Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

17/02/2023
Tạ Thị Thu Hoà
Tạ Thị Thu Hoà
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định có hai loại chế độ tài sản của vợ chồng: chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (từ Điều 47 đến Điều 50 và Điều 59) và chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định (từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64)

 

1- Các nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng

Do Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định có hai loại chế độ tài sản của vợ chồng, vì vậy, Luật cũng quy định về nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng (từ Điều 29 đến Điều 32). Các quy định từ Điều 29 đến Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn (khoản 2 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Về nguyên tắc chung áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng:

- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập;

- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

" Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường ".

Dựa trên các quy định của nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, các điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định và cụ thể hóa nguyên tắc chung trong những trường hợp cụ thể sau:

- Vợ chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (khoản 1 Điều 30);

- Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên (khoản 2 Điều 30);

- Việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thoả thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng (Điều 31);

- Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó (khoản 1 Điều 32);

- Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình (khoản 2 Điều 32).

2- Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

(Từ Điều 47 đến Điều 50 và Điều 59 trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Khác với các Luật Hôn nhân và gia đình trước đây của Nhà nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (pháp luật của nhiều nước và hệ thống pháp luật ở nước ta dưới chế độ cũ gọi là hôn ước), theo đó, Luật cho phép trước khi kết hôn, hai bên nam nữ (sau này là vợ chồng) có quyền thỏa thuận xác lập chế độ tài sản nhằm chi phối toàn bộ quyền sở hữu tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được lập bằng văn bản và được công chứng, chứng thực trước khi kết hôn và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn (Điều 47). Thực chất, văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là một giao dịch dân sự (hợp đồng), vì vậy nó phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Chủ thể có năng lực pháp luật dấn sự, năng lực hành vỉ dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  2. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vỉ phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Như vậy, về nguyên tắc, văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được thực hiện (xác lập) từ trước khi kết hôn, tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự cả về nội dung và hình thức. Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chỉ phát sinh hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn và được thực hiện trong suốt thời kỳ hôn nhân (khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng trước pháp luật, tính từ khi kết hôn cho đến khi hôn nhân chấm dứt). Vì vậy, việc quy định ‘‘chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn ” theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là chưa chính xác, cần phải được sửa đổi theo hướng quy định: “chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Luật đã quy định tương đối cụ thể về vấn đề thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng; những nội dung cơ bản của thoả thuận; việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thoả thuận và thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu. Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì thoả thuận này phải được lập từ trước khi kết hôn và bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng (khoản 1 Điều 48), gồm:

- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

- Nội dung khác có liên quan.

Trong thời kỳ hôn nhân, khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cùng với các quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định (khoản 2 Điều 48). Nghĩa là, nếu có nội dung chưa thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không rõ ràng thì phải áp dụng các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng và các quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.

Như vậy, tương thích với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, khi ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định về hình thức, nội dung của sự thoả thuận; quy định thời điểm xác lập và thời điểm có hiệu lực của văn bản thoả thuận đó. Cụ thể hóa các quy định này, Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 cua Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình (Nghị định số 126/2014/NĐ-CP) đã dự liệu trong trường hợp lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận thì vợ chồng có thể thoả thuận về việc xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a. Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b. Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng cỏ được trước khỉ kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c. Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời lả hôn nhân đêu thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d. Xác định theo thoả thuận khác của vợ chồng

Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP cũng quy định thoả thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thoả thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, qua nghiên cứu, theo Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP khi quy định nội dung văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng mới chỉ đưa ra được các nguyên tắc chung của văn bản thoả thuận mà chưa có dự liệu cụ thể nhằm bảo đảm thuận lợi trong thực tiễn áp dụng. Ngoài ra, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP chưa thực sự phù hợp với truyền thống và thực tiễn của đời sống xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, nếu chỉ có tài sản riêng mà không có tài sản chung của vợ chồng thì liệu có phù hợp với cuộc sống chung của vợ chồng cả về tình cảm, tinh thần và vật chất hay không? Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định buộc vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ cùng sống chung với nhau, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc có lí do chính đáng khác. Mặc dù trong trường hợp này, tuỳ theo năng lực, khả năng kinh tế của mỗi bên mà vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tiền, tài sản cho đời sống chung của gia đình, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con.

Xét về bản chất pháp lí, hình thức, thủ tục thực hiện thì văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thực chất là giao dịch dân sự, do vậy nó phải đáp ứng, tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đối với trường hợp văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực thì thoả thuận đó bị coi là vô hiệu khi có yêu cầu (điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; các điều từ Điều 122 đến Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015). Ví dụ, văn bản thoả thuận được ký kết do một bên bị ép buộc, lừa dối không bảo đảm ý chí tự nguyện của các bên.

- Văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị coi là vô hiệu nếu nội dung của văn bản vi phạm một trong các nguyên tắc chung áp dụng chể độ tài sản của vợ chồng theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 (điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Hồn nhân và gia đình năm 2014). Ví dụ, nội dung văn bản thoả thuận không bảo đảm quyền, nghĩa vụ bình đẳng của vợ chồng trong việc xác lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như: chỉ có người chồng mới có quyền định đoạt những tài sản chung có giá trị lớn hoặc tài sản chung là bất động sản. Ngoài ra, văn bản thoả thuận này cũng bị coi là vô hiệu nếu nội dung của văn bản thoả thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình (điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

- Việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Theo đó, vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thoả thuận về chế độ tài sản; hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thoả thuận về chế độ tài sản theo thoả thuận của vợ chồng được áp dụng quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều 17 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP cũng quy định: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thoả thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thoả thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân, nếu trong văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có nội dung chưa rõ ràng hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng và gia đình thi vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thoả thuận đó. Phạm vi của việc sửa đổi, bổ sung rất rộng. Theo đó, vợ chồng có quyền sửa đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung của văn bản thỏa thuận, thậm chí còn có quyền thay thế (áp dụng) bằng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Quy định như vậy là “quá mở” và làm mất đi tính ổn định của chế độ tài sản của vợ chồng. Bởi lẽ, tại bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng đều có quyền sửa đổi, bổ sung một phần hay toàn bộ hoặc thậm chí thay thế cả chế độ tài sản của vợ chồng từ chế độ tài sản theo thoả thuận sang chế độ tài sản theo luật định. Dẩn đến việc khó có thể bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng. Bởi lẽ, loại chế độ tài sản này không phù hợp với truyền thống của gia đình Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi lần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chế độ tài sản của vợ chồng thì vợ chồng có nghĩa vụ phải thông báo, cung cấp cho những người khác (người thứ ba) có liên quan biết về những thông tin liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chế độ tài sản của vợ chồng. Pháp luật của một số quốc gia thường quy định phải trải qua một thời gian nhất định kể từ sau khi kết hôn (thường là hai năm), nếu xét thấy có nội dung trong văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng và gia đình thì vợ chồng mới có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thoả thuận đó.

- Về hình thức và thủ tục xác lập văn bản thoả thuận chế độ tài sản của vợ chồng: Văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thực chất là một giao dịch, vì vậy, văn bản đó phải được hai bên vợ chồng thoả thuận (bằng văn bản) trước khi kết hôn và được công chứng hoặc chứng thực. Các quy định này phù hợp với thực tiễn pháp luật và quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước ta hiện nay. Vấn đề đặt ra là cần thiết phải có các quy định mẫu về văn bản thoả thuận chế độ tài sản của vợ chồng để bảo đảm tính thống nhất về hình thức và thủ tục công nhận loại chế độ tài sản này.

- Về nghĩa vụ của vợ chồng phải cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận trong giao dịch với người thứ ba: Xét về lí thuyết cũng như thực tiễn, chế độ tài sản của vợ chồng (nói chung) luôn ảnh hưởng, liên quan đến quyền lợi của những người khác (người thứ ba) khi ký kết các giao dịch liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng. Vì vậy, pháp luật của nhiều quốc gia thường quy định khi kết hôn, vợ chồng có nghĩa vụ phải công bố, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nơi vợ chồng cư trú về việc vợ chồng lựa chọn loại chế độ tài sản nào (chế độ tài sản theo thoả thuận hay theo luật định). Theo quy định của pháp luật, khi ký kết các giao dịch liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng thì người thứ ba buộc phải biết về loại chế độ tài sản của vợ chồng đã lựa chọn để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP lại quy định: “Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được ảp dụng thì khỉ xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho ngườỉ thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vỉ phạm nghĩa vụ này thì ngườỉ thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Như vậy, quy định tại Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP là chưa đầy đủ và chưa hợp lí. Bởi lẽ, theo quy định này thì cứ mỗi lần giao kết liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng, dù giá trị của tài sản không lớn và nhằm mục đích bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình (ăn, mặc, học hành, khám bệnh, chữa bệnh...), vợ chồng đều phải thông báo, cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng cho bên giao kết biết. Điều này sẽ gây ra nhiều phiền hà và không thể thực hiện được chức năng điều chỉnh của pháp luật liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng. Vì vậy, để bảo đảm quyền, nghĩa vụ bình đẳng và quyền lợi của các bên trong việc xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng, quy định này cần được sửa đổi theo hướng:

+ Một là, chỉ những giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng có giá trị lớn hoặc tài sản chung là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất...) hoặc tài sản riêng của vợ, chồng là nhà ở và là nơi ở duy nhất hay hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của vợ, chồng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì vợ chồng mới phải có nghĩa vụ thông báo, cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng cho người thứ ba.

+ Hai là, pháp luật cần quy định theo hướng buộc người thứ ba phải biết về chế độ tài sản của vợ chồng khi ký kết các giao dịch liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.

- Về hậu quả của việc sửa đổi, bổ sung nội dung hoặc thay thế chế độ tài sản của vợ chồng; hiệu lực của văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và hiệu lực của việc sửa đổi, bổ sung nội dung hoặc thay thế chế độ tài sản của vợ chồng: Theo Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, thoả thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lí, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Quy định này tương đối phù hợp, bảo đảm quyền lợi của vợ chồng và những người khác có liên quan, cũng như giúp ổn định các giao lưu dân sự về chế độ tài sản của vợ chồng, vấn đề đặt ra là hiệu lực của văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được hiểu và áp dụng như thế nào? Nói cách khác, văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực khi nào? Đây là vấn đề quan trọng, vì chỉ khi xác định được thời điểm có hiệu lực của văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì mới làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản của vợ chồng và quyền, nghĩa vụ của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng, từ đó có cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp. Theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Phải chăng quy định này đã đồng nhất với việc văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng cũng có hiệu lực kể từ thời điểm chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập? Như vậy, cần quy định vấn đề này như sau: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập và có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, cần phân biệt thời điểm có hiệu lực của văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (kể từ ngày đăng ký kết hôn) với thời điểm có hiệu lực của thoả thuận sửa đổi, bổ sung nội dung chế độ tài sản của vợ chồng theo Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP (kể từ ngày thoả thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công chứng hoặc chứng thực).

Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta. Loại chế độ tài sản này được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 dự liệu phù hợp với sự phát triển về kinh tế - xã hội ở Việt Nam, bảo đảm tôn trọng quyền tự định đoạt và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của vợ chồng. Nội dung chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận có sự tương thích với pháp luật các quốc gia trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Tuy vậy, loại chế độ tài sản này không phù hợp với truyền thống, văn hóa của gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, mặc dù chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận đã được các nhà làm luật dự liệu từ trước Cách mạng tháng Tám (năm 1945) và ở miền Nam trước ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) nhưng trên thực tế có rất ít các cặp vợ chồng lựa chọn loại chế độ tài sản này. Theo các chuyên gia Pháp, hàng năm tại Cộng hòa Pháp chỉ có khoảng 15% cặp vợ chồng trong tổng số các cặp kết hôn lựa chọn loại chế độ tài sản này, mặc dù loại chế độ tài sản này đã được ghi nhận và thực hiện từ khi ban hành Bộ luật Dân sự Pháp (1804).

- Về kĩ thuật lập pháp, xét về cơ cấu, theo pháp luật các quốc gia trên thế giới, khi dự liệu về các loại chế độ tài sản của vợ chồng, nhà làm luật thường đưa chế độ tài sản theo thoả thuận (hôn ước) lên trước chế độ tài sản theo luật định. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại đặt chế độ tài sản theo luật định lên trước chế độ tài sản theo thoả thuận. Quy định và sắp xếp như vậy là chưa thực sự hợp lí và logic. Nhìn chung, nội dung các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận đã đáp ứng được việc điều chỉnh của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng và bảo đảm sự ổn định trong giao lưu dân sự. Tuy nhiên, các quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP vẫn mang tính chất định khung, chưa cụ thể, vì vậy cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. 

 

0 bình luận, đánh giá về Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.28265 sec| 1030.398 kb