Khái quát về phá sản

24/02/2023
Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc ngày càng nhiều doanh nghiệp mọc lên thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Có nhiều lý do dẫn đến việc doanh nghiệp bị dừng hoạt động. Một trong những thủ tục pháp lý làm chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp chính là phá sản, được quy định trong những quy định của pháp luật về doanh nghiệp và những quy định khác có liên quan.

I- KHÁI QUÁT VỀ PHÁ SẢN

1- Phá sản - hiện tượng tất yếu trong nền kinh tế thị trường 

Trong nền kinh tế tự cung tự cấp, con người làm ra sản phẩm để tự phục vụ, tự đáp ứng cho nhu cầu của mình nên hoạt động thương mại chưa tồn tại và do đó không thể có hiện tượng phá sản.

Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở Việt Nam, chủ thể kinh tế chủ yếu là các doanh nghiệp quốc doanh được Nhà nước thành lập và tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Các doanh nghiệp này không có quyền chủ động trong hoạt động kinh doanh, mọi hoạt động trong quá trình kinh doanh từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đều theo kế hoạch của Nhà nước và cũng không có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Lúc bấy giờ, nếu doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì nộp vào ngân sách nhà nước, ngược lại nếu thua lỗ thì được Nhà nước bù lỗ. Các xí nghiệp, hợp tác xã trong thời kì này hoạt động kém hiệu quả, dưới dạng lãi giả lỗ thật, nợ nần chồng chất, Nhà nước luôn phải giúp đỡ các doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ, hoãn nợ, xoá nợ... hoặc sử dụng các giải pháp mang tính chất hành chính như sáp nhập, giải thể để chấm dứt hoạt động của chúng.

Như vậy, doanh nghiệp quốc doanh hay hợp tác xã trong nền kinh tế bao cấp không thể bị mất khả năng thanh toán và hiện tượng phá sản cũng không xảy ra.

Trong nền kinh tế thị trường, phá sản doanh nghiệp là hiện tượng kinh tế - xã hội tồn tại khách quan. Tính tất yếu khách quan của hiện tượng phá sản doanh nghiệp được lí giải bằng những lí do cơ bản sau:

Thứ nhất, về thực chất doanh nghiệp cũng chỉ là thực thể xã hội và như vậy, cũng như các thực thể xã hội khác, doanh nghiệp cũng có quá trình sinh ra, phát triển và diệt vong. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh tồn của các sự vật, hiện tượng.

Thứ hai, nền kinh tế thị trường với đa hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, đa thành phần kinh tế, nhiều loại hình doanh nghiệp cùng song song tồn tại. Các loại hình doanh nghiệp (trong đó có cả DNNN) đều tự chủ về tài chính, bình đẳng và tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Trong nền kinh tế đó, cạnh tranh là một quy luật kinh tế khách quan. Dưới sự tác động của quy luật cạnh tranh, một số doanh nghiệp mạnh dần lên chiếm lĩnh thị trường, ngược lại, một số doanh nghiệp khác dần yếu đi, sản xuất kinh doanh đình đốn, nợ nần chồng chất, đi tới chỗ mất khả năng chi trả các nghĩa vụ tài chính của mình và thực chất đã lâm vào tình trạng phá sản.

Thứ ba, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cái mà doanh nghiệp thu được đó là lợi nhuận nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng phải chịu những rủi ro. Trong kinh doanh, tỉ lệ rủi ro là rất lớn. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ rủi ro là 1/4, có nghĩa là cứ đầu tư thành lập 100 doanh nghiệp thì sẽ có khoảng 25 doanh nghiệp bị phá sản. Thậm chí có những doanh nghiệp bị phá sản ngay sau khi mới được thành lập. Nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp là hết sức đa dạng. Có thể là do sự yếu kém về năng lực tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh; là sự thiếu khả năng thích ứng với những biến động trên thương trường; là sự vi phạm các chế độ thể lệ quản lý... Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ngoài những nguyên nhân chủ quan trên thì bất trắc và biến động khách quan trong nền kinh tế thị trường đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mất khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp.

