Hệ thống pháp luật quốc tế
Hệ thống pháp luật quốc tế luôn có sự gắn kết, quan hệ mật thiết với hệ thống pháp luật quốc gia. ở một số quốc gia các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế (điều ước quốc tế) có thể được áp dụng trực tiếp trong quốc gia, một số quốc gia khác thường có sự nội luật hoá các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế hoặc đưa ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của hệ thống pháp luật quốc tế (các điều ước quốc tế mà quốc gia kí kết hoặc tham gia). Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 6 Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005 quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vẩn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.
Mỗi hệ thống pháp luật quốc gia đều có lịch sử riêng của mình, nó luôn phản ánh và phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và những yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia. Khi những điều kiện, những yếu tố đó thay đổi thì hệ thống pháp luật quốc gia cũng thay đổi theo để đáp ứng những yêu cầu quản lí, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy vậy, hiện nay quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá đòi hỏi các quốc gia khi xây dựng và thực hiện pháp luật của quốc gia phải bảo đảm sự hài hoà hoá giữa pháp luật của quốc gia mình với pháp luật quốc tế ở những mức độ nhất định.
Xem thêm: Khái niệm và vai trò xây dựng pháp luật.
Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm