Nguyên nhân bị can từ chối khai báo

13/05/2021

 

Có thể nói, những đặc điểm tâm lý nào và xuất hiện ra sao ở bị can là phụ thuộc vào hoàn cảnh phạm tội cụ thể, hoàn cảnh bị bắt cũng như việc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hậu quả của tội phạm và sự cảm nhận của họ về tính nghiêm trọng của tội phạm và trách nhiệm pháp lý của họ. Đặc điểm tâm lý của bị can không chỉ chịu tác động bởi thái độ, phong cách và phương pháp tác động của Cán bộ điều tra mà bởi cách tiếp xúc của Luật sư. Luật sư cũng cần chú ý một số nguyên nhân phổ biến của việc bị can từ chối khai báo trong các buổi lấy lời khai của CQĐT.

 

 

tìm hiểu tài liệu Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Bị can có niềm tin vào khả năng che giấu tội lỗi, làm giảm TNHS của mình bằng cách không khai hoặc khai gian dối

 

 

Tâm lý này thường xuất hiện ở những bị can có nhiều tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó, hoặc xuất hiện ở những bị can có trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực phạm tội cao, tin rằng những che giấu của mình, CQĐT khó có thể tìm ra.

 

 

Đây là nguyên nhân rất phổ biến ở bị can và là nguyên nhân tâm lý phức tạp nhất bởi xuất phát từ niềm tin của bị can cho rằng nếu không khai thì CQĐT sẽ không có đủ chứng cứ kết tội, có thể trốn tránh một phần trách nhiệm. Hoặc bị can tin rằng bằng việc khai gian dối có thể dẫn hoạt động điều tra đi chệch hướng, tội lỗi của bị can sẽ được giảm nhẹ vì sự thật của vụ án sẽ không được tìm ra.

 

 

Bị can có tâm lý lo sợ hành vi phạm tội của mình sẽ làm liên lụy, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, quyền lợi của gia đình, người thân của họ

 

 

Đây cũng là nguyên nhân tâm lý phổ biến ở bị can thúc đẩy họ không khai báo hành vi phạm tội của bản thân. Bị can lo sợ việc khai nhận sự thật, thừa nhận tội lỗi sẽ làm cuộc sống của gia đình, người thân bị ảnh hưởng. Sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cha mẹ, vợ hoặc chồng, liên luỵ đến những người thân khác, vì thông thường những người thân của bị can đều ít nhiều liên quan hoặc biết hành vi phạm tội của họ. Đây là một nguyên nhân tâm lý cản trở việc khai báo thành khẩn của bị can nhưng đó là biểu hiện của tình cảm gia đình, một cơ sở quan trọng để Luật sư đặt niềm tin vào khả năng thuyết phục nhằm tác động khơi dậy những điều tốt đẹp ở bị can, làm chuyển đổi thái độ, hành vi của họ theo hướng có lợi cho hoạt động bào chữa.

 

 

Đặc điểm tính cách ngang bướng của bị can

 

 

Ở một số bị can, việc không khai báo thành khẩn là xuất phát từ đặc điểm tâm lý bền vững đã có ở bị can từ trước, đó là tính cách ngang bướng, muốn làm ngược ý người khác, muốn chứng tỏ sự khác người, muốn tỏ rõ “bản lĩnh” hay “khí phách” của bản thân. Nguyên nhân tâm lý này thường thấy ở những bị can ít tuổi, bị can là những người dưới 18 tuổi, có trình độ văn hoá thấp hoặc ở bị can có định hướng giá trị và quan điểm sống đi ngược với chuẩn mực chung. Với những bị can. này, việc thuyết phục, cảm hoá ít có tác dụng, nhưng thuận lợi cho việc sử dụng tác động tâm lý kích động tính kiêu ngạo, sự bốc đồng, hiếu thắng của bị can.

 

 

Trạng thái tâm lý bị quan, thất vọng dẫn đến việc bị can bất hợp tác, không khai báo gây bất lợi cho bị can

 

 

Trong nhiều trường hợp bị can từ chối khai báo với CQĐT, từ chối tiếp xúc với Luật sư do nguyên nhân bị can quá bi quan, thất vọng về cuộc sống của mình, từ đó tỏ ra tiêu cực không quan tâm đến hoạt động điều tra, không khai báo hoặc ngược lại có trường hợp nhận tội một cách tùy tiện cho xong, dẫn đến gây rất nhiều bất lợi cho họ. Nguyên nhân tâm lý này thường gặp ở những bị can phạm tội lần đầu, do bị lôi kéo, lừa dối, cưỡng ép mà phạm tội, do hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà phạm tội, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà bị can thấy phải chịu hình phạt cao nhất là điều không tránh khỏi. Đây là nguyên nhân tâm lý thuộc dạng tiêu cực, Luật sư cần tác động tâm lý, phân tích, giảng giải những điều hơn thiệt trong cách ứng xử của họ, hoặc đưa ra các tình huống có thể xảy ra để bị can thấy được điều sai trái trong phản ứng hiện tại của họ để từ đó bị can thấy cần phải thay đổi.

 

 

Nhiều trường hợp do ác cảm với Cán bộ điều tra trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, dẫn đến việc bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối khi Cán bộ điều tra này hỏi nhưng lại thành khẩn khai báo khi Cán bộ điều tra khác hỏi. Nguyên nhân ở đây là do bị can không tin tưởng, coi thường và không phục Cán bộ điều tra trước. Cách thức tiến hành tiếp xúc lây lời khai của Cán bộ điều tra đã làm cho bị can có ác cảm, có nhận thức tiêu cực, không tin tưởng vào sự khách quan, vô tư, độ lượng của Cán bộ điều tra trong hoạt động lấy lời khai. Cũng có thể do quan hệ không tốt đã có từ trước giữa Cán bộ điều tra và bị can. Hiểu được trạng thái tâm lý bất ôn này của khách hàng đang là bị can trong vụ án sẽ giúp Luật sư giải tỏa được tâm lý cho bị can, đồng thời Luật sư khéo léo, tế nhị không để tâm lý bị can làm ảnh hưởng đến tâm lý của Cán bộ điều tra, gây nhiều bất lợi cho khách hàng của Luật sư.

 

 

Tâm lý quá tự tin, cho rằng mình đã có người che chắn, cứu giúp ở bên ngoài hoặc hy vọng vào khả năng mua chuộc, hối lộ được Cán bộ điều tra và CQĐT nên thái độ khá ngạo mạn, thách đố

 

 

Do bị can nghĩ rằng mình có người thân hoặc có quan hệ quen thân với người công tác trong các cơ quan tố tụng hoặc cán bộ có chức quyền nào đó và hy vọng, tin tưởng, ỷ vào sự che chở, giúp đỡ từ bên ngoài. Có bị can không hề có các quan hệ này, nhưng lại hi vọng có thể mua chuộc Cán bộ điều tra hoặc cán bộ có chức quyền nào đó để họ can thiệp, giúp đỡ. Trên thực tế, những bị can bị khởi tố về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thường có biểu hiện tâm lý trên. Điều quá tự tin này khiến bị can rơi vào trạng thái tâm lý ngạo mạn, coi thường người khác, gây nhiều bất lợi cho bị can. Luật sư bào chữa cho những bị can là đối tượng này, hiểu được bản chất của vấn đề, sẽ có phương pháp, kỹ năng khéo léo tác động đạt hiệu quả.

 

 

Bị can có ý thức coi thường pháp luật, coi thường sự trừng phạt

 

 

Nguyên nhân này thường gặp phổ biến ở các bị can có nhiều tiền án, tiền sự, đặc biệt là các bị can phạm tội có tính chuyên nghiệp, hoạt động phạm tội diễn ra thường xuyên, liên tục trong cuộc sống của họ. Sự coi thường pháp luật, coi thường sự trừng phạt dẫn tới thái độ trang tráo, khai báo gian dối, khiêu khích, thách thức và thiếu tôn trọng đối với Cán bộ điều tra và không hợp tác với Luật sư.

 

 

Bị can sợ bị đồng bọn xử phạt, trả thù

 

 

Nguyên nhân này thường gặp ở những bị can trong vụ án đồng phạm, những bị can là thành viên của các ô nhóm phạm tội được đặc trưng bởi sự liên kết, ràng buộc lẫn nhau trên cơ sở “luật rừng”. Trong hỏi cung, bị can mặc dù muốn khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật song lại sợ nếu mình là người khai báo trước thì sẽ bị thủ lĩnh hoặc đồng bọn trả thù không chỉ nguy hại với bản thân mà còn với gia đình, do đó thường khai báo loanh quanh nhỏ giọt, lời khai không ổn định. Hiểu được trạng thái tâm lý ở diện đối tượng này, giúp Luật sư có kế hoạch và kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả nhất khi thực hiện các công việc bào chữa của mình.

 

 

Bị can sợ phải bồi thường thiệt hại

 

 

Ngoài những trường hợp do lo sợ về TNHS mà không khai báo thành khẩn, còn có không ít trường hợp bị can khai báo quanh co, đổ lối cho người khác vì lý do sợ phải bồi thường những thiệt hại do bị can gây ra. Loại nguyên nhân này thường gặp ở những bị can phạm các tội mà hậu quả tội phạm gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giá trị thiệt hại có thể không lớn (chưa đạt tới mức thiệt hại nghiêm trọng theo quy định của luật hình sự) nhưng đối với khả năng kinh tế của bị can thì việc bồi thường sẽ khó khăn hoặc bị can nhận thức rằng thiệt hại họ gây ra quá lớn. Đây không phải là nguyên nhân chính nhưng cũng là một yếu tố cản trở sự khai báo thành khẩn của bị can. Phát hiện chính xác và tác động giúp cho bị can thoát khỏi sự lo sợ này là rất cần thiết trong quá trình tiếp xúc.

 

 

 

 

0 bình luận, đánh giá về Nguyên nhân bị can từ chối khai báo

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.58751 sec| 962.711 kb