Phá sản bao giờ cũng kéo theo những hậu quả kinh tế - xã hội nhất định. Ví dụ: Sự phá sản của một bộ phận lớn doanh nghiệp nào đó thường gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đến việc làm và thu nhập của người lao động. Song sự tác động của phá sản không phải bao giờ cũng chỉ có ý nghĩa tiêu cực. Xét về mặt kinh tế, bản thân nó là một giải pháp hữu hiệu trong việc “cơ cấu lại” nền kinh tế, góp phần duy trì sự tồn tại của những doanh nghiệp đủ sức đứng vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng nghiệt ngã.

Tóm ỉạỉ, phá sản luôn là một hiện tượng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, nó hiện hữu như là một sản phẩm của quá trình cạnh tranh, chọn lọc và đào thải tự nhiên của nền kinh tế thị trường, bất kể đó là nền kinh tế thị trường phát triển ở các nước trên thế giới hay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

2- Khái niệm pháp sản doanh nghiệp 

Hiện tượng phá sản phát sinh từ rất sớm. Lịch sử phá sản của thế giới ghi nhận rằng Italia là nước khai sinh ra đạo luật phá sản đầu tiên từ thời kì La Mã. Đến thời kì Trung cổ, các quốc gia châu Âu cũng ban hành luật phá sản. Lúc đầu luật này được áp dụng vào lĩnh vực thương nghiệp, sau đó mở rộng ra nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tượng phá sản trở nên phổ biến trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, nó là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hình thành nên những tập đoàn kinh tế tư bản độc quyền.

về phương diện ngôn ngữ hiện có khá nhiều thuật ngữ dùng để thể hiện khái niệm này: Trong tiếng La tinh có hai từ: Ruin, Banca Rotta; trong tiếng Anh có các từ như Insolvency, Bankruptcy; trong tiếng Nga có: HecocTOHTejibHocTb, õaHKpoTCTBo.

Trong tiếng Việt, theo tinh thần của Luật Thương mại năm 1972 của chính quyền Sài Gòn trước đây, thuật ngữ “khánh tận” dùng để chỉ phá sản thương gia còn “vỡ nợ” dùng để chỉ sự phá sản của cá nhân, ngoài ra phá sản còn được nhìn nhận là một thủ tục tư pháp thanh toán tài sản. Hiện nay, trên cơ sở Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004 và Luật Phá sản năm 2014, khái niệm phá sản được xem xét dưới hai bình diện: (1) Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và (2) phá sản là thủ tục phục hồi hoặc xử lý nợ đặc biệt. Giáo trình này quan niệm phá sản theo hai bình diện này.

a, Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Ở Việt Nam, hiện tượng phá sản mới chỉ xuất hiện và pháp luật phá sản mới chỉ ra đời do sự chuyển hướng nền kinh tế kế hoạch sang cơ chế thị trường. Trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, có nhiều quan điểm cho rằng phá sản là một hiện tượng bất bình thường, thể hiện sự trì trệ và suy thoái của đời sống kinh tế xã hội và thường bị phủ nhận. “Khi có công ty, xí nghiệp làm ăn thua lỗ thì có cơ quan cấp trên bù lễ bằng tiền ngân sách, đình chỉ hoạt động hoặc giải thể”. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm thay đổi quan niệm về phá sản.

Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật công ty năm 1990 đã bước đầu đề cập khái niệm “doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản”. Theo Điều 24 Luật công ty: “công ty gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh đến mức tại một thời điểm tông số trị giá các tài sản còn lại của công ty không đủ thanh toán tong so các khoản nợ đến hạn, là công ty lâm vào tình trạng phá sản”.

Định nghĩa này có điểm hạn chế rất lớn là chưa phản ánh được bản chất của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Bởi vì, tại một thời điểm nào đó mà tổng giá trị tài sản của công ty không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn nhưng chưa chắc doanh nghiệp đó đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ nếu như các chủ nợ thực hiện việc hoãn nợ, xoá nợ cho doanh nghiệp hoặc có người mua nợ hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện nhận thức về vấn đề phá sản doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế trong Luật công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã quy định cụ thể hơn về doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản: “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn” (Điều 2).

Điều 3 Nghị định số 189/CP ngày 23/12/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp (Nghị định số 189/CP) đã cụ thể hoá các dấu hiệu để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Cụ thể:

(1) Doanh nghiệp được coi là có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản nói tại Điều 2 của Luật Phá sản doanh nghiệp, nếu kinh doanh bị thua lỗ trong 2 năm liên tiếp đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn, trong 3 tháng liên tiếp không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa ước lao động và hợp đồng lao động.

