Đối tượng và phương pháp điều chỉnh pháp luật

21/02/2023
Điều chỉnh pháp luật được hiểu là việc Nhà nước dựa vào pháp luật, sử dụng một loạt các phương tiện pháp lý đặc thù (quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật, quan hệ pháp luật, hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý) để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động đến quan hệ xã hội theo phương hướng nhất định.

I- PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT:

Phương pháp điều chỉnh pháp luật là những cách thức tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội để đạt được mục đích đề ra. Phương pháp điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội (đối tượng điều chỉnh pháp luật) và ý muốn chủ quan của những người trực tiếp ban hành pháp luật thông qua sự nhận thức, ý thức của họ về lợi ích giai cấp, lợi ích xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh rất đa dạng, phong phú, phức tạp với nhiều tính chất và đặc điểm khác nhau, nên các phương pháp tác động của pháp luật cũng rất đa dạng, phong phú.

Phương pháp điều chỉnh pháp luật có những đặc điểm là: Do nhà nước đặt ra; được ghi nhận trong quy phạm pháp luật; được nhà nước bảo đảm thực hiện trên cơ sở có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong những trường họp cần thiết.

Cách thức tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội có thể là: Cấm (không cho phép tiến hành một số hoạt động nhất định: đèn đỏ cấm rẽ phải...); bắt buộc (buộc phải thực hiện một số hoạt động nhất định); cho phép (được phép hoạt động trong một phạm vi nhất định: đèn đỏ được phép rẽ phải...).

Các phưong pháp điều chỉnh pháp luật thường có sự khác biệt ở chỗ chúng xác định: Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật khác nhau; trật tự hình thành quan hệ pháp luật khác nhau; quyền và nghĩa vụ pháp lí của các bên tham gia quan hệ pháp luật khác nhau; và các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó cũng khác nhau.

Trong các ngành luật hiện nay thường sử dụng kết họp nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh cao hơn.

Xem thêm: Khái niệm và vai trò của cơ chế điều chỉnh pháp luật.

II- ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT:

Đối tượng điều chỉnh pháp luật là các quan hệ xã hội nhưng không phải pháp luật điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội cụ thể mà chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản, điển hình liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, xã hội và cá nhân con người.

Đối tượng điều chỉnh của pháp luật còn có thể là những quan hệ xã hội phái sinh, nghĩa là chúng chỉ xuất hiện khi có quy phạm pháp luật, ví dụ: các quan hệ tố tụng, các quan hệ bảo hiểm…

Phạm vi điều chỉnh của pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác.

Khả năng (mức độ) và phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật chịu ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản như :

(i) Tính chất của các quan hệ xã hội;

(ii) Điều kiện về kinh tế, văn hoá, xã hội;

(iii) Ý thức pháp luật của nhân dân, của cán bộ, công chức nhà nước, của những nhà chính trị;

(iv) Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Xác định phạm vi đối tượng điều chỉnh pháp luật là xác định ranh giới của việc sử dụng pháp luật vào việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, xác định ranh giới của sự “can thiệp công khai” của Nhà nước thông qua pháp luật vào sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý luận chung Nhà Nước và Pháp Luật - Đại học luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Đối tượng và phương pháp điều chỉnh pháp luật

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.90644 sec| 937.742 kb