Đặc điểm tâm lý giai đoạn chuẩn bị xét xử, bắt đầu phiên tòa

18/03/2023
Đặc điểm cơ bản của hoạt động xét xử vụ án hình sự là tính giai đoạn. Hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự gồm nhiều giai đoạn, diễn ra liên tục nhằm đảm bảo điều kiện nghiên cứu chứng cứ hợp lý nhất, tạo điều kiện xác định sự thật trong quá trình xét xử. Trong các giai đoạn này, sự kết hợp giữa các chức năng tâm lý của hoạt động xét xử là khác nhau.

1- Đặc điểm tâm lý của giai đoạn chuẩn bị hoạt động xét xử

Thực chất của giai đoạn này là Toà án nhận thức tài liệu điều tra và lập kế hoạch hoạt động xét xử. Vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là Toà án tiến hành nhận thức mô hình về vụ án phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong giai đoạn điều tra. Kết quả của giai đoạn này là thẩm phán phải đưa ra được mô hình tư duy đầy đủ về vụ án trên cơ sở nghiên cứu tài liệu điều tra. Chỉ trên cơ sở đó, thẩm phán mới có thể thực hiện được các hoạt động tiếp theo.

Trong giai đoạn này Toà án tiếp nhận được các thông tin thông qua tài liệu điều tra. Một phần thông tin được tiếp nhận thông qua việc nghiên cứu các tang vật thu thập được. Hoạt động nhận thức của Toà án có thể dễ dàng hơn nhiều nhờ tài liệu điều tra. Càng đảm bảo tối đa nguyên tắc tố tụng trực tiếp trong hoạt động điều tra thì càng giúp thẩm phán nhận thức tốt hơn các chứng cứ. Điều đó có thể đạt được bàng cách sử dụng các phương án, các biểu đồ, ảnh chụp, mô hình khác nhau. Tất cả những cái đó sẽ tạo điều kiện cho thẩm phán hình thành mô hình tư duy đầy đủ và chính xác hơn trong quá trình tiếp nhận các chứng cứ qua sự mô tả chúng trong tài liệu điều tra. Các phương án, mô hình, kế hoạch sẽ giúp thẩm phán nắm bắt, ghi nhớ những chứng cứ của vụ án, xây dựng mô hình tư duy, phân tích, tổng hợp, nghiên cứu mối liên hệ giữa các chứng cứ dễ dàng hơn.

Ngay trong giai đoạn này, thẩm phán phải tưởng tượng và tạo ra những hình ảnh, những khái niệm về không gian nơi xảy ra vụ án, những tình tiết, đối tượng cá biệt... thông qua tài liệu điều tra. Nếu đối với điều tra viên, trí tưởng tượng giúp cho việc xây dựng giả thuyết về vụ án có thể xảy ra, thì đối với thẩm phán trí tưởng tượng rất cần để chuyển toàn bộ thông tin nhận được thành hình tượng tri giác mà trong thực tế Toà án không có khả năng tri giác trực tiếp chúng. Trí tưởng tượng là phẩm chất rất cần có đối với thẩm phán, thiếu nó thì thẩm phán không thể xây dựng được mô hình tư duy rõ ràng và đầy đủ về vụ án xảy ra.

Trong khi nhận thức tài liệu điều tra, thẩm phán cần phải đối chiếu mô hình vụ án với điều luật cụ thể tương ứng. Đồng thời khi nghiên cứu tài liệu điều tra, thẩm phán không chỉ nghiên cứu chứng cứ và mô hình về vụ án, mà còn phải nghiên cứu, đánh giá, đối chiếu hoạt động của điều tra viên và của những người khác với các quy phạm pháp luật tố tụng. Đối với hoạt động xét xử phải chú ý đến phương pháp xác định chứng cứ và vấn đề này đã được thẩm phán độc lập tìm hiểu ngay trong khi nghiên cứu tài liệu điều tra.

Hoạt động tư duy của thẩm phán được diễn ra trong quá trình nhận thức tài liệu điều tra nhằm xây dựng và đưa ra giả thuyết xét xử, kết hợp với việc tìm kiếm những mô hình khác (hoặc là những tình tiết cá biệt khác) về vụ án đã xảy ra. Thẩm phán phát hiện sự thay đồi có thể có trong mô hình này thông qua việc cân nhắc những chứng cứ trong tài liệu điều tra chưa được đưa vào mô hình vụ án. Trong giai đoạn này, thẩm phán đưa ra giả thuyết về những khả năng giải thích khác nhau về các chứng cứ và mối liên hệ giữa chúng. Mục đích của những giả thuyết này là nhằm hướng tới kiểm tra sự thật, tìm cách giải thích ý nghĩa của những chứng cứ này và mối liên hệ giữa chúng với các chứng cứ khác.

