Hướng dẫn về dịch vụ pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp

"Người tốt không cần luật pháp để bảo mình phải hành động có trách nhiệm, còn người xấu tìm đường lách luật".

Platon, 428-348 TCN, người Hy Lạp, sáng lập trường phái Platon và Học viện (đại học) đầu tiên

Hướng dẫn về dịch vụ pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp

Pháp luật của nhà nước tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, hoạt động an toàn, hiệu quả, Đồng thời, doanh nghiệp có hệ thống quy tắc ứng xử nội bộ. Pháp luật hay quy chế nội bộ đều cần được các thành viên trong doanh nghiệp biết, tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh. 

Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp là đơn vị chuyên môn, có chức năng giúp việc, tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phòng pháp chế thuê ngoài là một dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest, giúp khách hàng có bộ phận pháp chế chuyên nghiệp, hoạt động linh hoạt, hiệu quả, với chi phí hợp lý.

Liên hệ

I- KHÁI LƯỢC VỀ PHÁP CHẾ - PHÁP TRỊ - PHÁP QUYỀN

1- Pháp trị trong quản trị

Pháp trị là học thuyết của được cho là Hàn Phi (Trung Quốc), triết gia thời cuối Chiến Quốc, vào khoảng năm 281 đến năm 233 TCN. Hàn Phi chủ trương dùng pháp luật cai trị xã hội, trị quốc an dân. Nhà vua (giới cầm quyền) có quyền ban hành pháp luật để cai trị (ngôn từ hiện đại: Quản trị), nhưng pháp luật phải được tuân thủ tuyệt đối.

Quản trị nước bằng luật pháp ("Dĩ pháp trị quốc"). Then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh, dưới tư tưởng của Hàn Phi, là phải dựa vào pháp luật. có pháp luật và pháp luật được thi hành một cách phổ quát, đúng đắn thì xã hội mới ổn định, xã hội ổn định lại là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân chúng được yên bình, hạnh phúc. 

Tăng cường Giáo dục Pháp chế ("Dĩ pháp vi giáo").

Pháp luật bình đẳng, trừng phạt cái sai không tránh quan lớn, thưởng cái đúng không bỏ sót thường dân ("Pháp bất a quý, hình bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu").

Hàn Phi hết sức coi trọng tác dụng của pháp luật, Đồng thời, Hàn Phi chủ trương xây dựng một lý luận pháp trị hoàn chỉnh, trong đó lấy “Pháp” làm hạt nhân, kết hợp chặt chẽ “Pháp”, “Thuật” với “Thế”. “Pháp” là nội dung của chính sách cai trị, còn “Thế” và “Thuật” là phương tiện công cụ để đạt mục đích đó.

Thuật (nghệ thuật quản trị): Người thống trị (Nhà vua) dựa vào Pháp trị để làm cho đất nước giàu mạnh, song nếu “không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà làm giàu có cho các quan đại thần mà thôi”. Do vậy, Nhà vua phải có “Thuật” để dùng người. “Thuật” trong Học thuyết pháp trị, được Hàn Phi mô tả là một loạt các phương pháp: bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi cử, thưởng phạt của Nhà vua.

Thế (quyền lực trong quản trị): chỉ một sức mạnh quyền uy tuyệt đối, đó cũng chính là quyền thống trị tối cao của Nhà vua, bao gồm quyền sử dụng người, quyền thưởng phạt... Để yên ổn trị nước, bậc quân chủ tất phải nắm giữ quyền thế. Chỉ khi nào nắm quyền thống trị trong tay, thì một người nào đấy mới là người thống trị, mới có thể cai trị dân chúng. Trong thiên “Bát kinh”, Hàn Phi viết: Cái thế là cơ sở để thắng đám đông ("Thế giả, thắng chúng chi tư dã").

Tần Thủy Hoàng sau khi biết đến Học thuyết Pháp trị, đã ứng dụng triệt để, hơn 10 năm sau đã thống nhất Trung Quốc, lập ra Đế quốc Đại Tần (năm 221 TCN). Phải khẳng định rằng, Pháp trị là tư tưởng, lý thuyết quản trị xuất sắc, đến nay vẫn phát huy giá trị to lớn. Tuy nhiên, Học thuyết Pháp trị đã ra đời cách đây hơn 2.000 năm, trong bối cảnh xã hội chiến tranh, loạn lạc, nền kinh tế - xã hội kém phát triển, Pháp trị có hạn chế nhất định, như nhấn mạnh: dùng pháp luật để quản trị (rule by law), dựa vào các hình phạt nghiêm khắc, quan niệm về pháp luật của quá máy móc, cứng nhắc...

Cuốn sách “Hàn Phi Tử” được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị học trong Tủ sách Nền tảng Đổi đời. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ứng dụng Pháp trị trong Quản trị doanh nghiệp. Nhiều tổ chức kết hợp Pháp trị (Hàn phi) với Đức trị (Khổng tử) và Kỹ trị (Nghệ thuật quản trị hiện đại), tạm gọi là: Tinh hoa tam trị.

2- Pháp quyền - Thượng tôn pháp luật

Trong quản trị, một thuật ngữ hay được đề cập tới là Pháp quyền (rule of law). Pháp quyền là một nguyên tắc ứng xử trong xã hội, một tinh thần pháp luật của xã hội công dân, một chế độ pháp luật công bằng và tự nhiên để bảo đảm quyền con người và chủ quyền nhân dân, một sự cam kết mạnh mẽ giữa xã hội công dân và Nhà nước để quy định phạm vi giới hạn quyền lực Nhà nước, một cách thức để kiểm soát quyền lực Nhà nước. 

Pháp quyền (rule of law) là khái niệm xuất hiện từ thời kỳ Khai Sáng (Châu Âu, thế kỷ 17 và 18), với các nhà tư tưởng: Thomas Paine, François-Marie Arouet (Voltaire), Voltaire, Thomas Hobbes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau, Charles-Louis de Secondat, Baron de La Brède et de Montesquieu (Montesquieu)... Pháp luật trong Pháp quyền không phải là pháp luật do Nhà nước đặt ra mà phải là pháp luật tự thân, phản ánh những yêu cầu và quy luật tự nhiên, khách quan. Các văn bản luật là sự ghi chép lại, phản ánh lại những quy tắc xử sự đương nhiên của cuộc sống đòi hỏi phải có để điều chỉnh. 

Friedrich Engels đã từng khẳng định: về bản chất của pháp luật dân chủ, thì pháp quyền là công cụ của tự do cho con người chứ không phải là công cụ thống trị con người. Cốt lõi của pháp quyền là một xã hội công lý và nhân quyền. Nhà nước chỉ là một phương tiện, công cụ để thực hiện công lý và bình đẳng, tự do, nhân quyền. Điểm nhấn mạnh của pháp quyền là: pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, là pháp luật tự nhiên, là công cụ của tự do chứ không phải là công cụ thống trị. Từ đó pháp luật trở thành tối thượng (Thượng tôn pháp luật). 

3- Nguồn gốc của pháp chế

Có thể thấy rằng, Pháp chế là từ Hán Việt, được ghép của hai (02) từ: pháp (Hán tự: 法), nghĩa phổ biến là pháp luật và chế (Hán tự:), nghĩa phổ biến là: hệ thống. Pháp chế (Hán tự: 法制) là: hệ thống pháp luật

Tại Việt Nam, nội hàm của pháp chế (pháp chế xã hội chủ nghĩa) hiểu đơn giản là: [1] việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội; [2] pháp luật có tính chất bắt buộc thi hành và thực hiện thống nhất đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, không có ngoại lệ, đặc quyền; [3] việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Pháp chế đề cập nhiều hơn đến củng cố quyền lực nhà nước, hệ quả có thể dẫn đến sự lạm quyền của cơ quan, cá nhân mang quyền lực nhà nước, ảnh hưởng tới quyền tự do, dân chủ của công dân. Gần đây, thuật ngữ pháp chế dần thay thế bằng thuật ngữ pháp quyền. Cụ thể như Hiến pháp năm 1958, Hiến pháp năm 1980 "tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa" nhưng Hiến pháp năm 2013 không đề cập đến thuật ngữ "pháp chế xã hội chủ nghĩa" mà là khái niệm "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

[] Kết luận sơ bộ

[a] Pháp chế, pháp trị, pháp quyền là những khái niệm, có nội hàm khác nhau, tuy nhiên đều đề cập đến: xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, việc áp dụng pháp luật thống nhất, bình đẳng; xử lý vi phạm, kiểm soát quyền lực để đảm bảo tự do, công bằng.

[b] Pháp chế trong doanh nghiệp (tổ chức) phạm vi hẹp hơn rất nhiều (trình bày ở phần dưới), tuy nhiên nhà quản trị có thể tham khảo và kế thừa tinh thần, tư tưởng của pháp chế, pháp trị, pháp quyền (đối với tổ chức rộng lớn là nhà nước), để quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

[c] Pháp chế gắn liền hoạt động quản trị, điều hành một tổ chức, rộng hơn là một quốc gia. Nói cách khác, pháp chế là chức năng không thể thiếu của một tổ chức.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

II- TÔ CHỨC PHÁP CHẾ TRONG DOANH NGHIỆP

Tham khảo các quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/07/2011 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, có thể mô tả một cách cơ bản nhất về pháp chế doanh nghiệp:

1- Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp

Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp là đơn vị chuyên môn, có chức năng giúp việc, tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (tham khảo Khoản 2 Điều 2). 

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, sẽ quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế (phòng, ban) hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách (tham khảo Khoản 1 Điều 10).

2- Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp

Tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp có 08 (tám) nhóm nhiệm vụ cơ bản, như sau:

[a] Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

[b] Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các loại mẫu hợp đồng; có ý kiến về mặt pháp lý và thẩm định dự thảo hợp đồng do các bộ phận khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng.

[c] Chủ trì, phối hợp các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến; tổng kết, đánh giá pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

[d] Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức đoàn thể của doanh nghiệp phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho người lao động.

[đ] Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tổng kết, đánh giá thực trạng hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp.

[e] Tư vấn hoặc tham mưu việc thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức, quản lý của doanh nghiệp.

[f] Chủ trì hoặc phối hợp với các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người lao động; tham gia tố tụng hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

[g] Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao (tham khảo Điều 7).

3- Kết luận sơ bộ

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước nhưng không bắt buộc với các loại hình doanh nghiệp khác. Tham khảo quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, thấy được khái niệm cơ bản về pháp chế doanh nghiệp. Đồng thời có thể thấy, một số đặc điểm cơ bản pháp chế doanh nghiệp: 

[a] Phạm vi hoạt động của pháp chế doanh nghiệp bao gồm: [1] tư vấn pháp luật, [2] đại diện theo ủy quyền, [3] tham gia tố tụng, [4] các hoạt động pháp lý khác. Tuy nhiên, trọng tâm của pháp chế doanh nghiệp là tư vấn pháp luật.

[b] Hoạt động của pháp chế doanh nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhưng phổ biến tại các lĩnh vực pháp luật như: doanh nghiệp, đầu tư, thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ, thuế - kế toán.

[c] Nhiệm vụ của tố chức pháp chế doanh nghiệp liên quan tới tác các phòng, ban, đơn vị trong doanh nghiệp. Tuy pháp chế doanh nghiệp gắn liền hoạt động quản trị, điều hành doanh nghiệp, nhưng thông thường ý nghĩa pháp chế doanh nghiệp (nghĩa hẹp) là bộ máy hay công cụ quản trị doanh nghiệp nhiều hơn.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

III- 10 LỢI ÍCH CỦA PHÁP CHẾ DOANH NGHIỆP

1- Là tiền đề cho quản trị doanh nghiệp hiệu quả

Pháp chế doanh nghiệp giúp làm tường minh giá trị, triết lý, chuẩn mực của nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp. Tiếp theo, các hoạt động của doanh nghiệp được hệ thống hoá, chuẩn hóa thành quy định, quy trình, tiêu chuẩn, hướng dẫn sẽ tiền đề cho việc triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh hiệu quả.

2- Góp phần nâng cao hiệu quả làm việc

Ban hành và áp dụng nghiêm chỉnh quy định, quy trình, hướng dẫn mang lại sự khách quan trong việc đánh giá người lao động. Quy trình tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân sự rõ ràng và có hệ thống, giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác năng lực thực sự của người lao động. Việc thưởng - phạt và bổ nhiệm chức vụ cho nhân viên đều được thực hiện minh bạch dựa trên những dữ liệu cụ thể để làm căn cứ, từ đó sẽ thúc đẩy người lao động không ngừng nỗ lực làm việc và cải thiện hiệu quả công việc để đáp ứng mục tiêu đã đề ra.

3- Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Pháp chế doanh nghiệp sẽ giúp công việc được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, năng lực của nhân viên đồng đều và không ngừng được nâng lên, do đó mà chất lượng sản phẩm và dịch vụ giữ ở mức ổn định.

4- Giảm tranh chấp thương mại

Các hợp đồng và quy trình được rà soát và chuẩn hóa giúp các bộ phân liên quan có kiểm soát đầu ra và đầu vào. Điều này cũng giúp doanh nghiệp nhận diện nhà cung cấp, đối tác khách hàng tốt, phù hợp.

5- Góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên

Các hướng dẫn rõ ràng giúp cho bộ máy hoạt động trơn chu, giải quyết tình trạng chồng tréo hay đùn đẩy công việc cho nhau. Khi các thành viên hiểu được tầm quan trọng của công việc mình đang đảm nhận, đặc biệt là vai trò của họ trong sự phát triển chung của doanh nghiệp, họ sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn.

6- Hạn chế tối đa các sai sót trong phát sinh

Tất cả nhân viên liên quan đều phải đọc và làm theo những quy trình, hướng dẫn công việc, đặc biệt là trong công việc có độ phức tạp cao và đòi hỏi sự làm việc nhóm của nhiều phòng ban với nhau. Kết quả là, công việc có tính chuẩn hóa cao và tranh được những sai sót cả chủ quan lẫn khách quan.

7- Nhân sự mới dễ dàng hòa nhập

Các hướng dẫn công việc đã được ban hành thành quy trình cụ thể giúp tổ chức doanh nghiệp dễ dàng và tiết kiện được thời gian trong việc đào tạo nhân viên mới. Những người mới làm sẽ ít mắc phải sai sót hơn nhờ vào các quy trình, hướng dẫn xử lý công việc có sẵn.

8- Góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp

Khi cân nhắc lựa chọn giữa một doanh nghiệp có tổ chức pháp chế với một doanh nghiệp chưa có tổ chức pháp chế thì khách hàng và đối tác có xu hướng lựa chọn doanh nghiệp có tổ chức pháp chế, bởi trong tiềm thức của họ, đây là đơn vị có phong cách làm việc chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, do đó sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường chất lượng tốt.

9- Góp phần tăng doanh thu

Chỉ cần khách hàng, đối tác biết doanh nghiệp có tổ chức pháp chế, họ có cơ sở cho rằng đây là nhà cung cấp chuyên nghiệp và bài bản. Doanh nghiệp có nhiều lợi thế, cơ hội tiếp cận những khách hàng, đối tác lớn, cơ hội thành công khi tham gia đấu thầu cao hơn.

Khách hàng tin tưởng hệ thống quản trị của doanh nghiệp, họ sẽ ưu tiên lựa chọn mua hàng và sử dụng các dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp; khách hàng cũ hài lòng, sẽ tiếp tục mua hàng và sử dụng dịch vụ của công ty cung cấp và sẵn sàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho các đối tác của họ.

10- Góp phần tăng lợi nhuận

Quy trình, quy chế rõ rang giúp tăng hiệu quả và năng suất làm việc. Đồng thời, các sai sót được hạn hế mức tối đa, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được những khoảng chi phí phát sinh giành cho việc khắc phục những sai lầm đó. Kết quả, lợi nhận vẫn tăng kể cả trong tình huống doanh thu không tăng.

11- Kết luận sơ bộ

[a] Nếu không xem xét tường minh, rất khó xác định đầy đủ những giá trị mà hoạt động của tổ chức pháp chế chuyên nghiệp mang lại. Bởi, hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp đánh giá chủ yếu của dưới dạng định tính (phi số), rất khó có thể đo lường bằng số học (định lượng).

[b] Những giá trị dễ dàng nhận thấy của pháp chế doanh nghiệp là góp phần cải thiện năng lực quản trị, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín và niềm tin của khách hàng, đối tác và nhiều giá trị khác (liệt kê). Ngược lại, doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường, chưa nói đến việc pháp triển bền vững nếu thiếu chức năng pháp chế ở doanh nghiệp. 

[c] Những lợi ích được liệt kê dưới đây của pháp chế doanh nghiệp sẽ giúp các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp có thông tin tham khảo để lựa chọn phương án xây dựng tổ chức pháp chế doanh nghiệp.

Xem thêm: Pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

IV- PHÁP CHẾ DOANH NGHIỆP - MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG

1- Khác biệt giữa pháp chế nội bộ và pháp chế thuê ngoài

Luật luật sư hiện hành quy định: Luật sư có thể lựa chọn thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư (gọi tắt là luật sư). Đồng thời, Luật luật sư cũng quy định: Luật sư cũng có thể lựa chọn hình thức hành nghề với tư cách cá nhân, nghĩa là lựa chọn làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có doanh nghiệp (thường gọi là: Luật sư nội bộ). 

Lưu ý, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là thuật ngữ pháp lý nhưng ít khi được sử dụng trên thực tế. Trong khi đó, Luật sư nội bộ (tiếng Anh: in-house lawyer, house counsel, in-house counsel) hoặc người làm nghề pháp chế doanh nghiệp là thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhưng không phải là một thuật ngữ pháp lý. Ngoài ra, thuật ngữ Luật sư nội bộ còn được sử dụng để chỉ người làm việc trên cơ sở quan hệ hợp đồng lao động, phụ trách tham mưu, hỗ trợ, tư vấn và thực hiện các công việc pháp lý cho người quản lý, điều hành doanh nghiệp, dù họ chưa đủ điều kiện hành nghề luật sư theo Luật Luật sư.

Điểm khác biệt tiêu biểu giữa hai cách thức hành nghề: luật sư và luật sư nội bộ, đó là: 

(i) Về phạm vi hành nghề:

Luật sư có thể thành lập tổ chức hành nghề luật sư để cung cấp dịch vụ pháp lý, hoặc làm thuê theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, giúp các tổ chức này cung cấp dịch vụ pháp lý, hưởng lương và các khoản thu nhập khác theo thỏa thuận. Tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nên phạm vi hành nghề của luật sư làm việc ở tổ chức hành nghề luật sư không bị giới hạn.

Luật sư nội bộ không được tham gia tranh tụng, đại diện theo ủy quyền để thực hiện các dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu tham gia tố tụng trong vụ án hình sự hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư (quy định của Luật Luật sư). Cho nên, luật sư nội bộ là người lao động, làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động cho duy nhất một doanh nghiệp. 

(ii) Về cơ sở pháp lý xác lập quan hệ công việc và nghĩa vụ: 

Luật sư thành lập tổ chức hành nghề luật sư để cung cấp dịch vụ pháp lý hoặc làm thuê theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, thực hiện công việc với khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Luật sư. Đối với Luật sư hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sự theo hình thức hợp đồng lao động chịu sự phân công, điều hành công việc, thực hiện công việc và báo cáo cho người quản lý, điều hành tại tổ chức hành nghề luật sư. Hợp đồng lao động giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là cơ sở pháp lý phát sinh nghĩa vụ giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; và: tổ chức hành nghề luật  sư có nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý ký với khách hàng.

Luật sư nội bộ thực hiện công việc theo hợp đồng lao động, chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Bộ luật Lao động. Một số vấn đề liên quan đến nghề nghiệp luật sư còn chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư. Luật sư nội bộ chịu sự phân công, điều hành công việc, thực hiện công việc và báo cáo cho người quản lý, điều hành tại doanh nghiệp. Hợp đồng lao động, sự phân công công việc, quy định nội bộ của doanh nghiệp là các cơ sở pháp lý xác lập nghĩa vụ của luật sư nội bộ với doanh nghiệp.

(iii) Về sự lựa chọn công việc và sự độc lập của hoạt động nghề nghiệp: 

Luật sư hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư, là tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý, nên các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có quyền xem xét, lựa chọn khách hàng, lựa chọn công việc và tự thỏa thuận phạm vi công việc với khách hàng. Đây là quyền tự do lựa chọn của luật sư. Luật sư tự do điều chỉnh lĩnh vực hành nghề, thường xuyên có cơ hội tiếp nhận các công việc mới. Tuy nhiên, luật sư, để duy trì công việc, phải thường xuyên tìm kiếm khách hàng. 

Luật sư nội bộ chịu sự quản lý chặt chẽ của doanh nghiệp, thường được giao việc và không có quá nhiều cơ hội lựa chọn công việc mà mình mong muốn, mà phải giải quyết tất cả mọi công việc pháp chế, pháp lý được giao. Dù không có quyền tự do lựa chọn công việc, luật sư nội bộ vẫn có quyền từ chối thực hiện công việc nếu công việc đó vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư nội bộ là “cấp dưới” của người quản lý, điều hành, cho nên tính độc lập trong việc đưa ra ý kiến tư vấn, đưa ra phương án tranh tụng hoặc một ý kiến pháp lý nào khác thường rất ít, mà thường xuyên bị chi phối bởi doanh nghiệp, thông qua yêu cầu, mệnh lệnh chỉ đạo, điều hành của người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Vì lý do ảnh hưởng đến tính độc lập của nghề luật sư, nhiều nước phát triển không cho phép Luật sư được ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, mà chỉ có thể cung cấp dịch vụ pháp lý (hợp đồng dịch vụ pháp lý).

Tuy nhiên, Luật sư nội bộ có lợi thế không phải tìm kiếm khách hàng, công việc lúc nào cũng sẵn có, thậm chí công việc phát sinh thường xuyên. Đây là lý do nhiều luật sư lựa chọn trở thành người làm pháp chế doanh nghiệp.

(iv) Ưu điểm, nhược điểm của luật sư nội bộ

Ưu điểm của pháp chế nội bộ có thể kể đến, đó là: (a) Pháp chế nội bộ am hiểu doanh nghiệp, có thể xử lý nhiều những vấn đề chuyên môn lặp đi lặp lại nhanh, chính xác; (b} Là bộ phận nội bộ, doanh nghiệp dễ dàng trao đổi thông tin; (b) Việc phân công công việc, điều động nhân sự của Phòng pháp chế dễ dàng; (c) Doanh nghiệp thậm chí có thể yêu cầu nhân viên pháp chế kiêm nhiệm các công việc khác.

Hạn chế của pháp chế nội bộ có thể liệt kê, như: (a) Pháp chế doanh nghiệp là là cấp bậc chuyên gia pháp lý, không phải có nhu cầu là có thể tuyển dụng nhân sự thích hợp; (b) chi phí vận hành cao (cho: không gian làm việc, cơ sở vật chất, lương thưởng, quản lý nhân sự); (c) Không sử dụng hết hiệu suất nhân sự, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

(v) Ưu điểm, nhược điểm của pháp chế thuê ngoài 

Ưu điểm khi sử dụng dịch vụ pháp chế thuê ngoài do các công ty luật, vǎn phòng luật sư cung cấp: (a) Nhân sự chuyên nghiệp, do các luật sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm phụ trách; (b) Dễ dàng tăng, giảm hoặc thay đổi phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; (c) Giải được bài toán về tối ưu chi phí, mặc dù chi phí tính trên từng riêng lẻ có thể cao; (d) Đáp ứng những nhiệm vụ phức tạp, mà pháp chế nội bộ thường không đáp ứng được; (đ) Chất lượng tư vấn, phản biện cao có nguyên do từ mối quan hệ đối tác (ngang hàng).

Nhược điểm của Pháp chế thuê ngoài: (a) Mức độ am hiểu và hội nhập doanh nghiệp thường sẽ không tốt bằng nhân sự nội bộ; (b) Phân công công việc hạn chế, bởi giữa Luật sư và Lãnh đạo doanh nghiệp không phải mối quan hệ cấp trên cấp dưới.

2- Khác biệt giữa Luật sư nội bộ và Thư ký công ty, Người phụ trách quản trị công ty

Quy định của Luật doanh nghiệp (năm 2020), khi xét thấy cần thiết, Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm Thư ký công ty. Thư ký công ty có quyền và nghĩa sau đây: Hỗ trợ tổ chức triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; ghi chép các biên bản họp; hỗ trợ thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao; hỗ trợ Hội đồng quản trị trong áp dụng và thực hiện nguyên tắc quản trị công ty; hỗ trợ công ty trong xây dựng quan hệ cổ đông và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông; việc tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin, công khai hóa thông tin và thủ tục hành chính; quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Công việc của thư ký công ty trên thực tế có thể thêm nhiều việc khác nữa không nằm trong phạm vi chuyên môn này, theo sự phân công của Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị (Điều 156).

