Thỏa thuận cổ đông - những vấn đề pháp lý cơ bản

14/08/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Thỏa thuận cổ đông được ký kết không chỉ với vai trò là những “thỏa thuận sáng lập viên” mà còn là những thỏa thuận giữa các cổ đông ngay sau khi công ty đã đi vào hoạt động. Trên cơ sở nghiên cứu những quy định pháp luật về thỏa thuận cổ đông của một số nước trên thế giới, phân tích một số vụ việc thực tế, chúng tôi lý giải các quy định cần thiết điều chỉnh về thỏa thuận cổ đông trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam như khái niệm, hiệu lực của thỏa thuận cổ đông. 

1- Khái niệm và bản chất của thỏa thuận cổ đông

Thỏa thuận cổ đông (shareholders’ agreement) thường ít xuất hiện trong các văn bản pháp luật như một thuật ngữ pháp lý. Hầu hết các quốc gia đều không định nghĩa rõ ràng về thỏa thuận cổ đông nhưng lại mô tả khá chi tiết về nội dung, hình thức, hiệu lực thông qua các quy định về từng loại thỏa thuận cổ đông. Ngoài ra, trên thế giới, thỏa thuận cổ đông lại là một từ khóa xuất hiện rất nhiều lần trong các công trình nghiên cứu luật pháp về công ty. Bởi lẽ Thỏa thuận cổ đông là một trong những tài liệu vô cùng quan trọng của các cổ đông phục vụ cho quá trình thành lập, hoạt động và giải quyết những vấn đề nội bộ của công ty.

Theo từ điển Black’Law Dictionary thì thỏa thuận cổ đông được hiểu là một hợp đồng giữa những người chủ của công ty xác định những nghĩa vụ, sự bảo vệ, đặc quyền và các quyền lợi và phải tuân thủ điều lệ và pháp luật. Trong khi đó, Corporation Law Committee of the Association of the Bar of the City of New York lại định nghĩa: “Agreements among two or more shareholders of a corporation are commonly used in connection with private equity and venture capital investments, joint ventures, and other corporate transactions”,  có thể tạm dịch là: thỏa thuận cổ đông là thỏa thuận giữa hai hay nhiều cổ đông của công ty thường được sử dụng trong việc kết nối với các quỹ đầu tư tư nhân và mạo hiểm, các liên doanh và các giao dịch khác của công ty.

Còn với tác giả Ricardo Molano-León thì “Shareholders’ Agreements are contractual devices to manage  tensions among shareholders of a corporation” nghĩa là thỏa thuận cổ đông là một công cụ hợp đồng để giải quyết những căng thẳng giữa các cổ đông của công ty. 

Trong khi đó, Luật công ty của Bang Florida  tại Điều 607.0731 đã quy định: “607.0731 Shareholders’ agreements: (1) Two or more shareholders may provide for the manner in which they will vote their shares by signing an agreement for that purpose”, có thể tạm dịch: Thỏa thuận cổ đông: (1) Hai hay nhiều cổ đông có thể quy định cách thức mà họ sẽ bỏ phiếu biểu quyết bằng cách ký một thỏa thuận
Với các cách định nghĩa trên, các văn bản pháp luật đều đề cập tới bốn vấn đề của thỏa thuận cổ động: thứ nhất, chủ thể của thỏa thuận cổ đông; thứ hai, nội dung của thỏa thuận cổ đông, thứ ba là mục đích của thỏa thuận cổ đông và thứ tư là giá trị pháp lý của thỏa thuận này. Như vậy dù được định nghĩa như thế nào thì thỏa thuận cổ đông đều được hiểu là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều cổ đông công ty với nhau về một vấn đề nào đó liên quan đến công ty, đến quyền lợi của cổ đông.

Đó có thể là quyền biểu quyết của cổ đông, quyền đề cử người vào các chức danh quản lý hay khả năng, điều kiện chuyển nhượng cổ phần của cổ đông. Hay như theo cách diễn giải của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì thỏa thuận cổ đông thường là cách phổ biến giúp các nhóm cổ đông, mà từng cá nhân có thể chỉ nắm giữ một phần nhỏ cổ phần, hoạt động phối hợp để tạo thành một nhóm cổ đông có ảnh hưởng lớn. Thỏa thuận cổ đông thường đem lại cho người tham gia quyền ưu đãi mua cổ phần nếu cổ đông khác trong thỏa thuận muốn bán. Các thỏa ước này cũng có thể bao gồm các điều khoản yêu cầu người tham gia không bán cổ phần trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, nó cũng có thể bao hàm các vấn đề như cách thức bầu chọn Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tại Việt Nam, “Thỏa thuận cổ đông” cũng không được viện dẫn trong bất kỳ một điều luật nào. Tuy nhiên thực tiễn đầu tư kinh doanh những năm gần đây cho thấy “thỏa thuận cổ đông” ngày một được quan tâm nhiều hơn. Và thực tế, thỏa thuận này chỉ được ký riêng giữa một số thành viên hoặc cổ đông đó và có giá trị ràng buộc giữa các thành viên hoặc cổ đông đó.

Nếu như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản điều lệ công ty được xem là những văn kiện pháp lý bắt buộc cấu thành nên công ty   thì thỏa thuận cổ đông cũng là một trong những tài liệu không kém phần quan trọng mà trước khi đăng ký thành lập hoặc góp vốn vào một công ty, những nhà đầu tư sẽ soạn thảo và ký kết với nhau. Bản điều lệ công ty và thỏa thuận cổ đông thực chất đều xoay quanh điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông, cổ đông với công ty, quyền của cổ đông, vấn đề quản lý công ty và là cơ sở để giải quyết những khúc mắc, tranh chấp nếu xảy ra trong quá trình quản lý, điều hành công ty. 

Thực tế, bản điều lệ công ty cũng chính là một loại thỏa thuận cổ đông nhưng là thỏa thuận được cam kết bởi tất cả các cổ đông của công ty (ngay cả những cổ đông gia nhập sau vào công ty cũng phải tuân thủ) và được thỏa thuận tại thời điểm thành lập công ty. Còn thỏa thuận cổ đông được hiểu theo nghĩa rộng chính là thỏa thuận giữa hai hay nhiều hay tất cả cổ đông về những vấn đề liên quan đến nội bộ công ty. Vì vậy, giữa hai văn kiện này vẫn có sự khác biệt: Thứ nhất, không giống điều lệ công ty, thỏa thuận cổ đông không phải là tài liệu bắt buộc phải có trong công ty. Thỏa thuận cổ đông chỉ được lập khi các cổ đông thấy cần thiết.

Thỏa thuận cổ đông có thể được ký kết tại thời điểm trước hoặc sau khi công ty được thành lập. Thứ hai, thỏa thuận cổ đông thông thường được các cổ đông tham gia ký kết giữ bí mật vì nó không phải là tài liệu có nghĩa vụ phải công bố cho bên thứ ba biết. Đây có thể được xem là một lý do mà mặc dù đã có điều lệ công ty nhưng cổ đông vẫn có nhu cầu ký kết thỏa thuận cổ đông nhằm đem lại những quyền lợi đặc thù cho cổ đông tham gia thỏa thuận và điều đó lại được giữ kín. Thứ ba, nếu như điều lệ công ty được ví von như “bản hiến pháp” của công ty vì nó ràng buộc tất cả cổ đông công ty cũng như chính công ty đó phải tuân thủ thì thỏa thuận cổ đông ngược lại; thỏa thuận cổ đông chỉ ràng buộc những chủ thể tham gia thỏa thuận mà thôi.

Ngoài ra, điều lệ công ty còn có hiệu lực đối với bên thứ ba thì ngược lại, bên thứ ba có thể không biết và không có nghĩa vụ phải biết có sự tồn tại của thỏa thuận cổ đông. Thứ tư, vì điều lệ công ty là văn kiện bắt buộc phải có khi thành lập doanh nghiệp nên pháp luật có quy định các điều khoản tối thiểu cần có trong một bản điều lệ và phải được thông qua hoặc đăng ký bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, nội dung của thỏa thuận cổ đông, điều khoản của thỏa thuận hoàn toàn do các bên tham gia quyết định lựa chọn. Như vậy, rõ ràng dưới góc độ về pháp luật doanh nghiệp, thì thỏa thuận cổ đông là một văn bản pháp lý khác biệt với điều lệ công ty, không bắt buộc và chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia thỏa thuận.

Dưới góc độ quản trị công ty thì thỏa thuận cổ đông có thể được xem là cách để một nhóm cổ đông tham gia thỏa thuận (có thể là những cổ đông sáng lập) lèo lái công ty theo hướng mình muốn thông qua quyền quyết định các vấn đề quan trọng hoặc quyền đề cử /chỉ định người vào các chức danh quản lý, điều hành của công ty. Bởi lẽ thông thường thỏa thuận cổ đông sẽ trao cho người tham gia thỏa thuận quyền lợi cao hơn so với người không tham gia thỏa thuận. Ngoài ra, thỏa thuận cổ đông được nhìn nhận như một điều khoản quan trọng để giải quyết những trường hợp bế tắc của công ty (deadlock). Với những điều khoản trong thỏa thuận cổ đông đã được ký kết trước đó có thể giúp cổ đông bất đồng quan điểm thoái vốn nhanh hoặc giúp công ty thoát khỏi những cuộc tranh chấp, kiện tụng không đáng có. 

Dưới góc độ về luật hợp đồng thì thỏa thuận cổ đông có được xem là một hợp đồng không? Hợp đồng chắc chắn phải là sự thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên thỏa thuận thì chưa chắc là hợp đồng. Vậy thỏa thuận cổ đông chỉ được xem là một hợp đồng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Như vậy, thỏa thuận cổ đông này do các bên tự nguyện ký kết và đương nhiên phải tuân thủ những quy định trong pháp luật dân sự về điều kiện để một hợp đồng có hiệu lực.

Ví dụ, theo Bộ luật dân sự năm 2015 thì điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực được quy định tại điều 117, cụ thể: (1) chủ thể có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (2) chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; (3) mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; (4) hình thức của giao dịch dân sự nếu luật có quy định.

Tuy nhiên, dù có đáp ứng đủ điều kiện của một hợp đồng thì thỏa thuận cổ đông vẫn khác với các hợp đồng dân sự thông thường bởi lẽ nội dung của nó liên quan và/hoặc ảnh hưởng đến vấn đề quản lý nội bộ của công ty. Do đó nội dung của thỏa thuận cổ đông còn chịu sự ràng buộc của Luật doanh nghiệp (Luật công ty) của mỗi quốc gia. 

Tóm lại, thỏa thuận cổ đông là thỏa thuận giữa hai hay nhiều cổ đông của công ty về vấn đề liên quan tới công ty và/hoặc quyền lợi của cổ đông. Thỏa thuận có thể được lập trước hoặc sau khi công ty đã ra đời, trong đó, quy định bổ sung và /hoặc cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số điều khoản đặc thù nhằm gia tăng quyền lợi cho một nhóm cổ đông tham gia thỏa thuận hoặc nhằm góp phần quản trị công ty hiệu quả, là cơ sở giải quyết tranh chấp khi có xung đột nội bộ.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A).

2- Sự cần thiết phải có thỏa thuận cổ đông

Thỏa thuận cổ đông không phải là một văn bản bắt buộc theo pháp luật doanh nghiệp. Thậm chí nhiều Luật doanh nghiệp (Luật công ty) trên thế giới trong đó có Việt Nam đều không nhắc tới thỏa thuận cổ đông. Vậy vì sao cổ đông phải soạn thảo thỏa thuận cổ đông? Điều này sẽ được thể hiện qua hai khía cạnh: (i) Vai trò của thỏa thuận cổ đông và (ii) mục đích của thỏa thuận cổ đông.

Bên cạnh điều lệ của công ty, thỏa thuận cổ đông giữ vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng quyền lực, bảo vệ cổ đông thiểu số, thay đổi phân phối cổ phần bằng việc chuyển nhượng và ổn định hoạt động kinh doanh. Ngoài ra nó còn điều chỉnh liên quan đến vốn điều lệ, quyền biểu quyết, việc tổ chức và hoạt động của công ty.

Việc cân bằng quyền lực và bảo vệ cổ đông thiểu số được thể hiện qua việc các cổ đông thiểu số thành lập một liên minh thông qua thỏa thuận cổ đông để dành được số phiếu bầu cao trong Đại hội đồng cổ đông và có tiếng nói đối với việc tổ chức và biểu quyết về chính sách của công ty; hoặc một thỏa thuận về việc phát hành thêm cổ phiếu phải được sự đồng thuận của toàn bộ cổ đông nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số.

Thay đổi phân phối cổ phần bằng việc chuyển nhượng được thể hiện qua một thỏa thuận về việc hạn chế chuyển nhượng hoặc về việc chuyển nhượng để một hoặc một nhóm cổ đông có quyền kiểm soát công ty, hoặc để giải quyết deadlock. Một thỏa thuận cổ đông có thể dự trù cách thức giải quyết tranh chấp trong tương lai, từ đó tranh chấp có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng và hoạt động kinh doanh sẽ được ổn định. Thỏa thuận cổ đông cũng là một công cụ giúp tránh các xung đột bằng cách dung hòa các lợi ích khác nhau của các cổ đông với nhau và của các cổ đông với công ty.

Như vậy, thỏa thuận cổ đông được ký kết nhằm mục đích:

Thứ nhất, nhằm đảm bảo tính bảo mật của thỏa thuận bởi thỏa thuận cổ đông không bị bắt buộc công bố như điều lệ công ty. 

Thứ hai, cho phép các cổ đông ký kết có thể kiểm soát hoặc ngăn việc bán cổ phần. Thỏa thuận cổ đông trở thành một công cụ để cổ đông tự bảo vệ mình chống lại việc thu mua công ty (Ví dụ: Quyền ưu tiên mua hoặc cấm chuyển nhượng hoặc bắt buộc chuyển nhượng trong một số điều kiện nhất định). Thỏa thuận cổ đông cũng giúp việc chuyển nhượng cổ phần nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thứ ba, cho phép các cổ đông thực hiện quyền biểu quyết một cách thuận lợi (Ví dụ: Thỏa thuận gộp, thỏa thuận yêu cầu các thành viên trao đổi ý kiến trước mỗi Đại hội đồng cổ đông để cùng bỏ phiếu). Như vậy thỏa thuận cổ đông giúp nhóm cổ đông tham gia thỏa thuận có tiếng nói và quyền quyết định trong Đại hội đồng cổ đông, cũng như giúp thống nhất ý kiến từ tất cả thành viên trong công ty. 

Thứ tư, đưa ra các điều kiện theo đó các bên trong thỏa thuận có thể tham gia hoạt động điều hành công ty (Ví dụ: Thỏa thuận trước đưa ra một số quyết định chiến lược).

Xem thêm: Pháp chế doanh nghiệp (hay Luật sư nội bộ doanh nghiệp) là một dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Một số vấn đề pháp lý về thỏa thuận cổ đông

Như đã đề cập ở trên, thỏa thuận cổ đông không được quy định trong luật Việt Nam, vì vậy, trong mục 3 này tác giả trình bày và phân tích các vấn đề pháp lý xoay quanh thỏa thuận cổ đông cũng như quan điểm về thỏa thuận cổ đông theo pháp luật, thực tiễn của một số nước trên thế giới. 

Thứ nhất, về chủ thể tham gia thỏa thuận cổ đông: Hiện nay đang tồn tại ba quan điểm về thỏa thuận cổ đông. 

Quan điểm đầu tiên hiểu một cách đơn giản, thỏa thuận cổ đông là những thỏa thuận, quy ước giữa các thành viên, các cổ đông công ty. Điều đó cũng có nghĩa rằng chủ thể tham gia thỏa thuận cổ đông bắt buộc phải là các cổ đông hoặc các nhóm cổ đông của cùng một công ty. Theo pháp luật của Đức mặc dù không nêu đích danh thỏa thuận cổ đông nhưng thừa nhận những thỏa thuận giữa các thành viên công ty, các nhóm cổ đông công ty như một sự bổ sung cho điều lệ trong trường hợp những vấn đề đó chưa được luật công ty quy định. Cách hiểu này cũng được ủng hộ và áp dụng tại Thụy Sỹ.

Ngoài ra, chủ thể tham gia thỏa thuận cổ đông không nhất thiết phải bao gồm tất cả các cổ đông nghĩa là thỏa thuận được ký kết có thể giữa hai hay nhiều hay tất cả cổ đông với nhau. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong luật công ty của Hoa Kỳ, cụ thể ở một số bang như Florida, Delaware. Ngoài ra, luật của bang Florida còn phân biệt giữa “shareholders’agreements” và “shareholder agreements”. Theo đó, “shareholders’agreements”  được hiểu là thỏa thuận giữa các cổ đông - hai hoặc nhiều cổ đông với nhau. Còn “shareholder agreements”  là thỏa thuận giữa các cổ đông của công ty và sẽ có hiệu lực với chính công ty khi được sự chấp thuận của tất cả các cổ đông của công ty tại thời điểm ký kết thỏa thuận hay nói cách khác là thỏa thuận của tất cả các cổ đông của công ty.

Trong khi đó, quan điểm thứ hai về thỏa thuận cổ đông như sau: ngoài các cổ đông, thỏa thuận này phải có sự tham gia của chính công ty đó bởi lẽ nếu chỉ là thỏa thuận giữa các cổ đông khi không được công ty chấp thuận thì thỏa thuận đó khó có thể được thực hiện. Theo quan điểm của Stepanov D.Y, lý do công ty là một phần của thỏa thuận cổ đông bởi vì đại hội đồng cổ đông sẽ phải thực hiện theo quyết định của các thành viên trong công ty, trong đó có các thành viên là các bên của thỏa thuận cổ đông. Công ty có thể là một bên của một thỏa thuận nếu tất cả cổ đông của nó tham gia hoặc 1 thỏa thuận mà không liên quan tất cả cổ đông nhưng công ty chỉ nhận quyền chứ không phải chịu nghĩa vụ từ bên khác của thỏa thuận. Cách tiếp cận này được ghi nhận trên thực tiễn thỏa thuận cổ đông tại Anh. Quan điểm này cũng được một số luật sư, nhà nghiên cứu tại Việt Nam thừa nhận.

Cuối cùng là cách tiếp cận thỏa thuận cổ đông với phạm vi rộng nhất: chủ thể tham gia thỏa thuận còn có thế là một bên thứ 3 - bên ngoài công ty nhưng có liên quan đến công ty như nhà đầu tư tiềm năng, chủ nợ công ty. Ví dụ, ngân hàng cho công ty vay tiền nhưng lý do chấp nhận cho vay vì tin tưởng các nhà quản lý hiện tại của công ty, do đó, ngân hàng và công ty tham gia một thỏa thuận với điều khoản nếu công ty bổ nhiệm ban điều hành mới phải được sự chấp thuận của ngân hàng. 

Tóm lại, theo quan điểm của nhóm tác giả thì thỏa thuận cổ đông chỉ đơn thuần là những thỏa thuận, cam kết được thực hiện giữa các cổ đông của công ty và chủ thể tham gia thỏa thuận cổ đông có thể là hai hoặc nhiều hoặc tất cả các cổ đông của công ty. Bởi lẽ, công ty không thể trở thành cổ đông của chính mình. Tuy nhiên có trường hợp thỏa thuận giữa các cổ đông lại có ràng buộc đối với công ty khi thỏa thuận đó được chấp thuận bởi tất cả cổ đông hoặc khi được ghi nhận trong điều lệ hoặc một văn bản nội bộ của công ty (tính hiệu lực của thỏa thuận cổ đông sẽ được phân tích trong những phần sau). Đối với bên thứ ba thì càng không thể coi họ là cổ đông và họ đương nhiên không có quyền quyết định hay can thiệp các vấn đề về quản lý công ty, quyền và nghĩa vụ của cổ đông.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi chấp nhận bên thứ ba (chủ nợ, nhà đầu tư tiềm năng…) trở thành một bên của thỏa thuận cổ đông. Đương nhiên bên thứ ba tham gia thỏa thuận để nhắm tới bảo đảm lợi ích, gia tăng quyền lợi của họ mà hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích của công ty và các cổ đông. Điều này có thể dẫn tới các tác động tiêu cực như xâm phạm quyền cổ đông bởi những người không phải nằm trong quan hệ cổ đông hay tiềm tàng nguy cơ của sự chiếm đoạt, thâu tóm mua lại công ty. 

Thứ hai, về phân loại thỏa thuận cổ đông.

Có nhiều cách phân loại nhưng nhóm tác giả sẽ lựa chọn việc phân loại cổ đông dựa trên nội dung của thỏa thuận. Theo đó, thỏa thuận cổ đông được chia thành ba loại. Loại thứ nhất là các thỏa thuận cổ đông liên quan tới quyền biểu quyết, loại thứ hai liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phần, và loại thứ ba là các thỏa thuận cổ đông liên quan tới việc quản lý công ty. 

[1] Về thỏa thuận cổ đông liên quan tới quyền biểu quyết: Quyền biểu quyết là quyền cơ bản của cổ đông và được ghi nhận bởi các nhà làm luật. Thỏa thuận cổ đông liên quan tới quyền biểu quyết về các vấn đề của công ty phổ biến nhất hiện nay là thỏa thuận gộp quyền biểu quyết (pooling agreement), sau đây gọi là thỏa thuận gộp, thường được thực hiện thông qua ủy thác biểu quyết (voting trust).

Tại Mỹ, trước đây, thỏa thuận cổ đông liên quan tới quyền biểu quyết không có hiệu lực bởi thẩm phán cho rằng (i) quyền biểu quyết không tách rời khỏi cổ phần (ii) trong các cuộc họp của công ty, cổ đông có nghĩa vụ biểu quyết vì lợi ích của công ty. Tuy nhiên Luật mẫu về công ty kinh doanh (Model Business Corporation Act) ra đời đã cung cấp các quy định để công nhận hiệu lực và tính buộc thi hành của các thỏa thuận cổ đông liên quan tới biểu quyết gồm ““pooling agreement”  và “voting trust”. 

Luật pháp Đức cũng ghi nhận thỏa thuận của cổ đông liên quan tới quyền biểu quyết. Việc các cổ đông bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu theo thỏa thuận đều được chấp nhận. Tòa án tối cao liên bang Đức thừa nhận “pooling agreement” (Tiếng Đức: Poolverträge) và định nghĩa nó không chỉ là thỏa thuận giữa các cổ đông cùng đồng ý biểu quyết một cách trong Đại hội đồng cổ đông mà còn là thỏa thuận đảm bảo duy trì số lượng cổ phần gộp. Theo đó, các thành viên trong nhóm gộp, để đảm bảo cổ phần gộp được giữ nguyên, sẽ không bán cổ phần mà không có sự đồng ý của các thành viên còn lại, hoặc sẽ chào bán cổ phần của mình cho các thành viên còn lại.

[2] Về thỏa thuận cổ đông liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phần: Về nguyên tắc, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần. Luật Việt Nam  hay luật các nước đều thừa nhận tính khả nhượng của cổ phần/phần vốn góp trong công ty. Tuy nhiên, vì các lý do như muốn các thành viên cam kết gắn bó với công ty trong thời gian dài nên họ ký thỏa thuận hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần trong một thời gian nhất định; hoặc vì sợ mất quyền kiểm soát công ty vào tay người ngoài nên các cổ đông công ty thỏa thuận nếu có cổ đông muốn bán cổ phần thì phải ưu tiên bán cho các cổ đông này trước mặc dù số cổ phần này không rơi vào trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng do luật định ; hoặc để giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý công ty ví dụ như deadlock mà yêu cầu cổ đông nhỏ phải bán cổ phần của mình.

Trên thực tế, các điều khoản thỏa thuận cổ đông về nội dung này thường được bắt gặp với những hình thức  sau: (i) Hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong một khoảng thời gian nhất định; (ii) ưu tiên bán cổ phần cho các cổ đông của công ty; (iii)các cổ đông còn lại phải mua cổ phần khi có cổ đông muốn bán hoặc khi phát sinh sự kiện theo thỏa thuận; (iv) yêu cầu cổ đông phải bán cổ phần khi phát sinh sự kiện theo thỏa thuận; (v) yêu cầu được cùng bán cổ phần khi các cổ đông khác bán; (vi) yêu cầu các cổ đông khác phải cùng bán khi cổ đông đó bán cổ phần.

[3] Về thỏa thuận cổ đông liên quan tới việc quản lý công ty: Một trong những mục đích để thúc đẩy các cổ đông tham gia một thỏa thuận cổ đông chính là vấn đề quản lý công ty hay nói cách khác là quyền kiểm soát, chi phối công ty. Vì vậy, những điều khoản thường xuất hiện bao gồm (a) quyền chỉ định người vào các chức danh quản lý công ty; (b) quyền quyết định hoặc phủ quyết những vấn đề quan trọng của công ty như sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại công ty; thực hiện các dự án đầu tư lớn; bán tài sản lớn của công ty; ký các hợp đồng có khả năng ảnh hưởng tài sản công ty (vay, bảo lãnh…)…Rõ ràng với những điều khoản trên thì thỏa thuận cổ đông đã trao cho người tham gia thỏa thuận những quyền năng lớn hơn so với các cổ đông còn lại của công ty. 

Thứ ba, về hình thức của thỏa thuận cổ đông.