(2) Khi xuất hiện dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản như trên, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết để khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn như: Có phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, quản lý chặt chẽ các khoản chi phí, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; có biện pháp xử lý hàng hoá, sản phẩm, vật tư tồn đọng; thu hồi các khoản nợ và tài sản bị chiếm dụng; thương lượng với các chủ nợ để hoãn, mua, bảo lãnh, giảm và xóa nợ; tìm kiếm các khoản tài trợ và các khoản vay để trang trải các khoản nợ đến hạn và đầu tư đổi mới công nghệ.

(3) Sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết trên đây mà doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản và phải được xử lý theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp.

Như vậy, theo Luật Phá sản doanh nghiệp, chỉ có thể áp dụng thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp khi đã lâm vào tình trạng phá sản, tức là phải có đầy đủ ba điều kiện trên.

Có thể nhận thấy rằng Luật Phá sản doanh nghiệp và Nghị định số 189/CP đã có những quy định khá chặt chẽ về điều kiện để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, với những quy định chặt chẽ như vậy, pháp luật phá sản đã đi theo hướng thủ tục phá sản được áp dụng là để xử lý tài sản của sản. Bởi vì, trên thực tế, chờ cho đến lúc hội đủ các điều kiện trên mới mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp sẽ không có một khả năng tài chính nào để khôi phục lại doanh nghiệp của mình và lúc đó nếu mở thủ tục phá sản cũng chỉ để thanh lý, chứ không phải để khôi phục doanh nghiệp. Như vậy, một mục đích quan trọng của việc ban hành Luật Phá sản doanh nghiệp (tạo điều kiện cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản khôi phục hoạt động kinh doanh, nhằm trở lại với thương trường) đã không đạt được.

Khắc phục hạn chế đó, Luật Phá sản năm 2004 đã xác định khái niệm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản theo hướng đơn giản và hợp lý hơn. Theo Điều 3 Luật Phá sản, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp không :ó khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Đến Luật Phá sản năm 2014, pháp luật phá sản Việt Nam khi ghi nhận tình hình tài chính bi đát của doanh nghiệp, hợp tác xã không còn sử dụng thuật ngữ “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản’’ mà thay vào đó, Luật Phá sản năm 2014 sử dụng thuật ngữ “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán”.

Theo Luật Phá sản năm 2014: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Như vậy, khái niệm này được Luật Phá sản năm 2014 xác định theo tiêu chí định lượng và dấu hiệu duy nhất để xác định khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đó là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Như vậy, tương tự như pháp luật phá sản các nước trên giới, Luật Phá sản coi việc mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi các chủ nợ có yêu cầu là căn cứ cơ bản và duy nhất để xem xét mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã mà không cần phải xem xét đến các dấu hiệu khác như Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 quy định. Tuy nhiên, cách xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ở các nước trên thế giới không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ: Theo pháp luật của Singapore, con nợ có thể bị tuyên bố phá sản khi không trả được khoản nợ từ 2000 đôla Singapore trở lên; theo Luật Phá sản của Nhật Bản, khi một người mắc nợ ngừng trả tiền thì người đó coi được coi là không trả được nợ; Còn theo pháp luật phá sản của Cộng hoà Pháp, mọi thương nhân và pháp nhân, kể cả pháp nhân không có quy chế thương nhân, khi lâm vào tình trạng ngừng thanh toán thì đều phải khai báo trong thời hạn 15 ngày để mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp hoặc thanh lý doanh nghiệp V.V..

Khác với Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Phá sản không quy định các dấu hiệu cụ thể để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Điều đó thể hiện sự tiến bộ của Luật Phá sản, phù hợp với thông lệ chung trên thế giới, tạo điều kiện cho việc sớm mở thủ tục phá sản cũng như khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu dấu hiệu mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn cần xem xét một số khía cạnh cụ thể sau:

Thứ  nhất, mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn cạn kiệt tài sản. Doanh nghiệp có thể còn rất nhiều tài sản mà vẫn mất khả năng thanh toán, chỉ vì tài sản đó không thể bán được, cho nên doanh nghiệp không có tiền để thanh toán các khoản nợ.

Thứ hai, mất khả năng thanh toán không chỉ là hiện tượng doanh nghiệp không thanh toán được nợ mà nó còn thể hiện doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng tài chính tuyệt vọng, có nghĩa là không thể trả được nợ, không có lối thoát, trừ phi có sự can thiệp của Tòa án hoặc sự giúp đỡ của các chủ nợ.

Thứ ba, đối với DNTN, nếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh có giao kết bất kì hợp đồng nào mà sau đó phát sinh ra các khoản nợ thì những khoản nợ này được coi là cơ sở để đánh giá tình trạng phá sản của doanh nghiệp. Nhưng ở đây cũng cần phân biệt với các khoản nợ do chủ DNTN xác lập trên cơ sở những hợp đồng phục vụ cho sinh hoạt cá nhân hoặc gia đình họ vì nó không xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, pháp luật không nhất thiết quy định cụ thể mất khả năng thanh toán một khoản nợ bao nhiêu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản, bởi vì tình hình tài chính trong các doanh nghiệp rất khác nhau, có thể có những doanh nghiệp nợ vài ba chục triệu nhưng không có cách gì để trả, trong lúc cũng có những doanh nghiệp nợ tới vài ba trăm triệu vẫn có khả năng thanh toán bình thường.[3]

Thứ năm, bản chất của việc mất khả năng thanh toán có thể không trùng với biểu hiện bên ngoài là trả được nợ hay không. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ nhưng điều này chỉ có tính chất nhất thời trong khi mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Ngược lại, có những doanh nghiệp sự trả nợ chỉ là trá hình, che đậy tình trạng tài chính tuyệt vọng của doanh nghiệp, họ phải sử dụng nhiều phương tiện gian trá để bù đắp ngân quỹ như vay nặng lãi, thế chấp tài sản nhiều lần để vay tiền ngân hàng...

Tóm lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ở bình diện tình hình tài chính tuyệt vọng của doanh nghiệp, phá sản là khái niệm dùng để chỉ doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản với dấu hiệu đặc trưng nhất là mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, hay doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chưa hẳn đã bị phá sản. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chỉ được coi là bị phá sản khi đã tiến hành thủ tục giải quyết yêu cầu và có quyết định tuyên bố phá sản của Toà án. Dấu hiệu này của khái niệm phá sản được Luật Phá sản năm 2014 ghi nhận, theo đó: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bổ phá sản” (khoản 2 Điều 4).

b, Phá sản - thủ tục phục hồi doanh nghiệp hoặc thanh lý nợ đặc biệt

Luật Phá sản năm 2014 gồm có 133 điều, trong đó có 25 điều (Điều 1 đến Điều 25) về những quy định chung và 3 điều về điều khoản thi hành, còn lại 115 điều (từ Điều 26 đến Điều 130) ghi nhận các vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ. Như vậy, Luật Phá sản là luật về thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ, trong đó có 2 thủ tục quan trọng, đó là thủ tục phục hồi hoặc thanh lý nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật Phá sản, các thủ tục phục hồi hoặc thanh lý nợ ở đây khác với quá trình phục hồi khi doanh nghiệp tự phục hồi sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình hoặc thủ tục thanh toán nợ trong tố tụng dân sự.

-  Tính chất đặc thù của thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Tính chất đặc thù của thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được nhìn nhận trong mối quan hệ so sánh với quá trình tự phục hồi doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc thua lỗ trong kinh doanh nhưng chưa bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. So sánh với quá trình tự phục hồi đó, thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có sự khác biệt cơ bản. Đó là: quá trình tự phục hồi là giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp chủ động thực hiện còn phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản lại là thủ tục tư pháp.

Trong kinh doanh, vì những nguyên nhân khác nhau, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ. Khi đó, để lành mạnh hoá hoạt động của doanh nghiệp, khỏi phải lâm vào tình trạng phá sản, chủ doanh nghiệp có thể thực hiện việc tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh hay nói cách khác là tự phục hồi doanh nghiệp của mình. Quá trình phục hồi này hoàn toàn thuộc ý chí của chủ doanh nghiệp, họ tự quyết định có hay không việc phục hồi doanh nghiệp, tự quyết định các phương án phục hồi doanh nghiệp cũng như tự thực hiện phương án phục hồi V.V..

