Hiệp định của WTO về thuế quan, nông nghiệp và dệt may

07/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Thuế quan - rào cản chính trong thương mại quốc tế; Nông nghiệp - lĩnh vực đặc biệt và quan trọng; Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và an toàn, đặc biệt là các biện pháp kiểm dịch động-thực vật và các rào cản kĩ thuật đối với thương mại; Dệt may - giống như nông nghiệp, là lĩnh vực thương mại đặc thù.

1- Thuế quan

[a] Tổng quan về thuế quan

Thuế quan được điều chỉnh chủ yếu bằng GATT 1994 (sau đây gọi là ‘GATT’). Có thể nhận thấy sự ưu tiên mà Hiệp định này dành cho thuế quan so với các biện pháp bảo hộ khác. Thuế quan có thể được áp dụng trên cơ sở từng đơn vị hoặc trên cơ sở giá trị của hàng hoá (‘ad valorem’). Các nhượng bộ thuế quan mà các nước đưa ra khi gia nhập WTO hoặc trong các cuộc đàm phán được ghi nhận trong biểu cam kết của những nước này là các mức thuế quan ‘ràng buộc’. Theo Điều II GATT, các biểu cam kết này cấu thành bộ phận không tách rời của GATT. Chúng được xây dựng theo cách tiếp cận ‘danh sách khẳng định’, nghĩa là không có cam kết nào đối với các sản phẩm không nằm trong biểu cam kết. Đối với những sản phẩm được liệt kê, các thành viên sẽ không áp dụng mức thuế quan cao hơn mức trần cam kết trong biểu cam kết của mình đối các thành viên WTO. 

[b] Định nghĩa về thuế quan

Trong khuôn khổ WTO, thuế quan được hiểu là loại thuế áp dụng tại cửa khẩu đối với hàng hoá dịch chuyển từ một lãnh thổ hải quan này sang một lãnh thổ hải quan khác (Điều I GATT). Nó thường là thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, một số thành viên WTO cũng áp dụng thuế xuất khẩu. Mặc dù vậy, mối quan tâm chính của GATT/WTO từ trước đến nay vẫn luôn là thuế nhập khẩu. Cần nói rõ thuế quan không phải là ‘thuế nội địa’, ví dụ, thuế giá trị gia tăng (khoản 2 Điều III GATT), cũng không phải là phí hay lệ phí nhập khẩu (Điều VIII GATT).

[c] Những khía cạnh chính của thuế quan

Tính ràng buộc

Nhượng bộ thuế quan mà một thành viên WTO đưa ra có ‘giá trị ràng buộc’ và là mức thuế trần, không phải ở mức sàn. Điều đó có nghĩa rằng thành viên đó không thể áp dụng mức thuế suất cao hơn so với mức ràng buộc đã cam kết. Liên quan đến hiệu lực ràng buộc của thuế quan, các nước phát triển đã tăng số lượng dòng sản phẩm nhập khẩu chịu thuế suất ‘ràng buộc’ (tức là thuế suất đã cam kết và khó có thể tăng lên) từ mức 78% tổng số dòng lên mức 99%. Đối với các DCs, có sự gia tăng đáng kể từ 21% lên 73%. Các nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung cũng tăng số dòng sản phẩm nhập khẩu chịu thuế cam kết ràng buộc từ 73% lên 98%. Tất cả đồng nghĩa với mức độ an toàn thị trường cao hơn đáng kể dành cho các thương nhân và nhà đầu tư. 

Thuế quan phải được giảm dần

Ngoài tính ràng buộc, thuế quan còn có lộ trình giảm dần. Theo quy định của WTO, hầu hết lộ trình giảm thuế quan của các nước phát triển được chia thành các giai đoạn thực hiện trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/1/1995. Kết quả là sẽ giảm 40% số dòng thuế đối với các sản phẩm công nghiệp, giảm từ mức thuế suất trung bình 6,3% xuống 3,8%. Giá trị của các sản phẩm nhập khẩu được miễn thuế từ các DCs sẽ tăng từ mức 20% lên 44%. Ngoài ra, số dòng sản phẩm phải chịu mức thuế suất cao cũng giảm. Tỉ lệ sản phẩm nhập khẩu vào các nước phát triển từ mọi nguồn đang chịu mức thuế cao hơn 15% sẽ giảm xuống từ 7% đến 5%. Tỉ lệ các sản phẩm xuất khẩu của các DCs đang chịu mức thuế trên 15% tại các nước phát triển sẽ giảm xuống còn từ 9% đến 5%.

