Khái quát về hoạt động trọng tài tại một số quốc gia
1- Pháp: Phòng thương mại quốc tế ICC
Trọng tài ICC là một tổ chức trọng tài lâu đời được thành lập từ năm 1923 như là một nhánh của Phòng thương mại quốc tế ICC. Từ khi thành lập đến nay, trọng tài ICC đã giải quyết hơn 19 nghìn vụ tranh chấp liên quan đến các bên và trọng tài viên từ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong năm 2012, đã có 759 yêu cầu trọng tài gửi cho trọng tài ICC liên quan đến 2.036 bên từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các trọng tài viên được bổ nhiệm đến từ 76 quốc tịch, và có 491 phán quyết trọng tài được ban hành.
(i) Cơ cấu tổ chức:
Trọng tài ICC được tổ chức gồm Đại hội đồng trọng tài ICC gồm hơn 100 thành viên từ 90 quốc gia, Ban thư ký trọng tài ICC, và hội đồng trọng tài.
Đại hội đồng trọng tài là cơ quan hỗ trợ các bên và hội đồng trọng tài trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng. Đại hội đồng có các chức năng:
- Chỉ định địa điểm trọng tài;
- Đánh giá về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài ICC;
- Đưa ra những quyết định cần thiết trong trường hợp tố tụng trọng tài giữa nhiều bên hoặc liên quan tới nhiều hợp đồng;
- Xác nhận, chỉ định và thay thế trọng tài viên;
- Giám sát quy trình tố tụng trọng tài để đảm bảo sự phù hợp với quy tắc tố tụng của ICC;
- Kiểm tra và phê chuẩn các phán quyết trọng tài;
- Quy định, giám sát và, nếu cần thiết, điều chỉnh phí trọng tài;
- Giám sát thủ tục trọng tài khẩn cấp.
Ban thư ký là cơ quan giúp việc gồm hơn 80 luật sư và nhân viên hỗ trợ, đứng đầu là Tổng thư ký Trọng tài ICC. Ban thư ký giúp Đại hội đồng thực hiện các chức năng của mình. Tổ chức Ban thư ký bao gồm tám nhóm quản lý khác nhau, trong đó bảy nhóm đóng ở Paris, và một nhóm đóng ở Hong Kong. Mỗi nhóm được lãnh đạo bởi một luật sư trưởng nhóm và hai hoặc ba luật sư phụ trợ. Khi phát sinh một vụ việc, Tổng thư ký sẽ đánh giá và chuyển cho nhóm quản lý phù hợp, nhóm này sẽ trở thành đầu mối liên lạc cho các bên.
Hội đồng trọng tài được thành lập để giải quyết các vụ việc tranh chấp cụ thể. Thành phần hội đồng trọng tài gồm một hoặc ba trọng tài viên, do các bên lựa chọn hoặc được Đại hội đồng chỉ định.
(ii) Hoạt động tố tụng:
Để sử dụng dịch vụ trọng tài ICC, nguyên đơn phải gửi đơn khởi kiện đến một trong các văn phòng của ban thư ký trọng tài. Ngay sau khi nguyên đơn đã nộp đơn và phí trọng tài, đơn kiện được chuyển cho bị đơn. Bị đơn phải phản hồi đơn kiện, kèm theo yêu cầu phản tố nếu có, trong vòng 30 ngày.
Trong trường hợp một bên không nộp bản phản hồi; khiếu nại về sự tồn tại, hiệu lực hoặc phạm vi của thỏa thuận trọng tài; hoặc khiếu nại việc giải quyết chung các yêu cầu trong đơn kiện trong cùng một vụ kiện trọng tài, tố tụng trọng tài vẫn tiếp tục và hội đồng trọng tài sẽ quyết định về thẩm quyền của mình, trừ khi Ban thư ký trình vấn đề ra Đại hội đồng giải quyết.
Trong quá trình giải quyết trọng tài, trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sau khi kết thúc thủ tục tố tụng, hội đồng trọng tài sẽ ban hành phán quyết. Phán quyết này phải được trình lên trước đại hội đồng trọng tài ICC phê chuẩn.
2- Trung Quốc: Hội đồng trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc
Hội đồng trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (CIETAC) là tổ chức trọng tài lớn nhất của Trung Quốc, được thành lập từ tháng 04/1956. Đặt trụ sở chính ở Bắc Kinh, hội đồng có các cơ sở đặt ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân, và Trùng Khánh. Trong gần 60 năm tồn tại và hoạt động của mình, CIETAC đã giải quyết gần 20 nghìn vụ kiện trọng tài liên quan đến các bên từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, và các phán quyết trọng tài của trung tâm đã được công nhận và cho thi hành ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, trung bình CIETAC xử lý gần 1.300 vụ việc một năm, là một trong những trung tâm xử lý nhiều vụ việc nhất trên thế giới.
(i) Cơ cấu tổ chức:
CIETAC gồm một trụ sở chính ở Bắc Kinh và ba chi nhánh đặt tại Thâm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân, và Trùng Khánh. CIETAC và các chi nhánh hợp thành một trung tâm trọng tài duy nhất.
CIETAC có một Chủ tịch và một số Phó chủ tịch và thành viên, Ban thư ký, các Ủy ban đặc biệt, và hội đồng trọng tài.
Chủ tịch thực hiện các chức năng và trọng trách theo Quy tắc trọng tài của CIETAC. Các Phó chủ tịch thực hiện những chức năng và trọng trách của Chủ tịch theo ủy quyền.
Trụ sở chính và mỗi chi nhánh đều có Ban thư ký riêng để quản lý những công việc hàng ngày dưới sự chỉ đạo của Tổng thư ký.
Trong tổ chức của CIETAC có ba Ủy ban đặc biệt. Ủy ban chuyên gia cố vấn là cơ quan tư vấn có trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề phức tạp về thủ tục trọng tài và quy định pháp luật, cũng như đưa ra ý kiến tư vấn, sửa đổi quy tắc trọng tài và đào tạo trọng tài viên CIETAC. Ủy ban biên tập vụ kiện tổng hợp và biên tập các vụ kiện đã giải quyết xong của CIETAC và hàng năm ấn bản thành sách tuyển tập. Ủy ban đánh giá tiêu chuẩn trọng tài viên kiểm tra và rà soát các tiêu chuẩn và năng lực của trọng tài viên CIETAC, đề xuất việc gia hạn thời gian làm việc của trọng tài viên.
Hội đồng trọng tài được thành lập để giải quyết từng vụ tranh chấp cụ thể, gồm một hoặc ba trọng tài viên trong danh sách của CIETAC.
(ii) Hoạt động tố tụng
Khi bắt đầu tố tụng, nguyên đơn nộp cho Ban thư ký CIETAC tại trụ sở Bắc Kinh hoặc tại các chi nhánh yêu cầu trọng tài, kèm theo thỏa thuận trọng tài và các chứng cứ liên quan. Ban thư ký gửi cho bị đơn thông báo trọng tài và bị đơn có thời hạn 45 ngày (trong trường hợp trọng tài có yếu tố nước ngoài) kể từ ngày nhận được thông báo để phản hồi.
CIETAC có quyền tự quyết định về sự tồn tại và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của mình đối với vụ việc. Nếu cần thiết, CIETAC có thể ủy quyền cho hội đồng trọng tài thực hiện việc này.
Hội đồng trọng tài được thành lập gồm một hoặc ba thành viên. Hội đồng sẽ xem xét vụ tranh chấp theo cách thức mà mình thấy là phù hợp. Hội đồng có thể tổ chức các phiên xét xử trực tiếp hoặc không, có quyền thu thập chứng cứ, hỏi ý kiến chuyên gia, bổ nhiệm người giám định, nhưng không được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (mà phải chuyển yêu cầu, nếu có, cho Tòa án có thẩm quyền).
Phán quyết trọng tài phải được ban hành trong vòng sáu tháng (trường hợp trọng tài có yếu tố nước ngoài) kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. Thời hạn này có thể gia hạn theo yêu cầu của hội đồng trọng tài và chấp thuận của Tổng thư ký CIETAC. Hội đồng trọng tài phải trình phán quyết để CIETAC kiểm tra trước khi ban hành.
3- Singapore: Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore
Thành lập từ năm 1991, Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) là một trong các tổ chức trọng tài có uy tín hàng đầu trong khu vực. Là một trong những tổ chức có tốc độ phát triển nhanh, năm 2012, SIAC nhận giải quyết 235 đơn kiện trọng tài của các bên từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25% so với cùng kỳ 2011. Các trọng tài của SIAC đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, v.v.
(i) Cơ cấu tổ chức
Tổ chức của SIAC bao gồm Hội đồng quản trị, Đại hội đồng trọng tài, Ban thư ký và hội đồng trọng tài.
Hội đồng quản trị là tổ chức giám sát và điều hành chung hoạt động của SIAC, bao gồm một Chủ tịch HĐQT, một Phó chủ tịch HĐQT, và các thành viên HĐQT.
Đại hội đồng trọng tài gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, và các Ủy viên, có chức năng hỗ trợ hội đồng trọng tài trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng trọng tài và làm một số nhiệm vụ khi hội đồng trọng tài chưa được thành lập. Ví dụ, đại hội đồng xem xét yêu cầu thay đổi trọng tài viên của các bên hoặc quyết định về thẩm quyền của trọng tài trong thời gian hội đồng trọng tài chưa được thành lập.
Ban thư ký của SIAC có chức năng điều phối, hỗ trợ, giám sát hoạt động trọng tài và là đầu mối liên lạc cho các bên.
Hội đồng trọng tài được thành lập theo từng vụ việc trọng tài cụ thể, gồm một hoặc ba trọng tài viên.
(ii) Hoạt động tố tụng
Một bên muốn khởi kiện trọng tài phải gửi thông báo trọng tài đến bộ phận đăng ký của Đại hội đồng trọng tài và đồng thời cũng phải gửi thông báo đó đến phía bị đơn. Trong vòng 14 ngày, bị đơn phải có phản hồi sơ bộ gửi đến nguyên đơn và bộ phận đăng ký.
Hội đồng trọng tài được thành lập gồm một hoặc ba trọng tài viên và có quyền thực hiện tố tụng trọng tài theo phương cách mà mình thấy phù hợp sau khi đã hỏi ý kiến các bên. Các bên phải nộp bản giải trình nêu rõ tình tiết sự việc đã phát sinh, cơ sở pháp lý và yêu cầu của mình. Các thời hạn nộp và phản hồi giải trình đều do hội đồng trọng tài quyết định.
Trước khi thành lập hội đồng trọng tài, vấn đề thẩm quyền trọng tài do Đại hội đồng trọng tài quyết định. Sau khi thành lập, hội đồng trọng tài tự xem xét thẩm quyền của mình. Tùy theo yêu cầu, hội đồng trọng tài có thể tổ chức phiên xét xử trực tiếp, triệu tập nhân chứng, bổ nhiệm chuyên gia, và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Nếu hội đồng trọng tài đã thỏa mãn với chứng cứ và lý luận của các bên trình lên, hội đồng có thể quyết định khép lại quá trình tố tụng và ban hành phán quyết trọng tài. Trước khi ban hành, phán quyết phải được trình lên bộ phận đăng ký của Đại hội đồng trọng tài để kiểm tra.
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm