Kỹ năng của luật sư: tư vấn chuẩn bị hồ sơ vụ kiện tại trọng tài

"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía".

Eleanor Roosevelt, Đệ nhất phu nhân Mỹ (1933 - 1945)

Kỹ năng của luật sư: tư vấn chuẩn bị hồ sơ vụ kiện tại trọng tài

Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định: đơn khởi kiện là tài liệu quan trọng đầu tiên bắt đầu quá trình tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, theo Quy tắc trọng tài của UNCITRAL thì thông báo trọng tài (Notice of Arbitration) mới là văn bản bắt đầu quá trình tố tụng trọng tài. 

Tuy nhiên, khác biệt quan trọng nhất mà luật sư tư vấn cần lưu ý giữa đơn khởi kiện và thông báo hay yêu cầu trọng tài là: tùy theo từng quy tắc trọng tài khác nhau là thời điểm phải tiết lộ cơ sở pháp lý và thực tiễn cũng như chứng cứ cần thiết cho việc khởi kiện. Luật sư còn hỗ trợ khách hàng các vấn đề: bản tự bảo vệ, văn bản phản đối thẩm quyền của hội đồng trọng tài, đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đơn yêu cầu đảm bảo chi phí tố tụng.

Liên hệ

I- LUẬT SƯ TƯ VẤN ĐƠN KHỞI KIỆN TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Theo quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010, đơn khởi kiện là tài liệu quan trọng đầu tiên bắt đầu quá trình tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, điều này lại không đúng đối với các quy trình tố tụng trọng tài theo các quy tắc trọng tài quốc tế khác.

Theo Quy tắc trọng tài của UNCITRAL thì thông báo trọng tài (Notice of Arbitration) mới là văn bản bắt đầu quá trình tố tụng trọng tài. Trọng tài theo Quy tắc trọng tài của ICC thì bắt đầu bởi yêu cầu trọng tài (Request for Arbitration). Mỗi tài liệu kể trên đều có những yêu cầu về hình thức và nội dung cụ thể khác nhau theo các quy tắc trọng tài tương ứng cần phải được tuân thủ khi soạn thảo.

Tuy nhiên, khác biệt quan trọng nhất mà luật sư cần lưu ý giữa đơn khởi kiện và thông báo hay yêu cầu trọng tài tùy theo từng quy tắc trọng tài khác nhau là thời điềm phải tiết lộ cơ sở pháp lý và thực tiễn cũng như chứng cứ cần thiết cho việc khởi kiện. Tố tụng trọng tài Việt Nam gần giống tố tụng trọng tài của ICC ở chỗ đều yêu cầu nguyên đơn phải đưa ra cơ sở cho việc khởi kiện ngay tại giai đoạn đầu của quá trình tố tụng mặc dù trọng tài của ICC không yêu cầu phải cung cấp ngay chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

Trong khi đó, theo Quy tắc trọng tài của UNCITRAL thì đơn khởi kiện chỉ được đưa ra sau khi đã thành lập được Hội đồng trọng tài. Tới thời điểm này thì các cơ sở thực tế và pháp lý cũng như chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện mới cần được cung cấp. Quy tắc trọng tài của Singapore cũng được thiết kế tương tự như Quy tắc trọng tài của UNCITRAL về sự khác biệt giữa thông báo trọng tài và đơn khởi kiện.

Sự khác biệt quan trọng này có ý nghĩa thực tiễn đối với luật sư trong quá trình tố tụng trọng tài ở chỗ nó giúp cho phía nguyên đơn có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn đơn khởi kiện của mình dựa vào những phản hồi từ phía bị đơn đối với thông báo hay yêu cầu trọng tài của mình. Ngoài ra, quá trình thành lập Hội đồng trọng tài cũng phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp khác ảnh hưởng rất lớn đến những nội dung, cơ sở pháp lý và thực tiễn cũng như chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Xem thêm: Vấn đề chung về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

II- LUẬT SƯ TƯ VẤN CHUẨN BỊ BẢN TỰ BẢO VỆ

Tương tự như đối với đơn khởi kiện thì cũng có sự khác biệt quan trọng về thời điểm, nội dung và thể thức của bản tự bảo vệ (Defence) để trả lời đơn khởi kiện với bản trả lời thông báo hay yêu cầu trọng tài.

Ví dụ: Bản trả lời yêu cầu trọng tài (và khiếu nại ngược lại) mẫu (Suggested Model Answer to Request for Arbitration/And Counterclaim) theo Quy tắc trọng tài của ICC bao gồm những nội dung chính sau đây:

Phần I: Giới thiệu chung

- Tên của bị đơn. (Lưu ý nếu đưa ra khiếu nại ngược lại thì bị đơn có thể mong muốn tự định nghĩa mình như là “bị đơn và người đưa ra khiếu nại ngược lại”).

- Trừ khi được thừa nhận rõ ràng dưới đây, bị đơn bác bỏ tất cả các cáo buộc do nguyên đơn đưa ra trong yêu cầu trọng tài. (Trình bày những bảo lưu tiếp theo, ví dụ như bị đơn phản đối thẩm quyền và do đó tham gia vụ kiện trọng tài này và đưa ra đệ trình này không gây tổn hại đến những phản đối về thẩm quyền).

- Tóm tắt 1 hoặc 2 dòng những lập luận trong vụ kiện của bị đơn.

- Thông tin chi tiết của bị đơn; ý kiến của bị đơn về bản chất và những tình huống tranh chấp phát sinh dẫn tới khiếu nại, những chế tài pháp lý mà nguyên đơn yêu cầu; ý kiến của bị đơn liên quan đến việc đề cử trọng tài viên và những ý kiến liên quan đến địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, quy tắc luật áp dụng và ngôn ngữ trọng tài. (Nếu bị đơn phản đối về thẩm quyền và/hoặc đưa ra ý khiếu nại ngược lại thì có phần riêng về phản đối thẩm quyền và bản chất và tình huống khiếu nại ngược lại).

- Tổng số các phụ lục được đánh sổ từ R-1 đến R-? trong đó chữ R thể hiện văn bản được đệ trình bởi bị đơn (Respondent).

Phần II: Tên đầy đủ và địa chỉ của bị đơn

- Tên đầy đủ, loại hình doanh nghiệp, quốc gia nơi thành lập doanh nghiệp hoặc nơi có trụ sở kinh doanh chính của doanh nghiệp, chức năng kinh doanh của bị đơn. Kèm theo là giấy phép đăng ký kinh doanh. Đính kèm báo cáo hàng năm mới nhất của bị đơn hoặc đường link dẫn đến website của doanh nghiệp.

- Chi tiết liên hệ của bị đơn

- Tên đầy đủ, địa chỉ và chi tiết liên hệ (hao gồm điện thoại, fax và email) của luật sư phía bị đơn.

Giấy ủy quyền được ký phát hợp lệ bởi người đại diện có thẩm quyền của bị đơn, thay mặt cho bị đơn ủy quyền cho luật sư được đính kèm tại Phụ lục R-l.

Tất cả thông tin giao dịch trao đổi với bị đơn trong vụ kiện trọng tài này sẽ được gửi trực tiếp cho luật sư của bị đơn.

Phần III: Ý kiến của bị đơn về bản chất vả các tình huống tranh chấp

- Nhấn mạnh một lần nữa bị đơn có hay không bác bỏ tất cả các khiếu nại và cáo buộc đưa ra bởi nguyên đơn trong yêu cầu trọng tài.

- Nếu như bị đơn bác bỏ bất kỳ hay tất cả các khiếu nại và cáo buộc của nguyên đơn thì nên bình luận một cách ngắn gọn đối với mỗi khiếu nại và cáo buộc bị mình bác bỏ và cung cấp những lập luận tóm tắt để ủng hộ cho vụ kiện của mình. Tất cả những văn bản mà bị đơn đề cập đến trong bản trả lời chưa được đính kèm trong các phụ lục của yêu cầu trọng tài nên được đính kèm như là phụ lục của bản trả lời.