2- Nông nghiệp 

[a] Tổng quan

Hiệp định về nông nghiệp (gọi tắt là ‘Hiệp định AoA’) có hiệu lực từ ngày 1/1/1995. Lời nói đầu của Hiệp định này ghi nhận mục tiêu lâu dài của quá trình cải cách, được khởi động trong chương trình cải cách của Vòng đàm phán U-ru-goay, là xây dựng một hệ thống thương mại về nông nghiệp công bằng và theo định hướng thị trường. Chương trình tái cấu trúc bao gồm các cam kết cụ thể nhằm giảm sự hỗ trợ và bảo hộ trong các lĩnh vực hỗ trợ nội địa, trợ cấp xuất khẩu và tiếp cận thị trường thông qua việc thiết lập các quy tắc mạnh hơn, hiệu quả thực thi cao hơn của GATT. Đồng thời, Hiệp định cũng xem xét những vấn đề phi thương mại như an ninh lương thực và nhu cầu bảo vệ môi trường; quy định về những đối xử S&D dành cho các DCs, trong đó có sự cải thiện về cơ hội và điều kiện tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp mà các thành viên này có quan tâm cụ thể. 

[b] Phạm vi và định nghĩa

Điều 2 quy định rằng Hiệp định này áp dụng đối với các sản phẩm được liệt kê trong Phụ lục 1 của Hiệp định, sau đây gọi tắt là sản phẩm nông nghiệp. Tại Phụ lục 1, Hiệp định định nghĩa sản phẩm nông nghiệp bằng cách tham chiếu đến hệ thống hài hoà hoá về phân loại sản phẩm - định nghĩa này bao quát không chỉ (i) Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa mì, sữa và các động vật sống, mà cả (ii) Các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như bánh mì, bơ và thịt, cũng như (iii) Tất cả các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến, như sô-cô-la và xúc xích. Định nghĩa này cũng bao hàm cả rượu vang, rượu mạnh, các sản phẩm thuốc lá, các loại sợi như len, bông và lụa, da động vật thô sử dụng trong sản xuất da. Cá, các sản phẩm từ cá và lâm sản không nằm trong phạm vi của sản phẩm nông nghiệp. 

[c] Những khía cạnh chính của Hiệp định AoA

Hiệp định thiết lập một số quy tắc áp dụng chung đối với các biện pháp nông nghiệp liên quan đến thương mại, chủ yếu trong các lĩnh vực tiếp cận thị trường, hỗ trợ nội địa và cạnh tranh xuất khẩu. Những quy định này liên quan đến các cam kết cụ thể của thành viên nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường và giảm các khoản trợ cấp bóp méo thương mại, được ghi nhận trong biểu cam kết của từng thành viên WTO và là một bộ phận không tách rời của GATT. Tiểu mục này sẽ phác thảo những nét chính về các quy định của Hiệp định về MA, hỗ trợ nội địa và cạnh tranh xuất khẩu.

Tiếp cận thị trường (‘MA’)

(i) Chỉ bảo hộ bằng thuế quan

Liên quan đến MA, Vòng đàm phán U-ru-goay đạt được sự thay đổi quan trọng về hệ thống: Chuyển từ thực tế là có vô số các NTBs cản trở dòng chảy của thương mại nông nghiệp sang chế độ chỉ sử dụng thuế quan ràng buộc để bảo hộ và có cam kết cắt giảm. Khía cạnh quan trọng của sự thay đổi có tính căn bản này là nhằm kích thích đầu tư, sản xuất và thương mại trong nông nghiệp bằng cách: (i) Tăng tính minh bạch, tính có thể dự đoán và tính cạnh tranh của các điều kiện tiếp cận thị trường nông nghiệp; (ii) Thiết lập hoặc tăng cường mối liên kết giữa thị trường nông sản các quốc gia và quốc tế; và từ đó (iii) Căn cứ nhiều hơn vào thị trường để định hướng sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm một cách hiệu quả nhất, cả trong lĩnh vực nông nghiệp lẫn ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, thuế quan là hình thức bảo hộ duy nhất dành cho các sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn trước Vòng đàm phán U-ru-goay - Vòng đàm phán dẫn đến ‘sự ràng buộc’ trong khuôn khổ WTO về mức trần đối với thuế quan. Tuy nhiên, đối với nhiều sản phẩm khác, các NTBs đã được sử dụng để hạn chế MA. Đây từng là tình trạng phổ biến đối với phần lớn các sản phẩm nông nghiệp ôn đới. Các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Vòng U-ru- goay nhằm loại bỏ các rào cản như vậy. Với mục đích này, cùng với những kết quả khác, một gói ‘thuế quan hoá’ (hay ‘thuế hóa’) đã được nhất trí để thay thế các NTBs đối với nông nghiệp bằng thuế quan - biện pháp đảm bảo mức độ bảo hộ tương đương. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hiện nay đã có quy định cấm áp dụng các NTBs đối với nông nghiệp và mức thuế quan áp dụng đối với hầu hết các sản phẩm nông nghiệp được giao dịch quốc tế đều đã bị ràng buộc trong khuôn khổ WTO. 