Nhìn chung, luật một số nước quy định hình thức của một thỏa thuận cổ đông là văn bản có chữ ký các bên như Ukraine, Nga, Mỹ. Một số nước khác cho phép thỏa thuận bằng lời nói như Đức, Thụy Sỹ, Anh. Theo ý kiến của tác giả, một thỏa thuận cổ đông có thể bằng lời nói bởi tính bảo mật của nó. Tuy nhiên trên thực tế khá khó áp dụng bởi điểm bất cập đối với một thỏa thuận cổ đông bằng lời nói là sự khó chứng minh một thỏa thuận như vậy tồn tại. Giá trị giao dịch càng lớn thì thiệt hại khi một bên phá vỡ thỏa thuận càng lớn, một thỏa thuận bằng lời nói sẽ tăng tính rủi ro cho giao dịch. Ngoài ra, lí do chính để một thỏa thuận cổ đông nên là văn bản, có chữ ký các bên, đó là sự cần thiết đăng ký trong sổ cổ đông nếu có sự thay đổi về cổ phần trong công ty, hoặc thông báo cho công ty nếu là thỏa thuận thay đổi điều lệ công ty. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest.

4- Hiệu lực của thỏa thuận cổ đông và một số tình huống cụ thể

[a] Hiệu lực đối với các bên tham gia thỏa thuận: 

Thỏa thuận cổ đông - bản chất là một hợp đồng giữa các cổ đông của công ty, tuy nhiên ngoài đáp ứng những điều kiện thông thường để hợp đồng có hiệu lực thì tính pháp lý của thỏa thuận cổ đông còn phải được xem xét trong một số tình huống cụ thể:

- Thỏa thuận về biểu quyết: 

Thỏa thuận cổ đông liên quan tới việc biểu quyết là phổ biến nhất trong các thỏa thuận cổ đông, trong đó có thỏa thuận gộp (pooling agreement) thông qua ủy thác biểu quyết (voting trust). “Pooling agreement” có thể bao gồm nhiều vấn đề liên quan tới nhu cầu của cổ đông: (i) thỏa thuận bỏ phiếu bầu thành viên của hội đồng quản trị (ii) thỏa thuận trao quyền biểu quyết không tương xứng với cổ phần (iii) thỏa thuận bỏ phiếu để đạt được 1 chính sách cụ thể của công ty. Thỏa thuận này sẽ có tính hiệu lực, tuy nhiên tòa án Hoa Kỳ sẽ coi nó không có hiệu lực nếu các cổ đông bán quyền biểu quyết của mình hoặc thỏa hiệp quyền biểu quyết được xét vì vài lợi ích cá nhân. Các quy định về “pooling agreement” trong MBCA là: (i) Hai hoặc nhiều hơn hai cổ đông phải tham gia thỏa thuận (ii) thỏa thuận được soạn bằng văn bản (iii) thỏa thuận phải được ký bởi tất cả cổ đông tham gia.

Thông thường các thỏa thuận gộp sẽ được thực hiện thông qua “voting trust”, tức các cổ đông trong thỏa thuận gộp sẽ ủy thác quyền biểu quyết của mình cho một bên thứ 3, thường không có mối liên hệ với công ty, và người được ủy thác sẽ sử dụng tất cả phiếu biểu quyết này để biểu quyết cho một vấn đề. Theo MBCA, thỏa thuận “voting trust” có hiệu lực khi: (i) Một hoặc hai cổ đông của công ty trở lên phải tham gia thỏa thuận; (ii) thỏa thuận lập bằng văn bản; (iii) thỏa thuận phải được ký; (iv) cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho người được ủy thác; (v) ủy thác biểu quyết có thời hạn theo luật định theo MBCA; và (vi) công ty phải được thông báo về thỏa thuận ủy thác biểu quyết, cụ thể người được ủy thác chuẩn bị một danh sách và chuyển bản sao danh sách và thỏa thuận cho công ty.

Từ đó, việc gộp phiếu trong việc biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông là phổ biến. Trừ những thỏa thuận về vấn đề quản lý công ty, các thỏa thuận về việc biểu quyết giữa các cổ đông chỉ cần hai cổ đông trở lên trong công ty ký kết, lập thành văn bản là có hiệu lực. Thỏa thuận như vậy sẽ có giá trị ràng buộc các cổ đông tham gia.

- Thỏa thuận về hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần: 

Tình huống giả định : Tại công ty cổ phần X tồn tại một thỏa thuận cổ đông được ký kết giữa các cổ đông A, B, C. Trong đó, có điều khoản 12.1 sau: “12. 1 Thời hạn hạn chế chuyển nhượng cổ phần (Lock In Period) (a) Một Bên không thể chuyển nhượng bất kỳ cổ phần nào thuộc sở hữu của mình trong Công Ty cho đến khi thời hạn hạn chế chuyển nhượng cổ phần chấm dứt như đã nêu tại Điều 1.1 trên đây.  A Party cannot transfer any part of its shares in the Company until after the expiry of the Lock In Period as defined in Article 1.1 above. (b) Trường hợp một Bên dự định chuyển nhượng bất kỳ cổ phần nào thuộc sở hữu của mình trong Công Ty cho một Bên Thứ Ba, Bên đó phải tuân thủ các Điều 12.2. In the event that a Party intends to transfer any part of its shares in the Company to a Third Party, Articles 12.2 must be complied with”. 

Trong đó, điều 1.1 của thỏa thuận quy định thời hạn hạn chế chuyển nhượng là 5 năm và điều 12.2 quy định về nghĩa vụ của cổ đông tham gia thỏa thuận phải có nghĩa vụ chào bán cổ phần cho các cổ đông còn lại trong nhóm, hay nói cách khác là phải ưu tiên cho họ mua cổ phần trước. 

Đối chiếu với pháp luật doanh nghiệp hiện hành thì cổ phần của công ty cổ phần được quy định nguyên tắc tự do chuyển nhượng tại Khoản 1 Điều 138 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau: “1- Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng".

Giả sử sau 02 năm kể từ khi ký kết thỏa thuận, B lại muốn chuyển nhượng cổ phần của mình cho D (không phải là một bên của thỏa thuận). Liệu B có phải ưu tiên bán cho A và C hay không? Thỏa thuận trên có bị tuyên vô hiệu vì trái với Luật doanh nghiệp hay không? 

Chúng tôi cho rằng, quy định về tự do chuyển nhượng cổ phần của Luật doanh nghiệp Việt Nam chỉ mang tính chất hướng dẫn chứ không mang tính mệnh lệnh, cụ thể là quy định này giải thích rằng cổ phần được tự do chuyển nhượng không mang tính bắt buộc cổ phần phải được tự do chuyển nhượng, không được phép giới hạn chuyển nhượng. Tuy nhiên việc hạn chế tự do chuyển nhượng phải “hợp lý”, không xâm hại lợi ích đa số cổ đông và không chèn ép, xâm hại lợi ích cổ đông thiểu số.

Thực tiễn thực hiện ở các nước và ở Việt Nam, việc thỏa thuận giữa các cổ đông về giới hạn chuyển nhượng cổ phần là phổ biến. Trong các tập đoàn, các cổ đông thường mong muốn kiểm soát người sẽ là đối tác của mình trong tương lai. Quyền kiểm soát này có thể được thực hiện thông qua thỏa thuận cổ đông. Cụ thể là một thỏa thuận cung cấp quyền phủ quyết bởi công ty hoặc cổ đông khác đối với bất kỳ đề nghị chuyển nhượng hoặc đối với các thỏa thuận mua bán mà buộc cổ đông bán cho công ty hoặc cổ đông khác với cùng điều khoản và điều kiện cung cấp cho bên thứ ba, hoặc yêu cầu chào bán cổ phần đầu tiên cho công ty hoặc cổ đông khác với mức giá ấn định hoặc mức giá được xác định bởi 1 người thẩm định trước khi tìm kiếm người thứ 3. Người thứ 3 ở đây là những người không tham gia vào thỏa thuận cổ đông.

Dưới góc độ nghiên cứu và so sánh luật với luật Hoa Kỳ thì tại điều 6.27 Model Business Corporation Act 2016 quy định: “The articles of incorporation, the bylaws, an agreement among shareholders, or an agreement between shareholders and the corporation may impose restrictions on the transfer or registration of transfer of shares of the corporation.” có thể tạm dịch: Điều lệ thành lập công ty, luật, thỏa thuận giữa các cổ đông hoặc thỏa thuận giữa các cổ đông với công ty có thể áp đặt giới hạn chuyển nhượng hoặc đăng ký chuyển nhượng cổ phần của công ty. Như vậy, các cổ đông có thể thỏa thuận với nhau về việc giới hạn chuyển nhượng cổ phần. 

Theo điều 21.210 của Luật Business Organizations của bang Texas Mỹ, thỏa thuận giới hạn này sẽ có hiệu lực khi sự giới hạn nhằm để duy trì trạng thái của công ty khi công ty phụ thuộc vào số lượng hoặc danh tính của cổ đông của công ty; để bảo toàn điều khoản miễn trừ theo luật chứng khoán của tiểu bang hoặc liên bang; hoặc vì bất kỳ một mục đích hợp lý nào khác. Tuy nhiên điều luật cũng không giải thích như thế nào là hợp lý. Cổ đông thiểu số luôn là bên yếu thế được pháp luật bảo vệ khỏi sự chèn ép của các cổ đông lớn. Thực tế, cần nhìn nhận rằng một thỏa thuận hạn chế mua bán cổ phần đôi khi là một công cụ để cổ đông lớn chèn ép cổ đông thiểu số.

Cụ thể trong thỏa thuận mua bán, cổ đông thiểu số không có quyền ký hợp đồng để rút tiền và rời khỏi công ty khi bị chèn ép nhưng cổ đông lớn có cơ chế ép cổ đông thiểu số ra nếu anh ta muốn. Và các thỏa thuận như vậy thường có giá trị thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách của công ty và luôn thấp hơn giá thị trường. Khi mâu thuẫn cổ đông lên cao, cổ đông lớn sẽ thường cố gắng kích hoạt thỏa thuận mua-bán, lúc này cổ đông lớn sẽ áp đặt mức giá thấp hơn với cổ đông thiểu số. Lúc này cổ đông thiểu số sẽ khiếu nại việc mua bán là “unreasonable”-không hợp lý theo luật Business Organization. 

Tương tự, luật pháp Pháp cũng ghi nhận tính hiệu lực của thỏa thuận ưu tiên mua-bán thông qua một phán quyết ngày 7/1/2004, số 00-11692  của Tòa án tối cao Pháp với nhận định rằng thỏa thuận ưu tiên mua-bán trong vụ án không trái với nguyên tắc trật tự công, không trái với quy định bắt buộc của điều lệ và trái với lợi ích của công ty. Vụ tranh chấp như sau: Hai vợ chồng B nắm giữ 2880 trên 3000 cổ phiếu của công ty Evreux Distribution, đã ký một thỏa thuận cổ đông cho phép tất cả cổ đông bán cổ phần của mình cho cổ đông khác với một giá dễ chịu hoặc với giá được xác định bởi chuyên gia trong danh sách mà các cổ đông thỏa thuận. Nhưng sau đó, vợ chồng B đã ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần của họ trong công ty Evreux Distribution cho công ty Ope Intermarché.

Theo các cổ đông khác, thỏa thuận này là vô hiệu còn theo vợ chồng B và Ope Intermarché, thỏa thuận này có hiệu lực trong khi thỏa thuận về ưu tiên mua-bán là vô hiệu do vi phạm nguyên tắc tự do chuyển nhượng của cổ phiếu bởi tồn tại một điều khoản quy định rằng cổ đông chỉ được tự do chuyển nhượng sau 12 tháng sau khi bắt đầu thủ tục ưu tiên mua-bán. Tòa án cho rằng thỏa thuận cổ đông hợp lệ khi nó không trái trật tự công, quy định bắt buộc của điều lệ hoặc lợi ích công ty, rằng thỏa thuận đưa ra một thủ tục cho phép các cổ đông khác được ưu tiên mua không vi phạm nguyên tắc tự do thương lượng giá cổ phiếu, theo thỏa thuận của các bên, hoặc giá được xác định bởi chuyên gia được lựa chọn từ danh sách do các bên thỏa thuận, rằng thỏa thuận này không trái trật tự công cộng, điều lệ của công ty và lợi ích của công ty. Như vậy, thỏa thuận ưu tiên mua bán có hiệu lực và việc chuyển nhượng cổ phần của hai vợ chồng B và Ope Intermarché là vô hiệu.

- Thỏa thuận về quản lý công ty: 

Trong bản án ngày 26/4/2017, số 15-12888, Tòa án tối cao Pháp đã vô hiệu một thỏa thuận cổ đông do thỏa thuận cổ đông này ảnh hưởng thể thức bãi nhiệm người quản lý của công ty cổ phần đã được quy định trong điều lệ. Theo đó, một thỏa thuận quy định việc bổ nhiệm một người vào vị trí giám đốc là không có giá trị. Vụ án dân sự như sau: Công ty X và Y, có chung hoạt động về mua bán xe hơi, sáp nhập. Công ty Z là kết quả của việc sáp nhập được quy định trong thỏa thuận, theo đó quy định công ty Z sẽ được điều hành bởi hội đồng quản trị gồm số thành viên chẵn, được lựa chọn từ số ứng cử viên ngang nhau của hai nhóm cổ đông của Z, tương ứng là cổ đông X, cổ đông đa số và cổ đông Y, cổ đông thiểu số.

