Các bước khám nghiệm hiện trường phần một

18/05/2021

 

Quá trình khám nghiệm tại hiện trường nhằm khai thác thông tin từ những phản ánh vật chất cụ thể , là bước vận dụng tổng hợp những tri thức chiến thuật hình sự , kỹ thuật hình sự với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật để phát hiện , thu thập , phân tích , đánh giá toàn bộ những phản ánh vật chất về một vụ việc mang tính hình sự đã xảy ra cụ thể tại hiện trường , nhằm rút ra những chứng cứ chứng minh về các tình tiết cần thiết của một vụ việc mang tính hình sự cụ thể đã xảy ra tại hiện trường .

 

 

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Trình tự các bước trong quá trình phát hiện và thu lượm dấu vết hình sự ở hiện trường tuân thủ như sau :

 

 

Về nguyên tắc : Trước hết , tiến hành các biện pháp phát hiện dấu vết . Xác định mối liên quan giữa các dấu vết đã phát hiện . Đánh dấu những dấu vết đã phát hiện bằng số ;

 

 

Chụp ảnh hiện trường , dấu vết ... Mô tả , vẽ sơ đồ vị trí dấu vết và moi quan hệ của chúng , đo đạc và vẽ chi tiết dấu vết ;

 

 

Thu lượm dấu vết , vật chứng bằng những phương pháp thích hợp nhất , trong đó ưu tiên phương pháp thu vật mang dấu vết ;

 

 

Đóng gói những dấu vết , vật chứng , mẫu so sánh đã thu lượm được theo đúng quy định , tránh mọi sự tiếp xúc giữa các dấu vết , vật chứng và mẫu so sánh , cũng như tránh sự lẫn lộn giữa chúng ...

 

 

Do tính đa dạng , phong phú của dấu vết hình sự tồn tại ở hiện trường , ngoài những dấu vết dễ nhìn thấy , còn có những dấu vết mờ hoặc vi dấu vết . Cần chú ý rằng , với những thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi , xảo quyệt của bọn tội phạm , chúng đã lợi dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ vào việc thực hiện hành vi phạm tội , cũng như việc tìm mọi cách xoá bỏ hoặc hạn chế việc để lại dấu vết ở hiện trường . Vì thế , những dấu vết dễ nhìn thấy bằng mắt thường tồn tại trên hiện trường không phải là nhiều , cho nên việc tìm , phát hiện được những dấu vết hoặc những vi dấu vết ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với công tác điều tra các vụ án hình sự .

 

 

Do vậy , trong quá trình khám nghiệm hiện trường , cán bộ khám nghiệm cần phải xem xét kỹ lưỡng từng nơi , từng đồ vật nhằm tìm kiếm dấu vết , vật chứng với thái độ , tác phong làm việc : Thận trọng , ti mỉ , chính xác , khách quan và toàn diện.

 

 

Trong khi tìm kiếm dấu vết , vật chứng , một mặt ngay từ đầu phải tính xem sẽ gặp những loại dấu vết , vật chứng nào ? Ở đâu ? Bởi sự hình thành của dấu vết , vật chứng bao giờ cũng mang tính đặc trưng cho từng hành vi phạm tội . Một hệ thống dấu vết nhất định được tạo ra trên hiện trường là do một phương thức , thủ đoạn hoạt động nhất định của tội phạm , hay nói một cách khác , mỗi một phương thức , thủ đoạn hoạt động nhất định của tội phạm đều gây ra và để lại trên hiện trường một hệ thống dấu vết , vật chứng đặc trưng riêng .

 

 

Mặt khác , hiện trường còn có hiện tượng thiếu dấu vết , hay dấu vết tồn tại ở những nơi mâu thuẫn với phương thức gây án , đây là những dấu hiệu quan trọng để có thể đặt ra được những giả thuyết về sự giả tạo hiện trường , đánh lạc hướng quá trình điều tra tại hiện trường . Hoặc cũng có thể nhầm lẫn do những người không liên quan đến sự việc xảy ra vứt lại , hoặc bỏ quên những đồ vật ở hiện trường . Cũng như những thay đổi , những tồn tại có trước hoặc sau sự việc xảy ra được coi là có liên quan , do vậy công tác điều tra cũng có thể bị lạc hướng ...