(ii) Giảm thuế quan

Hiệp định yêu cầu thành viên phát triển, trong giai đoạn 6 năm bắt đầu từ năm 1995, giảm thuế quan xuống mức trung bình 36% đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, với mức giảm tối thiểu 15% cho bất kì sản phẩm nào. Đối với thành viên DCs, mức giảm tương ứng lần lượt là 24% và 10% và được thực hiện trong vòng 10 năm. Các thành viên DCs có mức thuế suất ràng buộc ở mức trần, trong nhiều trường hợp, đã không đưa ra cam kết giảm. Các thành viên LDCs được yêu cầu cam kết ràng buộc tất cả các loại thuế quan đối với hàng nông nghiệp, nhưng không phải thực hiện việc giảm thuế quan. 

(iii) Cấm áp dụng các biện pháp phi thuế quan (NTBs) tại cửa khẩu

Khoản 2 Điều 4 Hiệp định cấm áp dụng các NTBs đối với hàng nông nghiệp. Những biện pháp này bao gồm hạn chế số lượng nhập khẩu, biến thu nhập khẩu, giá sàn nhập khẩu, thủ tục cấp phép nhập khẩu tùy tiện, thoả thuận hạn chế xuất khẩu tự nguyện và các NTBs được duy trì thông qua các doanh nghiệp thương mại nhà nước. Tất cả các biện pháp áp dụng tại cửa khẩu tương tự, mà không phải là ‘thuế quan thông thường’, cũng không còn được phép áp dụng. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 4 Hiệp định không ngăn cấm việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu phi thuế quan phù hợp với quy định của GATT hoặc các hiệp định khác trong khuôn khổ WTO được áp dụng đối với hàng hoá nói chung. 

(iv) Các quy định về biện pháp tự vệ đặc biệt

Như là yếu tố thứ ba của gói ‘thuế quan hoá’, các thành viên có quyền viện dẫn quy định về tự vệ đặc biệt của Hiệp định (Điều 5) đối với sản phẩm đã được thuế quan hoá, với điều kiện việc bảo lưu áp dụng quy định tự vệ đặc biệt (viết tắt là ‘SSG’) đối với sản phẩm này được thể hiện trong Biểu cam kết của thành viên. Quyền áp dụng SSG được 38 thành viên bảo lưu đối với một số lượng hạn chế các sản phẩm trong mỗi trường hợp. SSG cho phép một thành viên áp dụng thuế quan bổ sung khi đáp ứng các tiêu chí nhất định. Các tiêu chí này có thể là sự gia tăng nhập khẩu đột biến, hoặc trên cơ sở từng chuyến hàng, có sự sụt giảm của giá nhập khẩu xuống dưới mức giá tham chiếu định trước. Đối với trường hợp khởi phát về khối lượng, mức thuế cao hơn chỉ áp dụng cho đến hết năm liên quan. Đối với khởi phát về giá, thuế bổ sung chỉ được áp dụng đối với chuyến hàng có liên quan. Các khoản thuế bổ sung không thể được áp dụng với hàng hoá nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan. 

Hỗ trợ nội địa

WTO phân loại các ‘hỗ trợ nội địa’ (‘domestic support’) theo ba nhóm:

- Hộp màu hổ phách (‘Amber box’): bao gồm tất cả các biện pháp hỗ trợ nội địa, như trợ giá, được xem là bóp méo sản xuất và thương mại. Các loại trợ cấp thuộc nhóm này được thể hiện bằng ‘Tổng lượng hỗ trợ tính gộp’ (‘Total AMS’) - số liệu được cộng gộp từ tất cả các hỗ trợ. Các hỗ trợ nhóm hộp màu hổ phách là đối tượng của các cam kết giảm trong khuôn khổ WTO.

- Hộp màu xanh lơ (‘Blue Box’): bao gồm các khoản hỗ trợ chi trả trực tiếp trên cơ sở diện tích hoặc số lượng vật nuôi, nhưng kèm theo điều kiện về hạn chế sản xuất bằng cách áp đặt hạn ngạch sản xuất hoặc yêu cầu nông dân không sử dụng một phần đất của họ. Theo quy định của WTO, các biện pháp hỗ trợ này được coi là tách rời một phần với sản xuất và không thuộc đối tượng cam kết giảm. Ở EU, những hỗ trợ này được coi là các khoản chi trả trực tiếp.

- Hộp màu xanh lá cây (‘Green Box’): bao gồm các biện pháp hỗ trợ được coi là không bóp méo thương mại, hoặc chỉ gây ra tác động ở mức tối thiểu và không thuộc đối tượng cam kết giảm trong khuôn khổ WTO. Đối với EU và Hoa Kỳ, một trong những biện pháp hỗ trợ được phép áp dụng có ý nghĩa quan trọng nhất thuộc nhóm này là hỗ trợ độc lập, trực tiếp dành cho người sản xuất. Biện pháp hỗ trợ này không liên quan đến mức sản xuất hoặc giá cả hiện tại. Nó cũng có thể được áp dụng với điều kiện sự hỗ trợ không gắn với yêu cầu về sản xuất. 

Trợ cấp xuất khẩu

Theo Hiệp định, trợ cấp xuất khẩu chỉ được áp dụng trong bốn trường hợp:

(i) Đối với trợ cấp xuất khẩu là đối tượng của cam kết giảm áp dụng đối với từng sản phẩm cụ thể, thì được phép áp dụng trong mức giới hạn quy định tại biểu cam kết của thành viên có liên quan;

(ii) Bất kì khoản thặng dư nào của ngân sách chi tiêu dành cho trợ cấp xuất khẩu hoặc cho khối lượng xuất khẩu đã được trợ cấp vượt quá giới hạn quy định trong biểu cam kết mà được điều chỉnh bởi khoản 2(b) Điều 9 Hiệp định;

(iii) Các loại trợ cấp xuất khẩu phù hợp với quy định về đối xử S&D dành cho các thành viên DCs (khoản 4 Điều 9 Hiệp định);

(iv) Các loại trợ cấp xuất khẩu khác, ngoài những loại là đối tượng của cam kết giảm, với điều kiện chúng phù hợp với quy định về ngăn chặn việc trốn tránh các cam kết về trợ cấp xuất khẩu tại Điều 10 Hiệp định.

Trong tất cả những trường hợp khác, các biện pháp trợ cấp xuất khẩu dành cho sản phẩm nông nghiệp đều bị cấm áp dụng (khoản 3 Điều 3, các điều 8 và 10 Hiệp định). 

3- Tiêu chuẩn và an toàn

[a] Các biện pháp kiểm dịch động-thực vật

Tổng quan

Trong khuôn khổ WTO, các biện pháp kiểm dịch động-thực vật được quy định tại GATT (Điều XX(b)) và Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động-thực vật (sau đây gọi là ‘Hiệp định SPS’). Hiệp định SPS có 14 điều và 3 phụ lục đưa ra định nghĩa về các thuật ngữ và làm rõ một số nghĩa vụ trong phần nội dung chính của Hiệp định. Hiệp định này liên quan đến việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động-thực vật; nói cách khác là liên quan đến các quy định về an toàn thực phẩm và sức khoẻ động-thực vật. Hiệp định ghi nhận rằng các chính phủ có quyền tiến hành các biện pháp kiểm dịch động-thực vật, nhưng chỉ trong phạm vi cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, và không được phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô căn cứ giữa các thành viên có điều kiện giống nhau hoặc tương tự. 

Phạm vi và định nghĩa

Theo Phụ lục A Hiệp định SPS, các biện pháp kiểm dịch động-thực vật có nghĩa là bất kì biện pháp nào được áp dụng để:

(i) Bảo vệ đời sống hoặc sức khoẻ của động vật hoặc thực vật trước những nguy cơ phát sinh từ sự xâm nhập, hình thành hay phát tán của sâu bệnh, dịch bệnh, sinh vật mang bệnh hoặc gây bệnh;

(ii) Bảo vệ cuộc sống hay sức khoẻ của con người hoặc động vật khỏi các nguy cơ phát sinh từ các chất phụ gia, chất gây ô nhiễm, chất độc hoặc các sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm, đồ uống hoặc thức ăn chăn nuôi;

(iii) Bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người khỏi các bệnh mang từ động vật, thực vật hoặc sản phẩm của chúng hoặc từ sự xâm nhập, hình thành hoặc phát tán của sâu bệnh; hoặc

(iv) Ngăn chặn hoặc hạn chế các thiệt hại khác phát sinh do xâm nhập, hình thành hoặc phát tán của sâu bệnh.

Những khía cạnh chính của Hiệp định

Hiệp định SPS cho phép các thành viên thông qua và thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, với điều kiện các biện pháp này không được áp dụng để tạo ra sự phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ giữa các thành viên có cùng điều kiện như nhau hoặc để dẫn đến sự hạn chế thương mại quốc tế (Lời nói đầu).

Hiệp định SPS quy định rằng việc sử dụng các biện pháp kiểm dịch động-thực vật phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản sau: 

(a) Không phân biệt đối xử

Hiệp định SPS đảm bảo rằng không có sự phân biệt đối xử giữa các thành viên trong việc sử dụng các biện pháp SPS. Các thành viên phải đảm bảo rằng các biện pháp kiểm dịch động-thực vật mà mình áp dụng không phân biệt đối xử một cách tùy tiện hoặc vô căn cứ giữa các thành viên có điều kiện giống hệt nhau hoặc tương tự nhau, kể cả giữa lãnh thổ của mình và của các thành viên khác (khoản 3 Điều 2).

(b) Hài hoà hoá

Để hài hoà hoá các biện pháp kiểm dịch động-thực vật trên cơ sở chung nhất có thể được, các thành viên phải lấy các tiêu chuẩn, hướng dẫn hay khuyến nghị quốc tế nơi chúng tồn tại làm cơ sở áp dụng các biện pháp này (khoản 1 Điều 3). Tuy nhiên, các thành viên có thể áp dụng hoặc duy trì các biện pháp kiểm dịch động-thực vật có mức độ bảo vệ cao hơn so với các biện pháp dựa trên các tiêu chuẩn, hướng dẫn hay khuyến nghị quốc tế có liên quan, nếu có sự khẳng định về khoa học hoặc là kết quả của mức độ bảo vệ động-thực vật mà một thành viên xác định là thích hợp, phù hợp với quy định của Hiệp định SPS (khoản 3 Điều 3).

(c) Tính tương đương

Các thành viên sẽ chấp nhận các biện pháp kiểm dịch động-thực vật của các thành viên khác là tương đương, ngay cả khi nếu các biện pháp này khác với các biện pháp của mình hoặc với các biện pháp mà những thành viên buôn bán cùng sản phẩm áp dụng, nếu thành viên xuất khẩu chứng minh được một cách khách quan với thành viên nhập khẩu rằng các biện pháp đó đạt được mức độ bảo vệ về vệ sinh động-thực vật của thành viên nhập khẩu (khoản 1 Điều 4).

(d) Mức độ bảo hộ phù hợp

Theo Hiệp định SPS, mức độ bảo hộ phù hợp (viết tắt là ‘ALOP’) là mức độ bảo hộ mà thành viên WTO cho là thích hợp để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật trong phạm vi lãnh thổ của mình. Các thành viên phải đảm bảo rằng bất kì biện pháp kiểm dịch động- thực vật nào cũng chỉ được áp dụng trong phạm vi cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, được dựa trên các nguyên tắc khoa học và không được duy trì mà không có bằng chứng khoa học xác đáng (khoản 2 Điều 2).

Mỗi thành viên WTO có quyền xác định ALOP riêng của mình. Tuy nhiên, khi xác định ALOP, các thành viên WTO sẽ tính đến mục tiêu giảm thiểu các tác động thương mại bất lợi.

Ngoài ra, các thành viên WTO được yêu cầu áp dụng các khái niệm của ALOP một cách phù hợp, tức là họ phải ‘tránh sự phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ’ ‘dẫn đến sự phân biệt đối xử hoặc sự hạn chế trá hình trong thương mại quốc tế’. 

