Đặc điểm tâm lý riêng của bị hại

14/05/2021

 

Tâm lý của bị hại ảnh hưởng rất lớn tới việc cho lời khai và xác định sự thật khách quan của vụ án, do vậy Luật sư cần nắm bắt được các tâm lý riêng này để có biện pháp phù hợp.

 

 

kế hoạch hỏi Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Thường có tâm trạng căm tức kẻ phạm tội

 

 

Do bị thiệt hại trực tiếp về thể chất, tinh thần, tài sản bởi tội phạm, do đó, bị hại luôn mong muốn chủ thể tội phạm phải bị trừng phạt thật nặng. Hơn nữa, họ đang ở vị trí tố tụng là bên có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu, có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội đã gây ra cho mình. Do đó, đặc điểm tâm lý chung của bị hại là thường phóng đại các tình tiết của sự việc phạm tội và hậu quả thiệt hại, thậm chí bịa đặt thêm chi tiết với mục đích làm cho người phạm tội bị trừng phạt nặng hơn và mình được “bồi thường” nhiều hơn. Luật sư cần phải nắm rõ đặc điểm tâm lý này để xác định rõ được sự thật khách quan của vụ án, không bị kéo theo tâm lý chủ quan của người bị hại, bảo đảm việc bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

 

 

Có tâm lý dễ bị kích động, giảm khả năng kiềm chế cảm xúc

 

 

Sự thiệt hại về thể chất, tinh thần hay tài sản đều có tác động rất mạnh tới trạng thái thần kinh - tâm lý của bị hại dẫn đến việc suy giảm khả năng kiềm chế cảm xúc, có thể xuất hiện hiện tượng “cả giận mất khôn”, cảm xúc lấn át ý chí. Đặc biệt, có những trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý (sợ hãi, suy nhược về tinh thần và thể chất, rối loạn tâm thần và hành vi) do tác động bởi hành vi phạm tội gây ra. Vì vậy, khi tiếp xúc với Luật sư, phần lớn bị hại thuộc trường hợp này khi yêu cầu cung cấp các thông tin về vụ việc mà họ phải trải qua thì có thể xuất hiện sự xúc động, hoảng loạn cảm xúc và hành vi. Do đó, họ không thể tự mình cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về vụ việc, Luật sư cần có tác động tâm lý để giúp họ trấn tĩnh, tác động gợi nhớ theo dấu mốc về thời gian và trình tự vụ việc để người bị hại bình tĩnh nhớ lại vụ việc. Khi chủ động cung cấp thông tin cho Luật sư, bị hại luôn có mong muốn được nhanh chóng bù đắp thiệt hại, đặt hy vọng vào người bảo vệ lợi ích của mình, vì vậy, khi khai báo họ thường dài dòng, hấp tấp, muốn Luật sư nghe kỹ các tình tiết, thông tin chia sẻ vì thế thường lộn xộn, nhiều chi tiết thừa... Luật sư cần thông cảm với tâm lý của họ và có thái độ nhã nhặn, kiên nhẫn không để họ thất vọng, phật ý khi tiếp xúc, trao đổi với bị hại. Đối với bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm hại tình dục, Luật sư cũng lường trước và chuẩn bị các phương án đối phó với tình huống khi tham gia phiên tòa bị hại tự ý thay đổi thái độ, nội dung khai báo như đã thống nhất trước đó với Luật sư do họ có thái độ sợ hãi, hoảng loạn, không tự tin khi đứng trước đông người dự phiên tòa, không dám khai báo hoặc cá biệt có những trường hợp bị hại tỏ thái độ bất cần, thể hiện sự chai sạn nhưng thực sự đang cố che đậy đi sự xấu hổ, mặc cảm và không muốn cho người khác biệt là mình đang xấu hổ. Luật sư cần được trang bị những kiến thức về tâm lý người dưới 18 tuổi để có thể tiếp xúc, làm việc với người bị hại thuộc lứa tuổi này đạt hiệu quả.

