Hướng dẫn về thù lao luật sư và chi phí pháp lý

"Thời gian quý giá hơn tiền bạc. Bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng với thời gian thì không".

- Jim Rohn, diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ

Hướng dẫn về thù lao luật sư và chi phí pháp lý

Thù lao luật sư (Attorney remuneration) hay Phí luật sư (Attorney fees): là khoản tiền bù đắp lại công sức mà luật sư bỏ ra để thực hiện dịch vụ pháp lý. Khi sử dụng dịch vụ pháp lý, theo lẽ thường và theo pháp luật, khách hàng phải trả thù lao cho luật sư. 

Chi phí pháp lý (Legal Costs) là những khoản tiền phải chi trả trong khi thực hiện dịch vụ pháp lý như: tiền tàu xe, lưu trú, chi phí hợp lý khác. Khách hàng thanh toán chi phí này khi sử dụng dịch vụ pháp lý ngoài thù lao luật sư.

Trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý, luật sư có thể thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng, như nộp án phí, lệ phí.... Về nguyên tắc, khách hàng có trách nhiệm hoàn trả cho luật sư các khoản chi phí này.

Liên hệ

I- QUY TẮC CHUNG TÍNH THÙ LAO LUẬT SƯ

Khách hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Việc nhận thù lao được thực hiện theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 54 Luật Luật sư).

1- Căn cứ tính thù lao luật sư

Thù lao luật sư được tính dựa trên căn cứ: [a] Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; [b] Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; [c] Kinh nghiệm và uy tín của luật sư (Khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư), cụ thể:

[a] Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý:

Nội dung của vụ việc pháp lý mà khách hàng nhờ luật sư giúp đỡ: (i) những yêu cầu, những vấn đề gì; (ii) có bao nhiêu quan hệ pháp luật trong vụ việc đó; (iii) diễn biến sự việc bắt đầu từ đâu và hiện nay đang diễn ra như thế nào; (iv) tính chất vụ việc được đánh giá là đơn giản hay phức tạp (đánh giá không chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính... mà nó còn phụ thuộc vào các chủ thể tham gia một hay nhiều quan hệ pháp luật, quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể...); (v) khách thể của các quan hệ pháp luật đó. Luật sư cần xác định được đầy đủ các yếu tố nào để có thể tính mức thù lao và có khả năng nhận vụ việc của khách hàng.

Nội dung và tính chất của dịch vụ pháp lý là một trong các căn cứ quan trọng để tính mức thù lao, bởi vì đây vừa là cơ sở thực tế để luật sư đánh giá vụ việc và xác định có thể nhận vụ việc, vừa là căn cứ để luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư trên cơ sở đánh giá để tính mức thù lao cho chính xác.

[b] Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý: 

Thời gian là căn cứ tính mức thù lao của luật sư chính là thời gian mà luật sư sử dụng vào việc thực hiện và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. 

Công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý được hiểu là cường độ làm việc và mức độ đầu tư chất xám của luật sư bỏ ra để hoàn thành trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Công sức của luật sư là sự kết hợp của nhiều yếu tố như sức khỏe, trí tuệ, đặc biệt là sự tổn hao chất xám và các áp lực về mặt tâm lý của công việc mà luật sư phải vượt qua để làm tròn trách nhiệm với khách hàng.

Do vậy, công sức của luật sư là một trong những căn cứ rất quan trọng để tính mức thù lao cho luật sư. Để xác định được đùng thù lao theo căn cứ này phải dựa trên sự kết hợp giữa hai yếu tố thời gian và công sức của luật sư đã bỏ ra và dựa trên yếu tố kinh nghiệm, yếu tố thận trọng khi dự tính trong hoạt động luật sư sẽ giúp cho việc đưa ra cǎn cứ chính xác khi tính mức thù lao. 