Phần IV: Những chế tài pháp tý mà nguyên đơn yêu cầu

- Ghì rõ phúc đáp của bị đơn đối với những chế tài pháp lý mà nguyên đơn đang yêu cầu và những chế tài pháp lý mà bản thân bị đơn yêu cầu. Nếu bị đơn chỉ đơn giản bác bỏ tất cả các khiếu nại của nguyên đơn thì phúc đáp của bị đơn thông thường được diễn đạt như sau:

- Với những lý do đã được trình bày trong bản trả lời này và tiếp tục được phát triển trong những bản đệ trình tiếp theo thì nguyên đơn hoàn toàn không có quyền đối với các chế tài pháp lý nêu trong yêu cầu trọng tài. Cùng các lý do như vậy, bị đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết chung thẩm:

(i) Bác bỏ tất cả cảc khiếu nại đưa ra bởi nguyên đơn. (Lưu ý nếu bị đơn phản đối về thẩm quyền thì việc đầu tiên yêu cầu là tuyên bố Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền đối với các khiếu nại đưa ra bởi nguyên đơn và bác bỏ các khiếu nại đó dựa trên cơ sở không có thẩm quyền cùng với yêu cầu tiếp theo là bác bỏ toàn bộ nội dung khiếu nại).

(ii) Nếu bị đơn đưa ra khiếu nại ngược lại như là một phần của bản trả lời bao gồm cả những chế tài mà bị đơn yêu cầu liên quan đến khiếu nại ngược lại bao gồm trong phạm vi rộng nhất có thể được một chỉ dẫn về bất kỳ khoản tiền nào mà mình khiếu nại ngược lại gồm có cả yêu cầu thanh toán lãi suất và thỉ hành án ngay lập tức giống như mẫu của yêu cầu trọng tài.

(iii) Buộc nguyên đơn hoàn trả cho bị đơn tất cả các chi phí mà bị đơn đã phát sinh trong quá trình tố tụng trọng tài bao gồm nhưng không giới hạn bởi tất cả các khoản phí và chi phí của các trọng tài viên, tổ chức trọng tài, cố vấn pháp lý, các chuyên gia, nhà tư vấn, những người làm chứng và các nhân viên của bị đơn.

(iv) Ban hành các chế tài khác mà Hội đồng trọng tài cho là thích họp.

Phần V: Ý kiến về việc đề cử trọng tài viên

- Ghi rõ ý kiến của bị đơn về sổ lượng trọng tài viên được chỉ định và cách thức đề cử trọng tài viên đó theo đề nghị của nguyên đơn về tất cả những điểm nêu trong yêu cầu trọng tài.

- Nếu thỏa thuận trọng tài và Quy tắc trọng tài cho phép bị đơn đề cử trọng tài viên thì bị đơn chỉ định một trọng tài viên để tổ chức trọng tài phê chuẩn: tên của người được đề cử, địa chỉ liên hệ của người đó (địa chi, số điện thoại, fax, địa chỉ email).

- Nếu thỏa thuận trọng tài và Quy tắc trọng tài không cho phép bị đơn đề cử trọng tài viên thì đưa ra một đoạn thích hợp theo thỏa thuận trọng tài, quy tắc trọng tài và quan điểm của nguyên đơn về những vấn đề này trong yêu cầu trọng tài, ví dụ ghi rõ hoặc đồng ý với nguyên đơn rằng tổ chức trọng tài nên chỉ định một trọng tài viên duy nhất hoặc tất cả các trọng tài viên hoặc đồng ý với ứng viên làm trọng tài viên duy nhất mà nguyên đơn đưa ra hoặc đề xuất một ứng viên làm trọng tài viên duy nhất cho nguyên đơn cân nhắc.

- Bị đơn xác nhận rằng với hiểu biết tốt nhất của mình (tên của người được đề cử hoặc chỉ định làm trọng tài viên) sẵn sàng trở thành trọng tài viên trong vụ kiện trọng tài này và hoàn toàn độc lập với các bên.

Phần VI: Bình luận về địa điểm trọng tài, luật áp dụng và ngôn ngữ trọng tài

- Ghi rõ quan điểm của bị đơn về (a) địa điếm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, (b) luật áp dụng, (c) ngôn ngữ trọng tài cùng với những viện dẫn đến các quy định thích hợp của các thỏa thuận có thể áp dụng.

- Bị đơn bảo lưu quyền sửa đổi, bổ sung các biện hộ (và khiếu nại ngược lại) của mình và cả những chế tài mà bị đơn đang yêu cầu trong quá trình tố tụng trọng tài.