Khác với quá trình tự phục hồi, phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là thủ tục tư pháp. Đây là một giai đoạn trong thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, được tiến hành sau khi Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp và chính Tòa án là người quyết định thủ tục phục hồi này chính trong quá trình phục hồi do doanh nghiệp thực hiện nhưng việc phục hồi chỉ có thể được thực hiện khi có đủ điều kiện pháp luật quy định (xem Điều 92 Luật Phá sản năm 2014), nội dung, thủ tục xem xét thông qua và thời hạn thực hiện phương án phục hồi phải tuân thủ quy định của pháp luật (xem các điều 88, 89, 90, 91). Hơn nữa, hoạt động phục hồi doanh nghiệp nằm dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Tòa án cũng như các chủ nợ và doanh nghiệp phải chịu những hậu quả pháp lý trong trường hợp doanh nghiệp phục hồi không thành công.

- Tính đặc thù của thủ tục thanh toán nợ

Không như những vụ kiện đòi tài sản trong lĩnh vực dân sự hay kinh tế, phá sản là một hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp, kéo theo nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các chủ nợ, bản thân doanh nghiệp mắc nợ và người làm công cũng như lợi ích của xã hội nói chung. Để bảo vệ họ và những người có liên quan, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên khi doanh nghiệp phá sản, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội thì việc giải quyết phá sản phải được thực hiện theo một thủ tục đặc biệt khác với thủ tục đòi nợ và thanh toán nợ thông thường. Sự đặc biệt này được xác định bởi tính chất của quan hệ giữa chủ nợ với doanh nghiệp mắc nợ. Điều đó thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, việc đòi nợ và thanh toán nợ mang tính tập thể.

Tính tập thể của thủ tục phá sản thể hiện trước hết ở việc tất cả các chủ nợ đều có cơ hội tham gia vào quá trình đòi nợ và thanh toán nợ. Nhưng họ không thể tiến hành đòi doanh nghiệp mắc nợ phải thanh toán các khoản nợ cho mình một cách tuỳ tiện. Pháp luật phá sản đã thiết kế sẵn một thủ tục tư pháp đặc biệt đảm bảo sự đồng đều về quyền lợi cho các chủ nợ thay vì để họ hành động vô tổ chức, mạnh ai nấy làm dẫn tới sự đổ vỡ của hàng loạt các doanh nghiệp khác có liên quan, gây xáo trộn mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Các chủ nợ được phân chia thành các nhóm khác nhau và yêu cầu của họ sẽ được xem xét công bằng, tại cùng một địa điểm, thời điểm và theo một thứ tự ưu tiên nhất định.

Khi có đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp của các chủ nợ không có bảo đảm, các chủ nợ có bảo đảm một phần và đại diện người lao động hoặc đại diện công đoàn, Tòa áncó thẩm quyền xem xét nếu đủ căn cứ thì ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Từ thời điểm này doanh nghiệp ngừng thanh toán nợ, không được thanh toán nợ cho riêng bất kì một chủ nợ nào. Các chủ nợ cũng không thể đòi thanh toán riêng khoản nợ của mình mà phải thông qua thủ tục gửi giấy đòi nợ. Luật Phá sản quy định: Tất cả các chủ nợ (chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, chủ nợ có bảo đảm) phải gửi giấy đòi nợ đến Tòa ántrong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định mở thủ tục phá sản doanh nghiệp (Điều 66); trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết hạn gửi giấy đòi nợ, Tổ quản lý, thanh lý tài sản phải lập xong danh sách các chủ nợ và số nợ (Điều 67). Tòa án sẽ dựa vào danh sách này để tiến hành thanh toán cho các chủ nợ khi xử lý nợ của doanh nghiệp con nợ. Điều đó cho thấy việc xử lý nợ phải dựa trên cơ sở tập thể các chủ nợ.

Gửi giấy đòi nợ là một thủ tục đặc biệt mà bất cứ chủ nợ nào cũng phải tiến hành, kể cả chủ nợ đang có tranh chấp với doanh nghiệp về số nợ của mình. Chủ nợ không gửi giấy đòi nợ hoặc tiến hành đòi nợ riêng lẻ sẽ không được tham gia vào quá trình phân chia tài sản của doanh nghiệp sau này.

Việc thanh toán nợ cho các chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản là thanh toán chung chứ không phải cho từng cá nhân riêng biệt. Điều đó nhằm giải quyết quyền lợi của các chủ nợ trên nguyên tắc công bằng và hợp lý.

Thứ hai, việc đòi nợ và thanh toán các khoản nợ tiến hành thông qua một cơ quan đại diện có thẩm quyền.

Trước đây, theo Điều 30 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 1993 thì Toà kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết việc phá sản doanh nghiệp.

Luật Phá sản đã quy định cụ thể hơn cơ quan Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp (xem Điều 8).

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp là Tòa án nhân dân địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng kí kinh doanh hoặc có trụ sở.

Giải quyết phá sản thực chất là giải quyết mối quan hệ tài sản giữa chủ nợ và con nợ. Chủ nợ có quyền đòi nợ và việc đòi nợ phải thông qua Tòa án thể hiện ở thủ tục gửi giấy đòi nợ trong một thời hạn nhất định. Thực hiện thủ tục này họ sẽ có tên trong danh sách chủ nợ và quyền lợi được đảm bảo. Việc thanh toán nợ của doanh nghiệp cũng không diễn ra trực tiếp mà phải thông qua đại diện là Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Các chủ nợ nhận được một phần hay toàn bộ số nợ của mình từ đây chứ không trực tiếp từ doanh nghiệp mắc nợ. Điều này thể hiện tính đặc biệt của thủ tục phá sản, khác với việc thanh toán nợ thông thường là luôn luôn trực tiếp và vào bất kỳ lúc nào.

Thứ ba, thanh toán các khoản nợ được tiến hành trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp.

Việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành trên cơ sở tài sản còn lại của doanh nghiệp. Điều này không có nghĩa là nợ bao nhiêu thì trả bấy nhiêu như nợ trong dân sự mà nghĩa vụ của doanh nghiệp mắc nợ sẽ chấm dứt sau khi dùng toàn bộ tài sản của mình để trả nợ mặc dù có thể thanh toán chưa đủ cho các chủ nợ. Ví dụ, công ty TNHH A bị Tòa án tuyên bố phá sản, có khoản nợ cần thanh toán là 10 tỉ đồng (VNĐ). Khi tiến hành thanh lý toàn bộ số tài sản còn lại của doanh nghiệp chỉ thu được 6 tỉ VNĐ, cơ quan thanh lý tài sản sẽ dùng 6 tỉ VNĐ này để thanh toán cho các chủ nợ (có khoản nợ 10 tỉ VNĐ) và hết khoảng 6 tỉ VNĐ này thì khoản nợ 10 tỉ VNĐ coi như được thanh toán xong. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sau khi doanh nghiệp phá sản, đối với chủ DNTN, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, trách nhiệm thanh toán nợ vẫn tồn tại cho đến khi khoản nợ đó được thực hiện xong.

Thứ tư, việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, việc thanh toán  các khoản nợ được tiến hành sau khi có quyết định của Toà án. Đây cũng là một đặc thù so với thủ tục thanh toán nợ thông thường. Thủ tục thanh toán nợ thông thường có thể diễn ra bất cứ khi nào, theo phương thức do hai bên lựa chọn, kể cả khi cần sự can thiệp của Tòa án thì Tòa án vẫn tôn trọng ý kiến của đương sự.

Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định việc phục hồi, xử lý tài sản hoặc tuyên bố phá sản doanh nghiệp nhưng Tòa án không trực tiếp thanh toán nợ của doanh nghiệp mà việc thanh toán nợ do Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện (xem các điều 120, 121 Luật Phá sản năm 2014). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thanh toán nợ trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp phải trên cơ sở quyết định tuỳ thuộc từng trường hợp và thời điểm cụ thể

của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý tài sản hay của Toà án.

Quy định việc thanh toán các khoản nợ trong quá trình giải quyết phá sản tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh hoặc nhằm đảm bảo sự công bằng và hợp lí khi xử lý tài sản.

Tóm lại, thủ tục phục hồi và xử lý nợ theo Luật Phá sản quy định là một thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục thanh toán nợ thông thường trong dân sự, kinh tế và trong đời sống hàng ngày.

3- Phân biệt phá sản với giả thể  

Neu chỉ xem xét về mặt hiện tượng thì phá sản và giải thể doanh nghiệp không có gì khác nhau, bởi vì cả hai thủ tục này đều dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp và phân chia tài sản còn lại cho các chủ nợ, giải quyết quyền lợi cho người làm công... Tuy nhiên, về bản chất đây là hai thủ tục pháp lý khác nhau.

Thứ nhất, lí do giải thể không đồng nhất đối với các loại hình doanh nghiệp và rộng hơn nhiều so với lí do phá sản.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về giải thể, khi rơi vào những trường hợp pháp luật quy định đối với loại hình doanh nghiệp đó có thể tự giải thể hoặc bị giải thể. Các trường hợp giải thể đối với mỗi một loại hình doanh nghiệp được pháp luật quy định không giống nhau mà tuỳ thuộc vào vị trí, vai trò cũng như ảnh hưởng của doanh nghiệp đó trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể khái quát lại rằng doanh nghiệp có thể tự chấm dứt hoạt động của mình hoặc bị bắt buộc giải thể khi: Mục tiêu đề ra không thể đạt được hoặc đã hoàn thành xong mục tiêu đó hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó, việc phá sản chỉ có thể do một nguyên nhân duy nhất gây ra, đó là mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Thứ hai, phá sản khác với giải thể ở bản chất của hai thủ tục pháp lý cũng như cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục đó.

Giải thể là một thủ tục mang tính chất hành chính, là giải pháp mang tính chất tổ chức, người chủ doanh nghiệp tự mình quyết định hoặc do cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập quyết định, còn thủ tục phá sản lại là một thủ tục tư pháp, là hoạt động do một cơ quan nhà nước duy nhất là Tòa án có thẩm quyền tiến hành theo những quy định chặt chẽ của pháp luật phá sản.

Thứ ba, thủ tục giải thể và thủ tục phá sản khác nhau về hậu quả.

Giải thể bao giờ cũng dẫn đến chấm dứt hoạt động và xoá tên doanh nghiệp, hợp tác xã, trong khi đó, đối với phá sản thì không phải bao giờ cũng đem đến kết quả như vậy. Khi thủ tục phá sản được mở thì không phải bao giờ cũng dẫn đến kết cục là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo quyết định của Toà án.

Thứ tư, thái độ của Nhà nước đối với chủ sở hữu hay người quản lý, điều hành cơ sở sản xuất kinh doanh trong hai trường hợp trên cũng có sự phân biệt. Chẳng hạn, pháp luật nhiều nước quy định cấm chủ sở hữu bị phá sản không được hành nghề trong một thời gian nhất định. Còn trong trường hợp giải thể, vấn đề hạn chế quyền tự do kinh doanh này không được đặt ra.

II- KHÁI QUÁT VỀ PHÁP LUẬT PHÁ SẢN

1- Khái niệm pháp luật phá sản

Pháp luật phá sản có thể hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Pháp luật phá sản là một chế định đặc thù trong luật thương mại. Tính đặc thù thể hiện ở chỗ trong chế định này vừa chứa đựng các quy phạm của pháp luật nội dung, vừa chứa đựng các quy phạm của pháp luật hình thức. Là pháp luật nội dung, pháp luật phá sản điều chỉnh các quan hệ tài sản giữa chủ nợ và con nợ. Là pháp luật hình thức, pháp luật phá sản điều chỉnh quan hệ tố tụng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với chủ nợ, con nợ và những người có liên quan, quy định quyền và nghĩa vụ tố tụng của các chủ thể, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, pháp luật phá sản điều chỉnh hai nhóm quan hệ: (i) quan hệ tài sản giữa chủ nợ - con nợ; (ii) quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(i) Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ

Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ có bản chất là quan hệ tài sản, . được hình thành trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ được coi là quan hệ pháp luật phá sản kể từ khi con nợ mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán có nghĩa là kể từ thời điểm đó pháp luật phá sản mới điều chỉnh các quan hệ đó.

Chủ thể tham gia các quan hệ tài sản này là chủ nợ và con nợ. Chủ nợ là các tổ chức, cá nhân có khoản nợ chưa được doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ thanh toán. Chủ nợ được chia ra làm ba loại: chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phàn (khoản 4, 5, 6 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014). Con nợ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Khách thể của quan hệ giữa chủ nợ và con nợ là tài sản của con nợ. Nội dung của quan hệ tài sản giữa con nợ và chủ nợ chính là những quyền và nghĩa vụ tài sản của các chủ thể đó.

(ii) Quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Khác với quan hệ tài sản giữa chủ nợ và con nợ, quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những dấu hiệu riêng của nó. về chủ thể: (i) một bên là các đương sự gồm chủ nợ, con nợ và những người có liên quan như người lao động, cổ đông CTCP... (trong trường hợp họ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản); (ii) một bên là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự.

Khách thể của quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính là quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nội dung của quan hệ này là những quyền và nghĩa vụ tố tụng của các đương sự trước Nhà nước hoặc là các hành vi tố tụng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2- Nội dung của pháp luật phá sản

Nội dung của pháp luật phá sản bị chi phối bởi nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, như cơ chế quản lý kinh tể, trình độ phát triển của thị trường, phong tục, tập quán, trình độ, năng lực lập pháp V.V.. Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của các quốc gia trong từng thời kì mà nội dung của pháp luật phá sản được xây dựng một cách phù hợp. Nội dung của pháp luật phá sản hiện hành ở Việt Nam được ghi nhận trong Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tương tự như nội dung của pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới, pháp luật phá sản Việt Nam có nội dung cơ bản như: Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản; lý do phá sản; cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản; thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản.

a) Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản

Theo Điều 2 Luật Phá sản năm 2014, đối tượng áp dụng của Luật này là: “Doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 chỉ áp dụng đối với: (i) doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014; (ii) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Trong quá trình xây dựng Luật Phá sản năm 2014, nhiều ý kiến cho rằng càn mở rộng đối tượng áp dụng của Luật này để phù hợp với khuyến nghị số 8 và 9 của Khuyến nghị Hướng dẫn xây dựng pháp luật phá sản của ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) cũng như tương thích với đối tượng áp dụng trong pháp luật phá sản của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều chủ thể kinh doanh như cá nhân kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình tuý có đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh của nhóm đối tượng này ở quy mô nhỏ, đa số chưa thực hiện tốt về chế độ kế toán, tài chính nên khi áp dụng thủ tục phá sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý, thanh lý tài sản. Mặt khác, hiện nay khi các đối tượng này mất khả năng thanh toán thì việc xử lý nợ sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Dân sự.

b) lý do phá sản

Tương đồng với pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới, pháp luật phá sản của Việt Nam xác định lý do duy nhất dẫn đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đó là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.[1]

c) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản

Theo thông lệ chung, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp là Tòa án. Tuy nhiên, do tổ chức hệ thống Tòa án và cơ quan tài phán ở mỗi nước khác nhau nên việc giao cho Tòa án nào giải quyết yêu cầu phá sản không giống nhau.

Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật Công ti năm 1990 ghi nhận thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản thuộc Trọng tài kinh tế nhà nước. Theo Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, quyền giải quyết phá sản được quy định thuộc về Tòa án, nhưng chỉ có Toà kinh tế cấp tỉnh mới có thẩm quyền giải quyết phá sản.

Hiện nay, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng như Luật Phá sản năm 2014, thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc về Tòa án nhân dân địa phương. Dựa trên các nguyên tắc: theo trụ sở chính, theo nơi đăng ký kinh doanh và theo tính chất phức tạp của vụ việc phá sản, Điều 8 Luật Phá sản năm 2014 phân định thẩm quyền giải quyết vụ phá sản giữa các cấp Tòa án nhân dân địa phương như sau:

Thứ nhất, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp: (i) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài; (ii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau; (iii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau; (iv) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

Thứ hai, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

d) Thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản

Pháp luật phá sản một số nước trên thế giới như Pháp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc đều quy định thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản gồm: thủ tục thanh lý và thủ tục tổ chức lại (phục hồi). Thủ tục này rất đa dạng và mềm dẻo. Điểm chung của các nước là tuỳ theo tình hình cụ thể của các doanh nghiệp mà áp dụng thủ tục phục hồi (cứu vãn) hoặc thủ tục thanh lý (phá sản). Trong quá trình thực hiện không cứng nhắc trong một thủ tục mà có thể chuyển từ thủ tục này sang thủ tục khác một cách linh hoạt.

Thủ tục phá sản quy định trong Luật Phá sản năm 2014 bao gồm hai thủ tục chính là thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thủ tục tuyên bố phá sản. thanh lý tài sản được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản chứ không còn là một thủ tục riêng biệt được tiến hành trước khi ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản như Luật Phá sản năm 2004. Đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ, không nhất thiết phải thực hiện lần lượt hai thủ tục này để được phá sản.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về phá sản

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18598 sec| 1126.57 kb