Kiểm sát viên và Kiểm tra viên

24/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Yến
Luật sư Nguyễn Thị Yến
Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiếm sát hoạt động tư pháp. Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của viện trưởng VKSND.

I- Kiểm sát viên

 

Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiếm sát hoạt động tư pháp.

Kiểm sát viên là một chức danh nghề nghiệp. Do vậy, việc quy định tiêu chuẩn kiểm sát viên là cần thiết. Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định cụ thể về ngạch kiểm sát viên, tiêu chuấn của kiểm sát viên, hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên VKSNDTC, hội đồng thi tuyển kiểm sát viên địa phương. So với các văn bản pháp lưật trước đây về vấn đề này, Luật tổ chức VKSND hiện hành có nhiều thay đổi nhằm hoàn thiện quy chế kiểm sát viên.

1- Ngạch kiểm sát viên

Ngạch kiểm sát viên VKSND gồm có:

  • Kiểm sát viên VKSNDTC;
  • Kiểm sát viên cao cấp;
  • Kiểm sát viên trung cấp;
  • Kiểm sát viên sơ cấp.

Điểm đáng lưu ý ở đây là: Ở VKSNDTC có thể được bố trí 04 ngạch kiểm sát viên. Ở Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng là kiểm sát viên VKSNDTC và có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp. Các viện kiểm sát khác có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.

2- Tiêu chuẩn của kiểm sát viên

(i) Tiêu chuẩn chung

Để được bổ nhiệm làm kiểm sát viên VKSND nói chung phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

  • Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;
  • Có trình độ cử nhân luật trở lên;
  • Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiếm sát;
  • Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật;
  • Có sức khoẻ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(ii) Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp:

  • Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
  • Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
  • Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
  • Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên sơ cấp (đây là tiêu chuẩn được bổ sung so với trước đây).

(iii) Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên trung cấp:

  • Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
  • Đã là kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm;
  • Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
  • Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với kiểm sát viên sơ cấp;
  • Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên trung cấp (đây là tiêu chuẩn được bổ sung so với trước đây).

Ngoài ra, trong trường họp do nhu cầu công tác cán bộ của VKSND, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiếm sát viên trung cấp nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên trung cấp.

(iv) Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp:

  • Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
  • Đã là kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm;
  • Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
  • Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với kiểm sát viên cấp dưới;
  • Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên cao cấp.

Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của VKSND, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiếm sát viên cao cấp nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên cao cấp.

(v) Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên VKSNDTC:

  • Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
  • Đã là kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm;
  • Có năng lực chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSNDTC;
  • Có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của VKSNDTC.

 

Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của VKSND, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 20 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiếm sát viên VKSNDTC nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên VKSNDTC.

(vi) Bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt: Bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng khi: Người được điều động đến để làm lãnh đạo VKSND các cấp. Tuy chưa đủ thời gian làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên và các tiêu chuẩn về năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên VKSNDTC.

3- Nhiệm kì kiếm sát viên

Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm. Trường họp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. 

4- Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thành phần của hội đồng tuyển chọn gồm: 

  • Viện trưởng VKSNDTC làm Chủ tịch.
  • Các uỷ viên: đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam.

Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn: 

  • Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm kiểm sát viên VKSNDTC theo để nghị của Uỷ ban kiểm sát VKSNDTC để trình Viện trưởng VKSNDTC trình Chủ tịch nước bổ nhiệm;
  • Xem xét những trường hợp kiểm sát viên VKSNDTC có thể được miễn nhiệm chức danh kiểm sát viên;
  • Xem xét những trường hợp kiểm sát viên VKSNDTC có thể bị cách chức chức danh kiểm sát viên.

5- Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp

Thành phần của hội đồng thi tuyển gồm:

  • Viện trưởng VKSNDTC làm Chủ tịch.
  • Các uỷ viên: một Phó viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhiệm vụ của hội đồng thi tuyển:

  • Tổ chức các kì thi tuyển kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp;
  • Công bố danh sách những người trúng tuyển;
  • Đề nghị Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm người đã trúng tuyển làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp.

II- Kiểm tra viên

Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của viện trưởng VKSND.

Các ngạch kiểm tra viên:

  • Kiểm tra viên;
  • Kiểm tra viên chính;
  • Kiếm tra viên cao cấp.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó Giam Đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giao trình Luật Hiến pháp Việt Nam - Đại Học Luật Hà Nội (2021) và một số nguồn khác) .

0 bình luận, đánh giá về Kiểm sát viên và Kiểm tra viên

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18217 sec| 978.609 kb