- Theo điều số bao nhiêu của Quy tắc trọng tài thì bản trả lời này và cảc tài liệu đính kèm được đệ trình bằng bao nhiêu bản sao.

Ghi ngày lập bản trả lời

Thay mặt cho bị đơn - ghi tên của bị đơn

Ký bởi luật sư của bị đơn

Tên của luật sư và hãng luật của bị đơn

Các phụ lục đính kèm bản trả lời

R-l mô tả phụ lục bao gồm bản chất của văn bản, ngày, tác giả và người nhận thích hợp.

R-2 tương tự như trên cho tất cả các phụ lục đính kèm.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ TƯ VẤN SOẠN THẢO VĂN BẢN PHẢN ĐỐI THẨM QUYỀN CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI

1- Các nguyên tắc chung của soạn thảo văn bản phản đối thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

Luật sư cần lưu ý về những nguyên tắc sau liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng trọng tài:

[a] Trừ khi các bên thỏa thuận khác, Hội đồng trọng tài có quyền cân nhắc và quyết định về thẩm quyền của riêng mình nhất là khi một bên đưa ra phản đối về thẩm quyền. Tuy nhiên, quyết định của họ không phải là quyết định cuối cùng vì trong một số trường hợp thi quyết định về thẩm quyền này sẽ bị xem xét lại bởi tỏa án quốc gia có thẩm quyền.

[b] Thỏa thuận trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng. Bất kỳ phản đối nào về giá trị pháp lý của hợp đồng thường sẽ không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của thỏa thuận trọng tài.

[c] Sau khi được thành lập, Hội đồng trọng tài không cần phải đưa ra những câu hỏi chi tiết vẫn có thể thỏa mãn rằng các bên đã ký kết một thỏa thuận trọng tài có giá trị pháp lý, Hội đồng trọng tài đã được thành lập hợp lệ và tranh chấp nằm trong phạm vi của thỏa thuận trọng tài.

[d] Hội đồng trọng tài có thể bác bỏ phản đối về thẩm quyền nếu phản đối đó không được đưa ra kịp thời và trong thời hạn quy định.

[đ] Nếu Hội đồng trọng tài quan ngại rằng nội dung tranh chấp không thể được giải quyết bằng trọng tài và không bên nào đưa ra vấn đề này thì Hội đồng trọng tài có thể mời các bên có ý kiến về vấn đề này trước khi cân nhắc và quyết định Hội đồng trọng tài có thẩm quyền hay không.

[e] Nếu Hội đồng trọng tài quan ngại rằng trọng tài được sử dụng như là một phần của hoạt động phạm tội như hoạt động rửa tiền thì Hội đồng trọng tài nên điều tra những quan ngại đó và quyết định Hội đồng trọng tài có thẩm quyền hay không.

[f] Nếu một trong số các bên quyết định không tham gia tố tụng trọng tài thậm chí cả khi không có phản đối về thẩm quyền thì Hội đồng trọng tài nên cân nhắc và quyết định xem Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vần đề liên quan đến bên vắng mặt đó hay không.

2- Những căn cứ để đưa ra phản đối về thẩm quyền điển hình

Luật sư có thể tham khảo những căn cứ sau liên quan đến việc đưa ra các phản đối thẩm quyền trọng tài điển hình:

- Thỏa thuận trọng tài không tồn tại.

- Các bên có tranh chấp không phải là các bên tham gia thỏa thuận trọng tài.

- Thỏa thuận trọng tài có khiếm khuyết.

- Thỏa thuận trọng tài không tuân thủ yêu cầu về hình thức.

- Nội dung của tranh chấp không nằm trong phạm vi của thỏa thuận trọng tài.

- Hội đồng trọng tài không có những quyền hạn cần thiết.

3- Khiếu nại có được chấp nhận là hợp lệ hay không

Sau khi quyết định về phản đối thẩm quyền, Hội đồng trọng tài có thế được yêu cầu quyết định về khả năng có chấp nhận khiếu nại là hợp lệ hay không, vấn đề này bao gồm việc xác định có hay không một điều kiện tiên quyết để đưa tranh chấp ra trọng tài và nếu có thì điều kiện đó đã được thỏa mãn hay chưa, vấn đề này cũng liên quan đến những phản đối về việc đã hết thời hiệu khiếu nại.