[c] Kinh nghiệm và uy tín của luật sư:

Kinh nghiệm trong hoạt động luật sư được tích lũy qua quá trình hành nghề của mỗi luật sư. Mỗi luật sư có được kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là tự bản thân mỗi luật sư phải biết đúc rút kinh nghiệm qua mỗi vụ việc mà luật sư đó tham gia thực hiện để nâng cao kỹ năng và hình thành kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp ở từng lĩnh vực hoat động của luật sư. Đó cũng là giá trị của mỗi luật sư có thể có được qua hành nghề và nó cũng sẽ được làm căn cứ để tính mức thù lao cho luật sư.

Uy tín của luật sư là căn cứ tính thù lao được thể hiện trên phương diện uy tín về kỹ năng hành nghề. Hiện nay mỗi luật sư thường có kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề ở một vài lĩnh vực khác nhau, có luật sư chuyên về tranh tụng, có luật sư chuyên về tư vấn... Uy tín của luật sư được hình thành thông qua kết quả công việc đối với khách hàng. Uy tín nghề nghiệp luật sư càng cao thì khách hàng sẽ tìm đến luật sư và ngược lại.

Ngoài kỹ năng hành nghề, uy tín của luật sư còn được nhìn nhận ở khía cạnh đạo đức của luật sư. Đạo đức của luật sư được biểu hiện trên nhiều phương diện, trong đó có thỏa thuận thù lao với khách hàng. Khách hàng đánh giá thái độ và cách ứng xử của luật sư. Đạo đức của luật sư thể hiện ở chỗ tính đúng, tính đủ về thù lao nhưng cần phải thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà khách hàng đang gặp phải. Chính vì thế, kinh nghiệm và uy tín của luật sư sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để tính mức thù lao phù hợp.

Các căn cứ để tính mức thù lao có tính chất định hướng, là cơ sở để khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư thỏa thuận phù hợp với nội dung, tính chất của từng vụ việc cụ thể.

2- Phương thức tính thù lao luật sư

Thù lao của luật sư sẽ được tính theo một trong các phương thức sau: [a] Giờ làm việc của luật sư; [b] Vụ, việc với mức thù lao trọn gói; [c] Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; [d] Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định (Khoản 2 Điều 55 Luật Luật sư), cụ thể:

[a] Phương thức tính thù lao theo giờ làm việc:

Thông thường, phương thức tính thù lao theo giờ làm việc của luật sư được áp dụng trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Với phương thức tính thù lao này, việc tính toán cụ thể về thời gian luật sư bỏ ra để thực hiện công việc thuộc dịch vụ pháp lý là căn cứ quan trọng để tính mức thù lao.

[b] Phương thức tính thù lao trọn gói: 

Phương thức tính thù lao trọn gói là việc tính một mức thù lao cố định cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc theo yêu cầu của khách hàng. Việc thoả thuận về mức thù lao trọn gói thường được căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc trong dịch vụ đã được xác định trước cũng như tổng số thời gian dự tính hoàn thành công việc. Phương thức này thường được áp dụng trong các lĩnh vực tham gia tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.

Cần hiểu đúng về phương thức tính thù lao trọn gói của luật sư và phân biệt với hợp đồng khoán việc dân sự. Phương thức tính thù lao trọn gói là cách tính thù lao mà khách hàng trả thù lao cho luật sư một khoản cố định, một số tiền tuyệt đối để luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo thời gian thực hiện vụ việc, hoặc theo nội dung, khối lượng công việc xác định thuộc dịch vụ pháp lý. Luật sư lưu ý và giải thích rõ cho khách hàng và cam kết cụ thể trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, để tránh việc khách hàng hiểu nhầm sang hợp đồng khoán việc dân sự cho luật sư, luật sư thực hiện được việc theo mong muốn cho khách hàng thì mới được nhận tiền, nếu không được việc theo mong muốn cho khách thì khách hàng không trả tiền hoặc đòi lại tiền. 

[c] Phương thức tính thù lao theo ti lệ phần trăm giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án: 

Phương thức tính thù lao theo tỉ lệ phần trăm giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án thường được áp dụng trong lĩnh vực tham gia tố tụng đối với các vụ án dân sự, kinh tế, giao dịch về bất động sản hay tư vấn pháp luật trong các dự án. Thực chất, đây cũng là phương thức tính thù lao theo một mức cố định nhưng được căn cứ vào giá ngạch của vụ kiện hoặc giá trị của giao dịch hợp đồng, giá trị dự án mà luật sư tư vấn.

[d] Phương thức tính thù lao theo hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định: 

Phương thức tính thù lao theo hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định được sử dụng khá phổ biến tại các nước có nghề luật sư phát triển. Tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chịu trách nhiệm về những vấn đề pháp lý liên quan đến khách hàng của mình. Khách hàng phải trả một khoản thù lao cố định đã được thỏa thuận theo định kỳ cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân bất kể trong thời gian đó khách hàng có cần sự giúp đỡ về mặt pháp lý của luật sư hay không. Phương thức này cũng có thể áp dụng đối với trường hợp luật sư có hợp đồng dài hạn dế từ vấn pháp luật cho một doanh nghiệp. 

Thông thường, trong văn bản thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng không cần thiết phải liệt kê toàn bộ những căn cứ làm cơ sở cho việc tính thù lao mà chi cần nêu phương thức tính thù lao (tính theo giờ, tính cố định hay xác định những yếu tố cần chú ý khi tính thù lao). Khi có những sự kiện mới phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc ảnh hưởng đến mức thù lao đã thoả thuận thì luật sư cần thông báo bằng văn bản cho khách hàng và trong trường hợp cần thiết, luật sư và khách hàng có thể thỏa thuận mức thù lao mới phù hợp.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư thu hồi đất của Công ty Luật TNHH Everest 

II- CHI PHÍ VÀ CHI PHÍ PHÁP LÝ

Ngoài thù lao luật sư, khi sử dụng dịch vụ pháp lý khách hàng có thể chi trả các khoản chi phí sau:

[1] Chi phí đi lại, lưu trú, liên hệ công tác: là khoản chi phí mà khách hàng phải trả cho luật sư hoặc chuyên viên tư vấn, bao gồm các chi phí như vé ô tô, vé tàu hoả, vé máy bay, tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ… (Phí cho các phương tiện đi lại và ăn nghỉ mức trung bình ở nơi luật sư, chuyên viên pháp lý đến làm việc).

Khách hàng có thể tuỳ chọn thanh toán chi phí đi lại bằng một (01) trong hai (02) cách: [1] Khách hàng và luật sư cùng ước lượng chi phí và thống nhất thanh toán một lần (thông thường khách hàng chọn phương án này); [2] Trước khi đi công tác, luật sư thông báo và khách hàng tạm ứng chi phí với luật sư. Hai bên sẽ quyết toán sau chuyến công tác.

[2] Chi phí Văn phòng: là khoản tiền mà khách hàng phải trả để đảm bảo thực hiện các hoạt động Văn phòng liên quan đến công việc của khách hàng (giấy tờ, sổ sách, điện thoại, internet, các chi phí khác…). Khoản chi phí này thường không lớn và thông thường được tính gộp vào cùng với chi phí đi lại, lưu trú, liên hệ công tác. Trường hợp khách hàng có yêu cầu, khoản chi phí văn phòng sẽ tính thành mục riêng. 

[3] Chi phí Nhà nước: Đây là khoản chi phí Công ty luật thay mặt khách hàng nộp vào Nhà nước, có thể bao gồm: Tạm ứng án phí, Án phí, Phí thi hành án, Lệ phí... Đây là các khoản tiền mà cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tư pháp sẽ thu (có hoá đơn, chứng từ). Khoản chi phí này thuộc nghĩa vụ của Khách hàng, tuy nhiên khách hàng có thể nhờ luật sư nộp thay. Lưu ý, có thể có những ngoại lệ như trong các Thoả thuận thù lao theo tỷ lệ hoặc trong các dịch vụ trọn gói khác thì luật sư sẽ thu khoản phí này và tự quyết toán với Nhà nước.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa của Công ty Luật TNHH Everest.

