phải noi theo và kế thừa. Họ thực sự đã tạo ra một thế giới mới tốt đẹp hơn cho mình.

Để thành công thì không chỉ cần đến mỗi tốt bụng mà thôi. Yếu tố chăm chỉ, thông minh và tài năng cũng rất quan trọng. Chúng tôi không nói tốt bụng là cách duy nhất để tiến lên. Ai cũng có thể đưa ra những dẫn chứng, rằng có những kẻ ngu xuẩn tàn bạo mà vẫn giành được công việc tốt, sự công nhận và gái đẹp.

Xem thêm: Mẫu hợp đồng hôn nhân chi tiết

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Sức mạnh của sự tử tế (The Power of Nice)

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.41278 sec| 1260.961 kb