Bên cạnh việc đề ra các giả thuyết xét xử, Toà án cần phải lập kế hoạch nghiên cứu trực tiếp những chứng cứ tại phiên toà. ở đây, hoạt động thiết kế của Toà án đã bắt đầu được thực hiện nhàm hướng tới đảm bảo quá trình nhận thức. Trong khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, kiểm tra lại kết luận điều tra, nội dung bản cáo trạng về mô hình vụ án, về những tình tiết cá biệt của vụ án thì Toà án phải điều tra thực chất những chứng cứ này hay những chứng cứ khác và mối liên hệ của chúng với những chứng cứ khác.

 

Thẩm phán phải có kế hoạch tiếp nhận và điều chỉnh thông tin của mình tại phiên toà. Điều đó cho phép thẩm phán dự đoán trước mục đích tiếp nhận thông tin này hay thông tin khác tại phiên toà, dự đoán trước vai trò của nó trong quá trình kiểm tra mô hình tư duy về vụ án hiện có (như có thể và cần phải đối chiếu thông tin nhận được với thông tin khác như thế nào, phải kiểm tra nguồn thông tin như thế nào). Dự đoán và lập kế hoạch tiếp nhận những thông tin sẽ giúp thẩm phán nhận thức dễ dàng, định hướng hơn. Ngoài ra, dự đoán việc tiếp nhận thông tin sẽ giúp thẩm phán tránh được những ảnh hưởng xúc cảm không tốt, không cần thiết do thông tin gây ra, bởi vì mục đích tiếp nhận thông tin và tư duy liên tục đã được xác định từ trước. Lập kế hoạch còn có tác dụng đảm bảo tính liên tục của việc nghiên cứu chứng cứ. Muốn vậy, cần phải đảm bảo tiếp nhận thông tin đầy đủ, điều chỉnh chúng, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những quá trình tâm lý này.

Thẩm phán không chỉ phải tiếp nhận thông tin mà còn phải đánh giá, điều chỉnh mỗi thông tin nhận được, cần phải phân phối, bố trí thời gian tiếp nhận thông tin để hiểu rõ, kiểm tra chúng, đối chiếu chúng với những chứng cứ khác để đề ra giả thuyết.

Tất cả những người cần phải triệu tập đến phiên toà đã được xác định trong giai đoạn điều tra. Song vấn đề này phải được giải quyết tại Toà án một cách cân nhắc sau khi nghiên cứu tài liệu vụ án và xây dựng kế hoạch xét hỏi.

Phải lập kế hoạch kiểm tra giả thuyết mới phát sinh, kiểm tra liên tục những tình tiết của vụ án, phát hiện và nghiên cứu tài liệu mới chưa được thu thập trong giai đoạn điều tra nhằm kiểm tra những giả thuyết này.

Kết thúc giai đoạn này, hoạt động thiết kế được thể hiện ở chỗ thẩm phán phải ra một trong những quyết định như quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

2- Đặc điểm tâm lý của giai đoạn bắt đầu phiên tòa

Trong giai đoạn này chủ tọa phiên toà nghe thư ký phiên toà báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, sau đó chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước của những người này và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà. Chủ tọa phiên toà giải thích rõ nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu họ (trừ người làm chứng chưa thành niên) phải cam đoan không được khai gian dối. Trường hợp có người phiên dịch, người giám định tham gia phiên toà thì chủ tọa phiên toà giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ và yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ. Việc làm đó của chủ tọa phiên toà sẽ giúp cho những ngưòi này nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình tại phiên toà. Từ đó họ xác định thái độ, động cơ đúng đắn tại phiên toà, tạo điều kiện cho Toà án xác định sự thật của vụ án một cách nhanh chóng. Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem họ có đề nghị thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định và người phiên dịch (nếu có) hay không. Xử sự này có ý nghĩa tâm lý ở chỗ ngay từ những phút đầu tại phiên toà đã thể hiện được tính vô tư, khách quan, công bằng của chủ toạ phiên toà - người giữ vai trò điều khiển phiên toà. Từ đó sẽ tạo ra lòng tin cho bị cáo, những người tham gia tố tụng và những người dự phiên toà đối với hoạt động xét xử của Toà án, tin rằng Toà án xét xử đúng người, đúng tội, người phạm tội nhất định bị trừng trị, không xử oan người vô tội, không để lọt tội phạm. Điều đó sẽ tác động đến tâm lý bị cáo và những người tham gia tố tụng, buộc họ phải có thái độ cộng tác với Toà án trong quá trình xét xử, giúp Toà án tìm ra sự thật của vụ án. Ngoài ra, còn tác động đến tất cả những người trong phòng xử án phải có thái độ nghiêm túc, tôn trọng hội đồng xét xử.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

 

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý giai đoạn chuẩn bị xét xử, bắt đầu phiên tòa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.82225 sec| 963.547 kb