 

 

Tâm lý lo sợ khiến bị hại rơi vào trạng thái bất hợp tác, từ chối khai báo

 

 

Lý do từ chối khai báo có thể là do bị hại có quan hệ đặc biệt với kẻ phạm tội, do đó, có tâm lý không muốn người thân bị trừng phạt, có thể do bị hại có tâm trạng xấu hổ (trong những vụ án bị hại bị kẻ phạm tội xâm hại tình dục nên không muốn những người khác biết), hoặc người bị hại lo sợ sự khai báo sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hoặc làm lộ những điều bí mật về đời tư hoặc tội lỗi khác của họ. Trong những trường hợp bị hại bị hành vi phạm tội xâm hại khi đang có hành vi phạm tội khác hoặc khi đang có hành vi không trong sáng, nếu thiệt hại đối với họ không quá lớn, họ thường từ chối khai báo (bị đánh, bị cướp tài sản khi đang thực hiện hành vi phi đạo đức, khi đang có hành vi trái pháp luật, tài sản bị mất là tài sản do hành vi phạm pháp mà có...). Vì vậy, khi tiếp xúc với bị hại thuộc dạng này phải tế nhị, không hỏi về các tình tiết diễn biến cụ thể, khi tiếp xúc phải xác định chính xác nguyên nhân tâm lý cản trở sự khai báo của họ để lựa chọn cách thức bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ.

 

 

Trạng thái tâm lý thổi phồng sự thật, khai sai lệch về vụ việc phạm tội

 

 

Bị hại cung cấp thông tin, tài liệu về những tình tiết của vụ án cho Luật sư phải dựa trên trí nhớ về vụ án đó của họ. Thông tin mà bị hại cung cấp cho Luật sư dựa trên trí nhớ của họ chính là hình ảnh chủ quan của sự việc phạm tội liên quan đến họ. Thực tế cho thấy, thông tin do bị hại cung cấp không phải trong mọi trường hợp đều phù hợp với chân lý khách quan của vụ án hình sự đã xảy ra. Nguyên nhân của những trường hợp này có thể do bị hại có động cơ khai báo không đúng đắn, mang tính vụ lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cũng thường xảy ra những trường hợp bị hại mặc dù mong muốn trình bày một cách khách quan, trung thực những tình tiết của vụ án xảy ra nhưng không nhớ được hoặc nhớ không chính xác, đầy đủ những tình tiết mà họ đã tri giác trước đây.

 

 

Trí nhớ của bị hại về vụ án hình sự được hiểu là sự ghi lại, lưu giữ và làm xuất hiện lại (tái hiện) những tình tiết của vụ án mà họ tri giác được. Quan niệm phổ biến cho rằng trí nhớ của con người giống như một máy quay phim sẽ ghi lại, lưu giữ và tái hiện thông tin mà cá nhân thu nhận được một cách cẩn thận, đáng tin cậy. Nhưng thực tế là trí nhớ của con người rất sống động và luôn ở trong quá trình vận động và thay đổi liên tục. Trí nhớ thường xuyên bị tác động bởi các tác nhân kích thích và lưu giữ trong trí nhớ có sự sai lệch nhất định. Trí nhớ sai lệch của bị hại không chỉ thể hiện việc ghi nhớ các thông tin sai lệch khi trị giác về vụ án mà trong các giai đoạn khác của trí nhớ, thông tin đã thu nhận bị biến đổi sai lệch so với thực tế khách quan diễn ra bởi các tác động, kích thích khác bên ngoài. Chính vì vậy, Luật sư khi tiếp xúc với bị hại cần lấy thông tin của họ càng sớm càng tốt. Bởi vì, theo quy luật quên của trí nhớ, việc tiến hành lấy thông tin của bị hại nếu chậm trễ sẽ làm giảm tính chính xác, đầy đủ của thông tin. Trong quá trình tiếp xúc bị hại để lấy thông tin phục vụ hoạt động bảo vệ quyền lợi của bị hại, Luật sư cần hỏi bị hại về cùng một vấn đề nhưng ở các thời điểm khác nhau để xác định sự mâu thuẫn, không hợp lý trong cách cung cấp thông tin.

 

 

 

 

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý riêng của bị hại

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18965 sec| 941.922 kb