Và cũng quy định rằng ông A, đại diện cho công ty X là chủ tịch Hội đồng quản trị và ông B, đại diện của cổ đông Y là tổng giám đốc của công ty. Tuy nhiên tổng giám đốc bị miễn nhiệm bởi không đáp ứng được điều kiện do điều lệ quy định rằng tổng giám đốc phải là thành viên Hội đồng quản trị. B lúc này kiện ông A, là cổ đông đa số vì cho rằng đã có sự vi phạm thỏa thuận cổ đông và yêu cầu nhóm cổ đông ông A phải bồi thường.

Tòa án Pháp cho rằng theo điều 1851 Luật Dân sự Pháp quy định về thể thức bãi nhiệm như sau: “Trừ khi được quy định khác trong điều lệ, người quản lý có thể bị miễn nhiệm bởi quyết định của các thành viên trong công ty đại diện cho hơn một nửa cổ phần”. Như vậy, việc bãi nhiệm người quản lý của công ty cổ phần luôn tuân theo thể thức nhất định được quy định trong điều lệ hoặc trong luật, và thể thức này được coi là quy định bắt buộc. Nếu thỏa thuận cổ đông ảnh hưởng quy định này thì sẽ bị tuyên vô hiệu.

Đối với các thỏa thuận liên quan tới việc quản lý công ty, tòa án Mỹ cũng có kết luận tương tự khi cho rằng thỏa thuận sẽ vô hiệu bởi (i) thỏa thuận vi phạm điều lệ (ii) nghĩa vụ phải luôn hành động vì lợi ích của công ty của các thành viên trong hội đồng quản trị cũng như những người quản lý, điều hành công ty (iii) thỏa thuận này là không công bằng đối với những cổ đông không tham gia.

Tuy nhiên những năm gần đây, thẩm phán đã linh động hơn trong việc xem xét tính hiệu lực của những thỏa thuận này. Điển hình là trong vụ Zion v Kurtz, hai cổ đông của công ty Lombard-Wall Group, Inc. Hai cổ đông này tham gia một thỏa thuận cổ đông, thỏa thuận rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác nào của công ty cũng cần sự đồng ý của Zion. Bất chấp thỏa thuận, Kurtz đã tham gia vào một số hoạt động của công ty mà không có sự đồng ý của Zion. Zion đã khởi kiện chống lại Kurtz. Thỏa thuận thực thi theo luật tiểu bang Delaware. Luật Delaware cho phép thỏa thuận trong đó cổ đông của công ty đóng quản trị công ty chứ không phải là hội đồng quản trị. Tuy nhiên, luật Delaware yêu cầu các điều khoản thành lập công ty phải thể hiện thỏa thuận về việc quản lý bởi cổ đông. Trong trường hợp này, điều khoản thành lập công ty không thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận cổ đông được lập ra bởi Zion và Kurtz.

Tòa án, trong bản án này, cho rằng điều khoản thành lập công ty có thể sửa đổi để bao gồm quy định hạn chế thẩm quyền của thành viên hội đồng quản trị. Do đó Kurtz (bên bị đơn) phải có trách nhiệm hoàn thiện văn bản do luật định, do đó thiếu việc hoàn thiện này không thể coi là lý do để không thực hiện thỏa thuận. Và kết luận là thỏa thuận giữa Zion và Kurtz có tính bắt buộc thực thi vì các lí do sau: (i) không có sự can thiệp của bên thứ 3; (ii) thỏa thuận không bị cấm; (iii) Kurtz đã đồng ý trước sự giới hạn này.

Thực tế, một trong các điều khoản mà chúng ta thường gặp trong các thỏa thuận cổ đông là chỉ định một người có chuyên môn trở thành người quản lý. Cụ thể hơn là các bên ký kết thỏa thuận cam kết sẽ sử dụng quyền hạn của mình trong bộ máy quản lý để đạt được mục tiêu đề ra. Thỏa thuận sẽ không bổ nhiệm giám đốc/tổng giám đốc nhưng quy định rằng các bên ký kết cam kết sẽ bầu người này vào vị trí giám đốc/tổng giám đốc.

Nhưng không loại trừ khả năng một thỏa thuận như vậy có thể có rủi ro rằng người được bầu sẽ bị bãi nhiệm theo một thể thức sau đó. Hay nói cách khác, các bên trong thỏa thuận cam kết bầu một người vào vị trí giám đốc/tổng giám đốc và sau đó, bầu bãi nhiệm anh ta. Lẽ thông thường, nếu có trường hợp đó xảy ra, các bên làm trái thỏa thuận sẽ phải chịu trách nhiệm trước các bên ký kết thỏa thuận khác, trừ khi anh ta chứng minh được rằng việc bầu này là có lợi cho công ty. Lúc đó, theo phán quyết nêu trên, thỏa thuận là bất hợp pháp và không có giá trị. Người làm trái thỏa thuận sẽ không phải bồi thường thiệt hại. 

Luật công ty của Bỉ cũng quy định tương tự, theo đó, thỏa thuận cổ đông sẽ vô hiệu: (i) nếu trái Luật công ty hoặc quyền lợi của công ty, ví dụ: thỏa thuận trái với nguyên tắc miễn nhiệm người quản lý trong công ty cổ phần, hoặc thỏa thuận cung cấp các phiếu biểu quyết lớn; hoặc/và (ii) nếu theo đó một cổ đông cam kết bỏ phiếu theo chỉ thị đưa ra bởi công ty, công ty con hoặc bởi 1 cơ quan trong công ty này. Việc cấm này nhằm bảo vệ sự cân bằng quyền lực của công ty cổ phần; hoặc/và (iii) nếu theo đó một cổ đông cam kết sẽ tán thành các đề xuất từ các cơ quan trong công ty.

Trở lại thực tiễn Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại rất nhiều thỏa thuận cổ đông với nội dung một nhóm cổ đông nào đó có quyền chỉ định một số lượng cụ thể thành viên Hội đồng quản trị. Ví dụ, Hội đồng quản trị cần 05 người, thì nhóm này đã có quyền chỉ định 03 người. Điều đáng nói là số lượng cổ phần mà nhóm này nắm giữ không đủ để có thể chắc chắn đưa được 03 người vào Hội đồng quản trị. Vậy thỏa thuận trên có hiệu lực hay không? Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên. Hơn nữa, trong luật doanh nghiệp có quy định một nguyên tắc: mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Với thỏa thuận trên, có thể gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ của công ty khi họ mất quyền đưa được người vào hội đồng quản trị. Vậy theo nhóm tác giả, thỏa thuận như vậy nên bị coi là vô hiệu.

Theo nhóm tác giả, một thỏa thuận cổ đông về quản lý công ty là một thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của tất cả cổ đông và lợi ích của công ty. Do đó thỏa thuận này có hiệu lực nếu đáp ứng được các điều kiện sau: (i) Thỏa thuận được sự đồng thuận của tất cả cổ đông trong công ty; hoặc Thỏa thuận phải được biết bởi công ty và được ghi nhận tại điều lệ, hoặc luật, hoặc một văn bản được toàn bộ cổ đông kí kết; và (ii) Thỏa thuận không trái trật tự công cộng, lợi ích công ty, quyền lợi của cổ đông thiểu số.

[b] Hiệu lực đối với bên thứ ba:

Bên thứ ba được hiểu là không phải một bên của thỏa thuận - không phải chủ thể tham gia thỏa thuận, không thể hiện ý chí trong thỏa thuận cổ đông. Bên thứ ba có thể là các cổ đông không tham gia ký kết thỏa thuận hoặc là chủ nợ, đối tác của công ty hoặc chính công ty cổ phần đó. Rõ ràng, điều lệ công ty đương nhiên có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba mặc dù bên thứ ba không tham gia soạn thảo, ký kết điều lệ. Bên thứ ba không thể nại rằng tôi không biết công ty muốn vay tiền của mình thì phải được sự phê duyệt của hội đồng quản trị hay đại hội đồng cổ đông vì tôi không biết điều lệ công ty. Cổ đông công ty cũng không thể nói rằng tôi chỉ là cổ đông gia nhập sau nên không biết nội dung của điều lệ công ty được soạn thảo bởi các cổ đông sáng lập. Bởi lẽ điều lệ công ty là bản thỏa thuận của tất các cổ đông công ty, công ty có nghĩa vụ phải công khai điều lệ công ty và bên thứ ba có nghĩa vụ phải tìm hiểu về điều lệ công ty trước khi giao dịch. Vậy giá trị pháp lý của thỏa thuận cổ đông như thế nào đối với bên thứ ba.  

Luật pháp của Đức và Thụy Sỹ xem thỏa thuận cổ đông là một thỏa thuận độc lập và nó chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông đã ký kết với nhau. Trong khi đó, luật của bang Florida về Thỏa thuận cổ đông đã quy định rõ: Thỏa thuận cổ đông chỉ có hiệu lực với các bên tham gia. Người nhận chuyển nhượng cổ phần mà các cổ đông của cổ phần đó tham gia vào một thỏa thuận cổ đông sẽ bị ràng buộc bởi thỏa thuận đó nếu như bên nhận chuyển nhượng nhận cổ phần kèm với thông báo. Người nhận chuyển nhượng được xem là đã nhận được thông báo về thỏa thuận hoặc về sự gia hạn nào nếu như sự tồn tại của thỏa thuận được thể hiện trên mặt trước hoặc mặt sau của tờ giấy chứng nhận của cổ phần. Như vậy đối với Luật bang Floria nói chung và luật công ty Mỹ nói riêng thì thỏa thuận cổ đông đơn thuần có giá trị pháp lý với các bên trong thỏa thuận. Và chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba nếu bên thứ ba biết hoặc buộc phải biêt sự tồn tài của thỏa thuận. 

Luật Việt Nam chưa có quy định về thỏa thuận cổ đông, do đó trên thực tế, nếu thỏa thuận cổ đông đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng quy định trong Bộ luật dân sự thì sẽ được xem xét dưới góc độ hợp đồng và được điều chỉnh bởi bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, bộ luật Dân sự Việt Nam không có quy định liệu hợp đồng có giá trị ràng buộc với ai, liệu bên thứ ba có thể yêu cầu thực hiện hợp đồng hay bị ràng buộc bởi hợp đồng hay không. Đọc luật Dân sự, chúng ta chỉ ghi nhận rằng: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”  và “các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng”. Như vậy, từ những quy định này, chúng ta chỉ có thể suy ra rằng hợp đồng có giá trị ràng buộc các bên trong hợp đồng, nhưng không rõ hợp đồng có thể có giá trị ràng buộc bên thứ ba hay không. Hay nói cách khác, chưa có quy định về việc liệu thỏa thuận cổ đông có giá trị ràng buộc quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba của thỏa thuận hay không. 

Chúng tôi cho rằng, thỏa thuận chỉ ràng buộc các cổ đông ký kết mà không có ý nghĩa với bên thứ ba bởi tính bảo mật của nó và bởi bên thứ ba không thể hiện ý chí tham gia thỏa thuận này. Vì vậy, nếu vi phạm thỏa thuận chỉ ảnh hưởng tới các bên trong thỏa thuận chứ không ảnh hưởng tới bên thứ ba. Ví dụ: Khi cổ đông (những cổ đông tham gia thỏa thuận) bỏ phiếu trong đại hội đồng cổ đông mà vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận sẽ dẫn tới trách nhiệm của các bên, nhưng không ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bỏ phiếu. 

Xem thêm: Dịch vụ Thư ký pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest.

5- Kết luận về thỏa thuận cổ đông

Qua các nội dung phân tích ở trên, nhóm tác giả có thể đưa ra một số kết luận nghiên cứu như sau: 

Tính hiệu lực của thỏa thuận cổ đông chưa được làm rõ trong luật, do đó nhóm tác giả cho rằng cần phải quy định thỏa thuận cổ đông trong Luật doanh nghiệp để thay vì các nhà đầu tư phải tự nghiên cứu, đối chiếu trong pháp luật dân sự thì có thể quy định rõ như một sự hướng dẫn trực tiếp cho các cổ đông trước khi soạn thảo, ký kết thỏa thuận. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như tránh được việc một bên lợi dụng thỏa thuận cổ đông gây thiệt hại cho bên còn lại. Đây cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan tài phán có thể dựa vào giải quyết tranh chấp một cách thống nhất, phù hợp hơn. Quy định thỏa thuận cổ đông có thể như sau: 

(1) Thỏa thuận cổ đông là thỏa thuận bằng văn bản hoặc hình thức tương đương văn bản giữa hai hay nhiều cổ đông của công ty về quyền của cổ đông và các vấn đề quản lý công ty.

(2) Thỏa thuận giữa các cổ đông có hiệu lực khi không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật, không trái với điều lệ và không ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của công ty, của cổ đông thiểu số.

(3) Trường hợp thỏa thuận cổ đông có nội dung liên quan đến vấn đề quản lý công ty thì chỉ có giá trị pháp lý khi được điều lệ công ty dẫn chiếu hoặc được thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hoặc được chấp thuận bởi tất cả các cổ đông của công ty.

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Thỏa thuận cổ đông - những vấn đề pháp lý cơ bản

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18340 sec| 1139.547 kb