Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính

03/03/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các hành vi vi phạm này không những bị xã hội lên án, bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm mà trong trường hợp nhất định nó còn có thể cấu thành tội phạm cụ thể và người có hành vi vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

1- Những vấn đề chung về quản lý hành chính nhà nước

Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, có nội dung là đảm bảo sự chấp hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tổ chức, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, hành chính - chính trị. Nói cách khác, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước.

Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật để hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thực hiện hiệu quả. Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các hành vi vi phạm này không những bị xã hội lên án, bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm mà trong trường hợp nhất định nó còn có thể cấu thành tội phạm cụ thể và người có hành vi vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính được quy định tại Chương XXII với 22 điều luật về các tội danh khác nhau. So với Bộ luật hình sự năm 1999, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã bãi bỏ một tội danh và bổ sung thêm hai tội danh mới, đồng thời tách điều luật quy định về nhiều hành vi phạm tội quy định thành hai tội danh tại hai điều luật khác nhau Bên cạnh đó, có nhiều điều luật khác được sửa đổi, bổ sung (về tội danh, dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng...) nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm này.

Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại cho hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước, qua đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

1.1- Các yếu tố của tội phạm về quản lý hành chính nhà nước

- Khách thể của tội phạm:

Khách thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là trật tự quản lý hành chính nhà nước. Hành vi phạm tội xâm phạm, gây thiệt hại cho hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, qua đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Theo đó, đối tượng tác động của tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là các bộ phận cấu thành của hoạt động quản lý hành chính, có thể là những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý hành chính; các quyết định, mệnh lệnh hành chính; các đối tượng vật chất cụ thể như con dấu, tài liệu, giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức hoặc chính bản thân người thi hành công vụ.

- Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của phần lớn các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là chủ thể bình thường. Một số tội phạm có chủ thể là chủ thể đặc biệt.

- Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính rất đa dạng, chúng có thể là hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực cụ thể của hoạt động quản lý nhà nước như quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý nhà ở, quản lý hoạt động xuất bản, quản lý các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh; hành vi không thực hiện các nghĩa vụ trong các quyết định hành chính; hành vi chống người thi hành công vụ; hành vi làm lộ bí mật nhà nước hoặc hành vi làm giả, chiếm đoạt con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

- Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của chủ thể ở phần lớn các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là lỗi cố ý.

1.2- Hình phạt đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước

Các hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính bao gồm: Cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền và tù có thời hạn. Mức cao nhất của hình phạt được quy định là hình phạt tù 20 năm.

Ngoài hình phạt chính, các hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là phạt tiền, cấm cư trú, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Một số tội phạm cụ thể

2.1- Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

(i) Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội chống người thi hành công vụ được quy định là hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Để thực hiện được một trong hai hành vi này, chủ thể có thể sử dụng một hoặc các thủ đoạn đã được quy định trong điều luật. Cụ thể là:

+ Thủ đoạn dùng vũ lực: Dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung như đánh, trói... để ngăn cản, cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc làm cho người thi hành công vụ sợ hãi, bị khuất phục mà buộc phải thực hiện hành vi trái pháp luật.

Ở đây cần chú ý, dấu hiệu dùng vũ lực không đòi hỏi người phạm tội phải gây thương tích hoặc làm tổn hại đáng kể sức khoẻ của người thi hành công vụ. Trường hợp dùng vũ lực dẫn đến hậu quả người thi hành công vụ bị chết, bị thương tích hoặc tổn hại đáng kể đến sức khỏe thì tùy trường hợp, hành vi còn cấu thành tội giết người (Điều 123) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự) với dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “giết người đang thi hành công vụ” hoặc “đối với người thi hành công vụ”.

+ Thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực: Thủ đoạn có tính uy hiếp tinh thần, có thể làm cho người thi hành công vụ sợ hãi không dám thực hiện công vụ được giao hoặc phải thực hiện hành vi trái pháp luật. Người phạm tội có thể đe dọa dùng vũ lực dưới các hình thức khác nhau như dọa giết, dọa gây thương tích...

Việc đe dọa dùng vũ lực có thể sử dụng công cụ, phương tiện khác nhau như súng, dao, côn gỗ...

+ Thủ đoạn khác: Những thử đoạn (ngoài hai thủ đoạn nêu trên) giúp cho người phạm tội có thể thực hiện hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật như lăng nhục, bôi nhọ danh dự, vu khống... như hắt mắm tôm vào cán bộ thi hành án.

Điều luật chỉ đòi hỏi người phạm tội thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật mà không đòi hỏi phải cản trở được việc thi hành công vụ hoặc đã ép buộc được người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

(ii) Dấu hiệu nạn nhân của tội phạm:

Nạn nhân của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Đó là “... người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tính chất cản trở, ép buộc của hành vi mà mình thực hiện cũng như biết đối tượng mà mình cản trở, cưỡng ép là người thi hành công vụ.

- Hình phạt đối với  tội chống người thi hành công vụ:

Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng cần chú ý một số dấu hiệu sau:

(i) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội: Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể có lời nói, cử chỉ kích động hoặc qua hứa hẹn để mua chuộc, lôi kéo hoặc đe dọa, uy hiếp người khác chống người thi hành công vụ.

(ii) Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên: Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể đã gây thiệt hại về tài sản cho người khác. Lỗi ở đây là lỗi vô ý. Trường hợp chủ thể có lỗi cố ý thì hành vi cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật hình sự).

2.2- Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hành vi này có thể là:

- Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thu thập, phát tán thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật xâm phạm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Thông tin, tài liệu có thể được người phạm tội đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thông tin truyền miệng, tờ rơi, truyền đơn, thông báo, bản tin, bài báo... có nội - xuyên tạc, sai sự thật qua đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vận động người dân bỏ tôn giáo này theo tôn giáo khác; bài xích gây hiềm khích, mâu thuẫn giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau, giữa các tôn giáo với các tổ chức hoặc Nhà nước; vận động thành lập các tổ chức tôn giáo trái phép gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội qua đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Hành vi lợi dụng quyền tự do hội họp, lập hội vận động thành lập các tổ chức, đoàn, hội trái phép, tiến hành các hoạt động trái pháp luật, trái thuần phong mĩ tục gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, qua đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ khác như kêu gọi, kích động, mua chuộc người dân khiếu kiện tập thể, biểu tình trái phép gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội qua đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tính chất xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của hành vi mà mình thực hiện.

- Hình phạt đối với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cảnh cáo, hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như đã gây tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự nghiêm trọng tại địa phương do đã lôi kéo được hàng trăm người tham gia biểu tình trái phép.

2.3- Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm được quy định là người có nghĩa vụ quân sự. Theo pháp luật hiện hành, họ phải là công dân nam từ 17 đến hết 45 tuổi.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự được quy định có thể là một trong các hành vi sau:

(i) Hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng kí nghĩa vụ quân sự;

(ii) Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; hoặc

(iii) Hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Hành vi không chấp hành đúng quy định pháp luật về đăng kí nghĩa vụ quân sự: Đây là nghĩa vụ được quy định tại các điều 15, 16 và 17 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015. Theo các quy định này, tháng tư hàng năm theo lệnh của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng kí nghĩa vụ quân sự phải trực tiếp đăng kí nghĩa vụ quân sự tại ban chỉ huy quân sự cấp xã hoặc ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở. Khi thay đổi nơi cư trú, tạm vắng... công dân đã đăng kí nghĩa vụ quân sự phải đến cơ quan đã đăng kí nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng kí nghĩa vụ quân sự hoặc đăng kí nghĩa vụ quân sự tạm vắng.

Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ: Đây là hành vi không có mặt đúng thời gian và địa điểm tập trung được ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Trong đó, lệnh gọi nhập ngũ do chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân (có đủ tiêu chuẩn) nhập ngũ theo quyết định của chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp và được đưa ra trước 15 ngày.

Hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị): Đây là hành vi không có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Hành vi khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự là không hành động. Do vậy, điều luật đòi hỏi chủ thể không chỉ có nghĩa vụ quân sự mà còn phải có điều kiện thực hiện nghĩa vụ đó.

- Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm

Theo quy định của điều luật, hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ bị coi là hành vi khách quan của tội phạm khi chủ thể đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết mình có nghĩa vụ quân sự và có điều kiện thực hiện nghĩa vụ đó nhưng đã không thực hiện.

- Hình phạt đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự:

Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc là hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, được áp dụng cho các trường hợp phạm tội sau:

- Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình: Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể có hành vi tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình như tự chặt ngón tay, tự làm mù mắt, điếc tai... để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Phạm tội trong thời chiến: Đây là trường hợp phạm tội mà hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự xảy ra trong thời gian đất nước có chiến tranh.

- Lôi kéo người khác phạm tội: Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể còn lôi kéo người khác phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2.4- Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ (Điều 333 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là quân nhân dự bị. Theo pháp luật hiện hành, họ chỉ có thể là công dân nam chưa quá 45 tuổi hoặc công dân nữ chưa quá 40 tuổi.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ được quy định là hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong các trường hợp:

- Có lệnh tổng động viên;

- Có lệnh động viên cục bộ;

- Có chiến tranh; hoặc

- Có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, việc gọi nhập ngũ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lệnh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ theo quyết định của chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp. Công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.

Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi không có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết mình có lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ nhưng không thực hiện.

- Hình phạt:

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cảnh cáo, hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định gần tương tự như ở tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

2.5- Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 334 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là người có chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự như chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc người có chức vụ quyền hạn khác liên quan đến việc đăng kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về đăng kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện. Cụ thể, hành vi này có thể là:

- Làm trái quy định về tổ chức việc đăng kí nghĩa vụ như không lập danh sách hoặc có hành vi gian lận trong việc lập danh sách đăng kí nghĩa vụ quân sự, đăng kí phục vụ trong ngạch dự bị...

- Làm trái quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc tổ chức khám sức khỏe, tuyển chọn, xét hoãn, miễn gọi nhập ngũ, lập danh sách và ra lệnh gọi nhập ngũ.

- Làm trái quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc lập danh sách, ra lệnh gọi tập trung huấn luyện (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị).

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi của mình là không đúng với quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

- Hình phạt:

Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội trong thời chiến. Đây là trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trong thời gian đất nước có chiến tranh. Do vậy, hành vi phạm tội trong hoàn cảnh đặc biệt này có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp bình thường.

- Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) cho tội này là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2.6- Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 335 Bộ luật hình sự).

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định là hành vi cản trở việc đăng kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện. Cụ thể, hành vi này có thể là:

- Cản trở việc đăng kí nghĩa vụ quân sự như không hợp tác, gây khó khăn hoặc đe dọa, uy hiếp người có trách nhiệm tổ chức việc đăng kí nghĩa vụ quân sự; cản trở người thân hoặc người khác đăng kí nghĩa vụ quân sự hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai, xuất trình các giấy tờ liên quan đến việc đăng kí nghĩa vụ quân sự của người thân...

- Cản trở việc gọi nhập ngũ như không hợp tác, gây khó khăn hoặc đe dọa, uy hiếp người có trách nhiệm trong việc gọi thanh niên nhập ngũ; có hành vi cản trở người thân hoặc người khác nhập ngũ hoặc có hành vi gian lận trong việc khám sức khoẻ gọi nhập ngũ của người thân...

- Cản trở việc gọi tập trung huấn luyện (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị) như không hợp tác, gây khó khăn hoặc đe dọa, uy hiếp người có trách nhiệm trong việc gọi tập trung huấn luyện; có hành vi cản trở người thân hoặc người khác thực hiện lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tính chất “cản trở” của hành vi mà mình thực hiện.

- Hình phạt:

Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội sau:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thực hiện hành vi cản trở việc kí nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện của cơ quan hoặc người có trách nhiệm.

- Phạm tội trong thời chiến: Đây là trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trong thời gian đất nước có chiến tranh. Do vậy, hành vi phạm tội trong hoàn cảnh đặc biệt này có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp bình thường.

2.7- Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch như công chức tư pháp - hộ tịch, Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã; công chức phòng tư pháp, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện...

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật được quy định là hành vi đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật. Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm này có thể là:

- Đăng ký hộ tịch trái pháp luật: Đây là hành vi của người có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân về khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con… trái quy định của pháp luật (thêm, bớt, thay đổi các thông tin khi xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch).

- Cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật: Đây là hành vi của người có thẩm quyền cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật như giấy khai sinh, đăng kí kết hôn, trích lục đăng kí giám hộ, đăng ký nhận cha, mẹ, con... (không có căn cứ, không đúng đối tượng...).

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi của mình là không đúng với quy định của pháp luật.

- Hình phạt:

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội sau:

- Đăng kí, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội đăng kí hoặc cấp giấy tờ về hộ tịch (bao gồm một hoặc nhiều loại giấy tờ khác nhau) trái pháp luật cho ít nhất 02 người.

-  Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng kí trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật: Đây là trường họp các giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng kí trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật. Vỉ dụ: Xác nhận, cấp giấy chứng tử (đối với người còn sống) đã được sử dụng để lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội nhận tiền theo chế độ...

Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.8- Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337 Bộ luật hình sự)

- Dấu hiệu pháp lý:

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của hai tội danh được quy định tại điều luật có thể là:

- Hành vi làm lộ bí mật nhà nước;

- Hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.

Như vậy, điều luật quy định 4 loại hành vi khách quan khác nhau nhưng cùng đối tượng là bí mật nhà nước và bí mật này có thể được thể hiện là vật hoặc tài liệu. Theo quy định tại Điều 2 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, bí mật nhà nước được hiểu là: “thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc". Điều 2 Luật bảo vệ bí mật nhà nước còn quy định: “hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác”, Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin và mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm: tuyệt mật, tối mật và mật. Theo đó, thông tin có nội dung quan trọng thuộc mức độ tuyệt mật là thông tin có độ mật cao nhất. Danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành trên cơ sở (dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước) của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước là người đứng đầu các bộ, ngành, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội... và văn bản thẩm định của Bộ công an hoặc dự thảo do Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Bộ trưởng Bộ công an trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Hành vi làm lộ bí mật nhà nước là hành vi để người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước qua đọc được, nghe được, sao chép được...

Hành vi chiếm đoạt vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp vật (chứa bí mật nhà nước) hoặc tài liệu bí mật nhà nước đang do người khác quản lý thành của mình bằng các thủ đoạn tương tự như thủ đoạn của các tội chiếm đoạt tài sản như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn uy hiếp tinh thần, thủ đoạn gian dối hoặc lén lút...

Điều luật quy định đối tượng của hành vi chiếm đoạt là vật (chứa bí mật nhà nước) hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt cũng có thể chỉ là chiếm đoạt nội dung thông tin bí mật nhà nước như lén lút sao chép, sao chụp tài liệu tài liệu bí mật nhà nước...

Hành vi mua bán vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc các phương tiện thanh toán khác như vàng... để trao đổi vật (chứa bí mật nhà nước) hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Việc mua bán cũng có thể chỉ là mua bán nội dung thông tin thuộc bí mật nhà nước.

Hành vi tiêu huỷ vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (trái pháp luật) là hành vi (của người không có thẩm quyền hoặc không thuộc trường hợp được luật cho phép) làm cho vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước không còn giá trị sử dụng bằng các cách thức, thủ đoạn khác nhau như đập phá, đốt, nghiền nát...

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết được đối tượng của hành vi là bí mật nhà nước khi làm lộ, mua bán, chiếm đoạt, tiêu huỷ. Họ mong muốn hoặc chấp nhận việc người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước hoặc bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật (chứa bí mật nhà nước) hoặc tài liệu bí mật nhà nước.

Ngoài các dấu hiệu được quy định trên, điều luật còn quy định dấu hiệu “... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này...”. Tuy nhiên, dấu hiệu này là không cần thiết vì tội được quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự khác tội phạm này ở dấu hiệu mục đích phạm tội.

- Hình phạt:

Điều luật quy định 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, được áp dụng cho các trường hợp phạm tội sau:

- Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật: Đây là trường hợp đối tượng của hành vi phạm tội là bí mật nhà nước được xác định là tối mật. Hiện nay, danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Đây là trường hợp người

phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng vị thế này như là phương tiện để có thể thực hiện hoặc dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.

- Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, vần hoả: Đây là trường hợp phạm tội mà việc bí mật nhà nước bị làm lộ, bị mua bán, bị chiếm đoạt, bị tiêu huỷ đã gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hoá.

Khung hình phạt tăng nặng thứ hai được quy định là hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm, được áp dụng cho các trường hợp phạm tội sau:

- Có tổ chức: Đây là trường hợp đồng phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ vật (chứa bí mật nhà nước) hoặc tài liệu bí mật nhà nước mà trong đó có sự câu kết chặt chẽ giữa những người đồng phạm.

- Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật: Đây là trường hợp đối tượng của hành vi phạm tội là bí mật nhà nước được xác định là tuyệt mật. Hiện nay, danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

- Phạm tội 02 lần trở lên: Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể đã thực hiện tội này ít nhất 02 lần hành vi phạm tội được quy định tại điều luật, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ: Đây là trường hợp phạm tội mà việc bí mật nhà nước bị làm lộ, mua bán, chiếm đoạt, tiêu huỷ đã gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết. 

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org. vn.

0 bình luận, đánh giá về Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.80744 sec| 1162.18 kb