Chế độ pháp lý về tài sản của hợp tác xã

23/02/2023
Mỗi doanh nghiệp đều phải có một nguồn vốn nhất định để phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Tùy theo quy mô, loại hình doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp sẽ có một khoản vốn khác nhau. Hợp tác xã khi đi vào hoạt động cũng cần có một nguồn vốn và tài sản nhất định. Tài sản của hợp tác xã được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và được sử dụng theo đúng quy định của điều lệ, quy chế của hợp tác xã đó và các quy định của pháp luật có liên quan.

Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế. Muốn tiến hành sản xuất, kinh doanh, cung ứng các dịch vụ, muốn hoạt động ổn định và tăng trưởng, phát triển, hợp tác xã cần có tư liệu sản xuất, tài sản và một số vốn nhất định, vốn và tài sản của hợp tác xã được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là: vốn góp của thành viên; vốn huy động của thành viên và vốn huy động khác; vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của hợp tác xã; khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước và khoản được tặng, cho khác.

Việc quản lý, sử dụng tài sản của hợp tác xã được thực hiện theo quy định của điều lệ, quy chế quản lý tài chính của hợp tác xã, nghị quyết của đại hội thành viên và các quy định của pháp luật có liên quan.

1- Tài sản góp vốn và chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Nguồn vốn đầu tiên và quan trọng nhất mà hợp tác xã có được là do người lao động, các hộ gia đình và các pháp nhân khác đóng góp khi họ gia nhập hợp tác xã. Việc đóng góp vốn và tài sản vào hợp tác xã để tạo tiền đề vật chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tập thể là nghĩa vụ hàng đầu của các thành viên, là yếu tố đầu tiên có vai trò xác định tư cách thành viên hợp tác xã. Việc đóng góp tài sản và vốn để sản xuất, kinh doanh theo phương thức tập thể trong hợp tác xã thể hiện sự phân biệt giữa tư cách thành viên hợp tác xã với tư cách thành viên trong các tổ chức xã hội hay các tổ chức từ thiện khác, phân biệt với chế độ thành viên trong các hợp tác xã kiểu cũ... nơi mà các cá nhân có thể trở thành thành viên của các tổ chức này, được hưởng các quyền lợi, nhưng không phải đóng góp vốn và tài sản.

Nguồn vốn góp của các thành viên hợp tác xã là khoản tiền hoặc tài sản do người lao động, các hộ gia đình hoặc các pháp nhân khác đóng góp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tập thể, khi họ gia nhập hợp tác xã. Các thành viên có thể góp vốn bằng tiền, vàng, tư liệu sản xuất, đất đai, nhà cửa, kho tàng, phương tiện vận tải... Họ có thể đóng góp một lần hay nhiều lần theo quy định trong điều lệ của hợp tác xã.

Mỗi thành viên có nghĩa vụ đóng góp ít nhất là một cổ phần và nhiều nhất là không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã. Pháp luật quy định như vậy để khẳng định rằng mặc dù hợp tác 'xã là một tổ chức có tính xã hội và nhân văn sâu sắc, nhưng trước hết và về lâu dài, nó là một tổ chức kinh tế. Người lao động, các hộ gia đình, các pháp nhân khác gia nhập hợp tác xã không phải chỉ để hưởng những lợi ích vật chất, tinh thần và phúc lợi xã hội do hợp tác xã đem lại. Họ gia nhập hợp tác xã trước hết là để tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tập thể, để có việc làm và thu nhập, để sử dụng các dịch vụ tạo ra thu nhập, lợi nhuận cho hợp tác xã.

Đóng góp vốn và tài sản là nghĩa vụ cần thiết và quan trọng hàng đầu của các thành viên hợp tác xã. Nhưng bản chất của hợp tác xã. là một tổ chức kinh tế tập thể, là một đơn vị sản xuất, kinh doanh của nhiều người, cho nên, nếu một thành viên đóng góp tài sản và vốn với một tỉ lệ quá lớn trong vốn điều lệ của hợp tác xã (ví dụ từ trên 20% đến gần 100% vốn điều lệ), thì khi họ ra khỏi hợp tác xã, họ sẽ mang theo phần lớn hoặc hầu hết số vốn điều lệ của hợp tác xã; hợp tác xã sẽ mất nguồn tài sản và vốn cần thiết để tiếp tục tồn tại và phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên khác.

Vốn góp là tiền đồng Việt Nam, các loại tài sản khác được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam bao gồm ngoại tệ, hiện vật, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các loại giấy tờ có giá tại thời điểm góp vốn.

Giá trị vốn góp bằng các loại tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thỏa thuận giữa hợp tác xã với thành viên hoặc thông J qua tổ chức thẩm định.

Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

Thời hạn, hình thức và mức thành viên góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ hợp tác xã, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 6 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày người lao động, hộ gia đình hay pháp nhân được kết nạp làm thành viên hợp tác xã.

Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp gồm có nội dung theo quy định của Luật hợp tác xã.

Những khoản vốn do các thành viên đóng góp bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ... được hợp tác xã dùng để mua sắm tư liệu sản xuất, xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh... hoặc làm vốn lưu động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tập thể. Các tài sản có được thông qua việc mua sắm này thuộc quyền sở hữu tập thể của hợp tác xã.

Đối với những tài sản do các thành viên đóng góp cần phải đăng ký quyền sở hữu (ví dụ, nhà cửa, kho tàng, đất đai, phương tiện vận tải...), khi các thành viên đóng góp vào hợp tác xã, họ phải làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển quyền sở hữu tài sản này (quyền sở hữu cá nhân, quyền sở hữu tư nhân, quyền sở hữu chung, quyền sở hữu tập thể...) thành quyền sở hữu tập thể của hợp tác xã. Việc chuyển quyền sở hữu này không phải đóng phí chuyển nhượng.

2- Tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tùy thuộc yêu cầu của từng thời điểm, hợp tác xã có thể quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ của hợp tác xã. vốn điều lệ của hợp tác xã sẽ được tăng lên trong trường hợp đại hội thành viên quyết định tăng mức vốn góp tối thiểu hoặc huy động thêm vốn góp của thành viên hoặc kết nạp thành viên mới.

Vốn điều lệ của hợp tác xã sẽ giảm đi khi hợp tác xã trả lại vốn góp cho các thành viên.

Trường họp vốn điều lệ giảm mà có thành viên có vốn góp vượt quá mức vốn góp tối đa (quá 20% vốn điều lệ) theo quy định tại Luật hợp tác xã thì hợp tác xã phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa theo quy định của Luật hợp tác xã hoặc huy động thêm vốn của thành viên khác hoặc kết nạp thành viên mới để bảo đảm về tỉ lệ vốn góp tối đa theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.

Đối với hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định mà Nhà nước đã quy định đối với ngành, nghề đó.

3- Chuyển nhượng, trả lại vốn góp

Việc người lao động, các hộ gia đình và các pháp nhân khác gia nhập hợp tác xã là hoàn toàn tự nguyện. Khi đã là thành viên hợp tác xã, họ được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng, và phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Một trong những quyền chính đáng của các thành viên là họ có quyền chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp cho các thành viên khác, cho những người thừa kế hoặc người không phải là thành viên hợp tác xã. Luật hợp tác xã có những quy định khá cụ thể và rõ ràng về việc chuyển nhượng và trả lại vốn góp cho các thành viên. Các quy định đó là:

hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên vượt quá mức vốn tối đa (vượt quá 20% vốn điều lệ) được quy định tại của Luật hợp tác xã.

Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế của họ (nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã, tự nguyện tham gia hợp tác xã) thì trở thành thành viên của hợp tác xã và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu người thừa kế của thành viên không tham . gia hợp tác xã, thì họ được hưởng thừa kế khoản vốn và tài sản mà thành viên trước đó đã đóng góp vào hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Toà án tuyên bố mất tích, việc hợp tác xã trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp thành viên là cá nhân bị Toà án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được hợp tác xã trả lại thành viên thông qua người giám hộ của thành viên đó.

Đối với trường hợp thành viên là pháp nhân bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì khoản vốn góp của thành viên được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

Đối với trường hợp người thừa kế của thành viên hợp tác xã tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

4- Tài sản không chia của hợp tác xã

Tài sản không chia là một bộ phận tài sản đặc biệt của hợp tác xã. Nó không được chia cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã hoặc khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động. Tài sản không chia của hợp tác xã bao gồm: (i) Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuể đất; (ii) Khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản được các cá nhân và tổ chức trong nước và ngoài nước tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; (iii) Phần trích lại từ quỹ đầu tư phát triển hằng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia; (iv) Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.

Tài sản không chia cũng là một dấu hiệu để phân biệt hợp tác xã với các loại mô hình doanh nghiệp khác, nơi mà vốn và tài sản còn lại của các doanh nghiệp sẽ được chia hết cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp, cổ phần của họ góp vào vốn điều lệ của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi các khoản chi cần thiết theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Pháp luật về hợp tác xã quy định việc xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi hợp tác xã bị giải thể, phá sản như sau:

(i) Phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước thì chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã;

(ii) Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã; khoản được tặng, cho theo thoả thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã thì đại hội thành viên quyết định phương án xử lý thích hợp;

(iii) Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn;

(iv) Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.

Trường hợp giải thể, phá sản mà vốn, tài sản của hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ thì hợp tác xã được sử dụng tài sản không chia để thanh toán các khoản nợ theo thứ tự: (i) Khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; (ii) Phần trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia; (iii) vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Chế độ pháp lý về tài sản của hợp tác xã

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.68354 sec| 990.094 kb