Hợp đồng thuê nhà - Những điều cần phải biết trước khi kí hợp đồng
I- HÃY ĐỀ PHÒNG VÀ BẢO VỆ TRƯỚC NHỮNG CHỦ NHÀ GIẢ
Khi xem xét hợp đồng thuê nhà, bạn hãy chắc rằng mình đã nắm toàn bộ thông tin của người chủ cho thuê (Thường là bên A). Nếu có thêm thời gian, hãy kiểm tra kỹ các tài liệu pháp lý của chủ cho thuê để chứng minh căn nhà là quyền sở hữu của họ. Trong trường hợp này, bạn nên hỏi chủ nhà một cách nhã nhặn và khéo léo, chắc chắn họ sẽ vui vẻ cho bạn biết hết các thông tin cũng như các giấy tờ quyền sở hữu của họ về ngôi nhà.
Ngoài ra, khi xem xét hợp đồng, bạn cần nắm rõ các điều khoản liên quan đến việc cho thuê như sau:
(i) Kỳ hạn thuê nhà (theo năm hay theo tháng).
(ii) Ngày bắt đầu và ngày hết hạn thuê nhà.
(iii) Những điểm cần chú ý trước ngày kết thúc hợp đồng.
(iv) Chủ cho thuê có ý định tiếp tục cho thuê nhà khi hết hạn hợp đồng hay không.
(v) Có “điều khoản phá vỡ hợp đồng” cho phép các bên chấm dứt hợp đồng sau một thời gian nhất định do xảy ra các sự cố hay không.
(vi) Tiền cọc thuê nhà là bao nhiêu và điền kiện để nhận lại cọc sau khi thanh lý hợp đồng.
II- COI CHỪNG SỰ MẤT GIÁ CỦA ĐỒNG TIỀN
Do sự biến động bất thường của đồng tiền Việt Nam đồng (VND) nên hầu hết chủ cho thuê thường thích ký hợp đồng nhà với người thuê bằng đồng tiền Mỹ (USD) để họ không phải chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của đồng tiền Việt.
Tuy nhiên, lời khuyên cho bất kỳ người thuê nhà (bao gồm cả người nước ngoài muốn thuê nhà tại Việt Nam) đó là trước khi bước vào quá trình ký hợp đồng thuê thì nên có sự đề cập rõ rệt về các điều khoản mệnh giá tiền tệ sử dụng cho việc thanh toán. Nếu tiền thuê nhà bằng Việt Nam Đồng, thì người thuê nhà không có gì phải lo cả. Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng được quy định bằng tiền USD, người thuê nhà cần kiểm tra mức giá quy đổi hiện hành của đồng tiền USD sang đồng tiền Việt được công bố tại Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và phải có kèm mức cố định trong bảng hợp đồng.
III- CẦN BIẾT RÕ NGÔI NHÀ CÓ ĐANG BỊ THẾ CHẤP HAY KHÔNG
Bên cạnh việc kiểm tra thông tin của chủ cho thuê và khoản quy định về đồng tiền thanh toán, khách thuê nhà cũng nên kiểm tra xem căn nhà muốn thuê có đang bị thế chấp tại ngân hàng nào đó hay không. Nếu có, cần phải hỏi rõ chủ nhà về việc ngân hàng có cho phép cho thuê căn nhà hay không. Thông thường, trong thỏa thuận thế chấp thường nêu rõ nếu không có sự chấp thuận của ngân hàng, căn nhà không được sử dụng vào mục đích cho thuê. Nếu việc cho thuê căn nhà không được sự chấp thuận của ngân hàng và chủ căn nhà ngừng chi trả tiền thế chấp, khách thuê nhà sẽ mất quyền thuê khi ngân hàng thu hồi quyền sở hữu căn nhà, ngoài ra rất có thể khách thuê sẽ mất luôn khoản tiền ký quỹ ban đầu.
Xem thêm: Hợp đồng thuê nhà - Những lưu ý sau khi ký hợp đồng.
IV- CHÚ Ý KỸ CÁC ĐIỀU KHOẢN LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN ĐẶT CỌC VÀ THỦ TỤC KẾT THÚC HỢP ĐỒNG
Những điều khoản liên quan đến việc kết thúc hợp đồng là một trong những vấn đề mà nhiều người thuê nhà bỏ qua và không chú ý kỹ. Trên thị trường hiện nay các chủ cho thuê chỉ chấp nhận cho người thuê trong khoảng thời gian dài hạn trên 1 năm. Để thuê được nhà, người thuê phải đặt một khoản tiền cọc (thường 1 đến 2 tháng tiền thuê) cho người chủ đối với hợp đồng thuê dài hạn.
Đôi lúc một số chủ nhà sẽ gây khó dễ và viện đủ mọi lý do để không trả tiền cọc cho người thuê nhà. Nhưng sẽ có một số lưu ý và cách để bạn có thể lấy lại số tiền cọc trước thời hạn. Dưới đây sẽ là một số lưu ý dành cho bạn (Hãy chắc rằng bạn không làm hỏng hay mất mát bất kỳ nội thất nào trong nhà bởi việc này có thể trừ vào số tiền cọc của bạn):
(i) Hãy thông báo cho chủ nhà đúng thời gian quy định khi muốn chuyển đi.
Thông thường, trước khi người thuê nhà có nhu cầu chuyển đi thì các chủ nhà thường quy định phải thông báo trước cho họ từ 15 đến 30 ngày (việc này tùy thuộc từng chủ nhà mà có quy định khác nhau về thời gian). Hãy chắc chắn rằng bạn thực hiện đúng yêu cầu này. Đừng nên dây dưa kéo dài thêm vài ngày vì có thể chủ nhà sẽ lấy thêm tiền của bạn hoặc lấy cớ đó mà trừ vào khoản tiền đặt cọc của bạn.
(ii) Trả lại hiện trạng căn nhà về vị trí ban đầu.
Nếu bạn có treo các bức ảnh, móc quần áo hay ti vi… lên tường thì chắc chắn sẽ để lại những lỗ hổng, do đó bạn cần phải trát lại những lỗ hổng này và quét lại màu sơn như ban đầu. Ngoài ra, mọi đồ đạc trong căn phòng thuộc quyền sở hữu của chủ nhà như: giường, tủ, máy lạnh, bàn ghế... cần đặt lại ở vị trí ban đầu. Nếu bạn không nhớ rõ vị trí của chúng, hãy xem lại những hình ảnh mà bạn đã chụp lại trong ngày đầu tiên chuyển đến.
(iii) Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.
Trước khi trả lại nhà, bạn cần lấy hết tất cả đồ đạc hư hỏng hoặc phế liệu bỏ đi của bạn ra ngoài căn phòng, hãy đưa chúng vào thùng rác. Đừng nên để để bất cứ tài sản gì thuộc quyền sở hữu của bạn ở đó. Đây là điều rất cần thiết bởi một số nơi chủ nhà không tính là bạn đã chuyển đi nếu bạn vẫn còn để đồ đạc trong phòng. Bạn không những không lấy được tiền cọc mà chủ nhà có thể lấy cớ bắt bạn trả thêm tiền thuê nhà thêm trong thời gian bạn chưa dọn chúng đi nữa.
V- KHUYẾN NGHỊ CÔNG TY LUẬT TNHH EVEREST
(i) Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm