Công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

03/03/2023
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Mặc dù đã có một số quy định ở tầm khu vực nhằm tăng tính thi hành của bản án của tòa án nước ngoài, tuy nhiên những quy định tương tự đã không thành công trên bình diện toàn cầu. Bản án của tòa án nước ngoài thường vẫn phải trải qua một quy trình phức tạp để được xem xét thi hành, và đôi khi bị vướng mắc bởi những cái bẫy pháp luật.

1- Cách tiếp cận chung về công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài

Trong tranh chấp, các bên có thể lựa chọn việc giải quyết thông qua cơ quan tài pháp là Tòa án của một quốc gia. Sau khi giải quyết tranh chấp, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để có thể thi hành được phán quyết của trọng tài nước ngoài? Trường hợp cần cố gắng thi hành bản án của tòa án tại khu vực thuộc quyền tài phán nước ngoài, thì điều này thậm chí còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều, bởi vì quan điểm chủ đạo là bản án của tòa án nước ngoài không có hiệu lực pháp lý ở nước khác. 

Nguyên tắc cơ bản nhất của việc công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài, là: về nguyên tắc, bản án/quyết định của tòa án nước ngoài không có hiệu lực trên lãnh thổ nước khác.  Nếu bên thắng kiện muốn sử dụng bản án/quyết định này để yêu cầu bên thua kiện thi hành, thì phải tuân theo một thủ tục pháp lý chính thức tại tòa án nước sở tại để công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật trên lãnh thổ nước sở tại. Một thủ tục chính thức về công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài sẽ kéo theo việc tòa án nước sở tại phải xem xét một số vấn đề tố tụng khác.

Ví dụ: quyền tài phán của tòa án nước ngoài; hiệu lực chung thẩm của bản án/quyết định của tòa án nước ngoài; việc tuân thủ các nguyên tắc của công lý và nguyên tắc tuân thủ đúng các thủ tục (‘due process’); không có mâu thuẫn giữa bản án/quyết định của tòa án nước ngoài và điều khoản bảo lưu trật tự công cộng của nước sở tại. Việc xem xét các vấn đề này không bao hàm việc xem xét lại các lý lẽ và lập luận nêu trong bản án/quyết định, vì tranh chấp đã được giải quyết tại tòa án nước ngoài.

Mỗi nước, trên cơ sở chủ quyền của mình, sẽ đơn phương xác định liệu tòa án nước mình có sử dụng hay không và sử dụng như thế nào bản án/quyết định của tòa án nước ngoài? Thông thường, các nước chỉ công nhận hiệu lực pháp luật của bản án/quyết định của tòa án nước ngoài, nếu việc công nhận này là vì lợi ích tốt nhất của nước đó. Trường hợp của Trung Quốc là một ví dụ thú vị. Pháp luật Trung Quốc chính thức cho phép khả năng công nhận các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài rất hiếm khi được tòa án của Trung Quốc công nhận. 

Về vấn đề này có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất dựa trên lý thuyết ‘trò chơi’ trong luật quốc tế.  Mỗi một nước đều có mong muốn là các bản án/quyết định của tòa án nước mình được càng nhiều nước công nhận càng tốt, vì việc được công nhận rộng rãi sẽ khuyến khích các bên tranh chấp lựa chọn nước đó để giải quyết tranh chấp và bảo đảm rằng bản án/quyết định mà tòa án nước đó tuyên là có ý nghĩa và có hiệu lực thực thi trên thực tế. 

Đối với hệ thống pháp luật quốc tế, việc kí kết một điều ước đa phương về công nhận các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài sẽ là một giải pháp lý tưởng. Sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này sẽ giúp làm giảm thiểu các chi phí giải quyết tranh chấp tại tòa án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là không có nước nào tỏ ra sốt sắng trong việc công nhận các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài.  Việc các nước không nhiệt tình trong việc công nhận các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài được giải thích là để bảo vệ các bị đơn của nước sở tại, khuyến khích việc chuyển giao tài sản và vốn vào nước mình, tạo điều kiện để nhiều tranh chấp được giải quyết tại tòa án nước mình và tăng thu nhập cho các nhóm lợi ích có ảnh hưởng. Là một chủ thể có chủ quyền, không nước nào có thể bị bắt buộc phải công nhận bản án/quyết định của tòa án nước khác.