III- THÙ LAO LUẬT SƯ VÀ CHI PHÍ PHÁP LÝ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC THÙ

1- Thù lao, chi phí trong lĩnh vực hình sự

Vấn đề về thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý được quy định tại Điều 56 của Luật Luật sư, như sau: 

Thứ nhất, mức thù lao luật sư được thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với vụ việc phi hình sự; các Tổ chức hành nghề Luật sư và khách hàng được thỏa thuận và ghi trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý, không giới hạn mức thù lao tối thiểu và tối đa. 

Thứ hai, mức thù lao luật sư trong vụ án hình sự: khi luật sư tham gia tố tụng hình sự thì không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. 

Thứ ba, tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Theo quy định trên thì mức thù lao luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý được tính trên cơ sở thoả thuận giữa khách hàng và luật sư trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đối với các vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì sự thoả thuận đó không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (Điều 18 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư).

Ngoài mức thù lao đã thỏa thuận, luật sư được nhận thêm các chi phí như tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý. Các chi phí này cũng do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý.

2- Thù lao, chi phí trong trường hợp tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng

Thù lao luật sư, chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng (quy định tại Điều 19 của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP), như sau:

Đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.

Thời gian làm việc của luật sư bao gồm: (i) Thời gian gặp gỡ bị can, bị cáo; (ii) Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; (iii) Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng; (iv) Thời gian tham gia phiên toà. Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận.

Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư được thanh toán chi phí tiền tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.

Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư tham gia tố tụng có trách nhiệm thanh toán theo đúng quy định của nhà nước về thù lao và các khoản chi phí cho luật sư theo quy định luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Nguồn kinh phí chi trả được dự toán trong ngân sách hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được đòi hỏi thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ.

Thực tế cho thấy, thời gian luật sư gặp gỡ bị can, bị cáo, nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng hay thời gian tham gia phiên toà có thể được xác nhận một cách dễ dàng, nhưng việc xác nhận thời gian Luật sư thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa lại gặp khó khăn. Vì vậy, luật sư cần lưu giữ tất cả tài liệu có liên quan làm cơ sở cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xác nhận thời gian làm việc của luật sư.

Luật sư có thể xin xác nhận của người có thẩm quyền sau đây về thời gian làm việc: (i) Quản giáo hoặc người quản lý trại giam về thời gian Luật sư gặp gỡ bị can, bị cáo tại trại tạm giam; (ii) Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án về thời gian Luật sư thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa, thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại Tòa án; (iii) Chủ toạ phiên toà về thời gian Luật sư tham gia phiên toà. 

Bên cạnh đó, khi tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư cần lưu ý về cách thức thanh toán thù lao như sau: Đối với luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư thì luật sư đó không được trực tiếp nhận thù lao từ cơ quan tiến hành tố tụng mà phải thông qua tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề. Tổ chức hành nghề luật sư nhận thù lao phải tuân theo các quy định của pháp luật về kế toán. Trường hợp luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì được quyền nhận thù lao trực tiếp từ cơ quan tiến hành tố tụng. Luật sư nhận thù lao cũng phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về thuế, tài chính và thống kê.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư trong vụ, việc ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest.

IV- THỎA THUẬN VỀ THÙ LAO LUẬT SƯ

1- Trách nhiệm giải thích cho khách hàng

Luật sư phải giải thích cho khách hàng: những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý (Quy tắc 08 - Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam).

Thù lao luật sư phải hợp lý: là nguyên tắc chung được nhiều quốc gia ghi nhận. Tuy nhiên, trừ trường hợp vụ án hình sự, pháp luật Việt Nam không đặt ra giới hạn về mức (trần) Thù lao luật sư.

Đề nghị luật sư đưa ra Biểu phí (Bảng giá) cố định cho các dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp: là yêu cầu thường gặp từ khách hàng. Trường hợp này luật sư cần giải thích chi tiết giúp khách hàng hiểu rằng, mỗi một công việc đều có những sự khác biệt, mức độ yêu cầu luật sư đối với vụ việc đó cũng khác nhau, ngay trong cùng một lĩnh vực pháp luật cũng có mức độ phức tạp khác nhau đối với từng vụ việc. 

Ngoài các quy tắc chung (đã nêu trên), Thù lao luật sư trong một vụ việc cụ thể còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như: [1] Thù lao luật sư điển hình trong khu vực địa lý cho các dịch vụ tương tự, [2] Giới hạn thời gian của khách hàng, [3] Thời gian và kỹ năng cần thiết để đại diện cho khách hàng một cách thành thạo... 

Khi thỏa thuận về thù lao với khách hàng, luật sư cần lưu ý để không vi phạm những quy định về những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng (Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam), như: Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng (Quy tắc 9.1); Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư; (Quy tắc 9.2); Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng (Quy tắc 9.4).

2- Hợp đồng dịch vụ pháp lý

Luật sư phải ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý khi nhận vụ việc của khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, Thù lao và những nội dung chính khác mà Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật.

Một thỏa thuận bằng văn bản về Phí dịch vụ pháp lý sẽ ngăn ngừa sự hiểu lầm, bởi khách hàng có cơ hội xem lại những gì luật sư tin là thỏa thuận của họ.

Nếu khách hàng không đồng ý với một điều khoản hoặc không hiểu một điều khoản trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý, họ không nên ký vào thỏa thuận trước khi yêu cầu luật sư làm rõ. Luật sư cũng là con người và có thể phạm sai lầm khi soạn thảo thỏa thuận hoặc có thể sẵn sàng thương lượng về một điều khoản cụ thể để giúp tìm ra phương tiện hài lòng. Hợp đồng bằng văn bản cũng cung cấp bằng chứng nếu có tranh chấp giữa luật sư và khách hàng.

Khách hàng phải luôn dành thời gian để xem xét, hiểu và đặt câu hỏi về thỏa thuận phí luật sư. Luật sư không bao giờ nên gây áp lực buộc khách hàng ký ngay tại chỗ hoặc ký một thỏa thuận mà không xem xét nó. Nếu điều này xảy ra, Khách hàng nên coi đó là dấu hiệu đáng báo động và cân nhắc thuê một luật sư khác.

3- Giải quyết tranh chấp

Tranh chấp có thể phát sinh theo Thỏa thuận thù lao luật sư (được ghi nhận trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý). Khách hàng có thể không đồng ý với số tiền bị tính phí hoặc luật sư có thể tìm cách thu tiền từ khách hàng đã quá hạn thanh toán. Bước đầu tiên để giải quyết những tranh chấp này là thương lượng. Nếu có sự bất đồng, trước tiên khách hàng và luật sư nên tìm cách thảo luận và cố gắng đạt được giải pháp mà cả hai bên đều đồng ý. Thông thường, những bất đồng nhỏ bùng lên chỉ vì cả luật sư và khách hàng đều tránh nói chuyện với nhau vì lo lắng.

Khi các cuộc đàm phán không chính thức không giải quyết được tranh chấp, các tranh chấp pháp lý về Thỏa thuận thù lao luật sư được giải quyết như thế nào tùy thuộc vào nội dung của các điều khoản trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý về thù lao luật sư cũng như pháp luật thực định. Ví dụ: nhiều nước cung cấp Chương trình trọng tài mà khách hàng có thể chọn tham gia. Chương trình trọng tài cung cấp dịch vụ một cách nhanh hơn, chi phí thấp hơn, công bằng để giải quyết tranh chấp giữa khách hàng và luật sư.

4- Thỏa thuận giữ lại

Thỏa thuận giữ lại (tiếng Anh: Retainer Agreements): theo đó khách hàng đồng ý trả trước cho luật sư một khoản tiền, để bảo đảm cho các khoản thanh toán của khách hàng trong tương lai. Đây là thỏa thuận khá phổ biến và phân biệt với Thỏa thuận thù lao cố định được yêu cầu thanh toán trước. Thỏa thuận giữ lại thường áp dụng cùng với thỏa thuận trả thù lao luật sư theo giờ.

Thỏa thuận giữ lại thường được sử dụng trong hai (02) tình huống: [1] khi luật sư dự kiến sẽ dành một khoảng thời gian hợp lý cho một vụ việc và muốn đảm bảo thanh toán; và: [2]  khi khách hàng muốn đảm bảo khả năng liên hệ với luật sư để được tư vấn và cung cấp Dịch vụ pháp lý liên tục.

Phí giữ lại được chuyển vào Tài khoản ủy thác. Khi luật sư cung cấp dịch vụ, nó sẽ được lấy ra và đưa vào Tài khoản điều hành của luật sư. Ví dụ: nếu luật sư thanh toán 1.000.000 đồng/giờ làm việc và dành ra 05 giờ cho một vụ việc, luật sư đó sẽ chuyển 5.000.000 đồng từ Tài khoản ủy thác sang Tài khoản điều hành.

Theo Thỏa thuận giữ lại, luật sư đồng ý cung cấp số giờ nhất định mỗi tháng cho khách hàng. Để đổi lấy việc "khóa" trong những giờ đó, khách hàng ứng trước một khoản phí nhất định. Sau khi công việc hoàn thành, Phí đã ứng trước sẽ áp dụng cho số tiền mà luật sư đã cung cấp dịch vụ.

Trong Thỏa thuận giữ lại có thể có quy định, nếu số tiền trong Tài khoản ủy thác giảm xuống dưới một số tiền nhất định, khách hàng phải bổ sung thêm tiền vào Tài khoản ủy thác. Trường hợp kết thúc cung cấp Dịch vụ pháp lý,  trong Tài khoản ủy thác còn tiền, luật sư phải hoàn trả số tiền đó cho khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

V- BIỂU PHÍ (BẢNG GIÁ) THÙ LAO LUẬT SƯ

Biểu phí tham khảo của Công ty Luật TNHH Everest năm 2023, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), đơn vị: đồng Việt Nam:

[1] Thù lao tính theo thời gian là phương thức tính phí dịch vụ cơ bản của luật sư.  

[2] Các bên có thể thỏa thuận riêng về mức thù lao trọn gói, hoặc theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án. Cần lưu ý, thời gian cung cấp dịch vụ của luật sư vẫn là căn cứ quan trọng để tính mức thù lao trọn gói, thù lao theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án (phân biệt với hợp đồng khoán việc dân sự).

[3] Hệ số áp dụng Luật sư cao cấp, hệ số từ: 2,0; Luật sư cấp trung, hệ số từ: 1,5; Luật sư (tiêu chuẩn), hệ số: 1,0; Luật sư tập sự, hệ số từ: 0,6; Chuyên viên pháp lý, hệ số từ: 0,3. 

[4] Giảm phí dịch vụ pháp lý được Công ty xem xét trong các trường hợp: những vụ việc phổ biến trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai; sử dụng phương thức giao dịch trực tuyến (zoom, zalo, điện thoại, e-mail…), đối với khách hàng thân thiết, sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên, hợp đồng có giá trị lớn.

[5] Công tác phí (nếu không có thỏa thuận khác): Đường bộ, 10.000 đồng/km; Hàng không, đường sắt, đường thủy, căn cứ vào giá vé/hóa đơn thanh toán; Phí lưu trú qua đêm, 1.000.000 đồng/ngày. Các phụ phí khác có thể tính trong trường hợp cụ thể.

Công ty thay đổi mức tính phí theo giờ vào ngày 01/01 hàng năm và thông báo trước cho khách hàng bằng văn bản ít nhất mười (10) ngày trước khi áp dụng. Sự thay đổi (nếu có) sẽ dựa vào mức lạm phát, tình hình kinh tế xã hội và nhu cầu dịch vụ pháp lý. Việc thay đổi được áp dụng thống nhất cho các khách hàng mới và các khách hàng đang sử dụng dịch vụ pháp lý.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest.

VI- CÁC VÍ DỤ TÍNH PHÍ DỊCH VỤ PHÁP LÝ

1- Tính phí dịch vụ theo giờ

Khách hàng tới liên hệ với luật sư đề nghị tư vấn những vấn đề phổ biến, như: dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, doanh nghiệp, lao động, hành chính... Luật sư sau khi tiếp nhận thông tin do khách hàng cung cấp thấy rằng, vấn đề của khách hàng không quá phức tạp, chỉ liên quan tới một quan hệ pháp luật, có ít chủ thể tham gia, có thể xác định được quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể  không quá khó khăn... thì có thể thông báo với khách hàng việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp pháp luật theo giờ.

Ví dụ: khách hàng cần tư vấn thuận tình ly hôn. Việc trao đổi, tìm hiểu thông tin, yêu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra ý kiến, hướng dẫn, tổng thời gian là 60 phút, áp dụng mức phí công bố của công ty luật là: 800.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, luật sư cần lưu ý với khách hàng đây chỉ là ý kiến sơ bộ, dựa trên thông tin, tài liệu do khách hàng cung cấp trong buổi làm việc này. Trường hợp có thông tin, tài liệu bổ sung, đề nghị khách hàng cung cấp, hai bên sẽ thỏa thuận về dịch vụ tiếp theo.

2- Phí dịch vụ tư vấn bằng văn bản

Sau khi luật sư đã đưa ra những ý kiến sơ bộ, khách hàng thấy rằng, cần thiết có ý kiến, hướng dẫn pháp lý thể hiện bằng hình thức văn bản và đề nghị luật sư cung cấp thư tư vấn. Trường hợp này, luật sư yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu có liên quan, từ đó có thể xác định thời gian nghiên cứu tài liệu, căn cứ pháp lý và soạn thảo văn bản tư vấn.

Ví dụ: khách hàng tranh chấp đất đai cung cấp được các tài liệu về thửa đất tranh chấp, nguyên nhân tranh chấp, quá trình giải quyết tranh chấp tại địa phương... Luật sư thấy rằng, cần có thời gian làm việc với khách hàng và cá nhân khác, để nghiên cứu tài liệu, đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó đề xuất các phương án, dự kiến tổng thời gian 05 buổi làm việc, mức phí là: 05 (buổi) x 2.000.000 (đồng) = 10.000.000 đồng.

3- Phí dịch vụ pháp lý tổng hợp

Khách hàng đề xuất với luật sư cung cấp dịch vụ tham gia tố tụng tại tòa án giai đoạn sơ thẩm trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ mà khách hàng là bị đơn. Trường hợp này, luật sư sau khi trao đổi với khách hàng xác định rõ yêu cầu, đề xuất mức phí trọn gói: 50.000.000 đồng, trong đó: [1] Thời gian nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với quy định pháp luật, đưa ra phương án là ước tính là: 10 buổi làm việc, chiếm khoảng 40% quỹ thời gian, phí dịch vụ: 10 (buổi) x 2.000.000 (đồng) = 20.000.000 (đồng); [2] Thời gian làm việc thực tế xác minh, thu thập chứng cứ; làm việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; là 15 buổi làm việc, phí: 15 x 2.000.000 = 30.000.000 đồng. Đồng thời, luật sư phải giải thích cho khách hàng về dịch vụ trọn gói, không phải là hợp đồng khoán việc.

Do đó, cùng với hợp đồng chính, trong trường hợp này, luật sư có thể trao đổi, thỏa thuận bổ sung với khách hàng về: thời hạn của hợp đồng dịch vụ và thời gian làm việc vượt quá. Ví dụ: [1] trường hợp thời gian làm việc thực tế đã đủ 15 buổi làm việc, luật sư và khách hàng thỏa thuận trả phí bổ sung hoặc là luật sư sẽ giới hạn số thời gian làm việc cung cấp dịch vụ. [2] trường hợp vụ án kéo dài quá thời hạn hợp đồng (12 tháng), khách hàng trả bổ sung phí tư vấn để đảm bảo chất lượng của dịch vụ, vì luật sư phải bỏ thêm thời gian để nghiên cứu hồ sơ, phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

4- Phí dịch vụ pháp lý thường xuyên

Khách hàng doanh nghiệp đề xuất với luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý thường xuyên. Vấn đề chính của khách hàng là quản lý và thu hồi nợ; Thời hạn hợp đồng 12 tháng; Ngân sách phù hợp với khách hàng là 20.000.000 đồng/tháng. Luật sư sau khi trao đổi với khách hàng xác định rõ yêu cầu, đề xuất phương án:

Thời gian dự kiến cung cấp dịch vụ của luật sư trong 01 tháng: [800.000 (đồng/giờ) x 15 (giờ) = 12.000.000 (đồng/tháng)] và thời gian cung cấp dịch vụ của trợ lý luật sư trong 01 tháng: [240.000 (đồng/giờ) x 40 (giờ) = 9.600.000 (đồng/tháng)], đồng thời giảm 15% phí do khách hàng sử dụng dịch vụ thường xuyên (12 tháng), Thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10%. Như vậy, giá trị hợp đồng: [12.000.000 (đồng) + 9.600.000 (đồng)] x 85 (%) x  110 (%) = 20.196.000 đồng/tháng

Luật sư và khách hàng có thể thỏa thuận về thời gian làm việc của luật sư vượt quá thời gian dự kiến (ví dụ tối đa 15%) mà khách hàng không phải trả thêm phí.

5- Phí dịch vụ pháp lý theo giá trị dự án 

Khách hàng doanh nghiệp đề xuất với luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý thường xuyên triển khai Dự án nông nghiệp trị giá 20 tỷ đồng. Thời hạn hợp đồng dự kiến 24 tháng; Thù lao luật sư 02% giá trị dự án, là 400.000.000 đồng. Luật sư sau khi trao đổi với khách hàng xác định rõ yêu cầu, đề xuất phương án: Nhóm các luật sư và các trợ lý, phân bổ thời gian dự kiến cung cấp dịch vụ của luật sư: [800.000 (đồng/giờ) x 250 (giờ) = 200.000.000 đồng] và của trợ lý luật sư: [240.000 (đồng/giờ) x 1.000 (giờ) = 240.000.000 đồng], giảm 17% thời gian cung cấp dịch vụ do khách hàng sử dụng dịch vụ thường xuyên (24 tháng), Thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10%. Phí dịch vụ quy đổi sẽ là: [200.000.000 (đồng) + 240.000.000 (đồng)] x 83 (%) x 110 (%) = 401,720.000 đồng.

Luật sư và khách hàng có thể thỏa thuận về thời gian làm việc của luật sư vượt quá thỏa thuận (ví dụ tối đa 20%) mà khách hàng không phải trả thêm phí.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (căn cứ Quy chế thù lao luật sư và chi phí pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest năm 2023).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Hướng dẫn về thù lao luật sư và chi phí pháp lý

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.82735 sec| 1213.602 kb