Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

"Hãy đọc bản thân thay vì đọc sách. Chân lý không nằm bên ngoài, đó chỉ là trí nhớ, không phải trí tuệ. Trí nhớ mà không có trí tuệ giống như cái phích nước rỗng - nếu bạn không đổ đầy nó, nó vô dụng".

Ajahn Chah (1918-1992) là một cao tăng Phật giáo, Thái Lan,

Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp thường có nhu cầu tư vấn về các vấn đề liên quan đến việc quyết định có tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ hay không, cách thức xác lập quyền như thế nào, làm thế nào để sử dụng quyền sở hữu trí tuệ và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả. Các Luật sư sở hữu trí tuệ xử lý các vấn đề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong phạm vi được luật pháp quốc gia cho phép.

Chuyên gia sở hữu trí tuệ thường cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp: lựa chọn đối tượng; xác định cách thức và phạm vi bảo hộ; tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ; thiết lập các điều kiện bảo hộ và/hoặc lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; theo dõi việc bảo đảm các điều kiện bào hộ và/hoặc theo dõi tiến trình xét nghiệm; bảo đảm hiệu lực; tư vấn, soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ; tư vấn và đại diện xử lý các hành vi xâm phạm quyền.

Liên hệ

I- NHẬN DẠNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ XÁC ĐỊNH LUẬT ÁP DỤNG

Một trong những khó khăn thường gặp đầu tiên của những người sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ là việc nhận biết đối tượng đó là đối tượng nào, được điều chỉnh theo luật gì, từ đó quyết định cách thức giành được quyền sở hữu hợp pháp đối với đối tượng và thực thi quyền sở hữu đối với đối tượng đó một cách hiệu quả. Để nhận diện đối tượng một cách chính xác, trước hết cần nắm vững định nghĩa và đặc điểm của từng đối tượng theo các quy định pháp luật. Kỹ năng và kinh nghiệm thực tế của Luật sư là các yếu tố quan trọng góp phần bảo đàm chất lượng đối với công việc này. Thông thường, để nhận dạng được đối tượng sở hữu trí tuệ, cần tiến hành các công việc sau đây:

- Nghiên cứu thông tin về đối tượng;

- Tìm hiểu bản chất, nội dung của đối tượng;

- Khái quát hóa các đặc tính cơ bản của đối tượng;

- Đối chiếu các quy định pháp luật để xếp các đối tượng vào loại thích hợp hoặc loại bỏ đối tượng khỏi danh sách các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Lưu ý: Các trường hợp: nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ được hàm chứa trong một thực thể, ví dụ: một sản phẩm máy pha cà phê mới có thể chứa giải pháp kỹ thuật mới là đối tượng của sáng chế; có hình dáng bên ngoài khác biệt là đối tượng của kiểu dáng công nghiệp; hoặc tên doanh nghiệp có thể được bảo hộ với tư cách là tên thương mại nhưng cũng có thể đăng ký phần có khả năng phân biệt với tư cách là nhãn hiệu. Ngoài ra, các đối tượng sở hữu trí tuệ còn có sự chồng lấn và giao thoa, ví dụ: kiểu dáng công nghiệp và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Trong các trường hợp này, việc nhận dạng đối tượng chính xác và lựa chọn luật áp dụng phù hợp kèm theo sự phân tích những ưu điểm, nhược điểm và việc bảo hộ của từng loại đối tượng là điều các doanh nghiệp mong muốn nhận được từ Luật sư.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest

II- SOẠN THẢO BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ

Bản mô tả sáng chế là tài liệu bắt buộc trong đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế, không những là tài liệu kỹ thuật để công khai các nội dung kỹ thuật ra trước công chúng, mà còn là tài liệu xác định phạm vi quyền đối với sáng chế của chủ sở hữu. Do đó, bản mô tả sáng chế phải bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó. Công việc này, thông thường được tiến hành theo các bước sau đây:

(i) Tìm hiểu mục đích nộp đơn cấp bằng độc quyền sáng chế

Việc tìm hiểu mục đích của việc nộp đơn cấp bằng độc quyền sáng chế đóng vai trò quyết định đối với việc xác định nội dung phù hợp cho bản mô tả. Đối với mỗi mục đích thì bản mô tả phải có một nội dung phù hợp. Chẳng hạn, trường hợp phải có được Bằng độc quyền sáng chế mà vẫn giữ được phạm vi độc quyền, thì nội dung bản mô tả phải đủ rộng và chặt chẽ. Ngược lại, nếu muốn được cấp Bằng độc quyền nhanh chóng để phục vụ một mục đích nào đó cho dù phải thu hẹp phạm vi độc quyền, ví dụ: bảo đảm an toàn cho quá trình khai thác công nghệ hay xác lập một đối tượng trong hợp đồng li-xăng, thì nội dung bản mô tả cần phải được giới hạn ở mức “đủ hẹp và chặt chẽ . Đối với trường hợp đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền chỉ mang tính chất bảo vệ mà không nhất thiết phải có được Bằng độc quyền, ví dụ: nộp đơn nhằm mục đích bộc lộ công nghệ thì nội dung của bản mô tả có thể “rộng dù chưa được chặt chẽ”.

(ii) Phân tích và chuẩn bị bản mô tả.

Bước phân tích và chuẩn bị bản mô tả gồm có phân tích để hiểu đầy đủ về sáng chế; xem xét phạm vi của sáng chế dựa vào tình trạng kỹ thuật, khái niệm và các thuật ngữ được sử dụng; chuẩn bị hình vẽ và nội dung cho các phần của bản mô tả, lưu ý tính nhất quán giữa các thuật ngữ được sử dụng trong phần phân tích và trên các hình vẽ; xác định dạng thể hiện yêu cầu bảo hộ.

(iii) Soạn thảo và hoàn thiện bản mô tả.

Bước soạn thảo bản mô tả dựa vào phần tóm tắt sáng chế và phần tóm lược về thử nghiệm. Bản mô tả gồm các nội dung sau:

- Tên sáng chế: Tên sáng chế phải được đặt sao cho có thể thể hiện được nội dung chính của sáng chế một cách ngắn gọn và rõ ràng. Do đó nên sử dụng số lượng tối thiểu các từ và cụm từ để thể hiện tên sáng chế, nhưng vẫn đủ để chuyên gia trong lĩnh vực xác định được sáng chế thuộc về chuyên ngành nào. Cách đơn giản nhất để đặt tên sáng chế là sử dụng phần đầu câu của một điểm thích hợp trong phần yêu cầu bảo hộ sau khi bản mô tả đã hoàn thành.

- Yêu cầu bảo hộ: Yêu cầu bảo hộ là cơ sở xác định phạm vi bảo hộ của sáng chế và chính là phạm vi quyền sở hữu của Bằng độc quyền sáng chế khi văn bằng được cấp. Nội dung trình bày trong yêu cầu bảo hộ phải ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản để xác định đối tượng và phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ. Yêu cầu bảo hộ có thể được thể hiện theo dạng mô tả nội dung; liệt kê dấu hiệu hoặc đưa ra các điểm khác biệt. Ở dạng thể hiện mô tả nội dung, các dấu hiệu cấu thành của sáng chế được mô tả theo trình tự thời gian hoặc theo mối quan hệ về vị trí giữa chúng.

- Mô tả chi tiết sáng chế: Mô tả chi tiết sáng chế phải được thể hiện sao cho căn cứ vào nội dung được mô tả trong đơn, bất kỳ người nào trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện ngay được sáng chế mà không cần tham khảo các tài liệu khác. Nội dung của phần này được chia thành các mục với các tên gọi tương ứng như sau: lĩnh vực kỹ thuật; tình trạng kỹ thuật của sáng chế; bản chất kỹ thuật của sáng chế; mô tả vắn tắt các hình vẽ (nếu có); mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế; ví dụ thực hiện sáng chế; hiệu quả của sáng chế. Mục “Lĩnh vực kỹ thuật” mô tả ngắn gọn về lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế mà không cần thiết phải liệt kê tất cả các ứng dụng có thể của sáng chế.

- Mô tả vắn tắt các hình vẽ nếu sáng chế có hình vẽ. 

Bước hoàn thiện Bản mô tả được tiến hành sau khi mô tả xong cả hai phần “Yêu cầu bảo hộ” và “Mô tả chi tiết sáng chế”. Nếu có hình vẽ, cần kiểm tra xem đã có các ký hiệu trên hình vẽ tương ứng với phần giải thích trong Bản mô tả hay chưa. Toàn bộ Bản mô tả được đọc kỹ lại để bảo đảm không có sự mâu thuẫn nào trong nội dung của Bản mô tả và việc sử dụng các thuật ngữ là thống nhất.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

III- TRA CỨU, ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Việc tra cứu, đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu trước khi nộp đơn là công việc mà người nộp đơn thường yêu cầu Luật sư tiên hành để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi nhãn hiệu bị từ chối bởi những lý do xác định được tại thời điểm nộp đơn. Việc này giúp cho người nộp đơn tiết kiệm được thời gian, chi phí và có những quyết định đúng đắn về việc theo đuổi quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hay lựa chọn nhãn hiệu khác để đăng ký. Việc đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu, thông thường được tiến hành thông qua việc xác định: Nhãn hiệu dự kiến có phù hợp với quy định về các dấu hiệu được đăng ký với danh nghĩa là nhãn hiệu hay không; Nhãn hiệu có là hoặc chứa các dấu hiệu thuộc yếu tố không được bảo hộ hay không; Nhãn hiệu có khả năng phân biệt hay không?

Tiếp đó, cần kiểm tra xem nhãn hiệu có là hoặc chứa các dấu hiệu thuộc yếu tố không được bảo hộ theo quy định pháp luật hay không? Điều 6 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp liệt kê các trường hợp nhãn hiệu phải bị cơ quan đăng ký của các quốc gia thành viên từ chối đăng ký hoặc hủy bỏ nếu sử dụng làm các dấu hiệu liên quan đến quốc huy, dấu kiểm tra chính thức và biểu tượng của các tổ chức liên chính phủ làm nhãn hiệu hoặc thành phần của nhãn hiệu mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm các dấu hiệu: quốc huy, quốc kỳ, biểu tượng quốc gia, dấu kiểm tra xác nhận hoặc bảo đảm chính thức được các quốc gia thành viên chấp nhận; và sự mô phỏng của các dấu hiệu này. Các chỉ dẫn sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ cũng được coi là yếu tố không được bảo hộ theo quy định tại Điều 10 Công ước Paris

Bước tiếp theo là kiểm tra và đánh giá về khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Các dấu hiệu không có khả năng phân biệt thông thường gồm:

(i) Dấu hiệu tự thân không có khả năng phân biệt. Các dấu hiệu tự thân không có khả năng phân biệt nhưng không giới hạn, bao gồm các dấu hiệu sau đây: hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng; dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ; dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ; dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh.

(ii) Dấu hiệu trùng, tương tự gây nhầm lẫn với dấu hiệu đã thuộc quyền của người khác. Dấu hiệu đã thuộc quyền của người khác bao gồm: nhãn hiệu đã nộp đơn/đăng ký hoặc đã được sử dụng (tùy theo luật pháp của từng quốc gia); tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ. Việc đánh giá tính trùng lặp hay tương tự gây nhầm lẫn của một nhãn hiệu đang xem xét với các dấu hiệu đã thuộc quyền của người khác không những được sử dụng cho việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mà còn được áp dụng trong quá trình thẩm định nhãn hiệu, đánh giá hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Nhãn hiệu đang xem xét bị coi là trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các dấu hiệu thuộc quyền của người khác khi: trùng về dấu hiệu và trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn hoặc có liên quan về sản phẩm/dịch vụ; tương tự gây nhầm lẫn về dấu hiệu và trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn hoặc có liên quan về sản phẩm dịch vụ với dấu hiệu đối chứng. Để có thể tiến hành được công việc này, cần có một số kỹ năng sau đây:

- Xác định và phân nhóm các sản phẩm/dịch vụ trùng, tương tự và có liên quan;

- Tra cứu và lập danh sách các nhãn hiệu trùng và/hoặc tương tự, nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại trong cùng lĩnh vực, chỉ dẫn địa lý;

- Rà soát và đánh giá tính tương tự gây nhầm lẫn.

Xác định và phân nhóm các sản phẩm/dịch vụ trùng, tương tự và có liên quan: Nhãn hiệu đăng ký luôn được chỉ định với sản phẩm/dịch vụ cụ thể, được phân nhóm theo Bảng phân loại hàng hóa và dịch vụ theo Thỏa ước Nice. Tính trùng lặp hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn của các nhãn hiệu được đánh giá cùng với việc xem xét liệu sản phẩm/dịch vụ của các nhãn hiệu này có trùng lặp, tương tự hoặc có liên quan hay không. Việc xác định và phân nhóm các sản phẩm/dịch vụ trùng, tương tự và có liên quan của dấu hiệu đang xem xét giúp cho người tiến hành tra cứu và lập danh sách một cách đầy đủ các nhãn hiệu đối chứng cũng như sàng lọc được những nhãn hiệu không phải là đối tượng cần lưu tâm. Ví dụ, nếu nhãn hiệu dự kiến đăng ký cho các sản phẩm “kem đánh răng” (nhóm 03) và “bàn chải đánh răng” (nhóm 21), thì danh mục các sản phẩm/dịch vụ trùng, tương tự và có liên quan có thể là: “chế phẩm dùng cho mục đích vệ sinh cá nhân, kem đánh răng, nước súc miệng” (nhóm 03); “thuốc đánh răng dùng cho mục đích y tế, chế phẩm tẩy trắng răng dùng trong ngành y” (nhóm 05); “thiết bị chăm sóc răng miệng” (nhóm 10); “bàn chải đánh răng, chỉ nha khoa” (nhóm 21).

Tra cứu và lập danh sách: Danh sách các nhãn hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu dự kiến được tra cứu và lập trên cơ sở dữ liệu của cơ quan đăng ký nhãn hiệu. Lưu ý rằng, danh sách này cần bao gồm:

- Các nhãn hiệu đã đăng ký và các nhãn hiệu đã nộp đơn (đang xét nghiệm) tại cơ quan đăng ký quốc gia (tại Việt Nam, đó là Cục Sở hữu trí tuệ);

- Các nhãn hiệu đăng ký quốc tế, có chỉ định quốc gia tại cơ quan đăng ký quốc tế (cụ thể là Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO).

Việc tra cứu hiện nay thông thường được tiến hành trên cơ sở dữ liệu điện tử với những chức năng: tra cứu toàn bộ hoặc một phần nhãn hiệu, tra cứu đối với các nhóm sản phẩm/dịch vụ cụ thể; tra cứu nhãn hiệu hình trên cơ sở phân loại hình theo Thỏa ước Vienna. Một danh sách thích hợp và đầy đủ các nhãn hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu dự kiến có thể có được phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm thiết lập yêu cầu tra cứu của Luật sư. Danh sách các tên thương mại trong cùng lĩnh vực và danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cũng cần được lập để làm căn cứ đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu dự kiến. Danh sách các kiểu dáng công nghiệp đã nộp đơn/đăng ký cũng cần lưu tâm khi đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu hình. Đặc biệt, danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng, không phụ thuộc vào sản phẩm/dịch vụ cũng là căn cứ để rà soát và đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu dự kiến.

Rà soát và đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn: Luật sư căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, thực tiễn áp dụng và kinh nghiệm hành nghề của mình để rà soát, sàng lọc và đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu dự kiến trên cơ sở các danh sách nhãn hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý đã được lập.

Việc đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu dự kiến với nhãn hiệu đối chứng, thông thường dựa trên sự so sánh về cấu trúc, nội dung, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình). Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng nguồn gốc. Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng cũng bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng. Việc đánh giá sự trùng lặp hoặc tương tự của hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu, thông thường dựa trên sự trùng lặp, tương tự hoặc mối liên quan về bản chất (thành phần, cấu tạo), chức năng, mục đích sử dụng, kênh thương mại, v.v. Ví dụ: Sản phẩm “quần áo, giày dép” (nhóm 25), túi du lịch (nhóm 18), “vải dệt” (nhóm 24), “cúc áo, khóa kéo, kim chỉ” (nhóm 26), “dụng cụ thể thao” (nhóm 28), “dịch vụ bán buôn, bán lẻ quần áo, đồ thể thao” (nhóm 35), “dịch vụ giặt là” (nhóm 37), “dịch vụ nhuộm vải” (nhóm 40), “dịch vụ vẽ trang trí quần áo, thiết kế thời trang” (nhóm 42) có thể được coi là các sản phẩm/dịch vụ tương tự hoặc có mối liên quan.

Tóm lại, nhãn hiệu dự kiến bị coi là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng dùng cho hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc có liên quan trong các trường hợp sau đây: nhãn hiệu dự kiến trùng với nhãn hiệu đối chứng và hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu dự kiến trùng hoặc tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng; nhãn hiệu dự kiến tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng và hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu dự kiến trùng hoặc tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng, trừ “trường hợp tính tương tự” về hàng hóa/dịch vụ và tính tương tự về nhãn hiệu không đủ tạo ra khả năng nhầm lẫn khi sử dụng; nhãn hiệu dự kiến trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng, ngay cả khi hàng hóa/dịch vụ mang của nhãn hiệu dự kiến không trùng, không tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nếu việc sử dụng nhãn hiệu dự kiến có thể làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng có tồn tại mối quan hệ giữa hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu dự kiến với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và/hoặc có khả năng thực tế làm suy giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc tổn hại đến uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest 

IV- XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH

Hiện nay, biện pháp hành chính được áp dụng khá phổ biến để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi thời gian xử lý nhanh, chi phí thấp, hiệu quả cao. Đặc biệt, đối với các trường hợp xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp là cơ quan thực thi được các chủ sở hữu quyền và các luật sư tín nhiệm.

Việc lựa chọn biện pháp xử lý hành chính thông qua thanh tra chuyên ngành có thể xuất phát từ mong muốn của chủ sở hữu quyền, song phần lớn là do tư vấn từ phía Luật sư, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn. Quy trình xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp bằng biện pháp hành chính, thông qua thanh tra chuyên ngành sở hữu trí tuệ gồm các công việc cơ bản sau:

- Tiếp nhận yêu cầu xử lý xâm phạm quyền;

- Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ; xác định hành vi vi phạm;

- Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu xử lý xâm phạm quyền;

- Theo dõi tiến trình xử lý xâm phạm quyền;

- Tiếp nhận kết quả thanh tra.

Hồ sơ yêu cầu xử lý xâm phạm quyền gửi tới cơ quan thanh tra chuyên ngành gồm các tài liệu cơ bản sau đây:

(i) Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền;

(ii) Giấy ủy quyền (trong trường hợp Luật sư là người đại diện cho chủ sở hữu quyền);

(iii) Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền bao gồm bản gốc hoặc bản sao có xác nhận Văn bằng bảo hộ hoặc bản trích lục đăng bạ quốc gia về sở hữu trí tuệ;

(iv) Chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm, bao gồm tài liệu mô tả, hiện vật liên quan đến đối tượng bảo hộ, vật mẫu/ảnh chụp/bản ghi hình sản phẩm bị nghi ngờ chứa yếu tố xâm phạm quyền;

(v) Bản giải trình/so sánh sản phẩm bị nghi ngờ với đối tượng được bảo hộ, các tài liệu khác chứng minh hành vi xâm phạm quyền;

(vi) Đề xuất biện pháp xử lý vi phạm.

Thủ tục xử lý vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành gồm các bước sau:

(i) Tiếp nhận yêu cầu xử lý vi phạm;

(ii) Thụ lý đơn;

(iii) Ra quyết định (từ chối thụ lý đơn; dừng thủ tục hoặc thanh tra kiểm tra).

Quá trình thanh tra, kiểm tra được tiến hành qua các bước sau:

(i) Quyết định thanh tra;

(ii) Thanh tra kiểm tra tại cơ sở;

(iii) Lập biên bản thanh tra, lấy mẫu vi phạm;

(iv) Xin ý kiến chuyên môn hoặc trưng cầu giám định;

(v) Lập biên bản, niêm phong, tạm giữ sản phẩm vi phạm;

(vi) Kết luận thanh tra hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Một số kỹ năng cần thiết khi xử lý các vụ việc xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, đó là: nắm vững bản chất và phạm vi bảo hộ của đối tượng thông qua việc nghiên cứu kỹ. Yêu cầu bảo hộ và bản mô tả, tích cực trao đổi với chủ sở hữu quyền và tiếp cận thông tin liên quan tới đối tượng bảo hộ và đối tượng có nghi ngờ xâm phạm quyền; so sánh, đánh giá các yếu tố xâm phạm quyền theo các chuẩn mực của từng dạng đối tượng cụ thể, tập trung vào các dấu hiệu, đặc điểm cơ bản được coi là trùng hoặc tương đương; chủ động cung cấp các thông tin và ý kiến chuyên môn về việc đánh giá, thẩm định hành vi xâm phạm quyền; thường xuyên liên lạc với cơ quan xử lý vi phạm; giữ bí mật thông tin trước khi cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền. Đặc biệt, trong từng trường hợp cụ thể, khi xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính thông qua thanh tra chuyên ngành, cần cân nhắc phối hợp giữa các cơ quan chức năng tại địa phương như công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương để bảo đảm tính hiệu quả của công tác thực thi. Ngoài ra, cần lưu ý đến các yếu tố dẫn đến việc cơ quan thanh tra:

(a) Từ chối thụ lý đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền:

- Đơn được nộp đồng thời cho nhiều cơ quan xử lý vi phạm;

- Đơn được nộp khi đang có tranh chấp;

- Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

(ii) Dừng thủ tục xử lý đơn yêu cầu:

- Phát sinh tranh chấp đối với đơn yêu cầu hủy bỏ/xem xét tình trạng pháp lý của văn bằng bảo hộ hoặc tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đối tượng Sở hữu công nghiệp;

- Chưa đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm;

- Người yêu cầu xử lý vi phạm rút đơn;

- Các bên tự thỏa thuận. Các nỗ lực và thiện chí tiến hành thương lượng, thỏa thuận giải quyết tranh chấp của các bên trên tinh thần tự nguyện luôn được hoan nghênh.

Xem thêm:  Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest.

V- ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU,NHẬP KHẨU TẠI HẢI QUAN LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu bao gồm: tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ áp dụng nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tại cửa khẩu. Căn cứ vào hiện trạng xuất nhập khẩu các hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền và chiến lược quản lý tài sản trí tuệ, chủ sở hữu quyền có thể nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩụ tại hải quan trong từng trường hợp cụ thể hoặc dài hạn. Đơn yêu cầu cần nêu đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu quyền, đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ, đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm quyền và biện pháp áp dụng.

Mục đích của chủ sở hữu quyền khi yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để có thể thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Lưu ý rằng: các thông tin liên quan tới hàng hóa bị yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan gồm: chủ sở hữu lô hàng, loại hàng hóa, số lượng hàng hóa và đặc điểm nhận biết hàng hóa; thời gian dự kiến xuất, nhập khẩu, v.v. cần được nêu đầy đủ và chính xác; khoản tiền bảo đảm phải được nộp trong 24 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận đơn yêu cầu tạm dừng thủ tục hải quan; các tài liệu, chứng cứ, lập luận về việc xâm phạm quyền cần được bổ sung trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi có quyết định tạm dừng thủ tục hải quan; yêu cầu xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính tại hải quan khi có đủ căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền và chủ sở hữu quyền không có ý định khởi kiện dân sự.

Mục đích của chủ sở hữu quyền khi yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa xuất, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Quy trình yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan thông thường được tiến hành qua các bước sau đây: chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn yêu cầu tạm dừng thủ tục hải quan; tiếp nhận quyết định tạm dừng thủ tục hải quan; cung cấp chứng cứ, văn bản giám định về hành vi xâm phạm quyền; yêu cầu cơ quan hải quan xử lý hành vi vi phạm hành chính hoặc nộp đơn khởi kiện tại tòa án.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Tư vấn Pháp luật cho Doanh nghiệp - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.39404 sec| 1188.43 kb