(e) Đánh giá rủi ro

Trong việc đánh giá rủi ro đối với đời sống và sức khoẻ của động vật hoặc thực vật và xác định biện pháp kiểm dịch sẽ áp dụng để đạt được mức độ thích hợp, bảo vệ động-thực vật khỏi nguy cơ đó, các thành viên phải xem xét tới chứng cứ khoa học hiện có và các phương pháp sản xuất và chế biến có liên quan; các phương pháp điều tra, lấy mẫu và kiểm định có liên quan; sự phổ biến của loại bệnh hoặc sâu hại cụ thể; sự tồn tại của các vùng không nhiễm sâu hại hoặc nhiễm bệnh; các điều kiện sinh thái và môi trường có liên quan; và biện pháp cách ly hoặc các biện pháp xử lí khác (khoản 2 Điều 5). Bên cạnh đó, trong việc giám định, các thành viên phải xem xét các yếu tố kinh tế có liên quan như: những thiệt hại có thể xảy ra do sụt giảm sản xuất, kinh doanh khi có sâu bệnh xâm nhập, hình thành và phát tán; chi phí để kiểm soát hay loại bỏ sâu bệnh trong lãnh thổ của thành viên nhập khẩu; tương quan hiệu quả - chi phí của các phương pháp thay thế nhằm hạn chế rủi ro (khoản 3 Điều 5).

Tuy nhiên, Hiệp định SPS cũng quy định rằng trong trường hợp chưa có đủ bằng chứng khoa học liên quan, một thành viên có thể tạm thời áp dụng các biện pháp kiểm dịch động-thực vật trên cơ sở thông tin chuyên môn sẵn có, bao gồm thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan cũng như từ các biện pháp kiểm dịch động-thực vật mà thành viên khác áp dụng (khoản 7 Điều 5).

(f) Sự minh bạch

Nguyên tắc minh bạch trong Hiệp định SPS yêu cầu các thành viên WTO cung cấp thông tin về các biện pháp SPS mà họ áp dụng và thông báo về sự thay đổi của các biện pháp này.

Các thành viên cũng phải công bố các quy định SPS của họ. Các yêu cầu về thông báo được đáp ứng thông qua cơ quan thông báo quốc gia. Mỗi thành viên WTO cũng phải chỉ định một điểm hỏi-đáp quốc gia để trả lời các câu hỏi liên quan đến SPS do các thành viên khác nêu ra. Hai chức năng thông báo và hỏi đáp có thể do cơ quan duy nhất đảm nhận.  Ví dụ,

Hiệp định SPS quy định rằng các thành viên phải thông báo về những sự thay đổi trong các biện pháp kiểm dịch động-thực vật và có trách nhiệm cung cấp thông tin về các biện pháp kiểm dịch động-thực vật của mình một cách phù hợp với quy định của Hiệp định này (Điều 7).

Để đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, Hiệp định SPS quy định rằng khi thành viên có lí do để tin rằng biện pháp kiểm dịch động-thực vật cụ thể do thành viên khác áp dụng hoặc duy trì đang hạn chế hoặc có khả năng hạn chế hoạt động xuất khẩu của mình và biện pháp này không dựa trên các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế có liên quan hoặc không tồn tại các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị như vậy, thì có thể yêu cầu thành viên đang duy trì biện pháp đó đó giải thích về lí do áp dụng biện pháp kiểm dịch này và thành viên này có nghĩa vụ giải đáp (khoản 8 Điều 5).

[b] Các rào cản kĩ thuật đối với thương mại

Tổng quan

Trong WTO, các rào cản kĩ thuật đối với thương mại được quy định trong Hiệp định về các rào cản kĩ thuật đối với thương mại (sau đây gọi là ‘Hiệp định TBT’). Hiệp định TBT ra đời trong khuôn khổ của WTO, nhằm: (i) Ghi nhận sự cần thiết của các rào cản kĩ thuật đối với thương mại; đồng thời (ii) Kiểm soát những rào cản này để đảm bảo rằng các thành viên sử dụng chúng một cách phù hợp và hợp pháp, các rào cản này không được sử dụng như công cụ bảo hộ đơn thuần. 

Hiệp định TBT thừa nhận sự đóng góp quan trọng mà các tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống đánh giá hợp chuẩn có thể đem lại bằng việc cải thiện hiệu quả sản xuất và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Hiệp định TBT muốn đảm bảo rằng các quy chuẩn kĩ thuật và tiêu chuẩn, bao gồm các yêu cầu về đóng gói, đánh dấu và ghi nhãn, cũng như các thủ tục đánh giá hợp chuẩn, hợp quy không gây ra trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế. Hiệp định TBT thừa nhận rằng bất cứ thành viên nào cũng có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu của mình, hoặc để bảo vệ cuộc sống hay sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, bảo vệ môi trường, hoặc để ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, ở mức độ mà các thành viên này xét thấy là thích hợp, với điều kiện các biện pháp này không được áp dụng theo cách sẽ gây ra sự phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ giữa các thành viên có điều kiện tương tự nhau hoặc nhằm hạn chế một cách trá hình đối với thương mại quốc tế (Lời nói đầu).

Phạm vi và định nghĩa

Hiệp định TBT phân biệt ba loại rào cản kĩ thuật đối với thương mại như sau:

- Quy chuẩn kĩ thuật: là tài liệu đặt ra quy định về các đặc tính của sản phẩm hoặc các phương pháp sản xuất, chế biến liên quan, bao gồm các quy định hành chính bắt buộc phải tuân thủ.

- Tiêu chuẩn: là tài liệu được phê duyệt bởi tổ chức có uy tín, quy định các quy tắc, hướng dẫn hoặc đặc tính được áp dụng chung và lặp đi lặp lại đối với sản phẩm hoặc các phương pháp sản xuất và chế biến liên quan, mà việc tuân thủ chúng là không bắt buộc. 

- Thủ tục đánh giá sự phù hợp: bất kì thủ tục nào được sử dụng, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, để xác định sự tuân thủ các yêu cầu liên quan của quy chuẩn kĩ thuật hoặc tiêu chuẩn. 

Các quy chuẩn kĩ thuật được đề cập trong phần nội dung chính của Hiệp định, và các quy định được đặt ra để đảm bảo rằng chúng không trở thành những trở ngại không cần thiết đối với thương mại. Các quy định của Hiệp định TBT áp dụng đối với các quy chuẩn kĩ thuật được ban hành bởi chính quyền trung ương và địa phương, cũng như bởi các cơ quan phi chính phủ. Các thành viên WTO chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đảm bảo thực thi tất cả các quy định của Hiệp định TBT liên quan đến quy chuẩn kĩ thuật. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn được đề cập riêng tại ‘Bộ luật về ứng xử tốt’ (‘Code of Good Practice’), là một trong các phụ lục của Hiệp định (Phụ lục 3). Hầu hết các nguyên tắc của Hiệp định áp dụng đối với quy chuẩn kĩ thuật, cũng được áp dụng với tiêu chuẩn thông qua ‘Bộ luật’ này. ‘Bộ luật’ để ngỏ để các cơ quan tiêu chuẩn hoá của chính quyền trung ương, địa phương hoặc phi chính phủ (ở cấp quốc gia), cũng như các cơ quan tiêu chuẩn hoá chính phủ hoặc phi chính phủ ở cấp khu vực chấp thuận áp dụng. 

Những khía cạnh chính của Hiệp định TBT

Hiệp định TBT quy định các nguyên tắc mà thành viên phải tuân thủ như sau:

(a) Không phân biệt đối xử

Các thành viên phải đảm bảo rằng, liên quan đến các quy chuẩn kĩ thuật, các sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất kì thành viên nào cũng phải được đối xử không kém thuận lợi hơn so với các sản phẩm tương tự có nguồn gốc nội địa hoặc có nguồn gốc từ bất kì nước nào khác (khoản 1 Điều 2).

(b) Không gây ra trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế

Các thành viên phải đảm bảo rằng các quy chuẩn kĩ thuật không được chuẩn bị, thông qua hoặc áp dụng với mục đích hoặc hiệu ứng tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Với mục đích như vậy, các quy chuẩn kĩ thuật không được có tính chất hạn chế thương mại cao hơn mức cần thiết để đạt được một mục tiêu chính đáng, có tính đến những rủi ro mà sự không tuân thủ quy chuẩn có thể gây ra. Mục tiêu chính đáng có thể là yêu cầu về an ninh quốc gia, phòng ngừa hành vi lừa đảo, bảo vệ sức khoẻ hoặc sự an toàn của con người, động vật hoặc thực vật, hoặc bảo vệ môi trường. Khi đánh giá rủi ro, các yếu tố có liên quan cần xem xét, bao gồm (nhưng không giới hạn): các thông tin khoa học và kĩ thuật sẵn có liên quan đến công nghệ chế biến hoặc mục đích sử dụng cuối cùng của sản phẩm (khoản 2 Điều 2).

