Đặc điểm tâm lý của người làm chứng tại phiên tòa

25/03/2023
Đặc điểm tâm lý của người làm chứng vẫn tiếp tục được hình thành trong suốt thời gian từ sau khi lấy lời khai ở giai đoạn điều tra sơ bộ đến khi thẩm vấn tại phiên toà. Ảnh hưởng của giao tiếp có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Trước khi tiến hành xét xử, trong thời gian chờ đợi mở phiên toà, những người làm chứng đã có cơ hội để tiếp xúc với nhau, họ trao đổi ý kiến với nhau về những tình tiết sẽ được xem xét tại phiên toà. Điều đó dẫn đến sự thay đổi nhất định trong lời khai của người làm chứng về mô hình vụ án đã xảy ra. Sự thay đổi trong lời khai của người làm chứng có thể là do ảnh hưởng của dư luận xã hội về vụ án trước khi mở phiên toà...

Để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực trong giao tiếp, Toà án cần áp dụng những biện pháp thích hợp nhằm hạn chế cơ hội trao đổi ý kiến giữa những người làm chứng, Toà án cần suy nghĩ tỉ mỉ, kĩ lưỡng cách diễn đạt các câu hỏi cho người làm chứng nhằm phát hiện mức độ ảnh hưởng của người làm chứng khác đến lời khai của họ. Sự thay đổi thái độ của người làm chứng với bất kì người nào trong số những người có liên quan đến vụ án đã xảy ra có thể ảnh hưởng đến lời khai của họ tại phiên toà, do đó làm thay đổi lời khai của họ. Sự thay đổi lời khai có thể do ảnh hưởng trực tiếp của những người có liên quan đến vụ án, do hoạt động tư duy của người làm chứng, do xác định được những chứng cứ mới về bị cáo, do thay đổi thái độ đối với bị cáo và do đó ảnh hưởng đến sự đánh giá hành vi phạm tội của họ. Ngoài ra, sau khi kết thúc điều tra, người làm chứng luôn tiếp tục hồi tưởng lại các tình tiết của vụ án mà điều tra viên đã hỏi họ. Do đó trong lời khai của họ tại phiên toà có thể xuất hiện những chứng cứ chưa được nói đến trong giai đoạn điều tra. Cuối cùng, cũng có thể có trường hợp ở giai đoạn điều tra, do bị ức chế, họ không thể nhớ hết mọi tình tiết, còn tại phiên toà sau khi quá trình ức chế tắt dần, họ hồi tưởng lại điều mà họ chưa nói ở giai đoạn điều tra. Vì vậy Toà án không nên có thái độ thành kiến với người làm chứng chỉ vì nguyên nhân họ thay đổi lời khai trước đây. Sự thay đổi có cả trong các giai đoạn hình thành lời khai của người làm chứng. Trong khi nhớ lại lời khai tại phiên toà, người làm chứng không chỉ nhớ lại cái họ đã tiếp nhận được và đã nhớ được ngay từ lúc đầu mà còn nhớ lại những gì họ đã khai với điều tra viên. Cần lưu ý rằng thiết lập sự tiếp xúc tâm lý là giai đoạn rất quan trọng nếu người làm chứng lúng túng, nếu bầu không khí phiên toà ảnh hưởng tiêu cực đển họ và với sự có mặt của đông đảo những người tham gia và dự phiên toà.

Các giai đoạn hình thành lời khai của người làm chứng: lời khai của người làm chứng tại phiên toà thay đổi bởi những yếu tố sau:

- Lời khai được nhớ lại một lần nữa. Theo quy tắc chung, những người làm chứng bị hỏi ở giai đoạn điều tra đều quên đi ít nhiều những chứng cứ nhất định. Song những chứng cứ mà họ đã cung cấp ở giai đoạn điều tra đảm bảo cho họ nhở tốt hơn khi phải làm chứng tại phiên toà, vì nó gây ấn tượng sâu sắc, rõ ràng, nó được hồi tưởng lại ở giai đoạn điều tra, nó gây ra sắc thái xúc cảm nhất định, thái độ nhất định đối với chứng cứ, đối với sự giữ gìn nó trong trí nhớ. Đồng thời, tại phiên toà còn phát sinh những điều kiện kích thích khả năng hồi tưởng. Đó là tất cả những người liên quan đến vụ án đều gặp nhau tại phiên toà, do đó lời nói, hành động của những người này dễ làm sống lại trong trí nhớ người làm chứng những tình tiết nhất định của vụ án đã xảy ra. sắc thái xúc cảm, thái độ tâm lý (ví dụ như giữa người bị hại và bị cáo) cũng tạo điều kiện cho quá trình hồi tưởng. Từ nguyên nhân trên, lời khai của người làm chứng tại phiên toà có thể bị thay đổi.

 

- Lời khai được người làm chứng nhớ lại có sự lựa chọn, thay đổi khối lượng thông tin. Những thông tin mà người làm chứng cung cấp cho Toà án thường có sự thay đổi nhất định so với thông tin trong tài liệu điều tra. Từ đó có thể dự đoán rằng người làm chứng có thể không cung cấp cho Toà những chứng cứ mà họ cho là không hay, không cần thiết. Người làm chứng thường chỉ nhớ lại những thông tin đã được ghi trong biên bản lấy lời khai của họ. Thông tin mà người làm chứng cung cấp được đưa đến Toà án có thể chưa rõ ràng, vì vậy, người làm chứng biết được tại phiên toà, Toà án và những người tham gia xét xử sẽ hỏi mình cái gì, do đó họ suy nghĩ trước cách trả lời, cách trình bày của mình và cả cách xử sự của mình trước toà. Điều đó một mặt giúp cho họ nhớ lại dễ dàng hơn những chứng cứ tại phiên toà, nhưng mặt khác họ có thể có biểu hiện phô trương, khoe mẽ trước toà. Trong bầu không khí của phiên toà, đôi khi người làm chứng không thể tập hợp lại những gì đã chứng kiến một cách rõ ràng trong tư duy và không thể nhớ lại chúng. Tính công khai luôn gò bó, kìm hãm những người còn chưa quen phát biểu trước toà. Khi đã quen, người làm chứng trả lời các câu hỏi đầy đủ hơn và thoải mái hơn, giải quyết nhanh chóng hơn nhiệm vụ đặt ra cho mình. Do phải trình bày công khai tại phiên toà nên đôi khi người làm chứng chuẩn bị kĩ hơn, cẩn thận hơn cách trình bày của mình so với trong giai đoạn điều tra và cũng do đó màu sắc xúc cảm trong lời phát biểu của họ cũng giảm đi.

Khả năng giải quyết nhiệm vụ tư duy của người làm chứng được quan sát trong khi xét xử. Bầu không khí mới lạ, khối lượng thông tin lớn mới nhận được, hoàn cảnh giao tiếp tâm lý đặc biệt theo thường lệ sẽ kích thích người làm chứng khả năng giải quyết nhiệm vụ. Bầu không khí này trong phòng xử án cũng có thể làm cản trở quá trình diễn đạt các chứng cứ của họ. Trong bầu không khí và điều kiện của Toà án, Toà án và những người tham gia xét xử phải thận trọng hơn khi đặt câu hỏi cho người làm chứng, người bị hại, bị cáo. Vì họ có thể chưa hiểu ngay câu hỏi đặt ra nên có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn để giải quyết nhiệm vụ tư duy, trả lời câu hỏi đặt ra. Chính vì vậy, Toà án cần cân nhắc đặc điểm nói trên khi đặt ra nhiệm vụ tư duy, đặt ra câu hỏi cho người làm chứng tại phiên toà. Không nên hỏi người làm chứng rằng họ có xác nhận hay không lời khai trước đây của họ. Cách diễn đạt câu hỏi như thế lúc bắt đầu thẩm vấn ngay lập tức sẽ làm hạn chế cơ bản những thông tin mà người làm chứng muốn cung cấp cho Toà án. Lúc đầu thẩm vấn, Toà án cần phải hỏi: “Anh (chị) biết gì về vụ án?”. Trong trường hợp cung cấp lời khai tại phiên toà, người làm chứng sẽ xuất phát từ việc hồi tưởng lại những sự kiện và chứng cứ có quan hệ với họ. Trong trường hợp nêu ra câu hỏi để họ xác nhận lời khai trước đây thì trước hết họ sẽ nhớ lại quá trình lấy lời khai (ví dụ nhớ lại biên bản ghi lời khai của họ) và điều đó có thể làm hạn chế khối lượng thông tin cần thiết mà họ có thể kể lại cho Toà án. Sự do dự ngập ngừng của người bị hại, người làm chứng khi trả lời các câu hỏi đặt ra không phải trong mọi trường hợp đều biểu lộ sự sợ hãi hay sự chuẩn bị cung cấp lời khai không đúng sự thật. Những phản ứng do dự, ngập ngừng khi trả lời câu hỏi chủ yếu thường thấy rõ trong thẩm vấn chéo, nhiều thực nghiệm đã chỉ ra rằng trong thẩm vấn chéo, người làm chứng càng thận trọng hơn nhiều và từ đó dẫn đến tình trạng họ thường trả lời “tôi không biết”, “tôi không nhớ”. Nói chung, đặt câu hỏi không đúng có thể làm thay đổi toàn bộ cách xử sự của người làm chứng trong giai đoạn điều tra sơ bộ tại phiên toà (giai đoạn thẩm vấn).

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của người làm chứng tại phiên tòa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.06371 sec| 959.313 kb