Giả thuyết thứ hai lập luận rằng các nước ít nhất cũng nên công nhận một số bản án/quyết định của tòa án nước ngoài, bởi vì điều này có lợi cho chính họ thông qua việc tiết kiệm chi phí và khuyến khích các nước khác có ứng xử tương tự. Việc công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu chi phí tranh tụng cho các bên và giúp giảm thiểu tình trạng quá tải về số lượng các vụ kiện mà tòa án sở tại phải giải quyết. Giả thuyết phù hợp nhất là: việc công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài sẽ là một quá trình tố tụng đỡ tốn kém hơn việc bắt đầu một vụ kiện thứ hai. Hiệu lực của việc công nhận tại các nước khác là quan trọng nhưng chỉ đứng hàng thứ hai. Công nhận là một chiến lược bao trùm và hữu ích như các chiến lược giải quyết tranh chấp khác, thậm chí có thể hữu ích hơn các chiến lược khác, tuỳ thuộc vào việc các đối tác sẽ ứng xử như thế nào. Như vậy, ngay cả khi một nước khác không hợp tác, việc tòa án nước này công nhận một vài bản án/quyết định của tòa án nước khác cũng là một điều tốt.

Không có giả thuyết nào chiếm ưu thế cho đến hiện nay. Các bằng chứng thực tế đều ủng hộ cả hai giả thuyết nêu trên.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

2- Công nhận và thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài theo điều ước quốc tế

Việc theo đuổi các điều ước về công nhận và thi hành các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài được một số nước cho là có kết quả. Tuy nhiên, có rất ít các điều ước như vậy được thực hiện. Ví dụ, Hoa Kỳ không kí kết bất kì điều ước nào như vậy, và nhiều nỗ lực để kí kết các thỏa thuận như vậy với Hoa Kỳ đã không thành công. Chỉ có rất ít nước tham gia vào rất ít những điều ước như vậy.  Cũng chỉ có rất ít các điều ước đa phương về công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài. Đó là hai công ước của EU; Công ước liên Mỹ về quyền tài phán ở phạm vi quốc tế đối với hiệu lực trị ngoại lãnh thổ của bản án/quyết định của tòa án nước ngoài; và ba công ước về thu hồi tiền trợ cấp nuôi con ở nước ngoài. Nỗ lực được nói đến gần đây của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nhằm thông qua một công ước đa phương về công nhận lẫn nhau đối với các bản án/quyết định cũng đã thất bại.  Tuy nhiên, cũng cần thiết phải đề cập đến một số nội dung của Công ước này để hiểu được những nỗ lực quốc tế trong vấn đề này.

2.1- Công ước La Hay về thỏa thuận chọn tòa án

Công ước này được coi là đối tác về giải quyết tranh chấp thông qua tòa án với Công ước Niu Y-oóc,  được ban hành vào ngày 30/6/2005. Hội nghị đã công bố báo cáo giải thích về Công ước này vào tháng 9/2007.  Sẽ không bao giờ có thể đạt được một hiệp định đa phương tòan cầu, do có sự khác biệt về luật nội dung và luật tố tụng và văn hoá pháp lý giữa các nước. Khác với trọng tài thương mại, tòa án được coi như là sự thể hiện chủ quyền quốc gia và các chính phủ rất khó có thể thoả hiệp, ngay cả khi các chính phủ có nhu cầu hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2.2- Công ước Brúc-xen và Công ước Lu-ga-nô

Hiện nay, có hai loại thủ tục về công nhận và thi hành bản án/quyết định của tòa án nước ngoài, tùy thuộc vào việc bản án/quyết định được tuyên ở nước nào. Nếu bản án/quyết định được tuyên bởi tòa án một nước thành viên EC/EFTA về dân sự hoặc thương mại, khi đó vấn đề này ở Anh sẽ hoàn tòan do Luật về quyền tài phán và bản án dân sự năm 1982 và năm 1991 điều chỉnh (‘CJJA’). Tuy nhiên, nếu phán quyết được tuyên ở nước không phải thành viên EC/EFTA, thì các quy định truyền thống sẽ được áp dụng.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn, khi có đến ba loại quy định truyền thống điều chỉnh vấn đề này. Loại quy định thứ nhất điều chỉnh việc công nhận bản án/quyết định của tòa án các nước thành viên Khối thịnh vượng chung (‘Commonwealth’) trên cơ sở áp dụng Luật về quản lý tư pháp 1920 (The Administration of Justice Act 1920) (viết tắt là Luật AJA 1920). Loại quy định thứ hai áp dụng đối với bản án/quyết định của tòa án các nước có thỏa thuận áp dụng nguyên tắc có đi có lại với nước Anh trên cơ sở Luật về bản án của tòa án nước ngoài (thi hành có đi có lại) 1933 (Foreign Judgments (Reciprocal Enforcement) Act 1933) (viết tắt là Luật FJA 1933). Và loại thủ tục thứ ba là các quy định common law áp dụng đối với bản án của tòa án các nước còn lại.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

3- Việc công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài trong Common law của nước Anh

Trong lịch sử common law, các bản án/quyết định của tòa án nước ngoài đã từng được công nhận và thi hành bởi các tòa án ở Anh từ thế kỉ XVII. Việc này được bắt đầu trên cơ sở ‘xã giao’ (‘comity’). Tuy nhiên, học thuyết này đã được thay thế bằng ‘học thuyết về nghĩa vụ’ được phát triển trong án lệ Schibsby v. Westenholz. 

Các điều kiện cần đáp ứng để một bản án/quyết định của tòa án nước ngoài có thể được công nhận và thi hành: Trong common law, nếu bên thắng kiện muốn thi hành bản án/quyết định của tòa án nước ngoài ở Anh, thì cần phải tiến hành một thủ tục pháp lý mới dựa trên nghĩa vụ mà bên thua kiện phải thực hiện theo bản án của tòa án nước ngoài. Một giải pháp thay thế là bên thắng kiện có thể biện hộ trong bất kỳ vụ kiện nào về vấn đề tương tự dựa trên cơ sở bản án của tòa án nước ngoài là ‘res judicata’ (‘vụ việc đã được giải quyết xong tại tòa án’).

Nếu một đơn kiện lần đầu được đệ trình tại tòa án Anh, thì bên nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án thực hiện thủ tục xét xử rút gọn theo quy tắc tố tụng dân sự, chừng nào mà bị đơn không đưa ra các lập luận biện hộ, như đã được xác định trong án lệ Grant v. Easton, với điều kiện là đơn kiện nộp tại tòa án Anh đã tuân thủ các quy định về quyền tài phán, và thủ tục tống đạt lệnh hầu tòa đã được thực hiện với bị đơn ở nước ngoài.

Điều kiện quan trọng nhất để một bản án của tòa án nước ngoài được công nhận và thi hành ở Anh, cho dù là theo common law hay theo Luật AJA 1920 và Luật FJA 1933 - đó là: ‘tòa án nước ngoài đã tuyên bản án đó phải có quyền tài phán theo nghĩa quốc tế để giải quyết vụ kiện đó. Nói cách khác, tòa án Anh sẽ không công nhận hiệu lực của bản án của tòa án nước ngoài, nếu tòa án nước ngoài không có quyền tài phán phù hợp với quy phạm xung đột theo luật của Anh’

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết  Công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.34125 sec| 993.898 kb