 

 

Ghi nhận dấu vết : Ghi nhận dấu vết là cách thức để ghi nhận các thông tin , tài liệu có thật được phát hiện trong quá trình khám nghiệm theo đúng thủ tục trình tự và phương pháp .

 

 

Trong mọi trường hợp , trước khi thu lượm dấu vết , vật chứng đều phải tiến hành ghi nhận dấu vết , vật chứng đã phát hiện bằng cách : Chụp ảnh , mô tả , vẽ sơ đồ . Ghi chép và mô tả vị trí , số lượng , trạng thái , màu sắc ... của toàn bộ dấu vết , vật chứng vào biên bản khám nghiệm hiện trường . các phương pháp sau :

 

 

+ Chụp ảnh , quay phim và ghi hình hình sự : Trong mọi trường hợp , khi khám nghiệm hiện trường đều phải chụp ảnh ( quay phim , ghi hình hình sự ) hiện trường . Ảnh chụp hiện trường thường có 4 loại : Ảnh định hướng hiện trường , ảnh trung tâm hiện trường , anh từng phần hiện trường , ảnh chụp chi tiết hiện trường . Và cũng trong mọi trường hợp , dấu vết hình sự ở hiện trường khi phát hiện được , trước khi thu lượm đều phải được chụp ảnh , ảnh chụp dấu vết ở hiện trường thường có hai loại như sau :

 

 

Một là , chụp cả hệ thống : Yêu cầu của bức ảnh phải phản ánh được vị trí , trạng thái , chiều hướng của cả hệ thống dấu vết , mối quan hệ , liên hệ giữa các dấu vết với nhau , dấu vết với vật mang vết và dấu vết với môi trường vật chất xung quanh .

 

 

Hai là , chụp chi tiết từng dấu vết : Đòi hỏi phải ghi nhận trung thực và phản ánh khách quan về hình dạng , kích thước , màu sắc , hệ thống đặc điểm chung , đặc điểm riêng của từng dấu vết . Do vậy , khi chụp nhất thiết phải đặt thước tỷ lệ cạnh dấu vết ... trục ống kính phải vuông góc với bề mặt của dấu vết ( hoặc mặt phim song song với bề mặt dấu vết ) .

 

 

+ Mô tả hiện trường , dấu vết ... vào biên bản khám nghiệm hiện trường : Khi mô tả hiện trường phải mô tả từ chung đến từng phần và đến chi tiết ... mô tả theo quá trình khám nghiệm ; Mọi dấu vết phát hiện được trong quá trình khám nghiệm hiện trường đều phải được mô tả vào biên bản khám nghiệm hiện trường đúng trình tự , thủ tục , phương pháp do luật quy định tại các điều 102 , 133 , 201 BLTTHS năm 2015 ;

 

 

Khi mô tả dấu vết , vật chứng vào biên bản khám nghiệm hiện trường phải phản ánh được loại dấu vết , hình dạng , vị trí , kích thước , chiều hướng , số lượng , màu sắc cũng như trạng thái và mối tương quan của dấu vết trên vật mang vết và với môi trường vật chất xung quanh ;

 

 

Dấu vết là thương tích trên cơ thể nạn nhân cần phải mô tả thêm về chiều hướng , độ nông , sâu của dấu vết đặc điểm của thành , miệng , đáy và bờ mép của thương tích , những dấu hiệu , dấu vết xung quanh vết thương...

 

 

+ Vẽ sơ đồ hiện trường , về dấu vết và đánh dấu các dấu vết , vật chứng ... vào bản vẽ sơ đồ hiện trường .

 

 

Đây là một trong các cách thức để ghi nhận hiện trường , dấu vết , vật chứng , tử thi ... không thể thiếu được của bất cứ hiện trường nào khi tiến hành khám nghiệm . Là hình thức diễn tả hiện trường , dấu vết , vật chứng , đồ vật , tử thi ... và hệ thống dấu vết ở hiện trường bằng hình vẽ kỹ thuật . Nó không chỉ là hình thức ghi nhận hiện trường , dấu vết mà còn là tài liệu minh hoạ cho biên bản khám nghiệm hiện trường và bổ sung cho bản ánh hiện trường .

 

0 bình luận, đánh giá về Các bước khám nghiệm hiện trường phần một

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.50269 sec| 942.273 kb