4- Thời gian và hình thức của quyết định về thẩm quyền

Hội đồng trọng tài nên giải quyết các phản đối về thẩm quyền theo một thể thức kịp thời và hiệu quả. Khi giải quyết phản đối về thẩm quyền, Hội đồng trọng tài có thể:

[a] Quyết định về thẩm quyền riêng rẽ với nội dung vụ tranh chấp. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài thường tổ chức phiên họp riêng xem xét về thẩm quyền.

[b] Hội đồng trọng tài cũng có thể đồng thời quyết định về phản đối về thẩm quyền và nội dung vụ tranh chấp.

[c] Trong mọi trường hợp thì Hội đồng trọng tài đều nên quyết định về thẩm quyền bằng một quyết định hay phán quyết có nêu rõ lý do và quyết định giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài đều có thể bị khiếu nại ra tòa án quốc gia để xem xét lại.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest 

IV- LUẬT SƯ TƯ VẤN VỀ ĐƠN XIN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

1- Nguyên tắc chung về đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

- Hội đồng trọng tài giải quyết đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kịp thời và nhanh chóng.

- Khi giải quyết đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài phải xác định xem mình có cả thẩm quyền giải quyết tranh chấp và thẩm quyền ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được yêu cầu theo thỏa thuận trọng tài bao gồm cả các quy tắc có thể áp dụng và luật nơi địa điểm giải quyết tranh chấp (lex arbitri).

- Khi thỏa thuận trọng tài bao gồm cả các quy tắc có thể áp dụng và luật nơi địa điểm giải quyết tranh chấp (lex arbitri) có quy định cho phép ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải triệt để tôn trọng các yêu cầu và thời hạn được quy định.

- Mặc dù có những tình huống có thể đưa ra các quyết định sơ bộ vắng mặt một bên nhưng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài phải bào đảm rằng các bên đều có cơ hội công bằng để trình bày ý kiến của mình.

2- Những tiêu chí để ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khi quyết định có ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không thì Hội đồng trọng tài thường xem xét tất cả những tiêu chí sau đây:

- Có thẩm quyền hiên nhiên (prima facie);

- Có vụ kiện về mặt nội dung;

- Có rủi ro sẽ gây tổn hại cho bên yêu cầu không thể được khắc phục bởi một phán quyết bồi thường thiệt hại sau này nếu bác đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu;

- Biện pháp khẩn cấp tạm thời có tính cân xứng với thiệt hại có thể ngăn chặn. Tùy theo bản chất của biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu và những tình huống cụ thể của vụ kiện mà một vài tiêu chí có thể được áp dụng, còn một số thì có thể linh động. Khi đánh giá các tiêu chí, Hội đồng trọng tài nên cẩn thận không phán quyết trước hay quyết định trước nội dung vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu bên xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cung cấp bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại như là điều kiện cho việc ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời.

3- Những giới hạn về quyền ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời

- Hội đồng trọng tài không thể ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu hành động của bên thứ ba.

- Hội đồng trọng tài không có quyền trực tiếp cưỡng chế thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời mà mình ban hành.

- Hội đồng trọng tài không thể đưa ra những hình phạt cho việc không tuân thủ biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ khi được trao một quyền hạn cụ thể để làm như vậy theo thỏa thuận trọng tài bao gồm cả các quy tắc có thể áp dụng và luật nơi địa điểm giải quyết tranh chấp (lex arbitri).

4- Bác đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Bổ sung vào những giới hạn về quyền cùa Hội đồng trọng tài như đã nêu ở trên, Hội đồng trọng tài có thề bác đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong những tình huống sau đây:

- Biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu không có khả năng thực hiện được;

- Biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu không có khả năng ngăn chặn thiệt hại được viện dẫn bởi bên yêu cầu;

- Biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu có giá trị như bồi thường thiệt hại cuối cùng; và/hoăc

- Biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu muộn và không có lý do chính đáng cho sự chậm trễ đó.

