Các nguyên tắc xây dựng pháp luật
Nội dung bài viết
- I- NGUYÊN TẮC TUÂN THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT (NGUYÊN TẮC PHÁP CHẾ)
- II- NGUYÊN TẮC TÔN TRỌNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
- III- NGUYÊN TẮC KHOA HỌC, KỊP THỜI
- IV- NGUYÊN TẮC DÂN CHỦ, CÔNG KHAI TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
- V- NGUYÊN TẮC CHUYÊN NGHIỆP TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
- VI- NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM TÍNH HỆ THỐNG, TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐƯỢC XÂY DỰNG
- VII- NGUYÊN TẮC HÀI HÒA PHÁP LUẬT TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Việc xác định các nguyên tắc xây dựng pháp luật vừa phải xuất phát từ thực tế khách quan, từ đường lối chính trị của đất nước vừa phải xuất phát từ bản chất, vai trò của pháp luật để đảm bảo việc thể hiện đầy đủ ý chí và lợi ích của nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong các quy định pháp luật. Tồn tại khá nhiều các nguyên tắc xây dựng pháp luật liên quan đến cả phương diện kĩ thuật lập pháp và cả phương diện chính trị xã hội của hoạt động này. Mỗi quốc gia chú trọng đến những nguyên tắc khác nhau trong xây dựng pháp luật. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản thường được áp dụng trong xây dựng pháp luật ở các quốc gia hiện đại:
I- NGUYÊN TẮC TUÂN THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT (NGUYÊN TẮC PHÁP CHẾ)
Nguyên tắc tuân theo hiến pháp và pháp luật trong xây dựng pháp luật được thể hiện ở:
Một là, sự tuân thủ đầy đủ của các tổ chức, cá nhân về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục trong xây dựng pháp luật. Để bảo đảm cho các quy định pháp luật được xây dựng có giá trị pháp lí, thì chúng phải được xây dựng đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục về nội dung cũng như hình thức. Điều này có nghĩa là các chủ thể chỉ được tạo lập các nguồn pháp luật phù hợp với thẩm quyền của mình, theo các trình tự, thủ tục luật định, với những hình thức được quy định trong hiến pháp và luật.
Hai là, bảo đảm tính họp hiến, họp pháp và tính thống nhất của các quy phạm pháp luật trong hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là phải tôn trọng tính tối cao của hiến pháp và luật. Điều này đòi hỏi các quy định pháp luật của cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với quy định pháp luật do cơ quan cấp trên ban hành, các quy định dưới luật không được trái với các quy định luật và tất cả mọi quy định pháp luật không được trái với hiến pháp.
Đảm bảo nguyên tắc xây dựng pháp luật phải tuân theo hiến pháp và pháp luật (nguyên tắc pháp chế) trong xây dựng pháp luật sẽ tránh được tình trạng ban hành nguồn pháp luật vượt quá thẩm quyền, tránh được tình trạng “pháp luật tùng địa phương”, “pháp luật riêng của từng vùng, ngành” tránh được sự chồng chéo, sai phạm ở nội dung và hình thức các loại nguồn pháp luật.
II- NGUYÊN TẮC TÔN TRỌNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Pháp luật là hiện tượng có tính khách quan, pháp luật sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phải phản ánh đúng nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tế cuộc sống. C. Mác cho rằng, “... Nhà làm luật phải tự coi mình như một nhà sinh vật học. Họ không làm ra luật, không sáng tạo ra luật mà chỉ thể thức hoả luật. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà làm luật về sự tuỳ tiện nếu như ông ta thay thể bản chất của sự việc bằng nhiều điểm bịa đặt”. Như vậy, nhà làm luật không phát minh ra luật, mà chỉ ghi nhận những quy luật phát triển của xã hội bằng quy phạm pháp luật. Bất luận trong khía cạnh nào, pháp luật cũng là sự nhận thức chủ quan của con người đối với thế giới khách quan, con người nhận thức tồn tại xã hội rồi đưa ra các quy tắc cho hành vi con người. Do vậy, quá trình xây dựng pháp luật phải phản ánh được nhũng yêu cầu khách quan về sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội nhất định. Nội dung của các quy định pháp luật phải phù họp với các quy luật khách quan, bảo đảm phát huy vai trò tích cực của pháp luật đối với đời sống xã hội.
Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quy luật khách quan trong xây dựng pháp luật thì trước khi bắt tay vào xây dựng pháp luật cần nghiên cứu sâu sắc thực tiễn xã hội, các điều kiện kinh tế, chính trị, tư tưởng, tâm lí xã hội; đặc điểm dân cư, nhu cầu của các tầng lóp, các nhóm nghề nghiệp; vấn đề dân tộc và sắc tộc; khả năng thực hiện các quy định pháp luật trên thực tế... thông tin từ việc nghiên cứu này sẽ là cơ sở tốt để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Ngoài ra còn phải nghiên cứu thực tiễn pháp lí trước đó như thực tiễn quản lí, thực tiễn xét xử, hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong xã hội... Tránh hiện tượng: “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất”.
Các dự án luật phải được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, đặc biệt là cần có nhiều phương án để cho các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn. Sau khi đã có phương án điều chỉnh cần phải có sự thẩm định, đánh giá về các mặt kinh tế, xã hội, khoa học... để pháp luật sẽ mang lại hiệu quả cao.
III- NGUYÊN TẮC KHOA HỌC, KỊP THỜI
Nguyên tắc này không chỉ đòi hỏi đối với nội dung của các quy định pháp luật mà còn đòi hỏi đối với cả hình thức thể hiện của chúng, về nội dung các quy định pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở những thành tựu khoa học mới nhất, về hình thức bố cục, cấu trúc, cách thức trình bày các quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật... phải mang tính khoa học. Xây dựng pháp luật trên cơ sở khoa học chính là điều kiện để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả thực tế của các quy phạm pháp luật.
Nguyên tắc khoa học là yêu cầu chung đối với hoạt động xây dựng pháp luật, nó cho phép loại trừ những mâu thuẫn của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định pháp luật. Tính khoa học trong hoạt động xây dựng pháp luật đòi hỏi phải nhận thức quy luật khách quan của xã hội, biết sử dụng những thành tựu của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học pháp lí, biết phân tích dự đoán đúng đắn các số liệu về kinh tế, kĩ thuật... phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Mỗi quy phạm pháp luật cần được sắp xếp lôgíc, họp lí trong hệ thống quy phạm pháp luật. Nội dung các quy định pháp luật phải chính xác, biểu đạt rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tính khoa học còn được biểu hiện ở kế hoạch xây dựng pháp luật chặt chẽ và có tính khả thi, các hình thức thu thập, xử lí thông tin, tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình xây dụng pháp luật bảo đảm tính khách quan, khoa học... Việc ban hành pháp luật phải kịp thời, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Trong dự án luật phải xoá bỏ được những chỗ trống của hệ thống pháp luật thực định, đồng thời hủy bỏ hay thay đổi kịp thời những quy định pháp luật không còn phù họp hoặc những quy định trái với hiến pháp và các luật.
Xem thêm: Xây dựng pháp luật của Việt Nam hiện nay.
IV- NGUYÊN TẮC DÂN CHỦ, CÔNG KHAI TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Nguyên tắc này đòi hỏi hiến pháp, luật phải được ban hành bằng con đường trưng cầu ý dân hoặc bởi cơ quan đại diện do nhân dân bầu ra. Các dự án luật, các đạo luật đã được ban hành cần phải được thông tin đầy đủ, rộng rãi đến nhân dân, nhất là đối với các đối tượng áp dụng của luật.
Việc xây dựng pháp luật có sự tham gia đông đảo của các tầng lóp nhân dân, nhằm làm cho pháp luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nguyên tắc này cho phép phát huy được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật, đồng thời cũng góp phần nâng cao hơn ý thức pháp luật của nhân dân. Sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật sẽ là điều kiện để đảm bảo sự tự giác thực hiện pháp luật nghiêm minh và có hiệu quả sau này. Không chỉ bảo đảm sự công khai còn phải bảo đảm sự minh bạch trong quá trình xây dựng pháp luật. Tất cả các công đoạn, quy trình của quá trình xây dựng pháp luật, các nguyên tắc xây dựng pháp luật đều cần phải được quy định rõ ràng, rành mạch.
Để bảo đảm nguyên tắc này thì nhà nước phải không ngừng mở rộng dân chủ, các cơ quan nhà nước, những chủ thể có thẩm quyền xây dựng pháp luật phải thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đông đảo và phải coi đó là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
V- NGUYÊN TẮC CHUYÊN NGHIỆP TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Nguyên tắc chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật đòi hỏi quá trình chuẩn bị dự thảo các dự án luật phải có sự tham gia của các luật gia, các nhà kinh tế, các nhà xã hội, các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Những chuyên gia nói trên phải là những người có sự hiểu biết sâu sắc nhất về các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... liên quan đến nội dung dự án luật và có khả năng biểu đạt chúng bằng những kĩ thuật pháp lí tiên tiến nhất. Trong quá trình soạn thảo dự án luật cần có sự tham vấn ý kiến nhân dân và các chuyên gia trong và ngoài nước...
VI- NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM TÍNH HỆ THỐNG, TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐƯỢC XÂY DỰNG
Các quy định pháp luật hay nguồn pháp luật được xây dựng cần phải thật chặt chẽ, hoàn chỉnh, song đồng thời phải phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, nghĩa là, cùng với các quy định, các nguồn pháp luật khác chúng phải luôn tạo thành hệ thống, không mâu thuẫn, không trái nhau và không để lại những chỗ trống trong hệ thống pháp luật của đất nước.
Khi xây dựng pháp luật luôn phải chú ý để làm sao các quy định pháp luật phải có khả năng thực hiện được trên thực tế. Sự phù hợp với các điều kiện thực tế (về vật chất, kĩ thuật, tổ chức, văn hoá...) bảo đảm cho quy định pháp luật có thể thi hành được trên thực tế. Nếu quy định pháp luật không phù hợp với thực tế thì nó sẽ khó được thi hành trong thực tế hoặc được thi hành nhưng hiệu quả sẽ không cao.
VII- NGUYÊN TẮC HÀI HÒA PHÁP LUẬT TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Toàn cầu hoá là xu thế khách quan, tất yếu trong sự phát triển hiện nay, nó lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, nó làm cho các quốc gia có sự liên kết chặt chẽ và tuỳ thuộc vào nhau nhiều hơn. Sự phân công và họp tác kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã dẫn đến tinh trạng hội nhập và thay đổi của các lĩnh vực đời sống xã hội khác nhau, trong đó có sự hội nhập và thay đổi của pháp luật mỗi nước. Do vậy, đòi hỏi các quy định pháp luật được xây dựng phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà quốc gia đã kí kết hoặc tham gia, với pháp luật của các quốc gia có quan hệ họp tác và làm ăn với quốc gia mình. Các quy định pháp luật quốc gia ban hành không được làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên.
Ngoài các nguyên tắc trên còn có các nguyên tắc như nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của đảng cầm quyền; nguyên tắc bảo đảm sự hài hoà về lợi ích giữa các lực lượng xã hội...
Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm