Hướng dẫn quy trình nghiên cứu hồ sơ pháp lý

"Không thể yêu hay ghét cái gì trước khi hiểu thấu nó".

Leonardo da Vinci, 1452 - 1519, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà triết học, người Ý

Hướng dẫn quy trình nghiên cứu hồ sơ pháp lý

Hồ sơ vụ việc có thể rất phức tạp, nếu không nghiên cứu hồ sơ pháp lý một cách khoa học hoặc sai phương pháp, luật sư sẽ mất nhiều thời gian, công sức, không đạt được các mục tiêu nghiên cứu hồ sơ, từ đó có thể không đảm bảo được kết quả, hiệu quả công việc.

Quy trình nghiên cứu hồ sơ pháp lý trong hướng dẫn này dùng để tham khảo, sử dụng trong đa số các vụ việc, nhưng có thể được giản lược, tùy vào tính chất phức tạp của vụ việc, gồm các bước chính: [1] phân tích yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng; [2] đọc bộ hồ sơ pháp lý; [3] phân loại hồ sơ pháp lý, lập hồ sơ tài liệu pháp lý; [4] đọc chi tiết hồ sơ pháp lý; [5] tóm lược về vụ việc pháp lý; [6] phân tích pháp lý; [7] xác định vấn đề pháp lý.

Liên hệ

I- MỘT SỐ YÊU CẦU KHI NGHIÊN CỨU HỒ SƠ PHÁP LÝ

1- Luật sư tìm hiểu rõ mong muốn của khách hàng

Trước khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư tư vấn cần hiểu được yêu cầu tư vấn pháp luật của khách hàng trên cơ sở các tài liệu, thông tin khách hàng cung cấp. Mỗi đề xuất tư vấn của khách hàng đều gắn liền với một “câu chuyện pháp lý", diễn biến, tình tiết cụ thể và khác biệt với các vụ việc luật sư đã tư vấn. Trong tất cả các “câu chuyện pháp lý" luật sư sẽ là “nhân vật mới" được mời gia nhập để tìm hiểu và tư vấn cho một hoặc một số "nhân vật chính'" trong câu chuyện đó.

Chính vì lẽ đó, luật sư tư vấn thường phải tìm hiểu kỹ lưỡng từng tình tiết, diễn biến của sư việc hay dự định của khách hàng để từ đó hiểu được đầy đủ và chính xác các thông tin, tài liệu làm nền tảng cho yêu cầu tư vấn pháp luật của khách hàng.

Khách hàng không phải luôn đưa ra một yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý hợp lý. Nhiều khách hàng do hạn chế về kiến thức pháp luật nên có thể sẽ đưa ra các yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý không hợp lý hoặc nhiều yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng không được diễn đạt đúng với mong muốn của họ.

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn Hiền (đã chết năm 2012) và vợ là bà Ngô Thị Hòa (gọi tắt là: ông Hiền, bà Hòa) có tài sản chung là thửa đất tại địa chỉ Phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Thửa đất có diện tích 891 m2, tài sản trên đất là 01 nhà xưởng diện tích 891 m2 (gọi tắt là: "Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo"). Ông Hiền, bà Hòa có 04 người con là: anh Nguyễn Văn Mạnh, chị Nguyễn Thị Bình, anh Nguyễn Văn Thiệu, anh Nguyễn Văn Anh (gọi tắt là anh Mạnh, chị Bình, anh Thiệu, anh Văn Anh). 

Ngày 16/01/2012, ông Hiền và bà Hòa ký Hợp đồng thế chấp tài sản là Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (gọi tắt là: “Agribank”), để đảm bảo khoản vay cho bên thứ ba là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hữu Hưng (gọi tắt là: “Công ty Hữu Hưng”). Trong Hợp đồng thế chấp có nêu rõ nội dung: “Thời hạn cho vay, mục đích vay, lãi suất vay… sẽ được ghi cụ thể trong các Hợp đồng tín dụng và các giấy tờ nghiệp vụ của Ngân hàng mà Bên thế chấp (ông Hiền, bà Hòa) và Bên nhận thế chấp (Ngân hàng) sẽ ký kết tại trụ sở của Bên nhận thế chấp (Ngân hàng)”.

Tháng 07/2012, ông Hiền chết. Trước khi chết, ông Hiền chưa ký bất kỳ Hợp đồng tín dụng, giấy tờ nghiệp vụ với Agribank để đảm bảo khoản vay cho Công ty Hữu Hưng. 

Ngày 27/12/2013, Agribank ký kết Hợp đồng tín dụng với Công ty Hữu Hưng để vay 7.500.000.000 tỷ đồng (Bảy tỷ năm trăm triệu đồng) mà không có sự xác nhận của ông Hiền và bà Hòa.

Sau đó, Công ty Hữu Hưng không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng thế chấp với Agribank nên Ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu Công ty Hữu Hưng tại Tòa án nhân dân quận Long Biên, yêu cầu Công ty Hữu Hưng trả nợ theo Hợp đồng tín dụng.

Ngày 31/05/2017, Tòa án triệu tập: bà Hòa, cùng các con là anh Mạnh, chị Bình, anh Thiệu, anh Văn Anh đến tham gia phiên tòa với tư cách là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Hiền. Tuy nhiên, do có lý do cá nhân nên bà Hòa, anh Văn Anh, chị Bình và anh Thiệu không thể đến tham gia phiên tòa được, những người nêu trên đã làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Ngày 31/05/2017, Tòa án nhân dân quận Long Biên xét xử vụ án Tranh chấp Hợp đồng tín dụng, phán quyết: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Agribank. Agribank có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo (Bản án số 08/2017/KDTM-ST). 

Từ sau ngày 31/05/2017 đến nay, bà Hòa và các con: anh Mạnh, chị Bình, anh Thiệu và anh Văn Anh có mặt tại nơi cư trú. Nhưng không nhận được Bản án 08/2017/KDTM-ST ngày 31/05/2017 của Tòa án nhân dân quận Long Biên. Do đó, họ chưa thực hiện được quyền kháng cáo của mình. 

Ngày 12/06/2018, anh Mạnh đến Tòa án nhân dân quận Long Biên đề nghị được cấp Bản án số 08/2017/KDTM-ST ngày 31/05/2017 mới được Tòa án cấp, trên Bản án có đóng dấu “án đã có hiệu lực pháp luật”. 

- Yêu cầu của khách hàng:

Yêu cầu luật sư hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích của gia đình anh Mạnh trong vụ việc nêu trên. Cụ thể khách hàng cho rằng, ông Hiền chết vào tháng 07/2012. Trừ hợp đồng thế chấp, ông Hiền chưa ký bất kỳ Hợp đồng tín dụng, giấy tờ nghiệp vụ với Agribank để đảm bảo khoản vay cho Công ty Hữu Hưng. Sau khi ông Hiền chế hơn 01 năm, vào ngày 27/12/2013, Agribank mới ký kết Hợp đồng tín dụng với Công ty Hữu Hưng để vay 7.500.000.000 tỷ đồng. Bản án tuyên phát mại tài sản của ông Hiền là không đúng. Anh Mạnh muốn là kháng cáo Bản án số 08/2017/KDTM-ST.

- Xác định chính xác yêu cầu của khách hàng:

Căn cứ vào lời trình bày của khách hàng và tài liệu khách hàng cung cấp, luật sư có thể xác định yêu cầu của khách hàng là:

[1] Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 08/2017/KDTM-ST ngày 31/5/2017 của Tòa án nhân dân quận Long Biên, khi buộc người đã chết là ông Hiền phải chịu trách nhiệm với khoản nợ của doanh nghiệp phát sinh sau đó.  

[2] Tạm hoãn thủ tục thi hành án của Cơ quan Thi hành án để đảm bảo gia đình anh Mạnh tạm thời giữ được Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo và tài sản trên đất, đồng thời đàm phán với với Agribank về việc giảm đến mức thấp nhất số tiền gia đình anh Mạnh phải trả cho Agribank.

2- Luật sư xác định được cơ sở để đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý

Trước khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, luật sư tư vấn cần dành thời gian thích hợp cho việc nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Nhiều luật sư cho rằng, không cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc quá kỹ lưỡng khi chưa ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng dẫn đến việc nghiên cứu hồ sơ sơ sài, không cẩn thận. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ một cách sơ bộ, luật sư tư vấn tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư tiến hành nghiên cứu sâu hồ sơ thì nhận thấy bối cảnh vụ việc phức tạp hơn hình dung ban đầu, hoặc khác với kết quả thẩm định hồ sơ ban đầu.

Lưu ý, những trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng không rõ ràng về phạm vi công việc hay phí dịch vụ pháp lý, rất có thể dẫn đến tranh chấp làm ảnh hưởng đến uy tín của luật sư, công ty luật. Đã có những trường hợp khách hàng không đồng ý đàm phán lại hợp đồng dịch vụ pháp lý, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý thì có thể vướng mắc, nhưng nếu không ký lại hoặc sửa đổi, bổ sung điều khoản về hợp đồng kết quả thực hiện công việc hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Việc nghiên cứu hồ sơ pháp lý trước giai đoạn ký hợp đồng dịch vụ pháp lý một cách cẩn trọng giúp luật sư tư vấn nắm được toàn diện bới cảnh vụ việc, xác định được những vấn đề pháp lý mấu chốt, phạm vi công việc, khả năng thực hiện công việc của luật sư tư vấn, hãng luật, từ đó đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý hiệu quả hơn.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

3- Luật sư hiểu được bối cảnh vụ việc đế tư vấn cho khách hàng 

Ngay khi thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư tư vấn cần phải tiếp tục dành thời gian phù hợp để nghiên cứu hồ sơ pháp lý, hiểu được “câu chuyện” của khách hàng. Với những vụ việc có sự kiện, tình tiết tương đối rõ ràng, luật sư có thế dễ dàng nhận biết được, hiểu được bối cảnh tư vấn. Trên thực tế. đa phần những vụ việc khách hàng đề nghị luật sư tư vấn đều là những bài toán tương đối hóc búa với những thông số, dữ liệu phức tạp không dễ gì luật sư tư vấn có thể hiểu ngày được nếu như không có sự phân tích, so sánh, đối chiếu giữa các tài liệu, chứng cứ với nhau và với những thông tin do khách hàng trình bày bằng lời nói và với kiến thức và kinh nghiệm của luật sư.

Trên thực tế có nhiều luật sư tư vấn sau khi nghiên cứu, phân tích hồ sơ vụ việc đã tìm ra một diện mạo mới về vụ việc của khách hàng. Thực tế này là do khách hàng thường có tâm lý nói ra những điều có lợi cho mình và không đề cập đến những điểm bất lợi hoặc giản lược đến mức tối đa có thể những sai sót, hạn chế, vi phạm của mình trong vụ việc.

Do đó, nếu không cẩn trọng, khách quan và có kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư có thể không có được “nguyên liệu”, “vật liệu” và các “chất phụ gia” tốt để sử dụng trong quá trình phân tích pháp lý, đưa ra các giải pháp, ý kiến tư vấn cho khách hàng.

Mỗi vụ việc hay đề nghị cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng đều có những sự kiện, tình tiết, bối cảnh thực tế nhất định và có thể nói là những vụ việc đó có “cuộc đời riêng” của mình. Công việc của luật sư không chỉ đơn thuần là đọc và ghi nhận những thông tin, tài liệu do khách hàng cung cấp mà cần phải so sánh, đối chiếu, lý giải, tìm hiểu,  đặt câu hỏi, xác minh, kiểm tra để hiểu một cách thực sự đời sống riêng của mỗi vụ việc được yêu cầu tư vấn.

Nhiều luật sư đồng ý quan niệm cho rằng, luôn luôn cần đặt câu hỏi: tỉ lệ “băng chìm” là bao nhiêu trong một vụ việc. Khi ý thức được điều đó, luật sư tư vấn mới có sự đầu tư thích hợp vào quá trình nghiên cứu hồ sơ pháp lý, phân tích vụ việc, xác định vấn đề tư vấn. Hiểu được về vụ việc, bối cảnh tư vấn, luật sư tư vấn sẽ tiếp cận được gần hơn đến một dịch vụ tư vấn sát với thực tế, hiệu quả và hữu ích cho khách hàng.

4- Luật sư củng cố hồ sơ vụ việc 

Nghiên cứu, phân tích hồ sơ vụ việc sẽ gắn liền với việc luật sư tư vấn đọc tài liệu, rà soát, đối chiếu, so sánh, xác minh. Trong quá trình này luật sư tư vấn sẽ kiểm tra lại những thông tin khách hàng cung cấp, lời trình bày của khách hàng có tương thích với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc hay không. Đặc biệt, luật sư tư vấn có thể phát hiện ra những điểm mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các tài liệu, thông tin liên quan đến vụ việc nên phải tự tìm lời giải hoặc yêu cầu khách hàng giải thích, làm rõ những điểm mâu thuẫn, bất đồng đó. Kết quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ, phân tích vụ việc, xác định vấn đề tư vấn có thể là việc luật sư phát hiện ra một hoặc một số tình tiết, sự kiện cần khách hàng cung cấp thêm các thông tin, tài liệu.

5- Luật sư xác định vấn đề pháp lý của vụ việc

Mục tiêu trọng tâm của việc nghiên cứu hồ sơ pháp lý là xác định vấn đề pháp lý của vụ việc. Căn cứ vào yêu cầu của khách hàng, các tài liệu, tình tiết, sự kiện có trong hồ sơ, luật sư xác định những vấn đề pháp lý mấu chốt, những vấn đề pháp lý phụ để từ đó tiếp tục phân tích hồ sơ, tra cứu và áp dụng các quy định của pháp luật, án lệ đề tư vấn cho khách hàng.

6- Luật sư định hướng cho việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật, án lệ 

Thông qua việc làm rõ những thông tin về liên quan đến vụ việc, ví dụ, thông tin liên quan đến tư cách chủ thể nội dung sự việc, giao dịch, đối tượng giao dịch, thời điểm diễn ra sự việc, nơi diễn ra sự việc và đặc biệt là những vấn đề pháp lý của vụ việc, luật sư sẽ có những định hướng trong việc khoanh vùng để tra cứu, xác định văn bản pháp luật cụ thể áp dụng vào vụ việc của khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế (luật sư thừa kế) của Công ty Luật TNHH Everest

7- Luật sư chuẩn bị soạn thảo thư tư vấn 

Để có thể đưa ra ý kiến tư vấn dưới bất kỳ phương thức nào, bằng lời nói hoặc bằng văn bản luật sư luôn cần đến những chứng cứ tài liệu, tình tiết liên quan đến vụ việc. Trên cơ sở thực tế, bối cảnh, hồ sơ vụ việc, luật sư thực hiện quá trình phân tích, đánh giá để hiểu được bản chất pháp lý của vụ việc, đối chiếu với các quy định pháp luật, kết hợp với các kiến thức chuyên môn, luật sư phác thảo cấu trúc của thư tư vấn cũng như nội dung cụ thể của thư tư vấn.

Quá trình luật sư nghiên cứu, phân tích vụ việc, đặc biệt là việc xác định vấn đề pháp lý của vụ việc sẽ là cơ sở quan trọng để luật sư hình thành “sườn”, “khung” những vấn đề sẽ nhận định, đánh giá trong văn bản tư vấn. Việc phác thảo cấu trúc nội dung thư tư vấn sẽ giúp luật sư kiểm soát được tính logic, hợp lý, khoa học của thư tư vấn. Thông thường, thư tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến việc triển khai dự định, kế hoạch kinh doanh; giải quyết tranh chấp; tìm giải pháp giải quyết vấn đề v.v. thường có một cấu phần có tên gọi là “mô tả sự việc”. Trong câu phần này, luật sư thường phải nêu lại bối cảnh vụ việc theo các cách như: sắp xếp vụ việc theo trình tự thời gian (theo diễn biến xuôi hoặc diễn biến ngược); mô hình hóa diễn biến vụ việc.

Bên cạnh đó, luật sư sẽ phải liệt kê các tài liệu luật sư đã được cung cấp để sử dụng đề làm cơ sở cho việc phân tích vụ việc và đưa ra ý kiến tư vấn ở phần sau. Những giả định, bảo lưu của luật sư cũng được đưa vào cấu phần này nhầm giới hạn lại những thông tin chưa được xác minh, khó xác minh và đưa ra những bảo lưu để hạn chế những rủi ro nghề nghiệp cho luật sư. Cấu phần này có ý nghĩa khái quát lại có sự thực tế mà luật sư đã nghiên cứu làm cơ sở cho việc phân tích và đưa ra ý kiến tư vấn ở những phần tiếp theo. Nếu không có cấu phần này, văn bản tư vấn của luật sư không đảm bảo tính toàn diện và trong nhiều trường hợp đưa lại cho luật sư những rủi ro không đáng có.

8- Một số lưu ý đối với luật sư khi thực hiện nghiên cứu hồ sơ pháp lý

Khi nghiên cứu hồ sơ pháp lý, luật sư tư vấn cần lưu và những vấn đề sau để hạn chế những yếu tổ có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc nghiên cứu hồ sơ pháp lý:

Khách quan trong việc đọc, hiểu và phân tích hồ sơ: Qua quá trình tiếp xúc với khách hàng, Luật sư đã được tiếp cận với thông tin vụ việc và thông tin đó đa phần được phản ánh, trình bày lại theo cách hiểu của khách hàng và gắn với tâm trạng, quan điểm của cá nhân khách hàng. Bên cạnh đó, trong trường hợp luật sư không được trực tiếp tiếp xúc khách hàng, các thông tin về vụ việc được trao đổi lại bởi luật sư đã họp với khách hàng. Như vậy, thông tin về vụ việc qua trao đổi lại sẽ ít nhiều được trình bày dưới góc độ đánh giá của một cá nhân. Để có thể có được kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc toàn diện, hiệu quả. Luật sư cần có sự độc lập trong việc đọc, đánh giá các tình tiết, dữ kiện và xác định các vấn đề pháp lý trong vụ việc.

Luôn có sự đối chiếu chéo các dữ kiện đã thu thập được: Để hiểu vụ việc theo sự nhìn nhận của cá nhân luật sư, luật sư cần đối chiếu chéo các dữ kiện có trong hỗ sư vụ việc. Việc đối chiếu chéo dữ liệu, thông tin, tài liệu trong nhiều trường hợp giúp luật sư tìm ra những bất cập, mâu thuẫn, không toàn diện của hồ sơ do khách hàng cung cấp. Trên cơ sở đó, luật sư tiếp tục đặt ra những câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho những tình tiết, dữ kiện bất thường, bất hợp lý.

Tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiên cứu hồ sơ pháp lý: Quy trình nghiên cứu hồ sơ đưa ra những khuyến nghị cho luật sư để đảm bảo việc nghiên cứu hồ sơ được thực hiện một cách khoa học, hiệu quả. Do đó, việc thực hiện theo quy trình còn có thể giúp cho luật sư hạn chế được những thiếu sót, khó khăn thường phát sinh trong quá trình nghiên cứu hồ sơ. Bên cạnh đó. việc tuân thủ quy trình sẽ tiết kiệm thời gian cho luật sư - điều mà đa phần các luật sư có uy tín và kinh nghiệm luôn cảm giác thiếu.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest

III- QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU HỒ SƠ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ

1- Luật sư phân tích yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng

Mục tiêu của việc nghiên cứu hồ sơ nói rêng và tư vấn pháp luật nói chung là tư vấn cho khách hàng những vấn đề pháp lý khách hàng hỏi hoặc yêu cầu thực hiện. Đối với cùng một hồ sơ vụ việc, khách hàng có thể đặt ra nhiều yêu cầu tư vấn pháp luật khác nhau. Xuất phát từ yêu cầu của khách hàng, luật sư đưa ra các định hướng đọc, phân tích hồ sơ phù hợp.

Để có được một định hướng đúng trong việc nghiên cứu hồ sơ, việc đầu tiên luật sư cần làm là tìm hiểu và phân tích yêu cầu tư vấn pháp luật của khách hàng một cách kỹ lưỡng.

Có những luật sư được tiếp xúc với khách hàng trước khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, được trực tiếp lắng nghe khách hàng trình bày ý kiến, mong muốn, yêu cầu tư vấn pháp luật. Đây là bối cảnh lý tưởng để luật sư nắm bắt được yêu cầu của khách hàng.

Trong trường hợp không được trực tiếp tiếp xúc khách hàng, luật sư có thể được các luật sư đã tiếp xúc khách hàng trao đổi lại bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Bên cạnh việc đọc kỹ các yêu cầu tư vấn pháp luật cô đọng được ghi nhận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư cần đọc kỹ các biên bản cuộc họp, các báo cáo hoặc văn bản ghi nhận lại thông tin khách hàng cung cấp có liên quan đến việc trình bày nguyện vọng, mong muốn của khách hàng để từ đó nắm bắt được yêu cầu của khách hàng một cách toàn diện.

Sau khi nghiên cứu các thông tin và tài liệu nêu trên, việc trao đổi lại với luật sư đã được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để xác nhận lại một cách hiểu duy nhất, toàn diện về yêu cầu của khách hàng sẽ giúp luật sư hạn chế được những bất cập, lãng phí thời gian hoặc kém hiệu quả trong việc nghiên cứu hồ sơ cũng như giải quyết yêu cầu của khách hàng.

Ví dụ:

Trong vụ việc hỗ trợ pháp lý khách hàng trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng với Agribank (nêu trên), khách hàng đặt ra một số câu hỏi pháp lý:

(1) Agribank không thực hiện việc yêu cầu ông Hiền, bà Hòa ký vào các Hợp đồng tín dụng và các giấy tờ nghiệp vụ của Ngân hàng mà Bên thế chấp (ông Hiền, bà Hòa) và Bên nhận thế chấp (Agribank) sẽ ký kết tại trụ sở của Bên nhận thế chấp (Agribank), như nội dung đã thỏa thuận trong Hợp đồng thế chấp, 

(2) Agribank không thẩm định đất và tài sản trên đất theo quy định. Cụ thể: Tài sản trên đất tại thời điểm ký kết Hợp đồng thế chấp là nhà xưởng diện tích 891 m2 nhưng hồ sơ vay vốn lại là căn nhà cấp 4, diện tích 24 m2. 3) Không ký kết lại hồ sơ nghiệp vụ với hàng thừa kế thứ nhất của ông Hiền sau khi ông Hiền chết. 

(3) Tự ý thực hiện thủ tục đăng ký biến động (đăng ký thế chấp) đối với thủ tục thế chấp sau khi ông Hiền chết.

Nhận xét:

[1] Để đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 08/2017/KDTM-ST ngày 31/5/2017 của Tòa án nhân dân quận Long Biên, thì căn cứ pháp lý phải là (a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; hoặc: (b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; (c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

[2] Để tạm hoãn thủ tục thi hành án của Cơ quan Thi hành án để đảm bảo gia đình anh Mạnh tạm thời giữ được Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo và tài sản trên đất, đồng thời đàm phán với với Agribank về việc giảm đến mức thấp nhất số tiền gia đình anh Mạnh phải trả cho Agribank, thì căn cứ phải là: (a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án; hoặc là: tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật thi hành án nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm...

2- Luật sư đọc bộ hồ sơ pháp lý

Khách hàng thường không phân loại, thống kê hay đánh giá tầm quan trọng của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, do đó khách hàng sẽ bàn giao cho luật sư tập hợp nhiều tài liệu để luật sư tự xử lý và đánh giá. Nhiều luật sư trẻ thường cảm thấy áp lực, quá tải hoặc bối rối khi tiếp cận với những bộ hồ sơ nhiều, phức tạp và đôi khi có cảm giác là không biết bắt đầu từ đâu.

Việc đọc sơ bộ hồ sơ vụ việc sẽ giúp cho luật sư vượt qua phần nào đó những khó khăn nêu Trên. Vậy đọc sơ bộ, đọc lướt là đọc như thế nào? Dưới lăng kính của luật sư, trong giai đoạn này, luật sư tiến hành việc đọc sơ bộ như sau:

- Đọc tên, tiêu đề của tài liệu;

- Đọc mục lục (đối với những tài liệu như dự án, kế hoạch, hợp đồng có số lượng trang lớn thì việc đọc mục lục giúp luật sư nắm được bố cục của văn bản đó, sử dụng thông tin từ mục lục giống như việc sử dụng “bản đồ chỉ đường trước khi đi xa”’);

- Đọc trích yếu của tài liệu hoặc phần dẫn nhập của tài liệu (phần này thường ghi lại khái quát, cô đọng nhất nội dung của văn bản. Luật sư có thể dễ dàng nắm bắt nội dung cơ bản của tài liệu mà không mất thời gian phải đọc toàn bộ);

- Đọc thông tin về chủ thể (chủ thể gửi tài liệu, chủ thể nhận tài liệu, chủ thể tham gia vào hợp đồng, thỏa thuận, dự án, chủ thể đã biết đến tài liệu);

- Đọc thông tin về ngày, tháng phát hành văn bản (đây là thông tin không thể bỏ qua khi đọc bất kỳ tài liệu nào);

- Đọc thông tin về ngày, tháng có hiệu lực của văn bản (một số luật sư hay chủ quan về thông tin này và mặc nhiên cho rằng ngày phát hành văn bản là ngày văn bản có hiệu lực. Trên thực tế có một sổ văn bản phát sinh hiệu lực vào ngày khác ngày phát hành hoặc khi xảy ra những điều kiện nhất định);

- Đọc lướt qua những đề mục lớn, trên điều khoản;

- Đọc tra thông tin về con dấu;

- Đọc tra thông tin về người ký tài liệu;

- Đọc thông tin về tài liệu gửi kèm.

Khi đọc sơ bộ tài liệu, luật sư cần lưu ý những mục tiêu quan trọng sau:

- Xác định xem hồ sơ vụ việc có bao nhiêu đầu tài liệu;

- Sự hoàn thiện của từng tài liệu;

- Giá trị văn bản. tài liệu với việc giải quyết yêu cầu tư vấn của khách hàng;

- Tính liên quan của tài liệu với việc giải quyết yêu cầu tư vấn của khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư thu hồi đất của Công ty Luật TNHH Everest 

3- Luật sư phân loại hồ sơ pháp lý, lập hồ sơ tài liệu pháp lý

Luật sư thường có đội ngũ trợ lý luật sư thực hiện công việc này. Tuy nhiên, một số luật sư lại muốn tự mình sắp xếp hồ sơ để tiện cho việc sử dụng hồ sơ. Đối với những vụ việc đơn giản, có ít hồ sơ, tài liệu thì việc sắp xếp, lập hồ sơ vụ việc vẫn cần thiết để phục vụ cho việc quan lý hồ sơ vụ việc.

Công tác sắp xếp, tạo mục lục và đóng hồ sơ vụ việc rất cần thiết trong những vụ việc phức tạp, có nhiều đầu tài liệu, giấy tờ, văn bản. Luật sư không chỉ sử dụng những tài liệu đó một lần mà phải sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình xử lý vụ việc. Sẽ là rất bất tiện nếu mỗi lần cần đến tài liệu luật sư phải mất nhiều thời gian kiểm tra cả nộp hồ sơ. Tập tài liệu với mục lục và các tài liệu được đánh số, phân nhóm cụ thể không những tạo thuận lợi cho quá trình hành nghề của luật sư mà còn thể hiện sự khoa học, chuyên nghiệp trong việc quản lý và sử dụng hồ sơ của luật sư.

Có một số phương thức luật sư sử dụng khi yêu cầu trợ lý sắp xếp tài liệu hoặc trực tiếp sắp xếp tài liệu như:

- Sắp xếp hổ sơ theo diễn biến vụ việc từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

- Sắp xếp hồ sơ theo diễn biến ngược tức từ hiện tại trở về trước.

- Sắp xếp theo phân nhóm tài liệu (ví dụ, nhóm tài liệu liên quan đến quá trình trước khi ký kết hợp đồng; nhóm tài liệu về quá trình thực hiện; nhóm tài liệu liên quan đến những vấn đề tranh chấp giữa các bên).

- Sắp xếp theo tầm quan trọng của tài liệu (qua quá trình tiếp xúc khách hàng và đọc sơ bộ tài liệu, luật sư sẽ sắp xếp những tài liệu quan trọng lên trước).

- Sắp xếp theo dữ kiện về tần suất sử dụng từng loại hoặc phân nhóm tài liệu (ví dụ, trong một tranh chấp về thời gian giao hàng, luật sư có thể sắp xếp nhóm tài liệu liên quan đến hợp đồng lên trước và liền sau đó là tài liệu ghi nhận việc quá trình giao nhận hàng giữa các bên, các tài liệu khác sẽ được đặt kế tiếp).

Việc sắp xếp hồ sơ, tài liệu phải gắn liền với việc đánh số mục lục và/hoặc việc chia nhóm hồ sơ, tài liệu bằng những tờ giấy đánh dấu giúp việc sử dụng hồ sơ dược nhanh chóng và thuận tiện.

Việc sắp xếp hồ sơ bản in - hồ sơ cứng là việc hầu hết các hãng luật tại Việt Nam đang thực hiện. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc lưu trữ và sử dụng thuận tiện, các hãng luật chuyên nghiệp hiện nay còn lập hồ sơ diện tử vụ việc của khách hàng. Với sự hỗ trợ của các phần mềm công nghệ, việc lưu hồ sơ điện tử đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Hồ sơ điện tử giúp ích rất nhiều cho luật sư, đặc biệt trong khi luật sư phải di chuyển hoặc phải làm việc với nhiều đồng nghiệp khác nhau trên thế giới về cùng một vụ việc.

4- Luật sư đọc chi tiết hồ sơ pháp lý

Giai đoạn đọc chi tiết là giai đoạn luật sư bắt đầu phải dành sự tập trung cao cho việc đọc, phân tích các tình tiết, dữ kiện có trong hồ sơ. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp hoặc định hướng đọc chi tiết, luật sư sẽ tốn nhiều thời gian mà vẫn không thu được kết quả như mong muốn.

Để đọc chi tiết được hiệu quả. tối thiểu luật sư cần đặt cho mình những câu hỏi như sau:

- Tài liệu nào nên đọc trước? (trên thực tế có những tài liệu nếu luật sư đọc trước sẽ giúp hình dung được khái quát bối cảnh vụ việc. Bên cạnh đó có những tài liệu, vụ việc quan trọng đang cần phải đọc để xử lý tình huống nhất định).

Ví dụ: Trong vụ việc trên, luật sư sẽ sắp xếp sự kiện theo thứ tự tới gian:

Ông Nguyễn Văn Hiền (đã chết năm 2012) và vợ là bà Ngô Thị Hòa (gọi tắt là: ông Hiền, bà Hòa) có tài sản chung là thửa đất tại địa chỉ Phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Thửa đất có diện tích 891 m2, tài sản trên đất là 01 nhà xưởng diện tích 891 m2 (gọi tắt là: "Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo"). Ông Hiền, bà Hòa có 04 người con là: anh Nguyễn Văn Mạnh, chị Nguyễn Thị Bình, anh Nguyễn Văn Thiệu, anh Nguyễn Văn Anh (gọi tắt là anh Mạnh, chị Bình, anh Thiệu, anh Văn Anh)

Ngày 16/01/2012, ông Hiền và bà Hòa ký Hợp đồng thế chấp tài sản là Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (gọi tắt là: “Agribank”), để đảm bảo khoản vay cho bên thứ ba là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hữu Hưng (gọi tắt là: “Công ty Hữu Hưng”). Trong Hợp đồng thế chấp có nêu rõ nội dung: “Thời hạn cho vay, mục đích vay, lãi suất vay… sẽ được ghi cụ thể trong các Hợp đồng tín dụng và các giấy tờ nghiệp vụ của Ngân hàng mà Bên thế chấp (ông Hiền, bà Hòa) và Bên nhận thế chấp (Ngân hàng) sẽ ký kết tại trụ sở của Bên nhận thế chấp (Ngân hàng)”.

Tháng 07/2012, ông Hiền chết. Trước khi chết, ông Hiền chưa ký bất kỳ Hợp đồng tín dụng, giấy tờ nghiệp vụ với Agribank để đảm bảo khoản vay cho Công ty Hữu Hưng. 

Ngày 27/12/2013, Agribank ký kết Hợp đồng tín dụng với Công ty Hữu Hưng để vay 7.500.000.000 tỷ đồng (Bảy tỷ năm trăm triệu đồng) mà không có sự xác nhận của ông Hiền và bà Hòa. 

Công ty Hữu Hưng sau đó đã không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng thế chấp với Agribank nên Ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu Công ty Hữu Hưng tại Tòa án nhân dân quận Long Biên, yêu cầu Công ty Hữu Hưng trả nợ theo Hợp đồng tín dụng.

Ngày 31/05/2017, Tòa án triệu tập: bà Hòa, cùng các con là anh Mạnh, chị Bình, anh Thiệu, anh Văn Anh đến tham gia phiên tòa với tư cách là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Hiền. Tuy nhiên, do có lý do cá nhân nên bà Hòa, anh Văn Anh, chị Bình và anh Thiệu không thể đến tham gia phiên tòa được, những người nêu trên đã làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Ngày 31/05/2017, Tòa án nhân dân quận Long Biên xét xử vụ án Tranh chấp Hợp đồng tín dụng, phán quyết: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Agribank. Agribank có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với Thửa đất diện tích 891 m2 tại Phố Keo (Bản án số 08/2017/KDTM-ST).

Từ sau ngày 31/05/2017 đến nay, bà Hòa và các con: anh Mạnh, chị Bình, anh Thiệu và anh Văn Anh có mặt tại nơi cư trú. Nhưng không nhận được Bản án 08/2017/KDTM-ST ngày 31/05/2017 của Tòa án nhân dân quận Long Biên. Do đó, họ chưa thực hiện được quyền kháng cáo của mình. 

Ngày 12/06/2018, anh Mạnh đến Tòa án nhân dân quận Long Biên đề nghị được cấp Bản án số 08/2017/KDTM-ST ngày 31/05/2017 mới được Tòa án cấp, trên Bản án có đóng dấu “án đã có hiệu lực pháp luật”. 

Nếu muốn nắm bắt toàn bộ bối cảnh vụ tranh chấp, luật sư có thế lựa chọn biên bản làm việc giữa các bên liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hoặc cuộc họp giữa những cá nhân có liên quan hoặc luật sư có thể đọc những bản tóm lược sơ bộ mà khách hàng trình bày để nắm bắt được bối cảnh của tranh chấp.

- Luật sư mong muốn thu được những thông tin gì từ tài liệu? (hay luật sư đặt ra những câu hỏi để thông qua việc đọc đó tìm được câu trả lời). Dù tiếp cận theo phương thức nào, luật sư luôn phải đặt ra mục đích cụ thể cho quá trình đọc, mục đích đó sẽ hướng luật sư đến những tài liệu cung cấp nhiều nhất những thông tin trực tiếp hoặc có liên quan mật thiết đến vụ việc.

- Đọc tài liệu hiệu quả là như thế nào? (luật sư cần được các tài liệu hướng dẫn về cách đọc hiệu quả dễ sử dụng lâu dài trong quá trình hành nghề).

Khi đã xác định được thứ tự tài liệu ưu tiên đọc, luật sư thực hiện việc đọc chi tiết tài liệu. Kỹ thuật đọc nhanh, đọc hiệu quả cần áp dụng trong giai đoạn này. Mục đích của giai đoạn này là đọc để nắm bắt những thông tin quan trọng trong vụ việc. Để đạt được mục đích này, trước hết luật sư cần phải biết đâu là thông tin quan trọng trong mỗi tài liệu. Thông  tin quan trọng thường nằm ở những từ khóa.

Thông thường, trong một tài liệu chỉ có 20% tổng số từ là chứa đựng những thông tin luật sư cần thu thập để nắm bắt được nội dung tài liệu Một sự thật đáng kinh ngạc là 80% số từ còn lại là những từ không bao hàm thông tin hữu ích và thường là những từ nối. ví dụ như “là”, “của”, “những”, “có”, "với”’.

Ý thức về tỷ lệ của những từ khóa, từ nối trong tài liệu sẽ giúp luật sư nắm bắt được vụ việc nhanh hơn. Bên cạnh mục đích là nắm bắt được thông tin về vụ việc, trong giai đoạn này, luật sư cần cố gắng nhớ được luật hình dung và định hướng được thông tin chứa đựng trong mỗi tài liệu.

Việc đánh dấu thông tin là cách để một lần nữa luật sư tương tác với thông tin và ghi chú giá trị của thông tin để sử dụng cho các lần tiếp theo. Chiếc bút chì và các dụng cụ sử dụng để đánh dấu tài liệu khác luôn cần có khi tiến hành hoạt động đọc. Việc đánh dấu tài liệu sẽ tiết kiệm thời gian mỗi khi luật sư lật giở lại tài liệu.

Luật sư có thể sử dụng một số cách sau để đánh dấu tài liệu:

- Gạch dưới những từ quan trọng;

- Những đường kẻ đọc ở bên ngoài lề (đề nhấn mạnh một câu nói đã được gạch dưới hoặc để chỉ một đoạn văn quá dài cần gạch dưới);

- Ngôi sao, hoa thị ở ngoài lề;

- Những con số ngoài lề trang;

- Những con số của những trang khác ở ngoài lề (để chỉ những nơi khác trong hồ sơ có những điểm giống nhau hoặc những điểm có liên quan hoặc trái ngược với những điểm được đánh dấu);

- Khoanh tròn những từ hoặc cụm từ khó;

- Viết ngoài lề hoặc đầu, cuối trang (để ghi nhận những suy nghĩ, ý tưởng, lưu ý mà luât sư vừa phát hiện ra khi vừa đọc xong trang tài liệu).

Luật sư chỉ đánh dấu vào những tài liệu sao chép, không đánh dấu vào những tài liệu gốc hoặc tài liệu có thể phải hoàn trả lại khách hàng hoặc gửi cho các bên có liên quan. Những ghi chú vào tài liệu còn có ý nghĩa quan trọng giúp luật sư ghi nhận lại những ý tưởng vừa lóe sáng, những vấn đề cần tiếp tục khai thác, làm rõ, kết nối những mạch thông tin với nhau, có những ý nghĩ thoáng qua trong đầu nếu chúng ta không nhanh chóng ghi nhận lại trong quá trình đọc tài liệu rất có thể không còn cơ hội thứ hai để nhớ vì điều đó.

5- Luật sư tóm lược về vụ việc pháp lý

Bước này thường chi thực hiện đổi với những vụ việc phức tạp có nhiều mốc thời gian, nhiều tình tiết và vấn đề pháp lý. Việc tóm lược hồ sơ vụ việc nhằm khái quát hóa toàn bộ bối cảnh vụ việc, giúp luật sư thoát ly những tình tiết cụ thể. Một số cách thức tóm lược sau thường được sử dụng:

Tóm lược theo diễn biến sự việc là cách mà các luật sư thường tiến hành để có thề có được hình dung chi tiết về vụ việc. Mốc thời gian của các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc được sử dụng để liệt kê các diễn biển của sự việc. Việc liệt kê vụ việc theo diễn biến của sự việc thường gắn kèm với việc tóm lược một cách cô đọng nhất nội dung của từng đầu tài liệu:

Ví dụ:

Tóm lược vụ việc theo vấn đề thường được áp dụng cho những vụ việc phức tạp và có nhiều vấn đề cần bóc tách và đánh giá. Cách làm này giúp luật sư hình dung vấn đề được khúc chiết. mạch lạc và sẽ là dữ liệu, cơ sở hữu ích để luật sư phân tích và đưa vào thư tư vấn.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

6- Luật sư phân tích pháp lý

Khả năng phân tích là một đòi hỏi quan trọng nhất đối với luật sư. Để có thể trở thành luật sư ở một số nước như Mỹ, Anh, Đức, một cá nhân cần có những tố chất "nhà nghề".  Bên cạnh những tố chất cần có trước khi được đào tạo thì sau khi được đào tạo nghề, luật sư cần phải có khả năng phân tích vấn đề. Những yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý được đề xuất với luật sư luôn tiềm ẩn trong đó tính phức tạp nội tại và thường ở tình trạng “có vấn đề", “đang tranh chấp". Nhiệm vụ của luật sư được ví như “phải gỡ một cuộn dây rối", muốn “gỡ" được luật sư cần phải xem nó “rối" như thế nào, ở đâu và gỡ bằng cách nào. Quá trình phân tích là quá trình luật sư luôn phải đặt ra các câu hỏi để làm ra các sự kiện của vụ việc. Không dừng lại ở đô. việc phân tích hồ sơ vụ việc luôn đặt trong môi trường là kiến thức chuyên môn, là hiểu biết của luật sư về các quy định của pháp luật và thực tế áp dụng các quy định đó.

Phương pháp phân tích vụ việc, nói đơn giản hơn là những cách thức tiếp cận để luật sư “bóc tách " thông tin vụ việc, đặt ra các câu hỏi và tự lý giải các câu hỏi đó với những định hướng về chuyên môn cụ thể. Có một số cách tiếp cận sau thường được các luật sư sử dụng:

- Phân tích trên cơ sở diễn biến của sự việc.

- Phân tích theo từng vấn đề.

- Phân tích theo yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng (có thể khách hàng đặt ra các câu hỏi cụ thể).

Trong quá trình phân tích không tránh khỏi trường hợp luật sư bị hạn chế bởi các thông tin, tài liệu khách hàng đã cung cấp hoặc các thông tin, chứng cứ khách hàng cung cấp có những mâu thuẫn, không rõ ràng và nếu chỉ dựa vào hồ sơ chưa thể lý giải được. Trong những trường hợp đó, việc luật sư đưa ra những suy diễn, lý giải trên cơ sở kinh nghiệm và kiến thức của luật sư là cần thiết nhưng sẽ là an toàn và tốt hơn nếu luật sư kiểm định suy nghĩ của mình với người trong cuộc - khách hàng của mình để sáng tỏ những thắc mắc, băn khoăn.

7- Luật sư xác định vấn đề pháp lý

Mục đích của việc xác định câu hỏi pháp lý là nhằm tìm đúng quy định pháp luật áp dụng vào vụ việc của khách hàng. Một câu hỏi pháp lý chứa đựng ba thành tố: (ì) một hay nhiều sự kiện mấu chốt; (ii) vần đề pháp lý; (ill) điều luật áp dụng.

Sự kiện mấu chốt là những sự kiện chính và quan trọng phản ánh nội dung, bản chất pháp lý của vụ việc. Trong tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thì sự kiện mấu chốt là việc các bên ký hợp đồng và sự kiện một bên thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Bên cạnh những dấu mốc quan trọng phản ánh bối cảnh chính của sự việc còn có những sự kiện phụ có giá trị bổ trợ, góp phần hoàn thiện nội dung về vụ việc của khách hàng.

Vấn đề pháp lý là một vấn đề được khái quát từ bối cảnh của vụ việc thường được thể hiện dưới hình thức một mệnh đề được nêu ra, cần được luật sư đánh giá. Ví dụ, trong tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Bên nhận chuyển nhượng cho rằng Bên chuyển nhượng đã vi phạm nghĩa vụ hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến hành việc ghi nhận tư cách cổ đông của Bên nhận chuyển nhượng vào Số cổ đông của công ty. Vấn đề pháp lý có thể được nêu ra là “Bên chuyển nhượng có nghĩa vụ hoàn tất thủ tục pháp lý để ghi nhận tư cách cổ đông của Bên nhận chuyển nhượng và Sổ cổ đông của công ty hay không?”.

Xác định được vấn đề pháp lý mấu chốt, luật sư sẽ tiếp tục đi giải đáp câu hỏi: luật nào sẽ áp dụng để điều chỉnh, giải quyết vấn đề pháp lý đã được nhận diện?

Quá trình xác định câu hỏi pháp lý là quá trình luật sư gắn kết các sự kiện có trong bối cảnh vụ việc với kiến thức pháp lý và kinh nghiệm nghề nghiệp đề giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh từ vụ việc. Để quá trình này có hiệu quả cao, luật sư cần thực hiện tuần tự, cẩn trọng từ những bước đầu tiên của quy trình nghiên cứu hồ sơ, phân tích vụ việc, xác định vấn đề tư vấn, bởi đây là chuỗi mắt xích có quan hệ mật thiết. gắn kết chặt chẽ với nhau.  trong một số trường hợp. câu hỏi pháp lý của vụ việc khá gần với đề nghi, câu hỏi mà chính khách hàng đã nêu ra. Bên cạnh đó, có những trường hợp có nhiều câu hỏi pháp lý khác nhau cần được giải quyết thi mới có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Quy trình nghiên cứu hồ sơ nêu trên là những gợi ý đề luật sư tham khảo, áp dụng trong quá trình tư vấn pháp luật cho khách hàng. Mỗi vụ việc cụ thể có những loại tài liệu, nhóm tài liệu với những yêu cần nghiên cứu và mục đích nghiên cứu khác nhau.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Hướng dẫn quy trình nghiên cứu hồ sơ pháp lý

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.44073 sec| 1248.891 kb