(c) Minh bạch

Trong trường hợp không có tiêu chuẩn quốc tế liên quan, hoặc quy chuẩn kĩ thuật được đề xuất có nội dung kĩ thuật không phù hợp với nội dung kĩ thuật của tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, và nếu quy chuẩn kĩ thuật này có thể gây tác động đáng kể đối với thương mại cho các thành viên khác; hoặc trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến an toàn, sức khoẻ, bảo vệ môi trường hoặc liên quan đến an ninh quốc gia phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh đối với thành viên, thì thành viên đó phải thông báo cho các thành viên khác; và khi có yêu cầu, thì phải cung cấp cho các thành viên khác bản sao của quy chuẩn kĩ thuật được đề xuất áp dụng; cho phép các thành viên khác đóng góp ý kiến bằng văn bản (khoản 9 Điều 2; khoản 10 Điều 2; khoản 6 Điều 5; và khoản 7 Điều 5).

(d) Căn cứ khoa học

Khi chuẩn bị, ban hành hoặc áp dụng quy chuẩn kĩ thuật, thành viên phải dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn xác đáng. Không được duy trì các quy chuẩn kĩ thuật, nếu tình huống hoặc mục đích đòi hỏi phải áp dụng chúng không còn tồn tại, hoặc nếu tình huống hoặc mục đích áp dụng đã thay đổi và có thể được giải quyết bằng theo cách ít gây hạn chế thương mại hơn (khoản 3 Điều 2).

(e) Hài hoà hoá

Trong trường hợp thực tế đòi hỏi phải có các quy chuẩn kĩ thuật và đang có (hoặc chắc chắn sắp hoàn thành) các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, các thành viên có thể sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế này hoặc các bộ phận có liên quan của chúng, để làm cơ sở cho các quy chuẩn kĩ thuật của mình, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Nhằm mục đích hài hoà hoá các quy chuẩn kĩ thuật trên cơ sở chung nhất có thể, các thành viên phải tham gia đầy đủ, trong phạm vi khả năng cho phép, vào sự chuẩn bị của các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế để ban hành các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm mà các thành viên này đã ban hành quy chuẩn hoặc dự định ban hành quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm đó (khoản 4 và khoản 6 Điều 2).

(f) Tính tương đương

Thành viên WTO cần xem xét một cách tích cực việc chấp nhận các quy chuẩn kĩ thuật của các thành viên khác là tương đương, kể cả khi các quy chuẩn này khác biệt so với các quy chuẩn của mình, nếu thành viên này hài lòng rằng các quy chuẩn kĩ thuật đó đáp ứng được các mục tiêu của các quy chuẩn của mình (khoản 7 Điều 2).

(g) Công nhận

Các thành viên được khuyến khích, trên cơ sở yêu cầu của các thành viên khác, sẵn sàng tham gia đàm phán, đi đến kí kết các thoả thuận về cùng công nhận kết quả của thủ tục của nhau về đánh giá sự phù hợp (khoản 3 Điều 6).

4- Dệt may

Từ năm 1995, Hiệp định về hàng dệt may của WTO (sau đây gọi là ‘ATC’) đã thay thế Hiệp định đa sợi (‘MFA’). Tới năm 2005, lĩnh vực dệt may được đưa trọn vẹn vào sự điều chỉnh theo các quy tắc điều chỉnh thương mại hàng hóa thông thường của GATT. Đặc biệt, hạn ngạch sẽ phải bị loại bỏ và nước nhập khẩu không được phân biệt đối xử giữa các nhà xuất khẩu nữa. Và ATC đã hết hiệu lực: đây là Hiệp định WTO duy nhất có điều khoản tự hủy. Tóm lại, từ năm 2005, hàng dệt may sẽ chịu sự điều chỉnh của GATT và các hiệp định liên quan như tất cả các hàng hoá khác.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Hiệp định của WTO về thuế quan, nông nghiệp và dệt may

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.42256 sec| 1080.344 kb