Thực tế, nhiều doanh nghiệp không bổ nhiệm thư ký công ty theo quy định nêu trên, mà tuyển dụng và bố trí vào vị trí Thư ký Hội đồng quản trị hoặc Chuyên viên thuộc Văn phòng Hội đồng quản trị. Chức năng chính của Thư ký Hội đồng quản trị hoặc Chuyên viên thuộc Văn phòng Hội đồng quản trị là giúp Hội đồng quản trị trong các thủ tục hành chính như tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông, soạn thảo biên bản các cuộc họp hoặc thực hiện các thủ tục hành chính nội bộ liên quan đến hoạt động của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, như là kiêm nhiệm công việc của Thư ký công ty. 

Tại công ty đại chúng, có chức danh người phụ trách quản trị công ty. Điều 281 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật chứng khoán, Hội đồng quản trị của công ty đại chúng phải bổ nhiệm ít nhất 01 người phụ trách quản trị công ty để hỗ trợ công tác quản trị công ty tại doanh nghiệp. Người phụ trách quản trị công ty có thể kiêm nhiệm làm Thư ký công ty.

Người phụ trách quản trị công ty có quyền và nghĩa vụ sau: Tư vấn Hội đồng quản trị trong việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định và các công việc liên quan giữa công ty và cổ đông: chuẩn bị các cuộc họp Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát; tư vấn về thủ tục của các cuộc họp; tham dự các cuộc họp; tư vấn thủ tục lập các nghị quyết của Hội đồng quản trị phù hợp với quy định của pháp luật; cung cấp các thông tin tài chính, biên bản họp Hội đồng quản trị và các thông tin khác cho thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát; giám sát và báo cáo Hội đồng quản trị về hoạt động công bố thông tin của công ty; là đầu mối liên lạc với các bên có quyền lợi liên quan; bảo mật thông tin theo các quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Người phụ trách quản trị công ty có phạm vi công việc rộng hơn thư ký công ty, đồng thời chỉ có công ty đại chúng mới phải bổ nhiệm người phụ trách quản trị, trong khi chức danh thư ký công ty có thể được bổ nhiệm ở tất cả các công ty cổ phần. 

Tại doanh nghiệp, có một số vị trí công việc tương tự vị trí thư ký công ty như: thư ký giám đốc (tổng giám đốc), trợ lý giám đốc (tổng giám đốc). Các vị trí này có nhiệm vụ tham mưu, hỗ trợ, giúp việc người điều hành công ty, là giám đốc (tổng giám đốc). Công việc của các vị trí này, thường liên quan đến công việc điều hành hàng ngày, không liên quan đến công việc quản trị của hội đồng quản trị, có thể không liên quan nhiều đến các vấn đề pháp lý.

Hai vị trí công việc này có nhiều điểm khác nhau, cụ thể:

(i) Về phạm vi công việc: 

Công việc của thư ký công ty chuyên biệt và đặc thù hơn, tập trung chủ yếu vào việc tư vấn và thực hiện các công việc liên quan đến pháp lý quản trị công ty. Đối tượng yêu cầu tư vấn và giao việc cho thư ký cũng hẹp hơn, chỉ có Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị.

Công việc của Luật sư nội bộ rộng hơn, có rất nhiều về loại việc, đối tượng giao việc, phạm vi công việc, không những tư vấn và thực hiện các công việc hỗ trợ quản trị công ty, mà còn cả các công việc khác, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành công ty một cách toàn diện. Luật sư nội bộ được công ty được giao công việc của thư ký công ty thì sẽ có khả năng thích ứng, thực hiện công việc dễ dàng. Thế nhưng, người làm thư ký công ty nếu được công ty giao công việc của Luật sư nội bộ sẽ gặp nhiều khó khăn, do phải đảm nhận và giải quyết thêm nhiều loại công việc mới.

(ii) Về yêu cầu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để làm việc: 

Công việc của thư ký công ty tập trung vào tư vấn quy định pháp luật về quản trị và thực hiện việc các thủ tục nội bộ. Thư ký công ty phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật quản trị công ty, có các kỹ năng tư vấn về thủ tục và kỹ năng soạn thảo các văn bản phục vụ việc ra quyết định của Hội đồng quản trị.

Công việc của Luật sư nội bộ đòi hỏi họ phải có kiến thức pháp luật rộng, sử dụng toàn diện kiến thức pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực hợp đồng, doanh nghiệp, lao động, đồng thời phải nắm vững các quy định pháp luật ở các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Luật sư nội bộ cần nhiều hơn các kỹ năng làm việc ngoài kỹ năng tư vấn, thực hiện các thủ tục pháp lý, mà còn các kỹ năng khác. 

(iii) Về vị trí công việc và nhu cầu tuyển dụng

Vị trí thư ký công ty chỉ có ở các công ty cổ phần, theo yêu cầu của Luật Doanh nghiệp. Luật sư nội bộ có ở mọi loại hình doanh nghiệp có nhu cầu. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng thư ký công ty ít hơn rất nhiều so với tuyển Luật sư nội bộ.

Để đảm nhận vị trí thư ký công ty hay Luật sư nội bộ doanh nghiệp, cần người đảm nhận công việc phải là cử nhân luật, am hiểu sâu về pháp luật doanh nghiệp. Cả hai vị trí này đều được doanh nghiệp tuyển dụng và bố trí công việc, quan hệ pháp lý với công ty là hợp đồng lao động.

3- Khác biệt pháp chế doanh nghiệp và nhân sự

Công việc nhân sự trong doanh nghiệp là giúp việc, tư vấn, tham mưu cho người điều hành công ty trong hoạt động quản lý lao động, gồm các hoạt động như: tuyển dụng nhân sự, quản lý nhân sự, phát triển chính sách, chế độ đãi ngộ của công ty dành cho người lao động như tiền lương bảo hiểm, đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực của nhân sự. Các công việc nhân sự phải vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật lao động, vừa phải đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, tạo động lực cho người lao động yên tâm làm việc, đóng góp và thăng tiến. 

Hai công việc này có những điểm khác nhau, thể hiện ở các mặt sau:

(i) Về phạm vi công việc: 

Công việc của nhân sự chuyên biệt và đặc thù trong lĩnh vực lao động, tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các nghiệp vụ cụ thể của nhân sự, như tuyển dụng, đào tạo, phát triển, thực hiện thủ tục về hợp đồng lao động, phụ trách việc chấm công, tính lương, thực hiện các công việc khác liên quan đến lương, chế độ phúc lợi...

Công việc của pháp chế doanh nghiệp là phụ trách toàn diện công việc pháp chế, pháp lý, trong đó có việc tư vấn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý về lao động trong nội bộ doanh nghiệp, các thủ tục pháp lý với cơ quan nhà nước có thâm quyên, tư vấn và hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn nội bộ về lao động.

Luật sư nội bộ sẽ hỗ trợ cho người làm nhân sự thực hiện các công việc nhân sự vừa phù hợp với quy định nội bộ và quy định pháp luật lao động. Cho nên Luật sư nội bộ nếu giao công việc của nhân sự thì có thể có khả năng thích ứng cao, nhưng phải cần học hỏi, bổ sung các kiến thức về nhân sự, nghiệp vụ nhân sự. Ngược lại, người đang làm nhân sự, muốn chuyển sang làm Luật sư nội bộ, sẽ thuận lợi trong công việc pháp chế liên quan đến lao động, nhưng sẽ cần phải nỗ lực nhiều để bù đắp thiếu hụt liên quan đến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm pháp luật. 

(ii) Về yêu cầu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để làm việc:

Công việc nhân sự chủ yếu tập trung vào thực hiện quản trị nhân sự hiệu quả. Để hoàn thành công việc này, đòi hỏi nhân sự ngoài am hiểu kiến thức, kỹ năng làm việc và có kinh nghiệm về quản trị nhân sự: Tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự, chấm công, tính lương, tính mức đóng bảo hiểm, chính sách nhân sự của công ty... Kiến  thức pháp luật, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân.

Công việc Luật sư nội bộ, yêu cầu họ phải có kiến thức pháp luật rộng, tập trung vào các lĩnh vực hợp đồng, doanh nghiệp, lao động, đồng thời phải nắm vững các quy định pháp luật ở các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Luật sư nội bộ ngoài những kiến thức pháp luật, cần phải có kỹ năng tư duy pháp lý, giải quyết vấn đề, kỹ năng viết, kỹ năng nói.

(iii) Về vị trí công việc và nhu cầu tuyển dụng:

Nhân viên nhân sự là vị trí mà hầu hết các công ty đều cần, vì công ty nào cũng có người động để phục vụ nhu cầu hoạt động của mình. Trong doanh nghiệp, đa phần quan tâm tuyển dụng nhân viên phụ trách nhân sự trước Luật sư nội bộ. Cả hai vị trí này đều được doanh nghiệp tuyển dụng và bố trí công việc, quan hệ pháp lý với công ty là hợp đồng lao động.

Vì hai công việc này có cùng một điểm chung yêu cầu về kiến thức, kỹ năng làm việc liên quan đến pháp luật lao động, cho nên ở nhiều doanh nghiệp nhỏ, để tiết kiệm chi phí, sẽ tuyển dụng một nhân sự phụ trách kiêm nhiệm công việc nhân sự và Luật sư nội bộ.

4- Sự khác biệt giữa Luật sư nội bộ và thanh tra nội bộ doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp lớn, thường tuyển dụng và bố trí nhân sự làm việc ở vị trí thanh tra nội bộ, nhằm kiểm soát hoạt động vận hành, phát hiện sai phạm, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm, nhằm đảm bảo hoạt động vận hành sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp an toàn, hiệu quả, tránh sai phạm, thất thoát, tổn hại đến hoạt động, tài sản của doanh nghiệp.

Một vài điểm khác nhau giữa công việc thanh tra nội bộ và công việc pháp chế doanh nghiệp:

(i) Về phạm vi công việc:

Thanh tra nội bộ thực hiện công việc theo hợp đồng lao động, nên phạm vi công việc cụ thể của một nhân sự sẽ do doanh nghiệp phân công. Công việc chính của người làm thanh tra nội bộ là rà soát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp, tìm kiếm, phát hiện ra sai sót của họ so với quy định nội bộ, quy định pháp luật, xử lý theo thẩm quyền được phân công hoặc đề xuất cho cấp có thẩm quyền xử lý.

Luật sư nội bộ chính là người tư vấn, hỗ trợ giúp các tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp thực hiện công việc phù hợp với quy định nội bộ, quy định pháp luật, giúp cho hoạt động quản lý, điều hành, kinh doanh của doanh nghiệp an toàn. Luật sư nội bộ tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành quy định nội bộ, sử dụng các quy định nội bộ, quy định pháp luật để tư vấn, hỗ trợ thực hiện công việc trong hành lang pháp lý.

Thanh tra nội bộ sử dụng các quy định nội bộ, quy định pháp luật để kiểm tra. Công việc pháp chế doanh nghiệp cũng là một công việc chịu sự thanh tra, kiểm soát của thanh tra nội bộ. 

(ii) Về vị trí công việc và nhu cầu tuyển dụng: 

Các doanh nghiệp lớn, có nhiều nhân sự, có cơ sở vận hành rộng khắp, thường tuyển dụng và bố trí các vị trí công việc thanh tra nội bộ để giúp doanh nghiệp hạn chế tiêu cực, thất thoát. Tên gọi của chức danh này có thể khác nhau tùy theo quy định riêng của mỗi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhân sự phụ trách công việc thanh tra nội bộ và thành lập bộ phận thanh tra nội bộ độc lập như một phòng, ban riêng, nhưng có nhiều doanh nghiệp đã ghép bộ phận thanh tra nội bộ vào bộ phận pháp chế.

5- Kết luận sơ bộ

[a] Tại các doanh nghiệp lớn, người làm pháp chế có thể được phân công làm chuyên trách một hoặc vài mảng công việc. Tại các doanh nghiệp nhỏ, số lượng đầu việc mỗi nhóm phát sinh không quá nhiều, nhưng ở nhóm việc nào cũng có thể phát sinh, nên người làm pháp chế có thể được giao làm tất cả các công việc phát sinh trong các nhóm công việc đó. 

[b] Tùy thuộc vào tư duy quản trị, nhu cầu, ngân sách của doanh nghiệp, người quản trị, điều hành doanh nghiệp có thể giới hạn cho tổ chức pháp chế thực hiện một số nhiệm vụ. Nhiều doanh nghiệp, có thể được tổ chức pháp chế được giao những tổ chức khác như: hành chính - nhân sự, thanh tra nội bộ, thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty.

[c] Doanh nghiệp có xu hướng sử dụng dịch vụ pháp chế thuê ngoài ngày càng tăng do ưu điểm về tối ưu chi phí; đáp ứng những nhiệm vụ phức tạp; chất lượng tư vấn, phản biện cao có nguyên do từ mối quan hệ đối tác (ngang hàng).

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

V- LUẬT SƯ TƯ VẤN CHO KHÁCH HÀNG DOAN NGHIỆP SỬ DỤNG HIỆU QUẢ DỊCH VỤ PHÁP LÝ

1- Luật sư tư vấn về tổ chức bộ máy pháp chế

Trước hết, Luật sư cần cần hiểu và tư vấn tới khách hàng các kiến thức liên quan đến tầm quan trọng của quản trị bằng pháp luật. Tiếp theo, tùy tình hình thực tế của doanh nghiệp đã hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng gói dịch vụ pháp lý phù hợp.

[1] Thuê (trọn gói) phòng pháp chế thuê ngoài hoặc là sử dụng dịch vụ pháp chế thuê ngoài kết hợp với pháp chế nội bộ. Trong trường hợp này, hướng dẫn để khách hàng lựa chọn "đội hình" luật sư phù hợp với doanh nghiệp. Ví dụ, tham gia ký kết nhiều hợp đồng với nhiều đối tác, khách hàng khác nhau, cần đội ngũ luật sư hợp đồng chuyên nghiêp; doanh nghiệp tập trung vào xử lý, thu hồi nợ cần đến đội ngũ luật sư có kinh nghiệm về xử lý nợ....

[2] Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhân sự pháp chế không thường xuyên, yêu cầu bộ máy tinh gọn, có thể sử dụng dịch vụ Thư ký pháp lý (vị trí với chức danh Thư ký công ty, căn cứ quy định tại Điều 156 Luật doanh nghiệp năm 2020), Trợ lý pháp lý (vị trí tương đương hoặc bổ nhiệm vào chức danh người phụ trách quản trị công ty theo Điều 281 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP).

[3] Luật sư tư vấn khách hàng thuê dịch vụ pháp lý thường xuyên, để có các nhân sự là chuyên gia pháp luật có thể thực hiện (kiêm nhiệm) các công việc nhân sự, kiểm soát nội bộ, thanh tra nội bộ, hành chính văn phòng... hoặc mời luật sư tham gia quản trị công ty với các chức danh: thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát...

2- Luật sư tư vấn phí dịch vụ

Nội dung này căn cứ vào ngân sách, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, phí luật sư căn cứ vào quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 56 Luật Luật sư. Thù lao luật sư được tính dựa trên căn cứ: [a] Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; [b] Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; [c] Kinh nghiệm và uy tín của luật sư (Khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư). Thù lao của luật sư sẽ được tính theo một trong các phương thức sau: [a] Giờ làm việc của luật sư; [b] Vụ, việc với mức thù lao trọn gói; [c] Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; [d] Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định (Khoản 2 Điều 55 Luật Luật sư).

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Hướng dẫn về dịch vụ pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.05501 sec| 1264.32 kb