Hội đồng trọng tài có thể bác đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu bên bị áp dụng tuyên bố hoặc cam kết một cách có thiện chí là sẽ tiến hành những bước mà việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trở nên không cần thiết.

5- Những biện pháp khẩn cấp tạm thời khác nhau theo thông lệ trọng tài quốc tế

Theo một nguyên tắc chung thì Hội đồng trọng tài có thể ban hành bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà họ cho là cần thiết và thích hợp trong những tình huống của vụ kiện.

Trừ khi có quy định khác trong luật quốc gia và quy tắc trọng tài có thể áp dụng, Hội đồng trọng tài có thể ban hành bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào nằm trong nhưng không bị giới hạn bởi một trong những lọai sau đây: Những biện pháp để bảo quản chứng cứ mà có thể liên quan và quan trọng đến việc giải quyết vụ tranh chấp; những biện pháp để duy trì và phục hồi nguyên trạng (status quo); những biện pháp để cung cấp bảo đảm cho chi phí; những biện pháp để thanh toán tạm thời.

6- Những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật trọng tài thương mại năm 2010

Theo quy định của pháp luật trọng tài Việt Nam thì Hội đồng trọng tài chỉ có quyền áp dụng 06 loại biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể trực tiếp đối với các bên tranh chấp mà không có quyền áp dụng đối với bên thứ ba vì bên đó không phải là bên ký kết thỏa thuận trọng tài. 06 loại biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật trọng tài thương mại năm 2010 được kế thừa một phần từ các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án có quyền áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành một cách thống nhất theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam.

Cũng chính vì vậy nên tương tự như quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về trách nhiệm của tòa án do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì Luật trọng tài thương mại năm 2010 cũng có điều khoản quy định trách nhiệm bồi thường dân sự tương tự của Hội đồng trọng tài tại Khoản 5 Điều 49.

Một điếm quan trọng mà các luật sư cần lưu ý là theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 và Khoản 5 Điều 53 Luật trọng tài thương mại năm 2010, một khi các bên tranh chấp đã yêu cầu Hội đồng trọng tài ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tòa án sẽ không có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngược lại chỉ trừ trường hợp các bên tranh chấp yêu cầu tỏa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Đây là những điểm khác biệt giữa pháp luật trọng tài Việt Nam và các nước khác.

7- Hình thức của các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trừ khi được quy định cụ thể khác trong luật của nước nơi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (lex arbitri) hoặc quy tắc trọng tài áp dụng. Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời dưới hình thức của một quyết định tố tụng có giải thích rõ lý do (procedural order).

Tuy nhiên, tùy theo các tình huống của vụ kiện mà Hội đồng trọng tài có thể cân nhắc là thích hợp để ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời dưới hình thức cùa một phán quyết tạm thời.

Xét tính chất tạm thời của các biện pháp khẩn cấp tạm thời nên nếu có chứng cứ mới dẫn đến những thay đổi đối với những biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được ban hành trước đó thì Hội đồng trọng tài có thể sửa đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

8- Đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vắng mặt một bên

Biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được ban hành theo thủ tục đơn phương, vắng mặt một bên (ex parte) hoặc sau khi nhận được đệ trình của các bên.

Những biện pháp khẩn cấp tạm thời được ban hành theo thủ tục đơn phương, vắng mặt một bên sẽ phải được xem xét lại khi có phiên họp có mặt tất cả các bên tranh chấp.

9- Trọng tài viên khẩn cấp

Nếu thỏa thuận trọng tài của các bên bao gồm quy tắc trọng tài được thỏa thuận cho phép thì đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được xem xét bởi một trọng tài viên khẩn cấp trước khi một Hội đồng trọng tài thông thường được thành lập.

Một khi Hội đồng trọng tài thông thường đã được thành lập thì tất cả các đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bổ sung sẽ phải được xem xét bởi Hội đồng trọng tài đó.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

V- ĐƠN YÊU CẦU BẢO ĐẢM CHI PHÍ TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Nguyên tắc chung: Khi quyết định có ban hành lệnh về việc bảo đảm chi phí hay không, Hội đồng trọng tài sẽ căn cứ vào những vấn đề sau: Những khả năng thành công của các khiếu nại và biện hộ; khả năng của nguyên đơn thỏa mãn phán quyết về chi phí ngược lại và những tài sản của nguyên đơn sẵn có cho việc thi hành một phán quyết về chi phí chống lại họ; liệu có công bằng hay không trong tất cả các tình huống khi yêu cầu một bên phải cung cấp bảo đảm chi phí cho bên kia; danh sách này không phải là cố định và Hội đồng trọng tài nên có những cân nhắc bổ sung khác mà họ cho rằng là thích hợp với các tình huống cụ thể của các bên và tình tiết của vụ kiện trọng tài.

Khả năng thành công đối với các khiếu nại và biện hộ: cần thận trọng không phán xét trước hoặc xác định trước các tình tiết của vụ kiện, Hội đồng trọng tài sẽ cân nhắc trên quan điểm xem xét sơ bộ các tình tiết có liên quan của vụ kiện để xem có cần thiết phải có bảo đảm chi phí hay không.

Khà năng của nguyên đơn thỏa mãn phán quyết về chi phí chống lại mình: Hội đồng trọng tài sẽ cân nhắc có những căn cứ hợp lý để kết luận rằng có một rủi ro nghiêm trọng là bị đơn sẽ không thể thi hành một phán quyết bắt nguyên đơn phải trả chi phí cho mình vì: Nguyên đơn sẽ không có đủ ngân quỹ để chi trả cho chi phí được phán quyết; và/hoặc: Tài sản của nguyên đơn không sẵn có cho việc thi hành phán quyết một cách có hiệu quả.

Nếu Hội đồng trọng tài kết luận rằng vì một hoặc các lý do nêu trên mà có một rủi ro thực sự rằng bị đơn sẽ gặp khó khăn khi thi hành một phán quyết về chi phí thì những yếu tố này sẽ thuận lợi cho việc đưa ra lệnh cung cấp bảo đảm, trừ khi những yếu tố này đã được cân nhắc và chấp nhận như là một phần của rủi ro kinh doanh trong quan hệ giữa các bên. Ngược lại, nếu Hội đồng trọng tài kết luận rằng nguyên đơn có tài sản để đương đơn thực hiện phán quyết về chi phí và bị đơn có thể tiếp cận những tài sản này thì không có lý do hợp pháp gì để ban hành lệnh cung cấp bảo đảm.

Liệu có công bằng không khi yêu cầu phải có bảo đảm: Trước khi ban hành một lệnh yêu cầu một bên phải cung cấp bảo đảm về chi phí, Hội đồng trọng tài sẽ cân nhắc và phải được thỏa mãn rằng, dựa trên tất cả các tình huống có liên quan thì sẽ là công bằng khi ra lệnh cho một bên phải cung cấp bảo đảm về chi phí cho bên kia. Trong bất kỳ trường hợp nào Hội đồng trọng tài cũng phải cân nhắc xem việc phán quyết về bảo đảm có ảnh hưởng tiêu cực đến một khiếu nại hợp pháp và có cơ sở hay không.

Hình thức và nội dung của một lệnh về bảo đảm chi phí: Một quyết định có hay không yêu cầu bảo đảm về chi phí phải được ghi nhận dưới hình thức một quyết định về tố tụng có nêu rõ lý do hay một phán quyết tạm thời, Hội đồng trọng tài phải xác định giá trị của bảo đảm được cung cấp và mời các bên thỏa thuận về hình thức của bảo đảm đáp ứng nhu cầu tốt nhất của các bên; nếu các bên không thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định hình thức của bảo đảm được cung cấp. Bao gồm cả thời hạn mà theo đó bảo đảm sẽ được cung cấp và những hậu quả nếu bên chống lại bảo đảm ngược lại cho quyết định về chi phí đã được ban hành không cung cấp được bảo đảm đó trong thời hạn quy định.

Giải tỏa bảo đảm: Khi lệnh về bảo đảm được đưa ra thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định việc giải tỏa bảo đảm đó trong phán quyết cuối cùng của mình cũng như là những chi phí có liên quan kèm theo đơn như đã được bảo lưu đến phán quyết cuối cùng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: tư vấn chuẩn bị hồ sơ vụ kiện tại trọng tài

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.43029 sec| 1234.344 kb